Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị u tuyến yên có mấy cách?

Bệnh u tuyến yên nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mất thị lực, rối loạn chức năng sinh sản,… Việc lựa chọn phương pháp điều trị u tuyến yên thường sẽ được bác sĩ cân nhắc phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện nay, có 5 cách điều trị u tuyến yên phổ biến bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng thuốc, thay thế hormone tuyến yên, theo dõi tích cực. 

1. 5 Cách điều trị u tuyến yên phổ biến

Dựa trên các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ hội chẩn để đưa ra được tiên lượng khối u và cách điều trị u tuyến yên phù hợp nhất. Để làm được điều này bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm: xét nghiệm nước tiểu và máu, chụp CT scanner hoặc chụp MRI não, thăm khám thị lực,…

a. Phẫu thuật

Phẫu thuật u tuyến yên là phương pháp chữa trị phổ biến. Trước khi thực hiện ca mổ, bác sĩ cần đánh giá tình trạng bệnh thông qua phương pháp chụp MRI sọ não - tuyến yên. Bên cạnh đó, người bệnh có thể làm thêm kỹ thuật điện tâm đồ, X-quang, xét nghiệm máu,… để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho việc gây mê.

Mục tiêu chính của phương pháp phẫu thuật u tuyến yên là loại bỏ khối u và bảo vệ các mô khỏe mạnh xung quanh khối u. Quá trình phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi bác sĩ giải phẫu thần kinh. Người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra sau quá trình phẫu thuật điều trị u tuyến yên, để chuẩn bị cách kiểm soát chúng.

Tùy vào vị trí, kích thước của khối u và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Các thống kê y khoa cho thấy, có khoảng 95% trường hợp phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên được bác sĩ thực hiện bằng đường xuyên xương bướm.

Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ phẫu thuật đi qua và dọc theo vách ngăn ngăn cách 2 lỗ mũi, sau đó sẽ tiếp tục theo khoang xoang bướm nằm sâu phía trên mặt sau của cổ họng, để tiếp cận vùng tuyến yên ngay phía sau. Hoặc khối u có thể bị loại bỏ thông qua đường mổ từ dưới mũi hoặc nội soi, mở hộp sọ.

Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành làm phẫu thuật u tuyến yên sau khi người bệnh được gây mê toàn thân, ca mổ kéo dài khoảng 1 - 2 tiếng.

b. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị u tuyến yên bằng cách sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào khối u. Người bệnh u tuyến yên sẽ nhận được phác đồ thực hiện xạ trị với số lần điều trị cụ thể trong thời gian nhất định. Phương pháp xạ trị điều trị u tuyến yên có thể được thực hiện bằng các nhóm tia bức xạ bao gồm photon, proton hoặc tia gamma. Lựa chọn xạ trị bằng loại tia bức xạ nào phụ thuộc vào từng tình trạng khối u tuyến yên và sức khỏe của người bệnh.

Nếu khối u tuyến yên đã được cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật thì không cần xạ trị. Trong một số trường hợp, xạ trị lập thể sẽ được áp dụng để loại bỏ phần khối u còn lại sau quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp khối u tuyến yên còn sót sau phẫu thuật đều cần xạ trị, vì thông thường nếu khối u tuyến yên lành tính bệnh sẽ không tái phát.

Sau quá trình điều trị u tuyến yên bằng phương pháp xạ trị, tuyến yên của người bệnh có thể sẽ mất dần khả năng sản xuất hormone cho cơ thể. Nếu trường hợp này xảy ra, người bệnh cần thực hiện thêm liệu pháp thay thế hormone để cải thiện chức năng của tuyến yên. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát các tác dụng phụ sau xạ trị, vì vậy người bệnh cần chia sẻ đầy đủ những triệu chứng bất thường của mình với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.

Xem thêm: Tìm hiểu về phẫu thuật u tuyến yên

c. Dùng thuốc điều trị u tuyến yên

Phác đồ điều trị u tuyến yên bằng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên nội tiết tố trong cơ thể của người bệnh. Thuốc điều trị có thể được áp dụng ở dạng uống hoặc truyền trực tiếp vào cơ thể. Quá trình truyền thuốc điều trị được gọi là liệu pháp toàn thân, thuốc sẽ được đưa qua ống truyền tĩnh mạch (IV) được đặt vào tĩnh mạch bằng kim tiêm và truyền vào bên trong cơ thể.

