Lạc nội mạc tử cung nguy hiểm đến mức độ nào?
Theo BS Nguyễn Mai An - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Mỹ Đức, nội mạc tử cung là bệnh lý lành tính tuy nhiên, nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các nguy cơ biến chứng nặng như thiếu máu, mất máu nặng, đe dọa sức khỏe và tính mạng.
1. Phân biệt lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung và u xơ cơ tử cung?
Lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung hay còn gọi là bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis) và u xơ cơ tử cung đều là những bệnh lý trên cơ tử, có khả năng ảnh hưởng đến kích thước tử cung và khả năng có thai của phụ nữ.
Trong một số trường hợp, cả 2 bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng (thông thường, lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung thường có khuynh hướng gây đau nhiều hơn), rối loạn kinh nguyệt,…
Tuy nhiên, bản chất 2 bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Đặc điểm phân biệt quan trọng trong bệnh lý lạc nội mạc tử cung là sự hiện diện lạc chỗ của mô tuyến nội mạc tử cung trong lớp cơ của tử cung, ranh giới với lớp cơ tử cung không được phân định rõ ràng và không có vỏ bao. Trong khi đó, u xơ cơ tử cung có vỏ bao, ranh giới giữa khối u và cơ tử cung rõ ràng.
Siêu âm thường được xem là phương tiện giúp chẩn đoán 2 bệnh lý này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung có thể bị bỏ sót và chẩn đoán lầm với u xơ cơ tử cung. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) để có thể xác định chính xác.
Tỷ lệ bệnh lạc nội mạc tử cung chưa có báo cáo thống kê đầy đủ, do tính chất bệnh lý thay đổi dựa vào phương pháp chẩn đoán như siêu âm, MRI hay kết quả giải phẫu bệnh. Theo thống kê ước tính tại bang Washington của Hoa Kỳ từ 2006 - 2015, tỷ lệ lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung là khoảng 1%.
Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ mắc u xơ cơ tử cung khá cao. Các khảo sát tại Hoa kỳ cho thấy u xơ cơ tử cung xuất hiện ở khoảng 4,5 - 68,6% phụ nữ trong tuổi sinh sản. Các tỷ lệ này dao động rất nhiều, phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu và dân số khảo sát. Tại Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ cho thấy u xơ cơ tử cung chiếm 18 - 20% các bệnh lý phụ khoa.
2. Đồng mắc lạc nội mạc tử cung và u xơ cơ tử cung, nguy hiểm tính mạng mức độ nào?
Lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung hay u xơ cơ tử cung đa số đều là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, khi mắc lạc nội mạc tử cung hay u xơ cơ tử cung hay cả 2, đều có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng có thai, cũng như mang thai và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Đặc biệt, khi bệnh nhân không được theo dõi và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các nguy cơ biến chứng nặng như thiếu máu, mất máu nặng, đe dọa sức khỏe và tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
3. Khi vừa phát hiện bệnh lý, có cách nào điều trị dứt điểm mà không phải chọn cắt bỏ tử cung?
Hiện nay, gần như không có phương cách điều trị triệt để. Ngay cả việc cắt bỏ tử cung như trong trường hợp bệnh lý lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung vì vẫn có thể lạc nội mạc sâu trong vùng chậu của người phụ nữ nếu bệnh diễn tiến. Phương án cắt bỏ tử cung chỉ được chỉ định khi có biến chứng xuất huyết không kiểm soát được, gây chèn ép,…
Với u xơ cơ tử cung, trong một số trường hợp, có thể bóc u xơ, bóc bớt khối Adenosis để bảo tồn chức năng sinh sản. Nhiều trường hợp phụ nữ sống chung hoà bình với u xơ cơ tử cung tới trọn đời.
Việc theo dõi bệnh lý định kỳ theo thăm khám của bác sĩ với từng trường hợp cụ thể, điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật khi cần thiết sẽ giúp hạn chế tình trạng bệnh diễn tiến nặng hoặc các biến chứng gây ra. Nếu cứ chịu đựng, có thể làm giảm chất lượng cuộc sống do khối u gây đau hoặc có liên quan đến tình trạng hiếm muộn, khó có thai.
4. Vì sao khi bệnh diễn tiến nặng bệnh nhân mới đến bệnh viện?
1/3 phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung hay u xơ cơ tử cung thường không có triệu chứng. Một số trường hợp thường gặp là ra huyết âm đạo bất thường, tuy nhiên đa số có thể tự khỏi.
Việc thăm khám phụ khoa định kỳ hàng năm vẫn chưa được chú trọng ở đa số phụ nữ Việt Nam. Nguyên nhân do tâm lý sợ khám bệnh, sợ phát hiện bệnh, chỉ khi có vấn đề mới đến bệnh viện kiểm tra, khi đó khối u đã khá to hoặc các biến chứng đã nhiều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung.
Do đó, việc khuyến khích thăm khám kiểm tra phụ khoa lặp lại mỗi năm ít nhất 1 lần là điều cần thiết, giúp tầm soát bệnh lý phụ khoa cho phụ nữ, tránh các biến chứng hay diễn tiến nặng.
5. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải tuân thủ chăm sóc cơ thể hoặc duy trì thăm khám như thế nào?
Bệnh nhân cần khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung theo hướng dẫn. Một điểm cần lưu ý là sau khi cắt tử cung, người phụ nữ sẽ không còn thấy kinh nguyệt hàng tháng như trước, mặc dù vẫn còn 2 buồng trứng. Các khảo sát cho thấy phụ nữ cắt tử cung sẽ có nguy cơ mãn kinh (2 buồng trứng ngưng sản xuất nội tiết nữ) sớm hơn bình thường. Do đó, bệnh nhân cần lưu ý đi khám sớm khi thấy có các biểu hiện của mãn kinh như bốc hoả, đổ mồ hôi đêm, khô rát âm đạo…
(Nguồn: Bệnh viện Mỹ Đức)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình