Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ đi học trở lại, cần bổ sung dưỡng chất gì để tăng cường hệ miễn dịch?

Trẻ tựu trường trong thời điểm dịch bệnh cùng “bùng nổ” khiến các bậc phụ huynh khó tránh khỏi lo lắng. Vì sao trẻ nhỏ dễ bị các mầm bệnh tấn công khi quay trở lại trường học? Vá “lỗ hổng” miễn dịch cho trẻ trong mùa tựu trường, cần làm gì? Tất cả những thắc mắc này đã được giải đáp bởi BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

1. Những bệnh lý nào “lăm le” tấn công trẻ mùa tựu trường?

Nguy cơ “dịch chồng dịch” hiện hữu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Xin hỏi BS, trẻ nhập học trong thời điểm này có đáng lo? Những bệnh nào thường gặp ở trẻ trong mùa tựu trường?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Thời điểm đầu mùa thu là lúc mà tất cả các trẻ em đều quay lại trường để bắt đầu một năm học mới. Năm học năm nay khá đặc biệt bởi trẻ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ mắc các mầm bệnh, nhất là COVID-19.

Những bệnh ở trẻ em đa phần đều liên quan đến vấn đề tiếp xúc nơi đông người, hiệu quả của vắc xin và sự thay đổi trong cách chăm sóc trẻ hằng ngày.

Trẻ quay trở lại trường lớp cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền do môi trường đông đúc, vệ sinh chưa tốt hoặc trẻ quá nhỏ không có ý thức tốt trong vấn đề vệ sinh cá nhân.

Một số bệnh thường gặp ở trẻ có thể kể đến như bệnh lây lan qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh lây qua giọt bắn hoặc do muỗi đốt.

Đặc biệt, các báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy số lượng bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm trong thời điểm hiện tại vẫn còn rất cao. Do đó, việc trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi quay trở lại trường học cũng là vấn đề đáng quan tâm không chỉ của riêng phụ huynh mà còn đối với các giáo viên và nhân viên y tế.

2. Vì sao trẻ nhỏ dễ bị bệnh hơn trẻ lớn?

Học sinh mọi lứa tuổi tựu trường, nhưng dường như các mầm bệnh “tấn công” nhiều hơn vào trẻ nhỏ. Vì sao lại có tình trạng này, thưa BS? Trong đó, độ tuổi nào của trẻ là giai đoạn “ưa thích” nhất của các mầm bệnh ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Trẻ nhỏ dễ bị bệnh hơn so với trẻ lớn bởi hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, mức độ thích ứng với các tác nhân gây bệnh của những trẻ nhỏ cũng không tốt so với trẻ lớn. Do còn quá nhỏ, ít tiếp xúc hơn với các tác nhân nên sự đáp ứng miễn dịch của trẻ cũng kém hơn. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, vấn đề giãn cách xã hội đã khiến cho nhiều trẻ không được tiếp cận với vắc xin bảo vệ những bệnh thông thường.

Nhìn chung, trẻ em dưới 5 tuổi thường rất dễ mắc bệnh, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi. Khi quay lại trường học mẫu giáo, nếu tiếp xúc với những trẻ đang mang mầm bệnh hoặc đang mắc bệnh thì trẻ cũng sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Đặc biệt, trẻ lại thường dễ mắc các bệnh về hô hấp. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng trong thời gian vừa qua cũng đang tăng lên, nếu những trẻ đang có mầm bệnh trong người thì sẽ có thể lây lan cho những em bé khác trong cộng đồng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể dễ mắc bệnh cúm do vấn đề vệ sinh cá nhân tại trường không được đảm bảo, trẻ không ý thức tốt trong việc rửa tay và vệ sinh đường hô hấp.

Trẻ dưới 3 tuổi lại rất dễ mắc các bệnh lây truyền khác qua đường tiêu hóa như tay chân miệng, bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa hoăc bệnh nhiễm trùng siêu vi đường tiêu hóa. Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, quý bạn đọc cũng có thể thấy tình hình lượng bệnh nhân mắc bệnh tiêu hóa cũng tăng lên. Tỷ lệ trẻ em có biểu hiện ói, tiêu phân lỏng khi nhập viện cũng khá cao.

3. Cần làm gì để vá “lỗ hổng” miễn dịch cho trẻ trong mùa tựu trường?

Hệ miễn dịch của trẻ đến giai đoạn nào mới hoàn thiện thưa BS? Trong giai đoạn được xem là “lỗ hổng” của miễn dịch, cha mẹ cần làm những gì để tăng cường sức đề kháng cho trẻ ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Nhiều bậc phụ huynh có cùng thắc mắc rằng làm thế nào để con mình có thể tránh mắc bệnh khi trở lại trường học. Câu trả lời tốt nhất chính là nếu trẻ mắc bệnh rồi thì sẽ ít bị bệnh nữa. Tuy nhiên, đó là câu trả lời không đầy đủ và chỉ dễ chấp nhận đối với những trẻ có hệ miễn dịch trưởng thành, đã hoàn thiện từ cấu trúc đến hoạt động. Nhìn chung, trẻ từ 7 tuổi trở lên sẽ hệ thống miễn dịch hoàn thiện và bắt đầu hoạt động tốt để chống lại các mầm bệnh trong cộng đồng.

Như vậy, để cải thiện hệ miễn dịch cho những trẻ nhỏ hơn, quý phụ huynh cần phải đảm bảo rất nhiều yếu tố, bao gồm: lối sống, thói quen vệ sinh cá nhân, vận động, dinh dưỡng, bổ sung một số chất dinh dưỡng giúp cho trẻ tăng cường hệ miễn dịch giúp phòng chống bệnh tốt hơn. Trên thực tế, chúng ta không thể nào tránh được bệnh tật hoàn toàn mà chỉ có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc hay nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh dựa vào những yếu tố như đã chia sẻ ở trên.

4. Chế độ dinh dưỡng nào phù hợp cho trẻ giúp gia cố hệ miễn dịch?

Một hệ tiêu hóa khoẻ mạnh là một ưu điểm tốt để có thể gia cố được hệ miễn dịch tốt cho trẻ. Vậy một chế độ dinh dưỡng như thế nào sẽ phù hợp cho trẻ em ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Một chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng cường sức khỏe và bảo vệ cho trẻ khỏi bệnh tật là một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Cụ thể, các bậc cha mẹ cần phải cung cấp đầy đủ tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất nhằm đáp ứng đúng theo nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ.

Phụ huynh cần lưu ý không thể “nhồi nhét”, bắt buộc trẻ ăn nhiều cái này hay ăn ít cái kia mà cần phải đáp ứng theo nhu cầu, đồng thời khuyến khích trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, để nâng cao hệ miễn dịch hơn cho trẻ, chúng ta có thể bổ sung các sản phẩm từ sữa như sữa chua, yaourt hoặc váng sữa để cung cấp các lợi khuẩn cho hệ thống vi sinh đường ruột.

Nếu được, quý phụ huynh cũng có thể cung cấp thêm các probiotics nhằm giúp cho hệ thống vi sinh đường ruột hoạt động hiệu quả hơn, giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Như vậy, dinh dưỡng cân bằng, điều hoà hệ tiêu hóa sẽ giúp cho trẻ chống lại được những bệnh có thể tấn công, đồng tích lũy năng lượng để chuẩn bị cho sự phát triển sau này.

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ là sự tổng hòa nhiều yếu tố, từ dinh dưỡng đến vệ sinh cá nhân, bổ sung các chế phẩm sinh học chứa lợi khuẩn

5. Cần nhớ những tiêu chí nào khi chọn các chế phẩm sinh học chứa lợi khuẩn?

Để lựa chọn các chế phẩm sinh học chứa lợi khuẩn có lợi cho hệ miễn dịch phù hợp với trẻ, các bậc phụ huynh cần nhớ những nguyên tắc, tiêu chí nào? Trong đó, đối với trẻ em nên đặc biệt cần quan tâm đến sự góp mặt của chủng Probiotics nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Đối với những lợi khuẩn thông thường, chúng ta có thể khuyến khích trẻ bổ sung qua những thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, vừa đáp ứng được với nhu cầu của cơ thể, đồng thời không gây những tác dụng có hại.

Tuy nhiên, bổ sung nhiều quá hoặc ít quá đều không tốt cho trẻ. Do đó, các ông bố, bà mẹ cần phải chú ý bổ sung một cách cân bằng, điều độ cho trẻ.

Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, phụ huynh cũng cần khuyến khích trẻ hoạt động, tập luyện hoặc vui chơi phù hợp để nâng cao sức khoẻ.

Như đã chia sẻ, lợi khuẩn tốt nhất phải xuất phát từ những sản phẩm an toàn, hiệu quả và có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ trẻ trong thời điểm hiện tại và phát triển trong tương lai.

6. Cần lưu ý gì khi bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ ở từng độ tuổi khác nhau?

Bổ sung các chất dinh dưỡng có khác nhau giữa các độ tuổi và cần lưu ý những gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khi bổ sung các dinh dưỡng, các bậc cha mẹ cần phải tuân theo đúng hướng dẫn cho từng độ tuổi.

Đối với những trẻ nhỏ, nguồn dinh dưỡng đầu tiên là sữa mẹ. Đây là nguồn thực phẩm và dinh dưỡng tốt nhất nên cần phải cố gắng duy trì càng nhiều, càng lâu thì càng tốt.

Từ 6 tháng trở đi, ngoài sữa mẹ, trẻ có thể được bổ sung chất dinh dưỡng từ chế độ ăn dặm bởi lúc này lượng dinh dưỡng từ sữa mẹ cũng đang giảm dần.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng ăn dặm phù hợp, chúng ta cũng cần bổ sung thêm những lợi khuẩn để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Khi trẻ đến độ tuổi đi học, nhu cầu về năng lượng cũng tăng hơn nên việc bổ sung năng lượng từ các chế độ dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ cũng dần phát triển.

Như vậy, việc bổ sung cũng phải đều đặn chứ không nên “no dồn đói góp”, tức khi thì bổ sung quá dư, khi thì cung cấp thiếu sẽ khiến trẻ không thể đáp ứng được toàn bộ. Do đó, chúng ta phải bổ sung đều độ và liên tục, tương ứng với từng độ tuổi, kết hợp với giáo dục về thể chất, tinh thần để trẻ phát triển đồng đều.

7. Cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con trước các mầm bệnh chực chờ?

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra lời khuyên: Trước mùa tựu trường, những điều cha mẹ có thể làm để bảo vệ con khỏi các mầm bệnh luôn chực chờ tấn công? Cần dạy con những kỹ năng nào để có thể chủ động bảo vệ bản thân khi đi học?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Mùa tựu trường đã đến, trẻ em từ lớn đến nhỏ đều phải quay lại trường học để bắt đầu một năm học mới, đồng thời đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe hơn.

Vì vậy, những điều sau đây sẽ giúp cho trẻ có được sức khoẻ tốt để chống lại những bệnh có thể mắc trong quá trình quay lại trường học, đó là: ý thức vệ sinh cá nhân thật tốt; đảm bảo vệ sinh đường hô hấp; xây dựng thói quen rửa tay, đeo khẩu trang; hạn chế tụ tập nơi đông người; đảm bảo những vấn đề liên quan đến chế độ ăn, vận động và sinh hoạt hằng ngày.

Đồng thời, quý phụ huynh cũng không quên bổ sung các vitamin, khóang chất, probiotics để bảo vệ, nâng cao sức khoẻ không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn cho cả trẻ lớn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng AB21 thuộc MEDPHARM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X