Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc trẻ bị cúm mùa như thế nào, hạ sốt sao cho đúng?

Những thắc mắc này đã được BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về vấn đề hạ sốt và chăm sóc đúng cách cho trẻ khi bị cúm mùa.

Tiếp nối những hướng dẫn về Cách phân biệt cúm mùa, cảm lạnh và COVID-19, trong phần 2 BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi về vấn đề hạ sốt và chăm sóc đúng cách cho trẻ khi bị cúm mùa.

1. Trẻ sốt bao nhiêu độ cần phải uống thuốc hạ sốt?

Thưa BS.CK2 Nguyễn Trần Nam, khi trẻ sốt cao bao nhiêu độ thì cần phải hạ sốt? Và hạ sốt sao cho đúng cách?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Sốt là vấn đề nhận được sự quan tâm, lo lắng của các bậc phụ huynh khi trẻ bị bệnh. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, có 60% trẻ đến khám vì vấn đề sốt. Bản thân tôi là phụ huynh và cũng là bác sĩ nhưng quả thực khi con sốt thì rất lo lắng. Vì vậy tôi cũng xin lưu ý một số vấn đề để các bậc phụ huynh chăm sóc con tốt hơn:

• Thứ nhất là các bậc phụ huynh cần có thói quen theo dõi nhiệt độ của trẻ. Đa phần các trường hợp tôi gặp, bé bị sốt nhưng khi hỏi nhiệt độ thì các phụ huynh thường quên mất mà chỉ cảm nhận qua việc bé nóng, “rờ như cục than”.

Cặp nhiệt độ mang lại nhiều lợi ích, giúp bố mẹ biết em bé có đang sốt cao hay không, cao như thế nào và có nguy hiểm hay không. Khi cặp nhiệt độ chúng ta sẽ thấy sự khác biệt, có bé sốt nhẹ 37,5 độ, nhưng có những trường hợp sốt cao 38,5, thậm chí 39, 40 độ, nhưng nếu chỉ sờ bằng bàn tay thì chỉ có cảm giác nóng. Nếu nhiệt độ của trẻ trên 39, 40 độ thì đó là vấn đề nghiêm trọng đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, khi dùng thuốc hạ sốt, việc cặp nhiệt độ cũng rất quan trọng, bởi vì lúc này nó sẽ cho bố mẹ biết nhiệt độ trước và sau khi dùng thuốc thì có thay đổi hay không. Ví dụ, trước khi uống thuốc bé 39 độ C, nhưng sau khi uống thuốc hạ sốt cặp lại nhiệt độ thấy còn 38, như vậy là tốt, có hiện tượng giảm nhiệt, không sốt cao hơn nữa. Điều này cho thấy thuốc hạ sốt có hiệu quả. Còn nếu chúng ta chỉ dùng tay để “áng chừng” nhiệt độ, sau khi dùng thuốc sờ lên vẫn thấy nóng lại pha thêm một liều hạ sốt nữa thì vô tình gây ra cho em bé “liều độc”, ảnh hưởng đến gan thận, điều này rất nguy hiểm.

• Thứ hai là cần cho bé uống thuốc hạ sốt khi cần thiết. Đây là vấn đề mà ngay tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chúng tôi cũng hay gặp, các bậc phụ huynh nhất định không cho con dùng thuốc hạ sốt, vì muốn giữ nhiệt độ đó để đưa con đến bệnh viện để bác sĩ biết là bé bị sốt. Thực ra, chúng tôi hoàn toàn tin phụ huynh, khi học Y có một câu nói đó là “bà mẹ luôn luôn đúng” và những gì bà mẹ lo lắng thì chúng tôi phải lo lắng.

Vì thế, khi thấy con sốt, mẹ nên cho uống thuốc hạ sốt. Đây là thuốc có thể sử dụng được liền cho em bé, quan trọng dùng đúng liều, đúng khoảng cách. Không nên để bé đến trong tình trạng sốt quá cao, chúng tôi đã ghi nhận những trường hợp trẻ sốt cao co giật, việc cấp cứu cũng rất khó khăn.

Ngược lại cũng có những phụ huynh rất sốt ruột vì con “sốt cao không hạ”,  nghĩa là bé sốt 39, 40 độ sau khi uống thuốc hạ sốt thì còn 38 độ C, 4 tiếng sau lại lên 40 độ và kết luận là sốt không hạ nên muốn đổi thuốc, tăng liều hoặc sử dụng khoảng cách giữa các liều thuốc ngắn hơn. Trong những trường hợp này, chúng tôi khuyên là khi em bé uống thuốc hạ sốt, người lớn cần theo dõi nhiệt độ. Khoảng 30-60 phút sau khi cho bé uống thuốc hạ sốt, chúng ta cặp lại nhiệt độ, nếu hạ nhiệt hơn so với trước khi uống điều này cho thấy thuốc bắt đầu có hiệu quả.

Nhớ là liều thuốc rất quan trọng. Chẳng hạn em bé 20kg, gói 250mg là phù hợp, các bố mẹ không nên sốt ruột rồi tự ý tăng liều. Chúng tôi đã gặp trường hợp cho bé uống 2 gói để hạ sốt nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng thực ra liều 250mg là phù hợp với em bé rồi. Khoảng 4 - 6 tiếng sau chúng ta cặp lại nhiệt độ cho để kiểm tra xem em bé có bị sốt lại hay không. Nếu sốt theo nhịp như vậy thì cũng cho thấy thuốc hạ sốt có hiệu quả, đồng thời giúp em bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài vấn đề nhiệt độ thì cảm giác dễ chịu, thoải mái, em bé tiếp xúc, chơi đùa sẽ khiến bố mẹ yên tâm hơn. Đối với em bé sốt nhưng vẫn chơi, trò chuyện với mình thì đó là điều đáng mừng, nhưng với em bé khi sốt, mệt, đừ, nằm một chỗ, tay chân lạnh, thậm chí nổi bông thì đó là lúc chúng ta cần lưu ý, coi chừng em bé sốt lại. Lúc này cần cặp nhiệt độ, cho uống thuốc hạ sốt khi cần.

• Thứ ba, một số trường hợp em bé sốt cao, tay chân lạnh run thì bố mẹ thường có động tác là đắp mền, mặc nhiều quần áo hơn nhưng điều này vô tình làm cho bé sốt cao hơn nữa. Bởi khi bé sốt, bao nhiêu máu ở da, ngoại vi sẽ dồn hết vào trong nên không tỏa nhiệt được, do đó bố mẹ không nên ủ ấm mà cho em bé dùng thuốc hạ sốt. Đồng thời dùng nước ấm (thấp hơn nhiệt độ của em bé khoảng 2 độ) đắp lên các vị trí nóng nhất như trán, nách để giúp thải bớt nhiệt. Nhưng lưu ý, nước ấm này sẽ rất nhanh nguội, vì vậy bố mẹ cần bổ sung nước nóng, song cần đề phòng bỏng cho trẻ.

Ngoài ra, khi đắp nước lên người, nước sẽ đọng lại sau lưng và vô tình trở thành nước lạnh sẽ thấm ngược lại lên cơ thể làm em bé lạnh hơn. Do đó, sau khi đắp nước ấm, bố mẹ cần nhớ lau khô một lượt, thay khăn và thay nước ấm để giữ nhiệt độ.

Nếu chúng ta nhuần nhuyễn các thao tác lau nước ấm, dùng thuốc hạ sốt đúng cách sẽ giúp em bé hạ sốt, đỡ lạnh, dễ chịu hơn.

• Thứ tư, một số bậc phụ huynh khi trẻ bị sốt thì áp dụng các phương pháp dân gian khác, ví dụ như chanh, giấm, rượu bôi lên người với mong muốn hạ nhiệt. Nhưng thay vì làm điều này, bố mẹ chỉ cần lấy nước ấm lau người cho bé là được. Còn những phương pháp dân gian như vừa nói ở trên đôi khi còn khiến em bé còn tăng nhiệt độ hơn, sốt cao hơn, thậm chí rượu có thể thấm qua da gây ngộ độc cho bé, đặc biệt là trẻ nhỏ.

2. Liều dùng thuốc hạ sốt theo cân nặng, độ tuổi

Paracetamol là loại thuốc thông dụng, tương đối an toàn cho trẻ như BS vừa chia sẻ. Vậy hàm lượng khác nhau thế nào cho mỗi độ tuổi ạ?

Nhưng nhiều bậc phụ huynh đôi khi không nhớ cách tính như thế này, mà thường có xu hướng nhớ loại thuốc trên thị trường nhiều hơn. Chẳng hạn như với mỗi hàm lượng paracetamol 80 mg, 150 mg và 250 mg thì phù hợp với trẻ trong độ tuổi nào?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Về thuốc hạ sốt, giảm đau hiện nay các nhà sản xuất đã bào chế ra hàm lượng 80, 150 và 250mg là để thuận tiện cho phụ huynh khi sử dụng, phục vụ cho cân nặng của mỗi lứa tuổi, bởi đây là thuốc có thể mua là không cần toa bác sĩ.

Về cân nặng, với hàm lượng 80mg thì sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 8kg; 150mg dành cho trẻ dưới 15kg, 250mg thì lớn hơn. Về tuổi cũng vậy, dưới 8kg thường  là trẻ dưới 1 tuổi, nếu 15kg thì thường là trẻ dưới 2 tuổi - dưới 3 tuổi, 250mg thì thường dưới 4 tuổi, trên nữa thì có hàm lượng bào chế dạng viên rồi, ví dụ viên 325mg, 500mg dành cho trẻ lớn và người lớn.

Tôi đã gặp những trường hợp uống 1 + ¼ gói, thật tình tôi cũng không biết làm sao để chia được hàm lượng bột như vậy, nhưng hiện nay thì đã có các dạng hàm lượng khác nhau phù hợp với cân nặng, lứa tuổi thì sẽ thuận tiện hơn, chứ để chia gói bột thành ½ hoặc ¼ thì có lẽ chúng ta phải dùng đến cân tiểu ly mới chính xác được.

3. Cúm mùa có tái phát?

Mai Hoa - Maithuhoa1…@gmail.com

Thưa BS, bé nhà em 5 tuổi, đợt vừa rồi đã bị cúm nhưng nay lại tiếp tục thấy dấu hiệu hắt hơi, nặng đầu, đau mỏi người… giống như cúm lại. Xin hỏi có khi nào cúm mùa lại tái phát không ạ? Liệu trên một người, một năm có thể gặp nhiều đợt cúm như vậy ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Mai Hoa thân mến,

Đôi khi có trường hợp lúc thì cảm, lúc thì cúm, chứ không hoàn toàn lần nào cũng là cúm. Các bậc phụ huynh có thể nhầm lẫn giữa triệu chứng của cảm lạnh và cúm mùa. Như từ đầu chương trình tôi đã nói, siêu vi gây ra cúm mùa sẽ thay đổi hàng năm, thường nó sẽ có một đợt rất nặng nề. Những đợt khác giống như vậy nhưng đó có thể là cảm lạnh.

Vậy làm sao để phân biệt được 2 tình trạng này? Cúm mùa thì triệu chứng rầm rộ hơn, đặc biệt là sốt cao hơn, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, đau người nhiều hơn và ho nặng nề, thậm chí có thể có những biến chứng và kéo dài hơn.

Cảm lạnh cũng do siêu vi nhưng nó là nhóm siêu vi khác và do những yếu tố ảnh hưởng môi trường, triệu chứng sẽ nhẹ hơn, cảm giác ê ẩm nhưng không đau nhức nhiều. Khi thấy những triệu chứng này, chúng ta sẽ thấy giống như cúm mùa bị tái đi tái lại nhưng thực ra nó có thể do nhiều nhóm bệnh gây ra và triệu chứng tương tự như nhau.

4. Trẻ nên ăn gì, kiêng gì khi bị cúm mùa?

Nguyễn Thanh Khuê - Langkhue7…@gmail.com

Bé nhà em khi bị cảm lạnh hay cảm cúm đều rất biếng ăn, vì vậy mà mỗi lần qua đợt bệnh là gầy sọp đi. Xin hỏi, BS khi trẻ bị cúm thì nên ăn uống như thế nào? Nên ăn gì và kiêng ăn gì? Trẻ mà ít ăn rau xanh, trái cây thì có nên xay ra cho bé uống hoặc mua bột rau xanh bổ sung được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Thanh Khuê thân mến,

Ngay cả người lớn khi bị bệnh cũng không có cảm giác ngon miệng, khi thèm ăn có nghĩa là đã khỏe. Em bé cũng như vậy, khi bị bệnh làm bé biếng ăn, chính điều này sẽ làm trẻ mệt mỏi hơn.

Như vậy, khi bé bị bệnh, mẹ cho em ăn gì cũng được miễn thấy ngon. Khuyến khích cho bé ăn đồ lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày. Em ăn được thì cho em ăn, em mệt thì cho em tạm nghỉ, đợi một thời gian ngắn tiếp tục cho ăn, chia nhỏ bữa thành nhiều lần để bổ sung dinh dưỡng. Sau khi bé khỏi bệnh thì tích cực bồi bổ, tăng lượng dinh dưỡng lên, bù lại năng lượng đã mất.

Bạn đừng quá lo lắng con bị bệnh sẽ “teo tóp” mà hãy lạc quan hơn vì mỗi lần em bệnh là sức đề kháng lại được thử thách, như vậy em sẽ lại càng khỏe, chống lại những đợt bệnh sau tốt hơn. Có rất nhiều phụ huynh lo lắng sao con bệnh hoài, tôi cũng có lời khuyên, thực sự con bệnh là tốt bởi vì khi em vượt qua các đợt bệnh hết rồi thì sẽ không bệnh nữa. Rõ ràng như chúng ta cũng thấy, sau 5 tuổi thì số lần bị bệnh sẽ ít đi rất nhiều.

Về vấn đề rau xanh, trái cây, nếu xay ra ăn sẽ rất ngán và nó không có tác dụng. Mục đích chúng ta ăn rau, trái cây là để cung cấp vitamin và các chất xơ để tiêu hóa tốt hơn. Vì vậy, tốt nhất là tập ăn rau, trái cây khi trẻ bắt đầu ăn dặm, dần dần chúng ta sẽ cho ăn thô, tức là không xay nữa để có phản xạ nhai. Hơn nữa khi nhai thì sẽ kích thích vị giác, tiết nước bọt, tiêu hóa tốt hơn.

Bố mẹ cũng cần tập thói quen và là tấm gương cùng con ăn rau xanh, trái cây. Chúng ta hãy biến bữa ăn thành một thú vui, sự kết nối những thành viên gia đình, trẻ sẽ có cảm giác ngon miệng hơn. Đó cũng là bài học đầu tiên qua thị giác, trẻ nhìn thấy người lớn ăn thì sẽ phải học theo.

Lời khuyên nữa là, bữa ăn không phải là “cuộc chiến”, phải dằn vặt nhau giữa phụ huynh và con cái, nếu không vui vẻ thì nên dừng lại và tập cho con ăn tiếp vào những lần sau.

5. Phòng ngừa cúm mùa thế nào?

Fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Thời tiết trở lạnh, 2 bé nhà em có hệ miễn dịch thuộc kiểu trung bình khá, vậy em cần làm gì để bảo vệ trẻ khỏi cúm mùa khi thời tiết thay đổi như hiện nay và phòng ngừa bằng cách nào?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Bạn thân mến,

Bệnh cảm cúm nói riêng và bệnh lây qua đường hô hấp nói chung, bao gồm cả COVID-19 chủ yếu lây qua đường hô hấp và dịch bắn vì thế chúng ta cần xây dựng thói quen vệ sinh, lấy tay che miệng khi ho, sử dụng khẩu trang khi đến nơi đông người, hạn chế tối đa tiếp xúc nơi đông người.

Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, như con của bạn là trung bình khá, nghĩa là cũng khá, vậy thì chúng ta tiếp tục nâng cao thể trạng của con mình bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường vận động, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.