Đối với cách điều trị u tuyến yên bằng thuốc điều trị (dạng viên hoặc dạng dịch), người bệnh cần tuân thủ đúng các nguyên tắc bảo quản thuốc mà bác sĩ yêu cầu để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Khi điều trị u tuyến yên bằng thuốc, người bệnh có thể sẽ được chỉ định dùng 1 loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Trong một số trường hợp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hay xạ trị, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thêm thuốc nhằm mục đích gia tăng hiệu quả điều trị bệnh. Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh u tuyến yên sẽ được bác sĩ theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh định kỳ. 

Để việc điều trị u tuyến yên bằng thuốc đạt hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ người bệnh cần tuân thủ đầy đủ những yêu cầu từ bác sĩ. Cụ thể, nếu người bệnh đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của mình. Ngoài ra, nếu muốn bổ sung các loại thảo mộc trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

d. Thay thế hormone tuyến yên

Mục đích của việc thay thế hormone tuyến yên chính là duy trì lượng hormone được sản xuất từ tuyến yên đạt mức bình thường và ổn định. Phương pháp thay thế hormone là cách điều trị u tuyến yên có thời gian điều trị dài hạn.

Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình thay thế hormone tuyến yên bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm định kỳ, để có thể điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp nhất.

e. Bệnh u tuyến yên điều trị bằng cách theo dõi tích cực

Đây là cách điều trị u tuyến yên không có triệu chứng và lượng hormone do tuyến yên tiết ra vẫn đạt mức ổn định. Theo dõi tích cực là quá trình giám sát, theo dõi chặt chẽ qua việc người bệnh sẽ thực hiện các chỉ định cận lâm sàng định kỳ (chụp MRI, CT scanner…), để bác sĩ ghi nhận sự phát triển của khối u tuyến yên.

Trong quá trình theo dõi tích cực, nếu phát hiện khối u tuyến yên gây ra các triệu chứng như đau đầu, bất ngờ mất thị lực, rối loạn chức năng của cơ quan sinh sản,… bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị bằng các phương pháp khác như phẫu thuật, xạ trị, thay thế hormone tuyến yên hoặc dùng thuốc điều trị.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn phương pháp điều trị u tuyến yên

Việc lựa chọn cách điều trị u tuyến yên phụ thuộc vào các yếu tố: loại, kích thước, vị trí, tiên lượng khối u, sức khỏe tổng quát của người bệnh và cơ sở vật chất tại cơ sở y tế tiếp nhận điều trị.

Nếu kết quả chẩn đoán và tiên lượng khối u tuyến yên không chính xác sẽ dẫn đến việc lựa chọn sai phương pháp điều trị.

Vì vậy, để chọn được phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh cần thăm khám u tuyến yên tại cơ sở y tế lớn, sở hữu trang thiết bị chuyên dụng hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao dày dặn kinh nghiệm.

Xem thêm: Phẫu thuật u tuyến yên được chỉ định và chống chỉ định khi nào?

3. Tác dụng phụ của việc điều trị u tuyến yên

Ngoài việc quan tâm đến hiệu quả của các phương pháp điều trị u tuyến yên, người bệnh cũng cần tìm hiểu về các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Trong đó, phẫu thuật và xạ trị là 2 cách điều trị u tuyến yên có thể gây ra tác dụng phụ nhất định, bao gồm:

- Tác dụng phụ của phẫu thuật điều trị u tuyến yên: Mặc dù không phổ biến, nhưng có thể xảy ra tác dụng phụ bao gồm tổn thương các động mạch lớn, mô não gần đó hoặc dây thần kinh gần tuyến yên. 

- Tác dụng phụ của xạ trị điều trị u tuyến yên: Mệt mỏi, đau bụng và đi tiêu lỏng,… Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc quá trình điều trị. Về lâu dài, xạ trị có thể gây ra những thay đổi về nhận thức hoặc trí nhớ ngắn hạn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X