Hotline 24/7
08983-08983

Để bé không bị ốm khi đi nhà trẻ, cha mẹ cần trang bị cho con những gì?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây. Mời các bậc phụ huynh đón xem.

1. Vì sao trẻ dễ bị bệnh trong những lần đầu tiên đến trường?

Trước tiên xin hỏi BS, vì sao trong những lần đầu khi đi nhà trẻ, các em bé dễ bị bệnh vặt như vậy, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Đây là tâm tư của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào. Ngay cả khi tôi làm bác sĩ Nhi khoa, nhưng trong những ngày đầu tiên con đi học tôi cũng rất lo lắng. Lo nhất là khi đi học bé bị bệnh.

Khi ở nhà, bé được bao bọc bởi hệ thống bảo vệ “đặc biệt” của gia đình, được vệ sinh từ “chân tơ kẽ tóc” nên không có cơ hội để tiếp xúc với các mầm bệnh, do đó khả năng mắc bệnh của trẻ rất thấp. Nhưng khi đến trường, bé không chỉ tiếp xúc với bạn bè, thầy cô giáo mà còn nhiều người khác khi ra ngoài xã hội, nên nguy cơ mắc bệnh càng cao, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Vì vậy, chúng ta mới thấy rằng, nhiều trẻ ở nhà thì không sao, nhưng khi đến trường lại sụt sùi sổ mũi, húng hắng con ho, sốt, mắt đổ ghèn. Đó là những biểu hiện liên quan đến đường hô hấp, có thể lây từ bạn bè cùng lớp hoặc do tiếp xúc với người mắc bệnh.

Thực tế, trong quá trình thăm khám, tôi cũng gặp trẻ dù đã 5 tuổi nhưng chưa đến lớp ngày nào, các bậc phụ huynh lý giải rằng vì sợ con đến trường bị ốm nên gia đình giữ ở nhà để chăm sóc đợi đến khi vào lớp 1. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, trường học là môi trường tốt, không chỉ giúp trẻ phát triển trí não mà còn nâng cao khả năng giao tiếp xã hội và nhiều kỹ năng khác.

2. Hệ miễn dịch chưa trưởng thành, có nên đợi trẻ lớn hơn mới cho đến trường?

Theo BS, trước nguy cơ dịch chồng dịch như hiện nay, cha mẹ có nên “dời” thời điểm đến trường của trẻ mầm non hoặc trong độ tuổi đi nhà trẻ khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Ở góc độ Nhi khoa, việc tiếp xúc với các mầm bệnh ở lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo có cả mặt lợi và mặt hại. Về lợi ích, đi học giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất và tinh thần, được giao tiếp, học hỏi các kỹ năng, vận động thể lực cùng bạn bè đồng trang lứa. Về điểm bất lợi, trẻ nhỏ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch, khi tiếp xúc với các bé mắc bệnh mà không được cách ly sẽ dễ dẫn đến lây bệnh cho nhau, điều này làm cản trở lợi thế của việc đi học.

Tuy nhiên, khi mắc bệnh cũng là điểm lợi, giúp hệ thống miễn dịch của trẻ được luyện tập chiến đấu chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Qua những lần trui rèn sẽ giúp hệ miễn dịch trưởng thành, khỏe hơn-mạnh hơn và sẽ là tiền đề để chống lại những mầm bệnh rình rập tấn công liên tục sau này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nên cho trẻ đi học thay vì trì hoãn.

3. Trẻ bị ho, sụt sịt sổ mũi, có nên cho trẻ đi học?

Nếu không may trẻ sụt sịt, ho sau vài ngày đến trường, các bậc phụ huynh nên theo dõi, chăm sóc trẻ như thế nào để chặn đứng nguy cơ trở nặng? Những trường hợp này trẻ có nên tiếp tục đến trường không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Theo nguyên tắc, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp cũng là cơ hội tốt cho hệ thống miễn dịch tập dợt chống lại cấc mầm bệnh. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc bệnh đường hô hấp mà vẫn đi học sẽ có khả năng lây bệnh cho các em bé khác nhiều hơn. Trong đó sẽ có những bệnh với sức đề kháng suy giảm hoặc yếu hơn trẻ khác và nếu mắc bệnh sẽ có khả năng tiến triển nặng hơn.

Đơn cử như, trẻ đi học dễ mắc bệnh cảm cúm lây qua đường hô hấp. Khi lây bệnh cúm mùa, đa phần trẻ sẽ có triệu chứng tương tự nhau, hắt hơi, sổ mũi, ho. Nhưng một số trẻ vì hệ thống miễn dịch yếu hơn hoặc do mắc các bệnh lý nền, nên nếu mắc cúm mùa có thể diễn tiến nặng hơn, nghiêm trọng hơn, thậm chí là viêm phổi.

