Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về suy tuyến sinh dục ở nữ giới

Suy tuyến sinh dục nữ là hội chứng liên quan nhiều đến nội tiết tố sinh dục nữ và thường xuất hiện ở giai đoạn tiền và mãn kinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giảm nồng độ estrogen.

1.Suy tuyến sinh dục nữ là gì?

Suy tuyến sinh dục nữ thường xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, một số trường hợp được ghi nhận ở những người phụ nữ trẻ tuổi kèm với tình trạng bệnh lý. Suy tuyến sinh dục nữ là sự suy giảm hoạt động của buồng trứng, đặc trưng với tình trạng giảm sản xuất noãn và các hóc môn sinh dục.

Suy tuyến sinh dục nữ được chia thành 2 nhóm chính:

a. Suy tuyến sinh dục nguyên phát (ngoại biên)

Suy tuyến sinh dục nguyên phát là tình trạng buồng trứng vẫn tiếp nhận thông tin từ não nhưng không sản xuất đủ hóc môn sinh dục, bao gồm estrogen và progesterone.

b. Suy tuyến sinh dục thứ phát (trung ương)

Suy tuyến sinh dục thứ phát là tình trạng ngược lại, vấn đề nằm ở não bộ. Vùng dưới đồi và tuyến yên chịu trách nhiệm chi phối buồng trứng không hoạt động một cách có hiệu quả.

2. Triệu chứng suy tuyến sinh dục ở nữ giới

Đặc trưng của suy tuyến sinh dục nữ là tình trạng thiếu hụt hóc môn estrogen trong máu, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.

a. Triệu chứng toàn thân

- Ngoại hình thay đổi như da mặt, cổ, ngực, mông đùi bị chảy xệ, tóc bị bạc. Da khô, dễ hình thành nếp nhăn, chậm lành vết thương.

- Tâm sinh lý thay đổi bất ổn, hay cáu gắt, giận dữ, hay lo âu, tính cách thất thường.

- Thay đổi hệ thần kinh, có triệu chứng mất ngủ, trầm cảm, suy giảm  trí nhớ, phản xạ thần kinh thường chậm và không chính xác.

- Hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, hay bốc hỏa, mệt lả người, toát mồ hôi nhiều.

- Loãng xương, khớp xương viêm, đau, nhức mỏi thường xuyên.

- Rối loạn hệ tim mạch với tình trạng tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hay đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng phần phụ...

b. Triệu chứng rối loạn tình dục và sinh sản

- Giảm ham muốn tình dục

- Giảm tiết dịch nhầy âm đạo, âm đạo khô, gây đau đớn, không hứng thú khi quan hệ

- Rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, giảm hoặc mất đi khả năng có con,...

Xem thêm: Thông tin hữu ích về thiểu năng tuyến sinh dục nam ở trẻ em

3. Nguyên nhân gây ra suy yếu tuyến sinh dục nữ

Có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục ở nữ giới. Nguyên nhân gây suy tuyến sinh dục ở nữ giới khá đa dạng, một số trường hợp có thể không xác định rõ được nguyên nhân.

a. Yếu tố vật lý

Các điều kiện thể chất như nữ giới bị viêm khớp, bệnh tiết niệu, ruột, đã từng phẫu thuật tại vùng chậu, tại buồng trứng hoặc tại hệ thần kinh trung ương các rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng,... có thể là nguyên nhân gây suy giảm tuyến sinh dục.

Phụ nữ sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, kháng histamin, thuốc hóa trị liệu có thể là nguyên nhân gây suy giảm tình dục.

b. Nội tiết tố

Nồng độ estrogen thấp sau thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh, trong thời gian cho con bú có thể dẫn đến khô âm đạo, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.

c. Tâm lý và xã hội

Chứng lo âu, trầm cảm có thể góp phần lớn làm rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới. Sự căng thẳng lâu dài lo lắng trước trong và sau mang thai, sinh con, xung đột lâu với chồng, đối tác hay các yếu tố xã hội khác tác động làm giảm đi hứng thú tình dục ở nữ.

d. Yếu tố nguy cơ gây suy tuyến sinh dục nữ

Ở phụ nữ có các yếu tố này sẽ tăng nguy cơ suy giảm tuyến sinh dục hơn, bao gồm:

- Bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Turner, hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, hội chứng Kallmann.

- Các bệnh lý tự miễn, như bệnh Addison và suy tuyến cận giáp.

- Khối u tại vùng dưới đồi, u tuyến yên hoặc các khu vực lân cận gây chèn ép.

- Sự lo lắng, trầm cảm.

- Mắc bệnh tim mạch, gan, thận.

- Mắc các bệnh về thần kinh như tổn thương tủy sống hoặc bệnh đa xơ cứng.

