Hotline 24/7
08983-08983

U tuyến yên gây có vô sinh không và phương pháp điều trị ra sao?

Khối u trong tuyến yên có thể là lành tính hoặc ác tính tùy vào tính chất của tế bào trong khối u, tuy nhiên đều gây ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của cơ quan này. Tùy từng bệnh nhân mà u tuyến yên tạo ra quá nhiều hoặc quá ít hormone gây ảnh hưởng đến các chức năng trong cơ thể.

1. U tuyến yên là bệnh gì?

Tuyến yên là một tuyến nội tiết quan trọng, có kích thước nhỏ chỉ bằng hạt đậu, nằm ngay ở đáy não. Tuyến yên có chức năng điều hòa quá trình bài tiết của các hormone như tuyến giáp, tuyến thượng thận,...

U tuyến yên là sự tăng trưởng bất thường không kiểm soát được của các tế bào, sau đó dần hình thành các khối u. Khối u chính là nguyên nhân kích thích sản xuất dư thừa quá mức các loại hormone. Nếu kích thước khối u quá lớn sẽ làm chèn ép và phá hủy các tế bào lân cận, dẫn tới các tế bào sản xuất hormone bị suy yếu, làm thay đổi chức năng của tuyến nội tiết này.

Những triệu chứng xuất hiện thường phụ thuộc vào kích thước của khối u. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Rối loạn nội tiết tố: Nữ giới thường rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh, núm vú tiết sữa mặc dù không trong quá trình mang thai,... Nam giới giảm cương dương, suy giảm ham muốn, xuất tinh sớm và khó khăn trong chuyện quan hệ tình dục,...

- Rối loạn liên quan đến thị giác: Khi kích thước khối u phát triển quá to sẽ khiến chúng xâm lấn, chèn ép lên tế bào thần kinh của não bộ. Dẫn tới rối loạn thị giác và giảm thị lực. Người bệnh sẽ có biểu hiện chỉ nhìn được một bên, không thể nhìn những vật ở quá xa, hình ảnh mở, mỏi mắt và đau nhức nếu cố gắng quan sát,...

2. Triệu chứng của u tuyến yên

Hầu hết các trường hợp u tuyến yên gây tăng hoạt động quá mức của cơ quan này, dẫn đến sản xuất dư thừa nhiều loại hormone tuyến yên.

Từng loại hormone tuyến yên dư thừa sẽ gây ra triệu chứng đặc trưng riêng, cụ thể như:

a. Tăng tiết hormone tăng trưởng

Dạng khối u tuyến yên làm cơ thể sản xuất quá mức hormone tăng trưởng, dẫn đến tình trạng đau đầu, yếu cơ, mặt bì, đau nhức khớp, ra nhiều mồ hôi,..

b. Tăng tiết hormone tuyến giáp

Dư thừa hormone kích thích tuyến giáp cũng khiến tuyến nội tiết này hoạt động sản xuất nhiều Thyroxine hơn, gây ra bệnh cường giáp. Quá trình chuyển hóa của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, triệu chứng gặp phải như: sụt cân nhanh, giảm khả năng vận động, thường xuyên đau nhức cơ bắp, căng thẳng, stress, khó tập trung,…

Xem thêm: U tuyến yên là gì, triệu chứng ra sao?

c. Tăng tiết hormone vỏ thượng thận

Khối u tuyến yên làm tăng sản sinh hormone tuyến thượng thận ACTH sẽ kích thích gián tiếp làm tăng hormone cortisol, gây ra hội chứng Cushing.

Cũng có trường hợp u tuyến yên gây suy giảm hoặc mất chức năng sản xuất hormone, dẫn tới suy tuyến yên. Triệu chứng gặp phải lúc này bao gồm: suy nhược cơ thể, buồn nôn và nôn mửa thường xuyên, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt, khả năng chịu lạnh kém, rối loạn chức năng tình dục,…

Như vậy, u tuyến yên có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khác nhau đến các cơ quan nói riêng và sức khỏe nói chung. Cần chẩn đoán xác định loại u tuyến yên và mức độ ảnh hưởng, từ đó điều trị bệnh hiệu quả.

3. U tuyến yên có gây vô sinh?

U tuyến yên có thể gây vô sinh khi u này tiết ra hormone Prolactin, dẫn đến tình trạng giảm lượng hormone sinh dục. Tùy vào mức độ Prolactin trong máu mà bệnh nhân sẽ gặp ảnh hưởng khác nhau, ở nữ giới là thiếu hụt estrogen còn ở nam giới là thiếu hụt testosterone.

a. U tuyến yên gây vô sinh ở nữ giới?

