Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị sốt: Khi nào dùng thuốc, khi nào không dùng thuốc?

Giảm đau, hạ sốt, khi nào ứng dụng các biện pháp dân gian, thời điểm nào phải dùng thuốc? Câu trả lời đã được BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Sốt ở trẻ em là như thế nào?

Thưa BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, đầu tiên xin nhờ BS giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn, thế nào là sốt ở trẻ em? Những nguyên nhân nào khiến trẻ bị sốt?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Tổ chức Y tế thế giới quy định một trường hợp sốt là khi cặp nhiệt kế thủy ngân ở nách 5 phút mà nhiệt độ lên 37,5 độ C. Trước đây phụ huynh thường hay cộng thêm 0,5 độ, nhưng bây giờ Tổ chức Y tế thế giới quy định không cộng, mà hễ đo 37,5 độ C  nghĩa là sốt.

Còn nếu phụ huynh cặp nhiệt kế ở hậu môn, tai, trán của trẻ mà nhiệt độ lên 38 độ C gọi là sốt.

Cho tới hiện nay sốt là một triệu chứng có lợi, vì sốt ở 37,5 độ C đến 38,5 độ C gọi là sốt nhẹ, điều này giúp ngăn cản vi khuẩn, siêu vi phát triển trong cơ thể trẻ.

Tuy nhiên, nếu sốt cao 39 độ, 40 độ C thì em bé sẽ khó chịu, tim đập nhanh, thở nhanh, co giật, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Như vậy, quá trình nhận định và xử lý sốt như thế nào cha mẹ cần phải biết cách để tự tin, an tâm chăm sóc con em mình.

BS.CK2 Nguyễn Minh TiếnBS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - PGĐ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và MC Kim Ánh trong chương trình Livestream tối ngày 26/11/2020

Nên sử dụng loại nhiệt kế nào để đo nhiệt độ cho con?

Hiện nay có nhiều loại nhiệt kế khác nhau, vậy khi đo nhiệt độ cho trẻ thì cần lưu ý gì để có kết quả chính xác? Nhiệt độ gây sốt có khác nhau giữa các vị trí đo (nách, miệng, tai, hậu môn) không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Trước đây người ta vẫn thường đo nhiệt độ bằng cách kẹp nhiệt kế ở nách, nhưng bây giờ đã chuyển qua nhiệt kế điện tử vì thời gian đo nhanh hơn.

Nhiệt kế kẹp nách phải đo đúng cách, ví dụ chúng ta sử dụng 1 nhiệt kế thủy nhân thì đầu tiên phải vảy cột thủy ngân thấp xuống 35 độ C; rồi đặt đúng vị trí sao cho đầu nhỏ kẹp vào hõm nách của trẻ và giữ im trong vòng 5 phút; sau đó lấy ra để đọc thông số, cột thủy ngân lên bao nhiêu chính là nhiệt độ của trẻ.

Tuy nhiên, có phụ huynh chưa đủ 5 phút đã lấy nhiệt kế ra, hoặc kẹp không đúng vị trí (đầu nằm phía ngoài) thì nhiệt kế sẽ lên độ không giống như nhiệt độ cơ thể bé mà lại là nhiệt độ của môi trường,.

Một số bất lợi khi sử dụng loại nhiệt kế này như bé không chịu kẹp, kẹp lâu quá làm bé quấy khóc cũng gây khó khăn, hoặc rớt bể, thậm chí có nhiều bé cầm cắn luôn nên rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, hiện nay đã có thêm một số loại kẹp nhiệt kế như kẹp nhiệt kế bằng chíp điện tử cảm nhiệt và chỉ mất khoảng 15-30 giây là đã đọc được nhiệt độ cơ thể.

Hoặc sử dụng nhiệt kế bằng tia hồng ngoại chiếu vào trán, hồi xưa mất 3 giây để đọc kết quả, nhưng bây giờ chỉ 1 giây. Và không đụng chạm vào cơ thể bé nên bé sẽ không sợ và quấy khóc là cho quá trình đo trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Nhiệt kế này cũng đang được áp dụng trong trường hợp sàng sọc người đi qua sân bay, chỉ cần tia hồng ngoại chiếu vào người là biết họ có đang sốt hay không.

Ngoài ra, cũng có nhiệt kế đo ở hậu môn, miệng, lỗ tai, nhưng kỹ thuật đòi hỏi phải thực hiện chính xác. Vì ở miệng có thể trẻ sẽ cắn, hậu môn có thể làm tổn thương trực tràng đường tiêu hóa của trẻ nếu cho vào quá sâu; còn ở tai sai kỹ thuật sẽ dẫn đến kết quả không chính xác.

Với loại dán lên trán thì cũng cần phải đúng thao tác, vì nếu trán bé vã mồ hôi hay có điều gì bên ngoài tác động sẽ làm sai thông số.

Tóm lại, nhiệt kế ở nách và nhiệt kế bấm hồng ngoại ở trán là thường sử dụng nhất.

Trẻ bị sốt, xử trí sao cho đúng?

Đã có không ít trường hợp vì cha mẹ không biết cách xử lý khi con bị sốt như ủ ấm quá mức… dẫn đến sự cố đáng tiếc. Xin hỏi BS, khi trẻ bị sốt nên xử trí sao cho đúng cách? Những sai lầm nào cha mẹ cần tránh?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Trước khi sốt bé sẽ hơi run, bởi khi virus hoặc vi khuẩn tấn công vào cơ thể sẽ tạo một chất gọi là chất gây sốt nội sinh, tác động lên vùng não (vùng hạ đồi), vùng này sẽ sắp xếp giống như kim đồng hồ nếu 37 độ C là nhiệt độ bình thường của bé, nhưng qua 38 hoặc 39 độ C nó sẽ rung lên và sản sinh độ để nhiệt độ em bé đúng 38 hoặc 39 độ C.

Cho nên, nhiều phụ huynh cứ nghĩ bé run như vậy là lạnh và cần ủ ấm, điều này vô tình làm bé sốt cao hơn và gây biến chứng như co giật,…

Do đó, khi cha mẹ thấy trẻ run và kẹp nhiệt độ cảm thấy sắp cao thì nên bình tĩnh, chấn an trẻ, cho trẻ mặc đồ vải coton, vải màu trắng để thấm mồ hôi và thoát nhiệt. Còn mặc đồ màu đen sẽ giữ nhiệt khiến bé khó chịu hơn.

Khi trẻ 37, 38 độ C là sốt rồi nhưng điều này vẫn có lợi, cho nên lý tưởng là 38,5 độ C thì sẽ cho uống thuốc hạ sốt. Còn trường hợp nếu 38 hoặc 38,3 độ C phải uống rồi thì đó là trường hợp trước đây bé sốt 40 độ và lên cơn co giật, nên những lần sau chỉ cần thấp thôi đã lên cơn co giật rồi. Vì vậy, trường hợp này phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, khi sốt bé sẽ mất nước, thở nhanh, vã mồ hôi cha mẹ cần cho bé uống nước nhiều, hoa quả, chẳng hạn nước cam có nhiều vitamin C; hoặc ăn uống thì chia các bữa nhỏ để bé dễ tiêu, như vậy bé vừa có dinh dưỡng và sức đề kháng để chống chọi lại vi khuẩn, virus đang tấn công.

Hậu quả nếu hạ sốt cho trẻ sai cách?

Nếu em bé sốt mà không được hạ sốt một cách hiệu quả và khoa học thì gây hậu quả như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Khi sốt cao nhịp tim bé sẽ nhanh, bình thường nhịp tim bé 12 tháng khoảng 120 - 140, nhưng khi sốt có thể lên 160 -180. Nhịp tim nhanh quá thì tim cũng sẽ mệt vì phải co bóp nhiều.

Bé thở nhanh cũng sẽ gây mất nước, và khi sốt các cơ quan phải hoạt động, giống như đi xe lâu xe sẽ bị nóng máy không được làm mát; đối với cơ thể trẻ cũng vậy làm các cơ quan chức năng sẽ bị rối loạn chuyển hóa và đặc biệt dễ dẫn đến sốt co giật.

Trường hợp trẻ sốt co giật đa số thường lành tính, thời gian chỉ khoảng 1 -2 phút, thậm chí vài phút, nhưng nếu cơn kéo dài trên 15 phút là gọi là động kinh. Thành ra các mẹ cần lưu ý khi con co giật thì nghiêng người con qua 1 bên để đàm nhớt được tống xuất ra ngoài, vì nếu bị hít ngược vào trong phổi dễ gây tắc nghẽn đường thở và viêm phổi về sau.

Đồng thời lấy một thau nước ấm và dùng 5 cái khăn vắt ướt, trong đó 4 cái đắp ở 2 bên nách, 2 bên bẹn là những mạch máu lớn để thải nhiệt ra ngoài; còn 1 khăn lau khắp cơ thể trẻ. Người ta thấy khoảng 30 phút đầu việc lau mát sẽ hạ sốt khá tốt.

Thuốc Hapacol 80, 150, 250mg là những thuốc luôn luôn có sẵn trong thủ thuốc gia đình, nhưng mẹ cần lưu ý không phải uống tất cả các loại thuốc đó, trong thời gian nửa tiếng thuốc bắt đầu ngấm và giúp trẻ hạ sốt tiếp theo sau bước làm mát cơ thể.

Như vậy chúng ta vừa hạ sốt cho bé, vừa can thiệp vấn đề đàm nhớt, còn cơn co giật khi ấy sẽ tự thoái lui, nhưng ngay sau đó cha mẹ hãy bồng bé tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và điều trị chính xác.

Có một số trường hợp phụ huynh sợ quá lấy giấm lau người cho con hoặc lấy nước đá đắp lên, tuy thực tế nước đá nguyên tắc lạnh chống nóng nhưng lại gây co mạch làm hơi nóng vẫn bị giữ trong máu và bé tiếp tục sốt cao.

Hoặc lấy cồn bôi để bay hơi, nhưng điều này dễ làm trẻ bị tổn thương da và ngộ độc. Hay lấy chanh xoa khắp người, co giật thì lấy chanh vắt trong miệng, đây là những sai lầm cần tránh để không gây nguy hiểm cho trẻ.

Người ta nghiên cứu rằng tất cả trẻ sốt co giật có tỉ lệ 1% gặp biến chứng viêm màng não, nên cha mẹ không được chủ quan giữ con ở nhà mà phải đưa đi bác sĩ ngay.

Liều dùng Hapacol khi trẻ bị sốt

Thuốc Hapacol có rất nhiều liều lượng như 80, 150, 250mg. Vậy cha mẹ nên sử dụng hàm lượng thuốc như thế nào cho đúng khi trẻ bị sốt, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Liều thông thường ở một em bé trong một lần uống là 10-15mg/1 ký. Ví dụ bé 2 tuổi, 12 ký thì nếu 10mg/ký sẽ là 120mg; còn 15 ký thì nhân 12 là 180mg. Như vậy mình sẽ lấy gói Hapacol 150mg là vừa.

Cho nên, để dễ nhớ nếu trẻ 12 ký thì lấy gói Hapacol 150mg, còn 20 ký thì dùng gói Hapacol 250mg.

Chúng ta nên chuẩn bị 1 loại thôi, không cần nhiều loại. Tuyệt đối không lấy gói 250mg rồi chia đôi cho trẻ uống, bởi liều đầu có thể đảm bảo, nhưng liều 2 nếu để không cẩn thận không khí vào sẽ làm oxy hóa dẫn đến chất lượng thuốc bị giảm và ảnh hưởng trẻ.

Vì vậy, nên uống đúng liều của 1 gói theo lứa tuổi, cân nặng thì hiệu quả thuốc sẽ tốt hơn.

Trẻ nôn ói sau khi uống thuốc hạ sốt, phải làm sao?

Khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nên dùng 3-4 lần/ngày, nhưng có những tình huống trẻ sử dụng thuốc xong lại bị nôn ói, thì câu hỏi ở đây là nên cho trẻ uống tiếp hay chờ bao lâu sau mới được uống?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Theo nguyên tắc, nếu trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc mà trẻ nôn ói thì cha mẹ có thể cho trẻ uống lại toàn bộ liều thuốc đó.

Tuy nhiên, nếu sau 30 phút - 1 tiếng thì thuốc đã ngấm vào máu và có thể tới nồng độ đỉnh trong máu để có tác dụng, cho nên tình huống này không nên cho trẻ uống lại mà đợi xem trẻ có diễn tiến hạ sốt hay không.

Nếu trẻ tiếp tục sốt cha mẹ có thể tiếp tục lau mát và chờ đến 3 tiếng sau để cho uống liều thứ 2, như vậy sẽ an toàn cho trẻ hơn.

Vì thuốc tuy có tác dụng hiệu quả điều trị bệnh nhưng cũng có tác dụng phụ gây hại cho trẻ, cần hết sức thận trọng.

Hạ sốt cho trẻ theo trào lưu thuận tự nhiên được không?

Trong cộng đồng làm mẹ, nhiều chị em hay chia sẻ với nhau phương pháp hạ sốt theo trào lưu thuận tự nhiên, tức là sốt cũng có lợi, cứ để rồi từ từ con sẽ hết. Ngược lại cũng có người tìm đủ mọi cách để giúp con hạ sốt. Xin BS cho lời khuyên trong những tình huống này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Khuynh hướng nào cũng có lợi và có hại. Nếu chúng ta để tự nhiên thì có những bé sốt đến 40, 41 độ C sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến tim mạch, hệ hô hấp, chuyển hóa trong cơ thể, thậm chí có trường hợp ảnh hưởng thần kinh gây co giật.

Nhưng nếu chúng ta sử dụng một cách máy móc, ví dụ như bé bị sốt ngay lập tức cho uống nước rau húng hay một loại nước nào đó trong dân gian để hạ sốt cho con thì vô tình gây hại cho bé. Vì các loại lá cây này chưa được chứng minh và trong quá trình chế biến có thể lây nhiễm vi khuẩn, nấm… sẽ làm ảnh hưởng tình trạng sức khỏe bé.

Do đó có những trường hợp có thể áp dụng phương pháp dân gian nhưng cũng có trường hợp nhất thiết phải áp dụng y học hiện đại.

Ví dụ, phương pháp dân gian tốt nhất là luôn cung cấp nước cho trẻ, uống nhiều nước trái cây có nhiều vitamin C như nước cam, nước chanh,…

Đối với tây y nếu sốt trên 38,5 độ C thì nên cho trẻ uống thuốc để bớt biến chứng do sốt cao gây ra.

Vì vậy cần áp dụng một cách linh động trong việc hạ sốt cho trẻ để vừa giúp trẻ hết sốt lại an toàn tính mạng.

Trẻ bị sốt có nên uống nước dừa không?

Ở vùng quê, theo kinh nghiệm dân gian khi trẻ bị sốt không nên cho con uống nước dừa vì nước dừa lạnh sẽ làm hại cho trẻ. BS cho hỏi điều này có đúng không?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Nước dừa có rất nhiều điện giải, trong đó đặc biệt là kali – một chất điện giải tốt cho đường tiêu hóa và hoạt động cơ thể, đặc biệt là các chuyển hóa hay hoạt động cơ.

Như vậy, uống bù nước dừa là điều rất tốt, vì sẽ giúp cung cấp nước và cung cấp chất điện giải, ngoài ra còn cả dinh dưỡng nữa. Nên đây là thức uống có lợi cho bé.

Ngược lại, hiện nay vẫn còn nhiều bà mẹ hay sử dụng phương pháp cạo gió, bắt gió như vậy rất nguy hiểm, vì các bé da rất mỏng làm vậy sẽ gây trầy xước, nhiễm trùng khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nếu trẻ bị sốt xuất huyết có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu khó cầm.

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện nếu bị sốt?

Trường hợp nào khi trẻ bị sốt có thể giữ ở nhà để hạ sốt và trường hợp nào cần phải đến bệnh viện?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Trong việc chăm sóc trẻ, lý tưởng nhất vẫn là cho trẻ đi thăm khám bác sĩ.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì cho phép trẻ sốt 1-2 ngày đầu phụ huynh có thể theo dõi và điều trị tại nhà như uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn bác sĩ, uống nhiều nước, cung cấp dinh dưỡng để nâng tổng trạng sức khỏe lên,…

Lưu ý trong quá trình sốt này vẫn cần theo dõi xem trẻ có dấu hiệu bệnh trở nặng không thì cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện ngay.

Thứ 2, trẻ có biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu răng, ói ra máu, đi cầu ban đêm, tay chân nặng,…là đây là dấu hiệu cảnh báo nặng cần đưa đến bác sĩ ngay lập tức.

Nói chung, phụ huynh theo dõi diến tiến sốt nếu chỉ sốt đơn thuần, uống thuốc hạ sốt rồi bớt sốt, bé chơi, ăn uống được thì có thể giữ ở nhà tối đa 2 ngày, nhưng nếu qua 3 ngày thì phải đưa đi bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và làm thêm xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân tại sao bé sốt và điều trị thích hợp.

Thuốc hạ sốt ở trẻ em sử dụng sao cho an toàn?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Thuốc hạ sốt an toàn cho bệnh nhân là paracetamol, trong đó có thuốc Hapacol với hàm lượng từ 80, 150, 250mg được phụ huynh hay sử dụng.

Cha mẹ cũng lưu ý, mặc dù hạ sốt tốt nhưng nếu lạm dụng thì có thể đưa đến tình trạng ngộ độc hoặc tổn thương gan. Do đó, cần sử dụng hợp lý.

Ví dụ liều trẻ em từ 10-15mg/1 ký/1 lần, bác sĩ khuyên nên dùng 10mg/1 ký thôi. Trong trường hợp, cha mẹ thấy lượng thuốc lần trước uống không được tốt lắm thì có thể nhân liều lên chút nhưng không quá 15mg/1 ký/1 lần uống.

Thứ 2, khoảng cách mỗi lần uống tối thiểu 4-6 tiếng, nếu được hãy để 6 tiếng hãy uống lại. Nếu cha mẹ nôn nóng 3 tiếng đã cho uồng thì hàm lương paracetamol vào trong máu nhiều sẽ gây tổn thương gan và ngộ độc.

Nếu trong thời gian này trẻ vẫn còn sốt, cha mẹ có thể áp dựng phương pháp cơ học lau nước ấm, để người thoáng mát,…

Khi trẻ sốt thường hay đi kèm ho, sổ mũi, thì lại uống thêm thuốc ho, sổ mũi nhưng vô tình trong thuốc đó lại kết hợp thuốc hạ sốt thì làm liều lượng tăng lên, do đó cần phải đọc kỹ và cẩn thận khi sử dụng.

Tóm lại, để an toàn cho trẻ cần phải sử dụng đúng liều lượng, đúng khoảng cách thời gian và đặc biệt không dùng thêm thuốc đã chứa paracetamol, như vậy rất nguy hiểm cho trẻ.

Cách dùng paracetamol như thế nào cho hiệu quả?

Trên thị trường hiện nay paracetamol có rất nhiều hàm lượng, từ 80, 150 đến 250mg. Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, nên mua đúng loại theo cân nặng của trẻ hay chỉ cần mua 1 loại rồi về tự chia liều uống cho trẻ? Cách nào tốt và an toàn hơn cho trẻ ạ?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Với câu hỏi này tôi xin lấy một trường hợp cụ thể, em bé nặng 7,5kg, liều lượng paracetamol/kg theo khuyến cáo là 10-15mg/kg, như vậy nếu cha mẹ cho dùng 10mg/kg thì bé cần 75mg paracetamol trên mỗi lần cần hạ sốt. Nhưng chẳng hạn trong thời điểm đó chỉ có hàm lượng 150mg, về nguyên tắc sử dụng sẽ phải chia đôi gói thuốc, song việc chia gói thuốc này theo cảm tính, mắt thường nhìn tưởng như đều nhưng thực tế có thể bên ít, bên nhiều. Dùng ít thì không đủ hạ sốt, dùng nhiều lại dư.

Đó là chưa kể, liều chia thứ 2 nếu để lâu sẽ mất tác dụng. Vì vậy, lý tưởng nhất là các bậc phụ huynh nên chọn nhóm hàm lượng phù hợp với cân nặng cho con mình, ví dụ nhà có con nhỏ 7,5kg thì chọn gói Hapacol 80mg, 12kg thì chọn 150mg… Đôi khi phụ huynh “tiếc công, tiếc của”, nghĩ là thay vì dùng ½ gói thuốc theo đúng cân nặng của con có tác dụng hạ sốt 4 tiếng thì dùng nguyên gói thời gian hạ sốt sẽ tăng lên 8 tiếng. Điều này hoàn toàn sai lầm, nếu chúng ta tính toán máy móc như vậy sẽ rất nguy hiểm cho con.

Cách phòng ngừa sốt ở trẻ em?

Sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ và dường như rất khó tránh khỏi. Xin hỏi BS có cách nào để phòng ngừa các cơn sốt, đau này không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến trả lời:

Sốt là tình trạng thường gặp do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là do tác nhân siêu vi, vi khuẩn xâm nhập gây sốt. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là đừng để tác nhân đó đừng xâm nhập hoặc nếu lỡ có xâm nhập thì cơ thể đủ sức chống lại, tiêu diệt được. Như vậy để làm được điều này thì trước tiên chúng ta phải xây dựng môi trường sống cho trẻ thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ… Đồng thời, đừng quên vệ sinh cá nhân cho trẻ kỹ càng, không tiếp xúc với vật dụng, tác nhân dễ lây nhiễm…

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nâng tổng trạng của trẻ bằng cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp theo lứa tuổi, cho trẻ ăn uống nhiều thực phẩm giàu vitamin C… để tăng sức đề kháng. Thêm nữa, một yếu tố quan trọng khác mà cha mẹ cần nhớ là đưa con đi chích ngừa. Đặc biệt mỗi năm tiêm ngừa cúm sẽ giúp con tránh được sự tấn công của siêu vi, virus cúm. Ngoài ra, ở Việt Nam trẻ dưới 3 tuổi mỗi năm đều có các chương trình bổ sung vitamin A tại phường, xã, bố mẹ cũng cần lưu ý đưa con đi uống đầy đủ, vì vitamin A giúp tăng cường miễn dịch, làm niêm mạc đường hô hấp hoạt động tốt, tránh bị khô, tổn thương thì vi khuẩn không xâm nhập được.

Tóm lại, để phòng ngừa, bảo vệ cho trẻ chúng ta cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chế độ dinh dưỡng tốt, trẻ nhỏ thì chích ngừa đầy đủ, bổ sung vitamin A, trẻ lớn thì cần có chế độ học tập, nghỉ ngơi điều độ.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Hapacol - Giảm đau hạ sốt nhanh từ Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng chương trình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X