Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị và phòng ngừa u tuyến yên thế nào?

U tuyến yên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số thông tin để phòng ngừa và điều trị u tuyến yên.

1. Nguyên nhân u tuyến yên

Hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của u tuyến yên, chỉ có rất ít trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên do di truyền trong gia đình có người bị bệnh khổng lồ.

U tuyến yên có nguy hiểm với sức khoẻ của con người và đặc biệt nguy hiểm hơn khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.

2. Biến chứng u tuyến yên

Nếu không được chữa trị đúng cách, kịp thời, một vài loại u tuyến yên - chủ yếu là u tuyến chức năng (tiết) và u tuyến thượng thận có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nặng nề. Những biến chứng mà người bệnh gặp phải chủ yếu phụ thuộc vào loại hormone được u tuyến yên tiết ra. Dưới đây là một số biến chứng mà người bệnh u tuyến yên có thể gặp phải:

a. Apoplexy tuyến yên

Trong các biến chứng của u tuyến yên không được điều trị, apoplexy tuyến yên là hệ lụy hiếm gặp. Apoplexy tuyến yên thường được gây ra bởi hiện tượng chảy máu ở trong tuyến yên. Khi khối u to ra đột ngột, tuyến yên sẽ bị tổn thương. Lúc này, khối u có thể ngăn cản quá trình cung cấp máu cho tuyến yên hoặc dẫn đến tình trạng chảy máu vào tuyến yên. Kích thước của u tuyến yên càng lớn thì nguy cơ bị apoplexy tuyến yên càng cao.

b. Suy tuyến yên

Đặc điểm bệnh suy tuyến yên tiến triển khá âm thầm, triệu chứng mờ nhạt và dễ nhầm lẫn. Hầu hết bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn sớm và phát triển, chỉ đến khi suy tuyến yên ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan mới thấy rõ. 

Tùy vào mức độ suy tuyến yên cũng như cơ quan bị ảnh hưởng mà người bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau, thường gặp như:

- Triệu chứng do giảm chuyển hóa: Suy tuyến yên làm giảm hormone kích thích tuyến giáp - tuyến sản sinh ra hormone chính tham gia vào quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Vì thế, bệnh nhân suy tuyến yên có thể có triệu chứng giảm chuyển hóa như: táo bón, cơ thể yếu, hay mệt mỏi, thường xuyên bị đầy hơi, tăng cân,…

- Triệu chứng ở tinh hoàn: Triệu chứng suy tuyến yên ở cơ quan sinh sản khá thường gặp, rối loạn chức năng tinh hoàn do thiếu hụt hormone điều hòa từ tuyến yên sẽ gây các vấn đề về sản xuất và chất lượng tinh trùng, khả năng cương dương,…

- Triệu chứng ở buồng trứng: Buồng trứng là nơi sản xuất, nuôi dưỡng và tích trữ trứng đảm bảo cho chức năng sinh sản của nữ giới. Bệnh suy tuyến yên sẽ làm giảm hoạt động của buồng trứng, giảm hormone sinh dục và từ đó gây ra các triệu chứng như: khô âm đạo, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đau khi giao hợp, giảm ham muốn tình dục,…

- Triệu chứng ở tuyến thượng thận: Hormone tuyến yên sản xuất có vai trò điều hòa hoạt động của tuyến thượng thận, vì thế suy tuyến yên cũng gây triệu chứng cho tuyến thượng thận này. Cụ thể, bệnh nhân có những triệu chứng như: chóng mặt khi đứng, yếu người, cảm thấy mệt mỏi, đau vùng eo, dạ dày,…

Ở trẻ nhỏ, suy tuyến yên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của cơ thể cũng như hoạt động của nhiều cơ quan liên quan. Triệu chứng bệnh và biến chứng cũng thường nặng nề hơn so với người lớn nên phát hiện bệnh sớm để điều trị và vô cùng quan trọng. Cụ thể, trẻ nhỏ bị suy tuyến yên sẽ gặp các triệu chứng sau:

- Vàng da, vàng mắt ở trẻ sơ sinh.

- Đường huyết thấp.

- Dương vật nhỏ ở trẻ sơ sinh nam, đến tuổi dậy thì suy tuyến yên sẽ làm giảm phát triển kích thước dương vật.

- Chán ăn, sụt cân.

- Chậm đến tuổi dậy thì hoặc không đến.

- Thường xuyên bị đau đầu dữ dội, giảm thị lực hoặc mắt nhìn đôi.

- Mặt sưng do tích nước.

- Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.

- Người thấp.

Triệu chứng suy tuyến yên xuất hiện cho thấy sự thiếu hụt hormone nghiêm trọng, lúc này cần sớm đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Xem thêm: U tuyến yên là gì, triệu chứng ra sao?

c. Co giật

Người bệnh có thể bị co giật nếu khối u tuyến yên đè lên thùy thái dương giữa. Tình trạng này còn được gọi là co giật khu trú với nhận thức suy giảm. Các cơn co giật kể trên cũng liên quan đến sự thay đổi hay mất nhận thức hoặc ý thức. Người bệnh có thể vẫn tỉnh táo khi gặp cơn co giật nhưng sẽ nhìn chằm chằm vào khoảng không và cũng không phản ứng với môi trường xung quanh một cách bình thường. Người bệnh cũng có khả năng sẽ không nhớ về cơn động kinh sau khi đã xảy ra.

d. Nồng độ hormone thấp vĩnh viễn

Khối u tuyến yên có thể làm thay đổi nguồn cung cấp hormone vĩnh viễn. Lúc này, trong suốt quãng đời còn lại, bạn có thể cần áp dụng liệu pháp thay thế hormone.

3. Cách chẩn đoán u tuyến yên

Các khối u tuyến yên có thể không được phát hiện sớm. Vì triệu chứng u tuyến yên thường tương tự như biểu hiện của các căn bệnh khác. U tuyến yên cũng có tốc độ phát triển rất chậm.

Mặt khác, loại u tuyến yên nhỏ không hoạt động thường không tạo ra dấu hiệu đáng ngờ. Nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh thông qua phương pháp kiểm tra hình ảnh, ví dụ như CT, chụp cộng hưởng từ MRI sọ não,… được thực hiện trong quá trình thăm khám sức khỏe.

Để nhận biết, chẩn đoán khối u ở tuyến yên, bác sĩ có thể sẽ trao đổi về tiền sử bệnh lý của gia đình và cá nhân, chỉ định khám sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần làm một số hình thức xét nghiệm để phát hiện ra khối u tuyến yên như:

a. Xét nghiệm máu

Thông qua việc xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ biết cơ thể người bệnh có quá ít hay quá nhiều một số loại hormone nhất định. Với một số loại kích thích tố như cortisol, nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy xuất hiện lượng quá nhiều, người bệnh có thể cần làm thêm những phương pháp xét nghiệm khác để bác sĩ theo dõi, chẩn đoán chính xác. Các kỹ thuật xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ nhận biết kết quả trước đó là do bệnh u tuyến yên hay đến từ vấn đề sức khỏe khác.

Trường hợp bác sĩ thấy lượng hormone đang ở mức quá thấp sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm xét nghiệm khác để theo dõi, thông thường là áp dụng cách kiểm tra hình ảnh. Lúc này, bác sĩ sẽ biết liệu kết quả xét nghiệm đó có phải là do bệnh u tuyến yên gây ra hay không.

b. Xét nghiệm nước tiểu

Hình thức xét nghiệm này có thể được ứng dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng u tuyến yên tạo ra quá nhiều hormone ACTH. Từ đó cũng làm cơ thể có quá nhiều cortisol, dẫn đến bệnh cushing.

c. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Đây là phương pháp xét nghiệm dùng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô, cơ quan trong cơ thể. Thông qua kết quả chụp cộng hưởng từ não, bác sĩ có thể phát hiện sự hiện diện, kích thước, vị trí của u tuyến yên.

d. Chụp CT

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp xét nghiệm hình ảnh kết hợp một loạt tia X, qua đó có thể tạo ra hình ảnh cắt ngang. So với CT, quét MRI được bác sĩ dùng thường xuyên để chẩn đoán, phát hiện khối u tuyến yên. Thế nhưng chụp CT có thể sẽ giúp ích cho việc lên kế hoạch làm phẫu thuật nếu bác sĩ chỉ định người bệnh cắt bỏ khối u tuyến yên.

e. Kiểm tra thị lực

Thị lực có thể chịu ảnh hưởng từ u tuyến yên, đặc biệt là thị lực ngoại vi. Thông qua việc kiểm tra khả năng nhìn của mắt, bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có cần làm một số xét nghiệm khác để phát hiện khối u ở tuyến yên hay không.

Xem thêm: Top các địa chỉ khám suy tuyến yên uy tín tại Hà Nội

4. Cách điều trị u tuyến yên

Bác sĩ sẽ chọn phương pháp chữa trị tốt và phù hợp với từng trường hợp cụ thể sau khi xem xét một số yếu tố, cụ thể bao gồm:

- Tuổi tác.

- Tình trạng sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh lý.

- Xem xét bệnh đang diễn ra như thế nào.

- Người bệnh có thể dùng một số loại thuốc, liệu pháp, phương pháp chữa trị tốt như thế nào.

- Dự kiến sẽ điều trị kéo dài trong bao lâu.

- Sở thích hoặc ý kiến của người bệnh.

- Các cách điều trị có thể được áp dụng bao gồm:

- Phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

- Liệu pháp chùm tia bên ngoài (bức xạ bên ngoài).

- Phẫu thuật phóng xạ lập thể (phẫu thuật phóng xạ) hoặc chữa trị bằng dao gamma.

- Sử dụng thuốc.

5. Cách phòng ngừa bệnh u tuyến yên

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh u tuyến yên, mỗi người cần áp dụng một số phương pháp dưới đây:

- Áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tiêu thụ nhiều rau củ quả.

- Hạn chế dùng thuốc lá, bia, rượu, chất kích thích.

- Ngủ đủ giấc.

- Luyện tập thể dục đều đặn.

- Tránh stress và luôn giữ cho bản thân tinh thần thoải mái.

- Làm xét nghiệm di truyền nếu cha/mẹ hoặc anh/chị/em bị u tuyến yên, giúp phát hiện, sàng lọc bệnh u tuyến yên ở giai đoạn đầu.

- Thăm khám sức khỏe thần kinh định kỳ để phòng ngừa u tuyến yên.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X