Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh u tuyến yên sống được bao lâu?

Bệnh u tuyến yên sống được bao lâu là một câu hỏi rất được quan tâm hiện nay. Bởi khi nhắc đến việc cơ thể xuất hiện khối u đều khiến nhiều người lo lắng và sợ hãi. Trong bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin cụ thể hơn về vấn đề này.

1. U tuyến yên là gì?

U tuyến yên được hình thành do các tế bào tuyến yên phát triển nhanh chóng một cách bất thường và vượt mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào này phát triển số lượng lớn và không chết đi theo cơ chế tự nhiên. Thay vào đó, chúng tập hợp với nhau thành nhóm và hình thành nên khối u.

Khi xuất hiện khối u tuyến yên sẽ khiến chức năng của cơ quan này bị ảnh hưởng, khiến quá trình sản xuất và điều hòa các hormone trong cơ thể được cân bằng bị xáo trộn. Vì thế, u tuyến yên có thể khiến làm giảm khả năng sản sinh hoặc tăng sản sinh các hormone. Dù tăng hay giảm sản sinh các hormone đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như hoạt động của cơ thể con người.

2. Bệnh u tuyến yên sống được bao lâu?

U tuyến yên có thể xảy ra ở bất cứ ai. Theo thống kê, tỷ lệ mắc u tuyến yên ở người trưởng thành là 1:10, nghĩa là cứ 10 người trưởng thành thì sẽ có 1 người bị u tuyến yên.

Một điều đáng mừng là u tuyến yên đa phần là các khối u lành tính, tức không phải là ung thư. U tuyến yên lành tính nên phát triển chậm và theo thời gian chúng chỉ ở trong phạm vi, giới hạn của của tuyến yến mà không xâm lấn đến những mô xung quanh. Đặc biệt, càng không lây lan sang những cơ quan khác ở xa.

U tuyến yên thường có kích thước nhỏ, phát triển chậm nên không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, các triệu chứng của cơ thể khi xuất hiện u tuyến yên cũng hầu như không có. 

Vì là u lành tính nên bệnh u tuyến yên sống được bao lâu chắc chắn đã phần nào giải tỏa nỗi lo của nhiều người. Người bệnh vẫn có thể sống tốt cả đời với u tuyến yên mà không cần phải lo lắng quá nhiều.

Xem thêm: Vị trí, cấu tạo, chức năng của tuyến yên trong hệ thống nội tiết

3. Triệu chứng của u tuyến yên

U tuyến yên không phải tất cả đều gây ra triệu chứng. Triệu chứng mà u tuyến yên gây ra sẽ phụ thuộc vào tác động của loại hormone do tuyến yên sản xuất đối với những khối u hoạt động (kích thích tiết hormone). Trong khi đó, những khối u không tiết hormone (không hoạt động) sẽ gây ra triệu chứng lên phần não điều khiển.

U tuyến yên khi gây ra triệu chứng sẽ phụ thuộc nhiều vào vị trí, mức độ phát triển và kích thước của khối u. Đồng thời, còn ảnh hưởng bởi loại nội tiết tố mà khối u tiết ra. Do đó, các triệu chứng phổ biến sẽ chia thành 3 nhóm sau:

a. Rối loạn nội tiết

Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể có bình thường hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò của hormone. U tuyến yên khiến hoạt động sản xuất hormone của cơ quan này bị rối loạn, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe như:

Tăng tiết prolactin

Đây là nội tiết tố có vai trò quan trọng trong chức năng sinh sản của phụ nữ, sự tăng tiết prolactin trong bệnh u tuyến yên có thể gây các tình trạng sau: rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, mất kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa ở vú dù không mang thai hoặc không có kinh,…

Thực tế rất nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn điều trị nhiều năm nhưng không tìm ra nguyên nhân do u tuyến yên, khiến họ mất đi cơ hội làm mẹ. Với nam giới, sự tăng tiết prolactin gây ảnh hưởng nhẹ hơn, thường làm giảm ham muốn tình dục, mất hoặc giảm cương cứng, tình trạng bất lực,…

Tăng tiết Growth Hormone

Đây là hormone tăng trưởng quan trọng mà tuyến yên sản xuất cho cơ thể. Khi mắc bệnh u tuyến yên, hormone này được sản xuất nhiều hơn gây ra nhiều rối loạn phát triển như: trán dô, mặt to, đầu chi to, cằm rộng, bàn chân và ngón chân to, da thô, môi dày,… Tất cả những đặc điểm tăng trưởng bất thường này khiến khuôn mặt và cơ thể người bệnh rất đặc biệt.

Thông thường chỉ cần quan sát khuôn mặt có thể chẩn đoán bất thường này do tăng tiết hormone tăng trưởng.

