Hotline 24/7
08983-08983

U tuyến yên là gì, triệu chứng ra sao?

U tuyến yên (hay khối u tuyến yên) là sự phát triển bất thường của khối u tại tuyến yên, một bộ phận của não có nhiệm vụ điều hòa sự cân bằng các nội tiết tố của cơ thể. Khi khối u chèn ép cấu trúc xung quanh có thể gây đau đầu, giảm thị lực.

I. U tuyến yên là gì?

U tuyến yên là sự phát triển, tăng trưởng bất thường bên trong tuyến yên, không tiến triển ở ngoài hộp sọ. Khối u tuyến yên thường nằm trong sella turcica (vị trí nằm của tuyến yến). Khối u có thể phát triển lên trên nếu kích thước đã lớn hơn khoảng 1 cm. Lúc này, u tuyến yên có thể đè lên, tạo áp lực và chèn ép những phần lân cận của não cũng như các dây thần kinh tại đó.

Tuy nhiên, đa phần các khối u tuyến yên đều là dạng lành tính (không phải ung thư), phát triển với tốc độ chậm. Một số khối u sẽ khiến tuyến yên sản xuất ra quá nhiều hormone có nhiệm vụ kiểm soát những chức năng quan trọng trong cơ thể. Ngược lại, cũng có các khối u khiến tuyến yên sản sinh quá ít hormone. Từ đó, bệnh gây ra các triệu chứng hay biến chứng liên quan.

Khối u ở tuyến yên có thể không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nhất là trong giai đoạn sớm. Do đó, nhiều người bệnh không được chẩn đoán bệnh kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh u tuyến yên được phát hiện trong lúc bác sĩ kiểm tra hình ảnh não thông thường. Ước tính có khoảng 25% người bị u tuyến yên nhỏ mà không biết.

Trong những loại khối u nội sọ, u tuyến yên phổ biến thứ tư sau các bệnh u thần kinh đệm, u màng não, u bào sợi thần kinh. Những người từ 30 - 40 tuổi là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh u tuyến yên cao hơn. Thế nhưng căn bệnh này cũng được phát hiện ở trẻ em.

II. Có mấy loại u tuyến yên?

1. Phân biệt u tuyến yên chức năng và u tuyến yên không chức năng

U tuyến yên có thể được phân loại thông qua việc khối u có hoạt động, sản sinh thêm hormone hay không, cụ thể bao gồm:

a. U tuyến yên chức năng

Các khối u này sẽ sản xuất ra hormone. Tùy vào loại hormone mà khối u tuyến yên tạo ra sẽ dẫn đến những triệu chứng khác nhau. Hiện nay, u tuyến yên chức năng còn được chia thành nhiều loại, cụ thể gồm có:

- U tuyến corticotroph: Loại khối u này sẽ tạo ra hormone vỏ thượng thận (ACTH). Tỷ lệ gặp u tuyến corticotroph là khoảng 1/10 khối u tuyến yên.

- U tuyến somatotroph: Những khối u này sẽ tạo ra hormone tăng trưởng (GH). Tỷ lệ xuất hiện là khoảng 2/10 trường hợp có khối u tuyến yên.

- U tuyến sinh dục: Các khối u tuyến sinh dục sẽ tạo ra hormone kích thích nang trứng và hormone luteinizing. Hiếm khi một người gặp phải dạng bệnh này.

- U tuyến sữa (prolactinomas): Những khối u tuyến sữa sẽ sản sinh ra prolactin. Tỷ lệ mắc phải là khoảng 4/10 khối u tuyến yên.

- U tuyến giáp: Dạng khối u này sẽ sản xuất hormone kích thích tuyến giáp và cũng hiếm khi xảy ra.

Xem thêm: Chụp MRI tuyến yên cần lưu ý gì, chi phí thế nào?

b. U tuyến yên không chức năng

Các u tuyến yên dạng này không sản xuất ra hormone nhưng lại chèn ép những cấu trúc ở vùng lân cận (trong trường hợp kích thước khối u phát triển).

Trong số những khối u tuyến yên được chẩn đoán, tỷ lệ gặp u tuyến yên không chức năng là khoảng 3/10 trường hợp. Loại khối u này hầu hết đã phát triển lớn vào thời điểm được tìm thấy, dẫn đến một số triệu chứng liên quan do khối u tạo áp lực, đè lên những cấu trúc gần đó.

