Hotline 24/7
08983-08983

Tìm hiểu về phẫu thuật u tuyến yên

Phẫu thuật u tuyến yên gồm những gì, thực hiện ra sao? Phẫu thuật u tuyến yên có nguy hiểm không? Là những thắc mắc thường gặp ở bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.

1. Phẫu thuật u tuyến yên được thực hiện ra sao?

Phương pháp phẫu thuật u tuyến yên có thể được bác sĩ chỉ định nếu nhận thấy:

- Dây thần kinh thị giác đang bị chèn ép bởi khối u, khiến thị lực của người bệnh bị hạn chế.

- Khối u tuyến yên dẫn đến một số biểu hiện, triệu chứng nặng khác, ví dụ như đau đầu, yếu liệt cơ thể…

- Làm nồng độ hormone trong cơ thể bị giảm hoặc gia tăng quá nhiều.

Kết quả sau khi mổ u tuyến yên còn phụ thuộc vào loại, vị trí, kích thước và hiện trạng phát triển sang các mô xung quanh của khối u. Hiện đang có 3 phương pháp phẫu thuật u tuyến yên được sử dụng phổ biến, bao gồm:

a. Phẫu thuật nội soi xuyên qua mũi

Phương pháp phẫu thuật này còn được gọi là adenomectomy. Đây là kỹ thuật khá phổ biến để loại bỏ khối u nhỏ tại tuyến yên. Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện thao tác loại bỏ u tuyến yên thông qua xoang và mũi. Ca mổ có thể cần sự hợp tác của bác sĩ phẫu thuật mũi - xoang và bác sĩ thần kinh.

Hình thức phẫu thuật u tuyến yên nội soi xuyên qua mũi thường không để lại vết mổ (vết cắt bên ngoài). Cách mổ này cũng không tác động đến những phần khác trong não. Người bệnh cũng ít đau, sớm hồi phục hơn so với phương pháp mổ truyền thống. Người bệnh thậm chí có thể xạ trị ngay lập tức (nếu cần) mà không cần đợi vết mổ lành trở lại.

Tuy nhiên, biện pháp này khó loại bỏ các khối u có kích thước lớn. Vấn đề này đặc biệt dễ xảy ra trong trường hợp khối u đã lan sang các mạch máu, dây thần kinh hoặc những phần khác của não bộ.

b. Phẫu thuật nội soi xuyên sọ

Phẫu thuật nội soi xuyên sọ còn được gọi là craniotomy. Phương pháp này thường ít được dùng hơn so với cách phẫu thuật nội soi xuyên qua mũi để loại bỏ khối u tại tuyến yên. Thông qua quá trình mổ nội soi xuyên sọ, bác sĩ có thể dễ dàng tiếp cận cũng như loại bỏ các khối u tuyến yên lớn hoặc đã lan sang những mô não, dây thần kinh gần đó.

Ngoài ra, bác sĩ cũng dễ dàng quan sát được phạm vi của khối u và những phần não ở xung quanh. Khi tiến hành làm phẫu thuật xuyên sọ, bác sĩ sẽ thực hiện thao tác cắt bỏ khối u thông qua vết cắt ở da dầu tại phần trên của hộp sọ.

c. Phẫu thuật mở hộp sọ

Phẫu thuật u tuyến yên mở hộp sọ thường được áp dụng trong trường hợp khối u tuyến yên phức tạp hoặc có kích thước lớn. Bởi nó có thể giúp bác sĩ tiếp cận, quan sát khối u, mạch máu và dây thần kinh một cách thuận lợi. Bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật này thông qua một lỗ mở hộp sọ ở phía trước của hộp sọ và lệch sang một bên. Để tiếp cận được khối u, bác sĩ phải thao tác cẩn thận ở giữa, bên dưới các thùy não.

Xem thêm: Phẫu thuật u tuyến yên được chỉ định và chống chỉ định khi nào?

2. Phẫu thuật u tuyến yên có nguy hiểm không?

Một số biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, phản ứng với thuốc mê có thể xuất hiện trong hoặc sau khi thực hiện bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào. Mặc dù các biến chứng trên khá hiếm gặp.

Phẫu thuật u tuyến yên được tiến hành trong một phạm vi rất nhỏ, do tuyến yên nằm gần các cấu trúc quan trọng. Để hạn chế các vấn đề bất thường, bác sĩ phải thao tác cẩn thận với sự hỗ trợ tích cực của các thiết bị, máy móc hiện đại.

