Hotline 24/7
08983-08983

Chụp MRI tuyến yên cần lưu ý gì, chi phí thế nào?

Chụp cộng hưởng từ tuyến yên vừa an toàn, ít xảy ra tai biến lại giúp bác sĩ có thể quan sát một cách chi tiết, rõ nét về hình thái, cấu trúc của tuyến yên trên nhiều mặt phẳng cắt khác nhau. Dưới đây là một số thông tin về chụp MRI tuyến yên mà người bệnh có thể tham khảo.

1. Tuyến yên là gì?

Trong các tuyến nội tiết của cơ thể, tuyến yên (tuyến não thùy) được coi là tuyến đầu đàn và có vai trò vô cùng quan trọng, chi phối mọi hoạt động của các tuyến nội tiết khác. Tuyến yên có kích thước khoảng 1cm, khối lượng khoảng 0,5g nằm trong hố yên của xương bướm thuộc nền sọ, chia thành 2 thùy là thùy trước và thùy sau. Thùy trước có chức năng bài tiết các hormone tuyến yên và thùy sau có nhiệm vụ lưu trữ, bài tiết các hormon do vùng dưới đồi tiết ra.

a. Hormone thùy trước tuyến yên

- GH: Giúp kích thích tăng trưởng, phát triển về thể chất, đây là hormone điều chỉnh tăng trưởng hầu hết các cơ quan trong cơ thể.

- FSH: Có tác dụng điều tiết estrogen để kích thích nang trứng phát triển ở nữ giới và cũng góp phần quan trọng trong quá trình tạo tinh trùng ở nam giới.

- TSH: Kích thích tuyến giáp tiết hormone (T3, T4), các hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.

- Hormone vỏ thượng thận ACTH: Kích thích tuyến thượng thận giải phóng cortisol và một số loại hormone. Cortisol có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp.

- Prolactin: Kích thích và bài tiết sữa ở nữ giới.

- LH: Kích thích rụng trứng ở nữ giới và sản xuất testosterone ở nam giới.

b. Hormone thùy sau tuyến yên

- Vasopressin: Giúp tăng khả năng hấp thụ nước ở ống lượn xa và ống góp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo nhạt.

- Oxytoxin: Khi mang thai đến giai đoạn sinh đẻ, hormone này giúp tăng co bóp tử cung và đẩy thai nhi ra ngoài.

Xem thêm: Tìm hiểu sâu về chẩn đoán suy thùy trước tuyến yên

2. Khi nào cần chụp MRI tuyến yên?

Tuyến yên khi có bệnh lý sẽ bị rối loạn tăng hoặc giảm tiết các hormone nội tiết dẫn đến các triệu chứng lâm sàng rất rõ rệt. Các bác sĩ sẽ dựa vào lâm sàng và các chỉ số xét nghiệm máu để đưa ra chỉ định chụp cộng hưởng từ tuyến yên. Bệnh nhân cần chụp MRI tuyến yên trong các trường hợp:

- Tăng tiết hoặc giảm tiết các hormone tuyến yên (Prolactin, GH, FSH, ACTH).

- Người bệnh có các triệu chứng bất thường về thị giác như nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, suy giảm thị lực.

- Bất thường về chiều cao hoặc sự tăng trưởng như quá cao hoặc thấp lùn.

- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới: vô kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.

- Giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ giới.

- Bệnh nhân bị vô sinh mà không tìm được nguyên nhân tại cơ quan sinh dục.

- Bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu không đặc hiệu.

- Theo dõi và đánh giá sau chẩn đoán và điều trị u tuyến yên.

- Tăng cân nhanh, béo phì.

- Bệnh nhân có triệu chứng hạ đường huyết đột ngột tái phát nhiều lần.

3. Chụp MRI tuyến yên giúp phát hiện bệnh lý gì?

Chụp cộng hưởng từ tuyến yên là kỹ thuật dùng sóng điện từ khảo sát cấu trúc, hình thái tuyến yên một cách rõ nét, chi tiết bằng các mặt cắt theo nhiều hướng khác nhau. Đây là phương pháp an toàn, hiện đại và giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến yên. Chụp MRI tuyến yên sẽ giúp người bệnh chẩn đoán các bệnh lý sau:

a. U tuyến yên

Đây là bệnh lý thường gặp nhất ở tuyến yên, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng như suy giảm thị lực, buồn nôn, đau đầu, rối loạn khứu giác.

U tuyến yên thường là khối u dạng lành tính (không phải ung thư) xuất hiện ở tuyến yên. Ước tính u tuyến yên chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng số khối u có thể phát triển bên trong hộp sọ. Loại u này thường phát triển với tốc độ chậm.