- Uống một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp cao.

- Từng bị lạm dụng tình dục.

- Cảm xúc, tâm lý căng thẳng và đặc biệt là đối với các mối quan hệ với đối tác.

4. Chẩn đoán suy tuyến sinh dục nữ bằng cách nào?

Khi có các triệu chứng nói trên phụ nữ nên đi thăm khám chuyên khoa sản phụ khoa để được chẩn đoán, kết luận và có hướng điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Cần khám phụ khoa để kiểm tra toàn diện các tổn thương có thể có gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Các tổn thương ở mô sinh dục, giảm tính đàn hồi của da, sẹo sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của nữ giới.

Theo đó, các tình trạng suy giảm tuyến sinh dục, rối loạn chức năng sinh dục ở nữ giới có thể được chia thành các loại sau:

Mong muốn tình dục thấp là biểu hiện giảm ham muốn hoặc thiếu tình dục ở nữ giới.

Kích thích tình dục rối loạn là tình trạng khó khăn hoặc không thể hưng phấn, duy trì sự kích thích trong quá trình hoạt động tình dục.

Rối loạn cực khoái, nữ giới gặp khó khăn trong kéo dài, tái phát trong việc đạt cực khoái khi kích thích tình dục đầy đủ, kích thích liên tục.

Rối loạn tình dục đau là gặp tình trạng đau khi kết hợp với kích thích tình dục hoặc liên hệ với âm đạo.

Xem thêm: Những thông tin cần nhận biết về suy tuyến sinh dục ở nam giới

5. Phương pháp điều trị suy tuyến sinh dục ở nữ giới

Nguyên tắc điều trị suy tuyến sinh dục nữ bao gồm ưu tiên giải quyết nguyên nhân khi có thể, điều trị hiếm muộn nếu bệnh nhân có nguyện vọng có con và ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng thiếu hụt estrogen.

Thông thường, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được chẩn đoán suy tuyến sinh dục thường nhận được liệu pháp sử dụng hóc môn thay thế. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng kem bôi âm đạo, đặt vòng hoặc sử dụng thuốc viên. Liệu pháp này có khả năng giúp cải thiện chức năng sinh dục, độ đàn hồi, tăng lưu lượng máu âm đạo, tăng cường sự bôi trơn trong quá trình quan hệ.

Để điều trị bệnh suy sinh dục nữ hiện nay có 2 phương pháp là sử dụng thuốc và không dùng thuốc:

a. Điều trị không dùng thuốc

Là phương pháp điều trị bằng cách trị liệu hành vi. Cụ thể phương pháp này sẽ giúp giải quyết cũng như cải thiện sức khỏe tình dục bằng cách tăng cường giao tiếp với bạn tình và tuân thủ lối sống lành mạnh.

b. Điều trị dùng thuốc có chứa estrogen

Hóa liệu pháo estrogen: Sử dụng kem âm đạo, vòng hoặc thuốc đặt âm đạo để giúp cải thiện chức năng sinh dục, tăng cường bôi trơn trong khi quan hệ,…

Testosterone quan trọng cho chức năng sinh dục ở phụ nữ cũng như nam giới, mặc dù mức testosterone thấp hơn nhiều ở phụ nữ. Testosterone có thể dùng ngoài da hoặc là một viên thuốc kết hợp với estrogen. Tác dụng phụ như: mụn trứng cá, rậm lông, tính cách thay đổi là có thể… Do ảnh hưởng lâu dài của liệu pháp testosterone, nên theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ.

Các loại thuốc này cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng, ngưng thuốc hay tăng liều mà không thảo luận với bác sĩ điều trị. Ngoài ra, một số nghiên cứu gần đây cho rằng việc sử dụng hóc môn thay thế estrogen không đối kháng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, thuyên tắc tĩnh mạch và đột quỵ. Liệu pháp nội tiết tố này không giải quyết vấn đề tình dục có nguyên nhân không liên quan đến hóc môn. Đối với nhóm phụ nữ mãn kinh, thuốc được chỉ định trong những trường hợp có triệu chứng nặng nề.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, suy tuyến sinh dục nữ có thể được điều trị bằng phương pháp trị liệu hành vi. Các cặp vợ chồng nên trò chuyện, lắng nghe và tạo nên sự hòa hợp trong tình dục. Song song với đó, người bệnh nên duy trì thói quen sống lành mạnh, tránh xa rượu bia và các chất kích thích, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, cải thiện vóc dáng, và giải tỏa bớt các căng thẳng hàng ngày. Các cặp vợ chồng cần tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia tư vấn, trị liệu về vấn đề tình dục và các mối quan hệ.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X