Hotline 24/7
08983-08983

Cấu tạo và chức năng của các cơ quan sinh dục ở nữ giới

Cơ quan sinh dục nữ là hệ thống được cấu tạo phức tạp từ nhiều bộ phận khác nhau. Chúng đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chức năng sinh lý, đời sống tình dục, thụ thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh đẻ ở người phụ nữ.

I. Cơ quan sinh dục nữ là gì?

Cơ quan sinh dục nữ hay bộ phận sinh dục nữ là hệ thống gồm nhiều cơ quan khác nhau, đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong chức năng sinh lý, đời sống tình dục, thụ thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh nở ở người phụ nữ. Khác với cơ quan sinh dục nam, cơ quan sinh dục nữ ẩn bên trong và được che phủ bởi lông mu.

II. Cấu tạo của cơ quan sinh dục nữ giới

Hệ thống cơ quan sinh dục nữ bao gồm các cơ quan sinh dục ngoài và cơ quan sinh dục trong.

1. Cơ quan sinh dục ngoài

Là những cơ quan sinh dục nằm bên ngoài, chị em có thể dễ dàng nhìn thấy và sờ được bằng tay. Những cơ quan sinh dục ngoài này đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan sinh dục trong khỏi những vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây hại. Ngoài ra, cơ quan sinh dục ngoài giúp tinh trùng dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, di chuyển đến gặp trứng và thụ tinh.

Âm hộ còn gọi là cửa mình, là tên gọi chung cho tất cả những cơ quan sinh dục ngoài của nữ giới. Rất nhiều chị em vẫn đang nhầm lẫn giữa âm hộ và âm đạo. Cần biết rằng, lỗ âm đạo chỉ là một cấu trúc nằm bên trong âm hộ.

Các bộ phận sinh dục ngoài ở nữ giới gồm có:

a. Gò mu

Phần tích tụ mô mỡ dưới da và nằm nhô cao ở trên âm hộ, xung quanh là môi lớn. Khi đến tuổi dậy thì, nữ giới sẽ bắt đầu mọc lông mu trên bộ phận này.

b. Môi lớn

Bao bọc bên ngoài và bảo vệ những cơ quan sinh dục còn lại. Đến tuổi dậy thì, lông mu mọc trên da môi lớn, ở đây cũng chứa các tuyến mồ hôi và dầu.

c. Môi bé

Nằm ngay bên trong môi lớn, bao quanh lỗ mở của âm đạo (ống nối phần dưới tử cung với bên ngoài cơ thể) và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Da môi bé rất mỏng manh và rất dễ bị kích ứng.

d. Âm vật

Phần nhỏ nhô ra ngoài và là nơi hai môi bé gặp nhau. Âm vật được bao phủ bởi một nếp gấp gọi là bao quy đầu âm vật và rất nhạy cảm, tương tự như dương vật ở nam giới.

e. Lỗ âm đạo

Âm đạo có hình ống dài nối từ âm hộ vào tử cung bên trong, có khả năng co giãn tốt để hỗ trợ trong quan hệ tình dục và quá trình sinh nở ở người phụ nữ.

f. Niệu đạo

Lỗ niệu đạo còn gọi là lỗ tiểu, nằm dưới âm vật khoảng 2cm có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài cơ thể.

g. Màng trinh

Là một lớp màng mỏng nằm ở cửa âm đạo, được cấu tạo từ một hoặc nhiều lỗ nhỏ giúp máu kinh nguyệt chảy ra ngoài. Màng trinh ở mỗi người không giống nhau, có những trường hợp bé gái sinh ra đã không có lớp màng này.

Xem thêm: Những điều cần biết về suy tuyến sinh dục ở nữ giới

2. Cơ quan sinh dục trong

Ngược lại với cơ quan sinh dục ngoài, các bộ phận sinh dục trong nằm sâu bên trong cơ thể người phụ nữ nên chị em không thể sờ bằng tay, cũng như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Các cơ quan sinh dục trong bao gồm:

a. Âm đạo

Có hình dạng ống kéo dài từ âm hộ đến cổ tử cung, đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với dương vật khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, đây cũng là đường dẫn của máu kinh nguyệt đi ra bên ngoài.

b. Tử cung

Còn được gọi là dạ con, có hình dạng giống quả lê lộn ngược nằm giữa bàng quang và trực tràng. Tử cung đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như hỗ trợ quá trình lưu thông máu trong kỳ kinh nguyệt, cho phép phôi thai làm tổ và phát triển, cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi…

c. Cổ tử cung

Có hình dạng giống như miệng cá, nằm ở giữa tử cung và âm đạo. Cổ tử cung giúp ngăn chặn các loại vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào bên trong tử cung. Khi quan hệ tình dục, cổ tử cung tiết chất nhầy giúp việc quan hệ được trơn tru, tinh trùng dễ đi vào gặp trứng hơn. Ngoài ra, cổ tử cung giúp đưa máu kinh nguyệt đến âm đạo và tống xuất ra ngoài.

d. Buồng trứng

Nằm ngay bên dưới eo chậu và giữa hai bên tử cung. Mỗi người phụ nữ sẽ có hai buồng trứng. Ở bé gái, buồng trứng nhẵn nhụi và có màu hồng nhạt. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng sần sùi hơn, đảm nhận nhiệm vụ sản xuất trứng và tiết ra hormone nữ như Estrogen và Progesterone.

e. Ống dẫn trứng

Còn gọi là vòi trứng hoặc vòi tử cung, là phần dài ra của tử cung và nằm bên trong hố chậu. Ống dẫn trứng đảm nhận nhiệm vụ tạo điều kiện để tinh trùng di chuyển đến gặp trứng và xảy ra quá trình thụ tinh. Vì thế, phụ nữ lớn tuổi hoặc chị em đã có đủ số con mong muốn, không còn nguyện vọng sinh con thường lựa chọn thắt ống dẫn trứng là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn.

III. Chức năng của cơ quan sinh dục nữ

Cơ quan sinh dục nữ đảm nhận nhiều chức năng quan trọng từ sinh lý, đời sống tình dục đến thụ thai, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi và sinh đẻ ở người phụ nữ. Cụ thể như:

- Giải phóng trứng: Mỗi buồng trứng có hàng nghìn nang noãn và mỗi nang noãn là những túi nhỏ chứa trứng chưa trưởng thành. Sau tuổi dậy thì, trung bình mỗi tháng 1 lần, buồng trứng sẽ giải phóng trứng.

- Sản xuất hormone: Cơ quan sinh dục nữ có vai trò trong việc sản xuất các loại hormone nữ quan trọng như: Estrogen, progesterone…

- Quá trình thụ tinh: Ở người, bình thường sự thụ sinh sẽ xảy ra khi tinh trùng và trứng gặp nhau ở 1/3 ngoài ống dẫn trứng. Sau khi trứng đã thụ tinh thành công, sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng đến tử cung.

- Nuôi dưỡng thai nhi và sinh nở: Tử cung của người mẹ sẽ cung cấp máu và dưỡng chất để nuôi thai nhi. Bước vào giai đoạn sinh đẻ, cổ tử cung sẽ mở ra và tạo điều kiện đưa em bé ra ngoài qua đường sinh.

- Hàng tháng, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong tróc ra tạo nên hiện tượng kinh nguyệt ở nữ giới. Một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 3 - 7 ngày tùy từng người. Đến tuổi mãn kinh, cơ quan sinh dục nữ dần dần ngừng sản xuất các hormone cần thiết cho chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này chị em có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường và sẽ dừng hẳn. Phụ nữ được coi là mãn kinh khi trải qua nhiều năm không có kinh nguyệt.

Xem thêm: Lạc nội mạc tử cung nguy hiểm đến mức độ nào?

IV. Những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới

Theo những thống kê y tế gần đây, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh phụ khoa hiện nay chiếm khoảng 70%, nhất là các chị em đã từng hoạt động chăn gối và trải qua quá trình sinh đẻ. Một số căn bệnh phụ khoa mà nữ giới thường gặp phổ biến nhất hiện nay phải kể đến đó là:

- Viêm âm đạo, viêm hộ: Là tình trạng nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng ở niêm mạc âm đạo. Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự thay đổi môi trường âm đạo khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Triệu chứng điển hình của bệnh là khí hư tiết ra bất thường, màu trắng, màu vàng, đặc quánh như mủ, ngứa ngáy và đau rát vùng kín… Ngoài ra, nếu thai phụ bị viêm âm đạo thì sẽ có tỷ lệ sinh non cao, sảy thai, thai bị dị tật hoặc trí não chậm phát triển…

- Nhiễm nấm candida: Bệnh gây ra các triệu chứng như ngứa ngáy vùng kín dữ dội bao gồm môi lớn, môi bé, mép âm đạo, tầng sinh môn… nhất là trong và sau quá trình giường chiếu. Bệnh nếu như không được chữa trị kịp thời khả năng cao sẽ lây lan sang bạn tình và gây cản trở quá trình thụ thai. 

- Viêm phần phụ: Là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở phần phụ bao gồm vòi trứng, buồng trứng và hệ thống dây chằng rộng. Triệu chứng của bệnh thường là đau bụng dưới, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, kinh nguyệt không đều, ra nhiều khí hư dạng mủ… Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mang thai ngoài tử cung và gây vô sinh ở phụ nữ.

- Bệnh tử cung: Viêm tử cung và viêm nội mạc tử cung là 2 bệnh lý về tử cung phổ biến mà các chị em hay gặp phải. Nguyên chủ yếu là do các chị em đã từng nạo phá thai nhiều lần không an toàn, biến chứng do các bệnh từ âm đạo không được xử lý đúng cách gây viêm nhiễm ngược dòng… Các triệu chứng điển hình như âm đạo sưng đỏ, đau rát, khí hư ra bất thường, âm đạo xuất huyết... Bệnh tử cung nếu như không được chữa trị kịp thời có thể gây ra nhiều cản trở cho quá trình sinh sản sau này. 

- Bệnh cổ tử cung: Một số bệnh lý thường gặp tại cổ tử cung như viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, polyp cổ tử cung… gây chèn ép tử cung, khiến các chị em gặp nhiều khó khăn trong quá trình thụ thai. Một số dấu hiệu giúp chị em nhận biết như khí hư có màu đục, vón cục, rối loạn kinh nguyệt, vùng kín sưng đỏ, ngứa rát khi đi tiểu… 

- Bệnh buồng trứng: Đa nang buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm buồng trứng… là một số bệnh lý mà các chị em thường hay gặp phải tại buồng trứng. Với các triệu chứng điển hình như đau bụng, dịch tiết ra nhiều, có mùi hôi khó chịu, có lẫn mủ hoặc máu… Một số tổn thương ở buồng trứng gây cản trở trong việc đậu thai, thai dễ bị dị tật, thai ngoài tử cung hay thậm chí là sảy thai nhiều lần.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X