Tăng tiết ACTH

Đây là nhóm hormone mà tuyến yên sản xuất bao gồm Adeno, Cortisol và Trophic hormone, tất cả gây ra hội chứng Cushing. Người mắc hội chứng này thường xuất hiện các tình trạng sau: tăng cân, cơ nhão, bụng to, tay chân nhỏ, xuất hiện vết rạn da ở đùi, tay, bụng,…

Giảm tiết các hormone khác

Tình trạng suy tuyến yên xảy ra khi u tuyến yên phát triển lớn, chèn ép lên các tế bào tuyến yên lành tính, gây ra các tình trạng như: vô sinh, bất lực, rụng lông, da khô, mệt mỏi, chậm phát triển, chậm dậy thì, ăn không ngon miệng,… 

Nguy hiểm hơn nếu u tuyến yên chảy máu, triệu chứng suy tuyến yên cấp tính xuất hiện nhanh, gây đau đầu dữ dội, nhìn mờ,… Bệnh nhân cần được cấp cứu sớm tránh chảy máu nguy hiểm đến các khu vực thần kinh khác.

b. Rối loạn chức năng quan sát

Vị trí tuyến yên nằm ở ngay hố yên, phía dưới gần với khu vực thị giác, cụ thể là 2 dây thần kinh thị giác bắt chéo. Vì thế nếu kích thước u tuyến yên lớn, chúng có thể gây chèn ép những dây thần kinh thị giác này, gây ra các rối loạn trong chức năng nhìn như:

- Nhìn mờ.

- Nhìn bán manh: Nghĩa là chỉ nhìn được một phía trong hoặc ngoài.

Ngoài ra, u tuyến yên cũng có thể xâm lấn sang bên, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như: nhìn đôi, lác mắt, tê bì mặt, chèn ép dây thần kinh III, IV, V,…

c. Tăng áp lực nội sọ

Kích thước tuyến yên tăng lên bất thường do u không chỉ chèn ép các mạch máu, khu vực xung quanh mà còn gây tăng chung áp lực nội sọ. Triệu chứng xảy ra rất điển hình bao gồm: giảm ý thức, tăng huyết áp, buồn nôn, đau đầu, thở nông, thậm chí hôn mê sâu,…

Nếu không được phát hiện và xử lý, tăng áp lực nội sọ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hôn mê kéo dài, tổn thương não vĩnh viễn,… thậm chí khiến bệnh nhân tử vong.

4. Những biến chứng nguy hiểm của u tuyến yên

Bệnh u tuyến yên sống được bao lâu đã giải đáp trên đây. Thực tế rất nhiều người bị u khối u có thể sống cả đời với khối u mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp khi u tuyến yên phát triển với kích thước lớn sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời:

- Giảm thị lực: Khi các dây thần kinh thị giác bị chèn ép bởi khối u tuyến yên sẽ khiến thị lực bị suy giảm. Tình trạng này có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt.

- Thiếu hormone vĩnh viễn: Khối u tuyến yên khiến chức năng của tuyến yên bị ảnh hưởng. Vì thế, không ít người bị thiếu hormone vĩnh viễn do sự sản xuất của tuyến yên. Do đó, họ buộc phải dùng đến suốt đời các loại thuốc thay thế hormone.

- Đe dọa đến tính mạng: Trong một số ít trường hợp khối u tuyến yên phát triển lớn khiến áp lực nội sọ tăng lên, gây xuất huyết não. Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Xem thêm: Địa chỉ khám chữa bệnh suy tuyến yên uy tín tại TPHCM

5. Điều trị u tuyến yên bằng cách nào?

U tuyến yên đa phần đều là lành tính, kích thước nhỏ và phát triển chậm. Do đó, với những người mà khối u không gây triệu chứng bất thường cho cơ thể thì chỉ cần theo dõi, thăm khám định kỳ mà không cần điều trị. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát sự tăng trưởng của khối u hoặc điều chỉnh việc sản xuất hormone.

Trong một số ít trường hợp khi khối u phát triển và kích thước lớn, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị phổ biến là:

- Phẫu thuật

- Xạ trị

- Điều trị nội khoa

Tùy từng kích thước, vị trí khối u mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Hoặc có thể kết hợp các phương pháp với nhau để gia tăng hiệu quả.

6. Phòng ngừa u tuyến yên

U tuyến yên có thể xảy ra ở bất cứ ai, ở mọi độ tuổi. Do đó, chúng ta nên thực hiện các biện pháp để phòng ngừa u tuyến yên, đảm bảo cuộc sống và sức khỏe được ổn định:

- Cung cấp thực đơn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng rau củ quả tươi để bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất.

- Hạn chế dung nạp thực phẩm chứa nhiều muối, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ…

- Nói không với thuốc lá, hạn chế rượu bia, chất kích thích.

- Đảm bảo mỗi ngày ngủ đủ 7 - 8 tiếng đồng hồ và có giấc ngủ chất lượng, không thức khuya quá 23h.

- Luôn giữ tinh thần, tâm trạng được vui vẻ, thoải mái, tránh để căng thẳng, stress.

- Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể hãy đi kiểm tra để tìm ra nguyên nhân và xử lý hiệu quả.

Hãy xây dựng chế độ chăm sóc bản thân thật tốt để phòng ngừa u tuyến yên nhằm đảm bảo có sức khỏe tốt. Nếu bạn xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy sớm đến bệnh viện để kiểm tra. Dựa trên kích thước, vị trí và ảnh hưởng của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X