7 biến chứng có thể mắc phải khi phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm
Nếu không được phẫu thuật, bệnh nhân bị u tuyến yên sẽ gặp các rối loạn nội tiết như vô sinh, vô kinh, bất lực, giảm thị lực, hay các rối loạn về huyết áp, tuần hoàn khiến tay chân to ra, hàm phát triển bất thường.
Phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm là cách thức phổ biến nhất hiện nay để điều trị cho các trường hợp u tuyến yên có chỉ định can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phương pháp này có thể gây ra biến chứng.
1. Rò rỉ dịch não tủy
U tuyến yên là khối u ngoài màng cứng và phát triển bên ngoài vùng giới hạn của dịch não tủy. Ngay cả với bệnh nhân có khối u tuyến yên xâm lấn lớn, khối u cũng thường không xâm phạm màng nhện và mở rộng vào khoang dưới nhện. Chính vì vậy, khi phẫu thuật bóc tách khối u, tính liên tục của màng nhện bị phá vỡ và hình thành lỗ rò dịch não tủy.
Biến chứng này có thể xảy ra không liên tục và chỉ với một số hoạt động cụ thể của người bệnh, đồng thời còn tùy thuộc vào vị trí của khối u. Các u tuyến yên ở sát nền hố yên là vị trí phổ biến nhất có thể phát sinh lỗ rò dịch não tủy. Ngoài ra, việc mổ u tuyến yên lớn cũng có thể tạo ra sự dư thừa trong màng nhện, làm màng nhện bị thoát vị và chảy dịch não tủy vào trong khoang mũi.
Hơn nữa, lỗ rò của dịch não tủy cũng có thể hình thành do hậu quả của sự mất toàn vẹn thành xoang bướm. Hậu quả này còn ảnh hưởng trực tiếp biểu mô khứu giác của khoang mũi, gây mất khứu giác thoáng qua hay vĩnh viễn.
Chính vì thế, bất kể nguyên nhân gây ra rò rỉ dịch não tủy là gì, biến chứng này cũng cần can thiệp sửa chữa sớm. Không chỉ việc rò rỉ dịch làm ảnh hưởng cơ quan khác mà việc mất dịch có thể làm giảm áp lực dịch não tủy, tạo điều kiện cho tràn khí màng não, viêm não - màng não có thể xảy ra.
2. Chấn thương động mạch cảnh trong
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng động mạch cảnh trong đoạn đi nội sọ có kích thước 3mm và cách xa tuyến yên 7mm nhưng đôi khi nó vẫn có thể nhô ra qua thành xoang hang và tiếp giáp với tuyến yên. Như vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các đặc điểm giải phẫu trước phẫu thuật, động mạch cảnh trong rất có nguy cơ bị chấn thương.
Bên cạnh đó, để loại trừ chấn thương động mạch cảnh trong tiềm ẩn, tại một số trung tâm, người bệnh có thể được theo dõi bằng chụp động mạch não sau phẫu thuật. Từ đó, phẫu thuật viên có thể phát hiện sớm tình trạng xuất huyết não cũng như tắc hoặc hẹp và gây ra nhồi máu não để can thiệp kịp thời.
3. Bệnh đái tháo nhạt mới khởi phát
Vùng cuống tuyến yên có chức năng bài tiết hormone chuyển hóa nước và điện giải trong cơ thể. Chính vì thế, những can thiệp vào vùng này có nguy cơ dẫn đến biến chứng đái tháo nhạt mới khởi phát, thường xảy ra thoáng qua trong khoảng 4% đến 18% các ca phẫu thuật.
Cơ chế sinh lý của biến chứng này là do lực co kéo vào cuống hoặc tổn thương thùy sau trực tiếp làm hỏng các sợi trục dưới đồi, dẫn đến thiếu hụt trong sản xuất và bài tiết hormone chống bài niệu (ADH). Hậu quả là người bệnh bị khát nước dữ dội trong khi thể tích bài tiết nước tiểu rất nhiều. Bệnh đái tháo nhạt nếu không được phát hiện và tích cực điều chỉnh, bệnh nhân có thể bị nguy kịch tính mạng do mất nước và rối loạn điện giải.
Xem thêm: Điều trị u tuyến yên có mấy cách?
4. Hội chứng bài tiết hormone chống bài niệu không phù hợp
Cơ chế của biến chứng này cũng tương tự như đái tháo nhạt mới khởi phát khi tác động vào thùy sau, cuống tuyến yên và vùng dưới đồi trong quá trình nội soi mổ u tuyến yên qua đường xương bướm.
Tuy nhiên, trong biến chứng này, nồng độ ADH tiết ra lại quá cao, làm tăng giữ nước trong cơ thể và hạ natri máu. Hạ natri máu thường xảy ra muộn, xuất hiện vào khoảng ngày hậu phẫu thứ 7. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của lượng ADH, hạ natri máu có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện dấu hiệu lâm sàng với tri giác giảm sút, người bệnh lừ đừ, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn khi natri huyết thanh giảm xuống dưới 130 mEq/L.
Trái lại với đái tháo nhạt, thay vì bổ sung thêm natri ưu trương, việc điều trị bệnh nhân mắc phải hội chứng bài tiết hormone chống bài niệu không phù hợp cơ bản là tiết chế nước.
5. Chảy máu cam
Nếu không thực hiện hiện thủ thuật co mạch kỹ lưỡng trước khi can thiệp hoặc các sang chấn gây ra trong quá trình can thiệp có thể làm tổn thương các mạch máu tinh vi trong vùng phẫu trường vốn dĩ rất hẹp và chật chội này.
Các động mạch thường bị tổn thương là các mao mạch trên niêm mạc mũi hay có thể bao gồm cả động mạch xoang bướm và động mạch cảnh trong đoạn vào nội sọ. Chính vì vậy, khi mở xoang bướm, điều quan trọng là phải thật cẩn trọng nhằm bảo tồn động mạch xoang bướm cũng như có liên quan đến cuống mạch máu ở vách ngăn mũi. Đồng thời, việc này cũng dự phòng cho biến chứng rò rỉ dịch não tủy về sau.
6. Mất thị giác
Mất thị giác có thể là hậu quả của các sang chấn vật lý đến các dây thần kinh thị giác hoặc vùng giao thoa thị giác hoặc do chấn thương trực tiếp cũng như lực kéo cực độ.
Điều này có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm, nhất là khi bị lệch hướng tiếp cận vào xoang bướm.
Ngoài ra, lực tác động quá mạnh trong khi cấu trúc xương ngăn các xoang với các cấu trúc lân cận ở vị trí này lại mỏng và yếu, dẫn đến gián tiếp biến dạng và chèn ép dây thần kinh thị giác, sau đó có thể dẫn đến tổn thương do thiếu máu cục bộ và mất chức năng vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu biến chứng mất thị lực một bên mắt liên quan đến nội soi mổ u tuyến yên qua đường xương bướm được giải nén kịp thời và sử dụng steroid liều cao, người bệnh vẫn có thể phục hồi được thị lực hoàn toàn.
Mặt khác, còn có các nguyên nhân không phổ biến của mất thị giác sau phẫu thuật tuyến yên bao gồm co thắt mạch não và chấn thương do lực kéo, đặc biệt là trong phẫu thuật chỉnh sửa lặp lại. Cuối cùng, hội chứng hố yên rỗng với hiện tượng sụt lún não bộ cũng đã được ghi nhận là nguyên nhân của sự suy giảm thị giác dần dần sau phẫu thuật.
Xem thêm: Tìm hiểu về phẫu thuật u tuyến yên
7. Suy tuyến yên mới khởi phát hoặc nặng hơn
Suy tuyến yên trước phẫu thuật có cơ chế là do khối adenoma làm ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên. Theo trình tự dự đoán, trục somatotropic với các hormone tăng trưởng sẽ dễ bị tổn thương nhất, tiếp theo là tuyến sinh dục với hormone kích thích nang trứng và hormone tuyến giáp và cuối cùng là trục thượng thận với hormone từ vỏ thượng thận.
Tùy thuộc vào kích thước và tốc độ tăng trưởng của adenoma, tình trạng suy tuyến yên có thể hồi phục phần nào hoặc vĩnh viễn và người bệnh cần bổ sung nội tiết tố ngoại sinh. Do đó, trong điều kiện lý tưởng, phẫu thuật u tuyến yên được tiến hành với mục tiêu giải phóng chèn ép và khôi phục lại chức năng tuyến yên.
Quá trình phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm vẫn có nguy cơ gây suy tuyến yên mới khởi phát hoặc nặng hơn do những sang chấn trong các thao tác. Chính vì thế, việc thăm dò kỹ lưỡng các cấu trúc giải phẫu phức tạp trong vùng phẫu trường này luôn được nhấn mạnh trước từng ca mổ, đối với từng bệnh nhân với các đặc điểm hoàn toàn riêng biệt.
Tóm lại, các biến chứng trên là những bất lợi được ghi nhận có thể gặp phải sau quá trình phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm. Không chỉ vậy, người bệnh cũng có thể có các tai biến khác liên quan đến cuộc mổ như các can thiệp ngoại khoa thông thường. Chính vì vậy, một kiến thức toàn diện về sinh lý tuyến yên và sự thay đổi bình thường trong giải phẫu, việc khảo sát kỹ lưỡng đặc điểm bệnh nhân trước phẫu thuật cùng với thao tác cẩn trọng, giàu kinh nghiệm là một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công của cuộc mổ cũng như sự an toàn cho người bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình