Hotline 24/7
08983-08983

Chuyển sản ruột có biến chứng thành ung thư dạ dày?

Tôi bị loét hành tá tràng và viêm hang vị dạ dày vào năm 2007, HP(+). Tôi đã chữa trị thì hết loét hành tá tràng và HP(-) nhưng viêm hang vị thì cứ tái phát đi tái phát lại.

Tháng 3/2014 tôi đi khám tổng quát, đề nghị BS nội soi dạ dày thì viêm hang vị dạ dày và HP(+). BS cho uống thuốc kháng sinh 2 tuần, kháng tiết 2 tuần rồi dừng thuốc 2 tuần sau đó test lại HP(-). Cách đây hơn 1 tháng tôi cứ bị đau lâm râm ở lại vùng thượng vị, tôi đến BS điều trị trước đây yêu cầu nội soi nhưng BS nói bị hội chứng dạ dày, đại tràng co thắt và cho tôi thuốc chống co thắt về uống.

Sau 1 tháng thượng vị vẫn đau lâm râm nên tôi đến bệnh viện khác để nội soi thì kết quả là Viêm trợt, sung huyết dạ dày. Sẹo loét + Viêm dạng nốt hành tá tràng, CLO test: có HP. Sinh thiết 1 lọ, kết quả: Viêm dạ dày mạn tính, các tuyến có hiện tượng chuyển sản ruột của niêm mạc dạ dày, trong lòng tuyến và trong chất nhầy của tuyến niêm mạc không có vi khuẩn HP.

BS điều trị mới nói do BS trước đây cho toa thuốc diệt kháng sinh thì thuốc đúng nhưng sai liều, khi test lại thì HP âm giả. BS cho lại 2 tuần thuốc diệt HP. Thuốc thì tương tự trước đây nhưng liều lượng tăng lên, hiện nay tiếp tục uống 1 tháng thuốc kháng tiết.

Sau khi uống 2 tuần thuốc diệt HP thì tôi vẫn thấy đau lâm râm ở thượng vị, nên tôi quyết định ăn cháo để giảm sự co thắt của dạ dày và tiếp tục uống thuốc kháng tiết của BS xem sao.

Cho tôi hỏi: 1, Có thể chữa trị hết tuyệt đối viêm dạ dày CSR để dạ dày trở lại bình thường hay không? Tại sao uống thuốc diệt HP 2 tuần rồi nhưng thượng vị vẫn còn đau lâm râm. 2, Trong trường hợp này CSR có dể chuyển thành ung thư dạ dày hay không? (gia đình không có ai bị ung thư dạ dày hoặc các bệnh ung thư khác). 3, Phác đồ điều trị viêm dạ dày CSR của niêm mạc dạ dày như thế nào? 4, Chế đô ăn uống như thế nào để hỗ trợ cho việc chữa trị. Rất mong nhận được trả lời của bác sĩ. Xin chân thành biết ơn

Lê Văn Khanh

Hình minh họa. Nguồn Internet

Xin chào bạn,

Câu hỏi của bạn liên quan tới những vấn đề khó khăn nhất hiện nay của bác sĩ tiêu hóa. Chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Tại sao vùng thượng vị vẫn còn đau lâm râm?

Bạn có tổn thương viêm dạ dày và có kèm nhiễm HP. Việc điều trị 2 tuần chỉ đủ để làm sạch HP nhưng chắc chắn không đủ để giải quyết viêm dạ dày. Những ca viêm dạ dày mãn cần nhiều tháng , nhiều năm mới có thể phục hồi.

Do đó, việc bạn còn đau lâm râm cho thấy tình trạng viêm dạ dày vẫn còn. Mặt khác, HP có thể là nguyên nhân chính nhưng không loại trừ sự tham gia của nhiều yếu tố phụ khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc giảm đau, stress v.v…

Cũng chính vì thế mà sau khi điều trị HP, các bác sĩ thường tiếp tục cho toa điều trị viêm dạ dày trong nhiều tuần sau đó.

2. Bệnh lý viêm dạ dày kèm chuyển  sản ruột có nặng hay không?

Không thể nói đây là bệnh nặng mà chỉ có thể nói đây là bệnh mãn tính. Cần chú ý là bệnh có hai phần khác nhau. Phần viêm dạ dày thường là do HP, thường có thể điều trị khỏi với các phác đồ kháng HP khác nhau.

Việc niêm mạc dạ dày phục hồi dần sau khi sạch HP đã được khẳng định, tuy cần thời gian. Do đó, có thể khẳng định ngay đây là một bệnh ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC. Tuy nhiên, khi có xuất hiện tình trạng chuyển sản thì bệnh trở nên phức tạp hơn và cần theo dõi sát .