Tuy nhiên, nếu khối u có kích thước lớn sẽ khiến các cấu trúc lân cận bị ảnh hưởng, dẫn đến một số triệu chứng. Cụ thể như dây thần kinh thị giác sẽ bị chèn ép, gây ra chứng rối loạn thị lực (còn gọi là mất thị lực ngoại vi). Tình trạng chảy máu trong cũng có thể xuất hiện ở khối u tuyến yên lớn nhưng ít gặp hơn. 

Một vài u tuyến yên có thể giải phóng hormone tuyến yên dư thừa, còn được gọi là u tuyến chức năng (tiết). Bên cạnh đó cũng có các u tuyến yên không hoạt động. Loại u này sẽ không giải phóng hormone. 

Có một vài loại u tuyến yên hoạt động khác nhau, phụ thuộc vào loại hormone mà chúng tiết ra. Prolactinoma là u tuyến hoạt động phổ biến nhất, có thể giải phóng prolactin dư thừa. Bác sĩ thường chữa trị prolactinoma bằng thuốc. Những khối u tuyến yên giải phóng hormone hoặc phát triển quá lớn cần được can thiệp, điều trị. Phương pháp điều trị phổ biến là thực hiện phẫu thuật. 

Cộng hưởng từ giúp đánh giá một cách rõ nét, chi tiết về cấu trúc, hình thái và tính chất ngấm thuốc của khối u. Những khối u có kích thước nhỏ hơn 10mm được gọi là microadenoma và ngược lại, khi kích thước lớn hơn 10mm được gọi là macroadenoma.

b. Nang tuyến yên

Thường được phát hiện tình cờ, có tính chất lành tính, bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng rõ rệt khi kích thước của nang lớn hơn 10mm và có đè đẩy các cơ quan xung quanh.

c. Trống tuyến yên

Không quan sát thấy nhu mô tuyến yên nằm trong hố yên mà có thể nằm sát vào thành hố yên gây khó quan sát, bệnh nhân mắc hội chứng này thì chức năng tuyến yên vẫn bình thường, đa số là do bẩm sinh, chỉ có một số ít trường hợp do mắc phải (sau phẫu thuật, chấn thương sọ não, xạ trị).

Ngoài ra, khi chụp MRI tuyến yên còn phát hiện được một số bệnh khác như nang khe Rathke, u sọ hầu, u màng não.

Xem thêm: Bệnh u tuyến yên sống được bao lâu?

4. Quy trình thực hiện chụp MRI tuyến yên như thế nào?

Trước khi vào phòng chụp, người bệnh cần tháo bỏ toàn bộ các vật dụng bằng kim loại (điện thoại, đồng hồ, thắt lưng da, thẻ ATM, dây chuyền,…) và lắng nghe thật kỹ hướng dẫn của kỹ thuật viên chụp. Cần chú ý các trường hợp có cấy ghép kim loại, máy trợ thính, máy tạo nhịp tim, mảnh đạn tại các vùng nguy hiểm thì không nên chụp cộng hưởng từ.

Chụp MRI tuyến yên là kỹ thuật cần tiêm thuốc đối quang từ (thuốc cản quang) nên bệnh nhân sẽ được bác sĩ cấp cứu tư vấn, khai thác các yếu tố, tiền sử dị ứng để giảm thiểu nguy cơ sốc phản vệ và chuẩn bị đề phòng khi có tai biến xảy ra.

Trong quá trình chụp, người bệnh cần nằm im, tránh các cử động tại vùng cần chụp gây rung mờ, nhiễu ảnh. Do máy chụp MRI phát ra tiếng ồn khá lớn, thời gian chụp lâu (15 - 20 phút) nên bệnh nhân sẽ được đeo tai nghe để giảm bớt tiếng ồn và nghe nhạc. Trong phòng chụp, khi cảm thấy có bất cứ điều gì bất thường cần báo ngay cho kỹ thuật chụp, đặc biệt là trong quá trình tiêm thuốc đối quang từ.

Kết thúc chụp, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn xuống phòng cấp cứu nằm nghỉ theo dõi sau tiêm thuốc và chờ đợi kết quả. Kết quả thường sẽ có sau 20 - 30 phút từ khi kết thúc quá trình chụp và được chuyển trực tiếp đến tay người bệnh.

5. Giá chụp MRI tuyến yên như thế nào?

Giá chụp cộng hưởng từ tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau sẽ có các mức giá chênh lệch khác nhau. Ở các cơ sở công lập mức giá sẽ dao động từ 1.800.000 - 2.000.000 đồng/lần chụp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X