Do đó, khi trẻ có biểu hiện liên quan đến đường hô hấp hoặc tiêu hóa thì nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà cho đến khi hết hoặc thuyên giảm các triệu chứng. Điều này sẽ giúp hạn chế việc lây nhiễm cho những trẻ khác, nhất là những trẻ có sức đề kháng yếu hơn.

4. Trẻ đến trường khi bị bệnh đường hô hấp, nên làm gì để tránh lây bệnh cho bé khác?

Con bị ốm nhưng vẫn có thể đến trường, cha mẹ cần phối hợp với thầy cô như thế nào để chăm sóc sức khỏe cho con tốt hơn trong giai đoạn này, tránh lây cho các bạn nhỏ khác, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Trong trường hợp bất khả kháng phải đi học, hoặc triệu chứng thuyên giảm hay với trẻ lơn hơn, các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường bằng cách:

- Báo với thầy cô giáo về tình hình sức khỏe của trẻ. Qua đó sẽ giúp các thầy cô giáo chăm sóc trẻ tách biệt hơn.

- Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước sạch nên được thực hiện thường xuyên ở cả trẻ mắc bệnh và trẻ không mắc bệnh. Thậm chí, cô giáo thường xuyên chăm sóc vấn đề ăn-ngủ của trẻ cũng nên rửa tay để hạn chế vấn đề lây nhiễm.

- Với những trẻ mắc bệnh đường hô hấp có thể ngồi ở bàn riêng hoặc khu vực cách ly. Những cô giáo chăm sóc cho trẻ mắc bệnh cũng chỉ nên tập trung cho những trẻ cách ly, không nên chăm sóc cùng lúc cả trẻ mắc bệnh và trẻ khỏe mạnh.

5. Để giảm “bệnh vặt” khi đến trường, cha mẹ nên tập thói quen nào cho con?

Để chủ động giải quyết các “bệnh vặt” khi con đến trường, cha mẹ cần làm gì? Phụ huynh nên hướng dẫn, tập những thói quen nào cho con ngay từ bây giờ, nhất là với trẻ trong độ tuổi lần đầu tiên đến trường ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Ngoài rửa tay, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn cho trẻ che miệng khi ho, hắt hơi. Ông bà ta thường nói “dạy con từ thuở còn thơ”, vì vậy để trẻ có những thói quen tốt cho sức khỏe như che tay khi ho, hắt hơi, các bậc phụ huynh nên dạy con từ sớm và nên là tấm gương cùng thực hành.

Bên cạnh đó cũng nên hướng dẫn cho trẻ cách ăn uống, rửa chén-ly-tách sau khi ăn và cách rửa tay sau khi đi vệ sinh. Nếu có thể, việc tập luyện này cũng nên bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh khi ra cộng đồng, đến môi trường lớp học, nhà trẻ cũng như giúp trẻ có sức đề kháng, thói quen tốt trong việc tự bảo vệ sức khỏe.

6. Làm sao để nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch cho trẻ khi bắt đầu đến trường?

Thực tế, chúng ta không thể bảo bọc con bằng cách chăm sóc ở nhà mãi. Hệ miễn dịch là yếu tố quan trọng để giúp con đánh bại các mầm bệnh. Xin hỏi BS, bí quyết nào để nâng cao hệ miễn dịch giúp trẻ vượt qua “cửa ải” đầu đời này khi đi nhà trẻ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khi trẻ đi học, chúng ta rất khó nhìn nhận sức khỏe và hệ miễn dịch liệu có đủ hay không đủ để chống lại các mầm bệnh, tác nhân. Tuy nhiên, biểu hiện bên ngoài của trẻ cũng có thể trả lời một phần cho câu hỏi này.

Khi trẻ vận động bình thường, ăn uống đầy đủ, giấc ngủ tốt điều độ hằng ngày, không có bệnh mạn tính hoặc mắc bệnh mang tính chất trầm trọng thì đó là biểu hiện cho thấy sức khỏe, hệ miễn dịch tương đối tốt.

Đối với trẻ vài tháng, hoặc đôi khi vài tuần mắc bệnh một lần là bình thường, có thể chấp nhận được. Bởi vì qua mỗi lần bệnh sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ được tập luyện, dần dà sức khỏe được nâng lên.

Như vậy, để chăm sóc toàn diện, nâng cao sức đề kháng, gia cố hệ miễn dịch cho trẻ, phụ huynh nên:

- Dinh dưỡng phù hợp, ăn uống đầy đủ chất, tăng cường vitamin và khoáng chất, các probiotic có thể nâng cao sức khỏe cho trẻ.

- Khuyến khích trẻ tập luyện, vận động thường xuyên, nên có những hoạt động liên tục ngoài trời. Hạn chế ngồi một chỗ hoặc xem điện thoại, máy tính bảng, tivi. Việc hoạt động này sẽ giúp trẻ tăng cường thể lực, đây cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao sức đề kháng.

- Đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ. Vắc xin cũng giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, chống lại các bệnh tật đặc hiệu có thể được bảo vệ bằng vắc xin.

- Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc. Không nên tự ý hoặc lạm dụng các loại thuốc trong bất kể trường hợp nào. Đặc biệt là kháng sinh. Điều này không chỉ tổn thương hệ miễn dịch mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Đối với những siêu vi “đặc biệt”, liệu chúng ta có những phương pháp nào để hệ hô hấp khỏe mạnh hơn thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Hơn 60% siêu vi ở trẻ em có thể mắc đó là siêu vi đường hô hấp, ví dụ như cảm, cúm mùa, COVID-19. Siêu vi là những tác nhân không đáp ứng với kháng sinh. Vì vậy, không phải trường hợp nào bị ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc đau họng đều có nghĩa là phải sử dụng kháng sinh.

Do đó, đầu tiên là các bậc phụ huynh không nên lạm dụng, tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm bừa bãi mà không có hướng dẫn từ nhân viên y tế. Thói quen này sẽ dẫn đến nguy cơ đề kháng kháng sinh, nguy cơ tổn thương hệ hô hấp cũng như đáp ứng miễn dịch cho những đợt nhiễm trùng.

Thứ hai, với những trẻ nhỏ, khi ho, sổ mũi, lượng đàm nhiều, nghẹt mũi làm đường hô hấp không được thông thoáng. Như vậy, chúng ta cần giúp trẻ vệ sinh đường hô hấp bằng cách rửa mũi, thông thoáng đường hô hấp bằng giải pháp vừa chủ động, vừa thụ động.

Trong đó, chủ động đảm bảo môi trường không khí sinh hoạt, vui chơi và chỗ ngủ của trẻ trong lành. Tránh bị tù túng, không khí không được lưu thông, nhất là khi sử dụng máy lạnh hoặc những vùng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi.

Ngoài ra, nên tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe chung của trẻ, ăn uống đầy đủ các chất, cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất, bổ sung các probiotic để giảm thiểu những khiếm khuyết liên quan hệ miễn dịch, từ đó nâng cao sức đề kháng.

Cuối cùng đó là sự tổng hòa, không quá nhiều và cũng không quá ít. Tất cả những biện pháp này sẽ giúp hỗ trợ cho trẻ, đặc biệt liên quan đến tổn thương đường hô hấp trong trường hợp trẻ đi học.

7. Probiotic quan trọng như thế nào với hệ miễn dịch?

Lợi khuẩn đóng vai trò ra sao với hệ miễn dịch và chúng ta nên bổ sung như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Probiotic (lợi khuẩn) có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể trở nên vững vàng hơn. Đây được xem là tác nhân đánh thức, thúc đẩy kiện toàn hệ miễn dịch, đồng thời bảo vệ hàng rào hệ tiêu hóa, từ đó giúp trẻ nâng cao sức khỏe. Chúng ta có thể bổ sung probiotic cho trẻ lượng vừa phải, đều đặn hằng ngày để chống lại các mầm bệnh.

8. Độ tuổi nào trẻ có thể bổ sung chế phẩm chứa probiotic?

Trẻ nên bắt đầu bổ sung chế phẩm chứa Probiotic từ độ tuổi nào? Có phải khi bị bệnh mới bắt đầu bổ sung hay có thể dùng hằng ngày ạ? Nên sử dụng đến khi nào, thưa BS?

Những chế phẩm chứa probiotic nên được sử dụng đều đặn, thường xuyên, không quá nhiều cũng không quá ít. Chúng ta nên xác định, đây là một phần của quá trình bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, không phải là tất cả. Bên cạnh đó, chúng ta nên sử dụng đúng theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, nhà sản xuất, không “thần thánh” hóa và không coi thường hoàn toàn vai trò của probiotic. Nên lựa chọn sản phẩm có gốc từ tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

9. Lời khuyên từ chuyên gia trước khi trẻ bắt đầu năm học mới

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Trẻ đến trường, các bậc phụ huynh có rất nhiều nỗi lo lắng. Trong đó phiền muộn lớn nhất là sức khỏe của trẻ, làm sao để con đủ sức khỏe chống lại các mầm bệnh từ môi trường, cộng đồng. Để tháo gỡ nỗi lo này, các bậc phụ huynh nên:

- Tập cho trẻ những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe, bắt đầu từ các hoạt động hằng ngày như rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi và phụ huynh chính là tấm gương để trẻ noi theo.

- Sinh hoạt hằng ngày hợp lý bằng cách vận động thường xuyên với con, nhất là các hoạt động ngoài trời.

- Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, cân bằng.

Nếu trẻ lỡ bị bệnh khi đi học, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, vì đây là cơ hội tốt để hệ miễn dịch được luyện tập, qua đó giúp trẻ nâng cao sức khỏe, bảo vệ tốt hơn cho những lần mắc bệnh sau.

Kỳ 1: Thủ thỉ cùng con trước ngày trẻ trở lại trường học

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng AB21 thuộc MEDPHARM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X