3. Chuyển sản ruột có thể tiến triển thành ung thư hay không?

Để trả lời câu hỏi này, phải giải thích cho bạn biết chuyển sản là gì. Chuyển sản ruột (Intestinal metaplasia) nói nôm na là sự thay đổi cấu trúc niêm mạc dạ dày trở thành giống như niêm mạc ruột, giống như có sự di chuyển một cụm niêm mạc từ ruột chạy lên dạ dày.

Tuy có sự thay đổi về cấu trúc tế bào và cách sắp xếp tế bào nhưng nói chung, hình ảnh niêm mạc vẫn trong mức bình thường.

Việc xuất hiện chuyển sản ruột là một bước quan trọng trong tiến trình xuất hiện ung thư dạ dày. Thông thường, tiến trình này có 4 bước:

+ Niêm mạc dạ dày bình thường ---> Niêm mạc dạ dày viêm (không teo)

+ Niêm mạc dạ dày viêm (không teo) ---> Viêm teo niêm mạc dạ dày

+ Viêm teo niêm mạc dạ dày ----> Xuất hiện chuyển sản ruột (dạng không hoàn toàn)

+ Chuyển sản ruột ---> Dị sản (nghịch sản)

Dị sản (nghịch sản) (Dysplasia) là tình trạng thay đổi niêm mạc nặng hơn với sự thay đổi cấu trúc tế bào cũng như phương thức sắp xếp, có thể được coi là tiền ung thư hay ung thư trong niêm mạc nếu ở thể loạn sản (nghịch sản) nặng.

Hiện nay, chuyển sản ruột cũng được coi là tổn thương tiền ung thư do tỷ lệ mắc ung thư ở nhóm có chuyển sản ruột không hoàn toàn cao gấp khoảng 6 lần so với người bình thường.

4. Có thể điều trị hết chuyển sản ruột hay không?

Việc xuất hiện chuyển sản ruột cần có sự tương tác của 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh (thường là HP), vai trò của ký chủ, yếu tố môi trường. Thật đáng tiếc, việc khử sạch HP KHÔNG ĐƯA ĐẾN VIỆC MẤT ĐI CHUYỂN SẢN RUỘT.

Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy việc khử HP làm ngưng hoặc chậm lại sự tiến triển của chuyển sản ruột. Việc phục hồi của chuyển sản ruột là CÓ THỂ, nhưng hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chế độ điều trị chắc chắn.

Vẫn có một số trường hợp ghi nhận chuyển sản ruột biến mất sau một thời gian điều trị nhưng kết quả này không chắc chắn và không phổ biến nên việc điều trị HP vẫn chưa được coi là tác nhân điều trị cho chuyển sản ruột.

Hiện nay, có một số nghiên cứu sử dụng vitamin C kết hợp với các thuốc kháng viêm nhóm Celecoxib để điều trị chuyển sản ruột. Tuy nhiên, cách điều trị này chưa nhận được sự đồng thuận và vẫn cần theo dõi thêm.

Một điểm khó khăn trong chẩn đoán cũng như điều trị chuyển sản ruột là vấn đề khó khăn trong chẩn đoán. Cần biết là vị trí tổn thương chỉ nằm khu trú ở một vài nơi trong dạ dày và rất dễ bị bỏ sót trong lần soi đầu tiên cũng như những lần theo dõi về sau. Kinh nghiệm của bác sĩ giải phẫu bệnh cũng là yếu tố quan trọng để xác định và đánh giá tổn thương chuyển sản ruột.

5. Phác đồ điều trị viêm dạ dày có chuyển sản ruột?

Như đã nêu trên, hiện nay việc điều trị viêm dạ dày kèm chuyển sản ruột có thể tóm gọn trong hai việc:

+ Điều trị việm dạ dày (kèm khử HP)
+ Theo dõi chuyển sản ruột (thường bằng nội soi định kỳ MỖI NĂM)

Chưa có điều trị đặc hiệu cho chuyển sản ruột.

6. Chế độ ăn uống như thế nào?

Chế độ ăn uống nếu có chuyển sản ruột nhằm loại trừ một số yếu tố nguy cơ: hạn chế muối, ngưng thuốc lá và rượu là những điểm chính có thể điều chỉnh được. Ngoài ra, các vấn đề khác trong ăn uống liên quan đến việc điều trị viêm dạ dày. Sữa chua có thể dùng được.

Chúc bạn mau khỏe.

Theo TS.BS Võ Xuân Quang - PKĐK Quốc tế Yersin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X