Không những giảm sản xuất hormone estrogen sinh dục nữ, Prolactin cao do u tuyến yên sản xuất ra còn ngăn cản sự rụng trứng. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ có thể bị rối loạn hoặc ngừng kinh hoàn toàn. Khi trứng không chín rụng, tinh trùng không thể gặp trứng và thụ thai, vì thế nữ giới sẽ bị vô sinh.

U tuyến yên có gây vô sinh ở nữ giới hay không còn phụ thuộc vào nồng độ Prolactin trong máu cao ở mức nào. Nếu Prolactin do u tuyến yên sản xuất ở mức độ nhẹ, phụ nữ vẫn có thể có kinh nguyệt như bình thường, vẫn xảy ra sự rụng trứng. Tuy nhiên, thiếu hụt hormone progesterone sau rụng trứng do u tuyến yên cũng cản trở quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng sau thụ tinh, vì thế cũng dẫn đến vô sinh.

b. U tuyến yên gây vô sinh ở nam giới?

Nhiều người cho rằng u tuyến yên chỉ gặp ở nữ giới, song nam giới cũng có nguy cơ mắc bệnh và bị ảnh hưởng. Khối u tuyến yên làm tăng tiết prolactin sẽ gây ra tình trạng thiểu năng sinh dục nam: giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn cương dương,…

Những ảnh hưởng này ở mức độ nặng sẽ gây vô sinh, hiếm muộn. Mức độ nhẹ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và chức năng tình dục ở nam giới.

Như vậy, không phải tất cả các trường hợp u tuyến yên đều gây vô sinh, cần chẩn đoán xác định khối u có sản xuất Prolactin hay không, nếu có thì sản xuất ở mức độ nào. Xét nghiệm nồng độ Prolactin ở người bị u tuyến yên sẽ đánh giá được sự ảnh hưởng của khối u đến chức năng sinh sản người bệnh.

Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa u tuyến yên thế nào?

4. Điều trị u tuyến yên thế nào?

U tuyến yên thường có thể điều trị được, bệnh nhân nên sớm đến cơ sở chuyên khoa để khám. Mục tiêu điều trị đầu tiên là đưa hàm lượng hormone tuyến yên và các tuyến liên quan trở về mức bình thường, từ đó triệu chứng bệnh được cải thiện và tránh các biến chứng sau này. Đặc biệt nếu u tuyến yên gây tăng Prolactin, phải điều trị ngay để ngăn chặn gây vô sinh.

Với trường hợp u tuyến yên gây tăng Prolactin, có những cách điều trị ngăn ngừa vô sinh sau:

a. Điều trị nội khoa

Hiện nay chủ yếu vẫn điều trị với Dopamin agonist, chất này khi đưa vào cơ thể sẽ kết hợp với thụ thể của Dopamin, gây ức chế tuyến yên tiết hormone Prolactin. Thuốc này đạt hiệu quả cao với các trường hợp tăng Prolactin máu bất thường.

Khoảng 80% bệnh nhân tăng prolactin máu bị vô kinh, tiết sữa bất thường có thể phục hồi chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian có kinh lại là 5 - 7 tuần, ngừng tiết sữa hoàn toàn chiếm 50 - 60% với thời gian trung bình là 12, 7 tuần. Tuy nhiên, việc điều trị cần dựa vào pháp đồ của các bác sĩ chuyên khoa.

b. Điều trị ngoại khoa

Với khối u nằm trong tuyến yên, trong trường hợp cần thiết sẽ phải phẫu thuật nội soi tuyến yên xuyên xương bướm để lấy khối u nhỏ. Đây là phương pháp phẫu thuật khó, chỉ có thể lấy khối u kích thước nhỏ đảm bảo an toàn qua xương bướm. Rất khó để phẫu thuật loại bỏ khối u hoàn toàn.

Nếu phẫu thuật thành công, khả năng phục hồi chu kỳ kinh nguyệt đạt khoảng 70% nếu khối u nhỏ hơn 10mm, đạt chỉ 30% nếu khối u lớn hơn 10mm. Nếu có tổn thương vùng hạ đồi, tỉ lệ tái phát cao.

U tuyến yên là một trong 4 loại u não hay gặp nhất (chiếm khoảng 20%). Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 30 - 50 tuổi. Khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến khối u tuyến yên, bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm nội tiết về u tuyến yên để phát hiện và điều trị kịp thời ngăn chặn biến chứng u tuyến yên gây vô sinh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X