Nếu mổ u tuyến yên gây tổn thương cho bản thân tuyến yên hay các bộ phận xung quanh có thể dẫn đến những di chứng như xuất huyết đột ngột, thiếu máu nuôi gây suy tuyến yên toàn bộ - đột quỵ tuyến yên, phải mổ cấp cứu.

Đa phần người bệnh mổ nội soi u tuyến yên xuyên qua mũi sẽ bị nghẹt mũi, đau đầu do xoang, tình trạng này kéo dài khoảng 1 - 2 tuần sau khi cuộc phẫu thuật hoàn tất. Vì để tiếp cận đến tuyến yên, bác sĩ cần tạo ra con đường tạm thời giữa các xoang mũi, não và đường thở.

Một số ít người bệnh có thể bị viêm màng não. Nếu màng não bị tổn thương thì có thể kéo theo tình trạng rò rỉ dịch não tủy chảy ra khỏi mũi. Nguy cơ xuất hiện vấn đề trên còn phụ thuộc vào loại và kích thước của khối u.

Bệnh đái tháo nhạt (bệnh tiểu đường insipidus)có thể xảy ra ngay sau khi làm phẫu thuật u tuyến yên. Nguyên do là vì tuyến yên không giải phóng đủ lượng vasopressin. Nếu những bộ phận khác của tuyến yên bị tổn thương thì có thể dẫn đến các triệu chứng do thiếu hormone tuyến yên. Ở các cuộc phẫu thuật khối u tuyến yên nhỏ, vấn đề kể trên hiếm khi xuất hiện.

Bệnh tiểu đường insipidus xảy ra khi hormone điều chỉnh cân bằng nước bị ảnh hưởng gây ra khát và tiểu quá nhiều. Bác sĩ sẽ kê toa liệu pháp thay thế hormone, nếu bệnh nhân không ổn định sau một vài ngày.

Ngoài ra, phương pháp mổ nội soi u tuyến yên có thể dẫn đến chảy máu cam, xuất huyết nội sọ, tổn thương động mạch cảnh,… Với hình thức phẫu thuật u tuyến yên mở hộp sọ thì có thể gây ra tác dụng phụ giãn não thất, suy thượng thận,…

Tuy vậy, các hệ lụy có thể gặp phải khi mổ u tuyến yên nói trên có thể được kiểm soát tốt và hết sau một thời gian, hoặc so với lợi ích của việc phẫu thuật loại bỏ khối u thì chúng không đáng kể. Do đó, người bệnh không nên lo lắng nhiều.

Xem thêm: U tuyến yên gây có vô sinh không và phương pháp điều trị ra sao?

3. Chăm sóc và theo dõi sau mổ u tuyến yên

Sau khi mổ u tuyến yên, người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức để kiểm tra tri giác, theo dõi những dấu hiệu sinh tồn cho đến lúc hoàn toàn tỉnh lại. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến phòng riêng để tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe.

Khi đã phẫu thuật u tuyến yên xong, bác sĩ sẽ tiếp tục quan sát, đánh giá thể trạng của người bệnh. Lúc này, xét nghiệm hormone và chụp MRI là những phương pháp thường được chỉ định.

Nếu khối u sản sinh ra quá nhiều hormone thì người bệnh sẽ được làm xét nghiệm đánh giá mức độ thành công sau khi chữa trị. Bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để cải thiện nồng độ hormone đang bị thấp sau phẫu thuật.

Một số hình thức xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ biết phần tuyến yên còn lại có đang hoạt động bình thường hay không. Ngay cả khi nhận kết quả bình thường vẫn nên đến gặp bác sĩ thăm khám để kiểm tra xem nồng độ hormone thay đổi ra sao theo thời gian. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm thêm một cuộc phẫu thuật khác nếu khối u có dấu hiệu quay trở lại.

Người bệnh sẽ được xuất viện nếu tình trạng sức khỏe cải thiện, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Thời gian lưu viện sau phẫu thuật u tuyến yên tùy thuộc vào phương pháp mổ và mức độ khối u.

Người bệnh không nên làm việc quá sức sau khi xuất viện, tránh tự điều khiển phương tiện giao thông theo tư vấn của bác sĩ để đợi sức khỏe hồi phục. Đồng thời nên đến gặp bác sĩ thăm khám định kỳ, giữ cho vết mổ luôn khô thoáng, sạch sẽ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X