Tiếp nữa là cho con đi chích ngừa, vắc xin là thành tựu lớn của y học, giúp con chống lại một số bệnh cần thiết. Đây là những vấn đề chúng ta có thể làm được cho con.

6. Thuốc hạ sốt uống cách nhau bao lâu là an toàn?

Hà Thị Duyên - AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Trẻ 4 tuổi bị cúm, đi khám BS cho theo dõi tại nhà. Xin hỏi BS khi trẻ bị sốt bao nhiêu độ thì nên uống thuốc hạ sốt? Em đang cho bé dùng thuốc Hapacol 250mg, vậy em nên dùng bao nhiêu gói một ngày ạ? Nếu trẻ uống thuốc nhưng vẫn còn hơi âm ấm thì nên làm gì tiếp theo?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Bạn Duyên thân mến,

Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể. Không phải sốt nào chúng ta cũng cần uống thuốc hạ sốt, chỉ khi nào sốt mà có nhiệt độ khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, quấy khóc, ê ẩm, người lạnh run… thì sử dụng thuốc hạ sốt. Thường thì khi sốt khoảng 38,5 độ trẻ sẽ có những sự khó chịu như vậy.

Khoảng cách giữa các liều thuốc hạ sốt là từ 4-6 tiếng. Như vậy, trong vòng 24 tiếng thì chúng ta có thể cho con uống 4-5 lần thuốc hạ sốt (nếu trẻ vẫn còn sốt, còn nếu sau đó trẻ không còn sốt thì không cần phải uống thuốc).

Ngoài vấn đề nhiệt độ thì bố mẹ cũng cần lưu ý theo dõi các biểu hiện của con, đôi khi trẻ chưa đến 38,5 độ, khoảng 38 độ thôi nhưng li bì, mệt, tay chân lạnh thì có thể cũng cần sử dụng thuốc hạ sốt rồi, chứ không phải “máy móc” đợi sốt cao mới uống. Chúng ta không chốt vào con số mà quan trọng vẫn là biểu hiện của trẻ.

Nếu uống thuốc xong không thấy hạ sốt hoàn toàn, ví dụ trẻ 38,5 - 39 độ mà sau khi uống thuốc còn 38 độ, như vậy là có hạ sốt, lúc này bố mẹ cho con mặc đồ thoáng, uống nhiều nước, ăn đồ mềm, lỏng, điều này cũng giúp trẻ giảm nhiệt độ trong khi chờ thuốc có tác dụng hoàn toàn.

Phan Thị Ánh Nguyệt - thelight…@gmail.com

Cháu nhỏ nhà tôi 2 tuổi, bị sốt. Tôi cho cháu uống một gói thuốc hạ sốt dành cho trẻ em, nhưng không thấy đỡ và có dùng thêm thuốc đạn đặt hậu môn. Sau tôi mới biết dùng thuốc như vậy là nguy hiểm nên rất lo sợ sự thiếu hiểu biết của mình sẽ gây hại cho con. Mong BS hướng dẫn thêm hạ sốt cho trẻ thế nào để tránh ngộ độc thuốc? Những lưu ý nào quan trọng mẹ cần phải biết ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời:

Ánh Nguyệt thân mến,

Bạn lo lắng hoàn toàn đúng, khi vừa uống vừa đặt viên đạn hạ sốt sẽ làm cho trẻ tăng nguy cơ ngộ độc, bởi vì 2 dạng thuốc này đều có tác dụng như nhau và liều tương tự nhau. Nếu cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì không nhét viên đạn và ngược lại. Chúng ta sử dụng viên đạn trong trường hợp trẻ không uống được như ói, đang ngủ, không muốn uống vị đó… Khoảng cách và liều lượng viên đạn cũng tương tự như gói hạ sốt tôi đã nói ở trên.

Trân trọng!

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Hapacol - Giảm đau hạ sốt nhanh từ Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng chương trình.

Mời bạn xem thêm:

>>> Trẻ bị sốt: Khi nào dùng thuốc, khi nào không dùng thuốc?

>>> Bác sĩ nhi đồng giúp các gia đình có trẻ nhỏ phân biệt cúm mùa và cảm lạnh, COVID-19

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X