2. Phân loại khối u ở tuyến yên dựa theo kích thước

a. Microadenomas

Đây là những khối u có kích thước nhỏ hơn 1 cm, hiếm khi ảnh hưởng tiêu cực đến các mô lân cận hoặc phần còn lại của tuyến yên. Tuy nhiên, nếu microadenomas sản sinh ra bất kỳ loại hormone tuyến yên nào với lượng quá nhiều thì có thể dẫn đến một số triệu chứng. Nhiều người bị u tuyến yên dạng microadenomas nhưng chưa biết vì kích thước còn nhỏ hoặc không sản xuất đủ hormone để gây ra bất kỳ vấn đề đáng ngờ nào.

b. Macroadenomas

Macroadenomas có đường kính khoảng 1 cm hoặc lớn hơn, phổ biến gấp đôi so với microadenomas. Nếu macroadenomas đè lên những cấu trúc gần đó như dây thần kinh, các phần bình thường tại tuyến yên thì sẽ gây ra triệu chứng.

Mặt khác, khi macroadenomas sản sinh một loại hormone nhất định với lượng quá nhiều thì cũng có thể làm xuất hiện triệu chứng. Macroadenomas còn có khả năng khiến một hay nhiều loại hormone tuyến yên sản sinh ra với mức thấp hơn bình thường. Vấn đề này còn được gọi là suy tuyến yên.

III. Triệu chứng u tuyến yên

Những u tuyến yên có kích thước lớn thường xuất hiện kèm theo hiệu ứng khối. Nghĩa là khối u lớn có thể tạo ra áp lực hoặc khiến các mô lân cận bị chèn ép, gây ra một số triệu chứng của sự chèn ép, bao gồm:

1. Rối loạn chức năng quan sát

Vị trí tuyến yên nằm ở ngay hố yên, phía dưới gần với khu vực thị giác, cụ thể là 2 dây thần kinh thị giác bắt chéo. Ước tính 40 - 60% người bị u tuyến yên sẽ đối mặt với tình trạng suy giảm thị lực. Vì thế nếu kích thước u tuyến yên lớn, chúng có thể gây chèn ép những dây thần kinh thị giác này, gây ra các rối loạn trong chức năng nhìn như:

- Nhìn mờ.

- Nhìn bán manh: Nghĩa là chỉ nhìn được một phía trong hoặc ngoài.

Ngoài ra, u tuyến yên cũng có thể xâm lấn sang bên, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như: nhìn đôi, lác mắt, tê bì mặt, chèn ép dây thần kinh III, IV, V,…

Xem thêm: ACTH là gì? Khi nào cần làm xét nghiệm ACTH?

2. Tăng áp lực nội sọ

Kích thước tuyến yên tăng lên bất thường do u không chỉ chèn ép các mạch máu, khu vực xung quanh mà còn gây tăng chung áp lực nội sọ. Triệu chứng xảy ra rất điển hình bao gồm: giảm ý thức, tăng huyết áp, buồn nôn, đau đầu, thở nông, thậm chí hôn mê sâu,…

Nếu không được phát hiện và xử lý, tăng áp lực nội sọ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hôn mê kéo dài, tổn thương não vĩnh viễn,… thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.

3. Thiếu nội tiết tố

Nếu khối u tuyến yên làm mô bị tổn thương có thể dẫn đến một hoặc nhiều vấn đề thiếu hụt hormone tuyến yên. Lúc này, hoạt động của tuyến yên bị kém đi, còn gọi là suy tuyến yên. Mỗi sự thiếu hụt hormone tuyến yên sẽ gây ra những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau, cụ thể như:

- Sự thiếu hụt hormone FSH, LH sẽ làm lượng estrogen (FSH) và testosterone (LH) bị thấp, dẫn đến tình trạng thiểu năng sinh dục. Biểu hiện gồm có bốc hỏa và khô âm đạo (ở nữ giới); giảm mọc lông trên cơ thể, gương mặt, rối loạn cương dương (với nam giới); mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, tâm trạng thay đổi,…

- Sự thiếu hụt TSH sẽ làm việc sản xuất hormone tuyến giáp bị giảm xuống thấp. Tình trạng này còn được gọi là chứng suy giáp. Dấu hiệu của suy giáp gồm có giảm phản xạ, sưng tứ chi, da khô, nhịp tim chậm, táo bón, mệt mỏi,…

- Sự thiếu hụt ACTH có thể dẫn đến chứng suy thượng thận, lúc này cortisol không được sản xuất đủ. Suy thượng thận có các triệu chứng như ăn không ngon, đau bụng, nôn, buồn nôn, huyết áp thấp,…

- Sự thiếu hụt GH sẽ làm giảm việc sản xuất hormone tăng trưởng. Vấn đề này còn được gọi là thiếu hormone tăng trưởng. Tùy vào từng độ tuổi, người bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Với người lớn, khi bị thiếu GH sẽ gặp tình trạng giảm khối lượng cơ bắp và cảm thấy mệt mỏi.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X