Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng và đề kháng kháng sinh trong bệnh lý tai mũi họng

Tại phiên toàn thể của Hội nghị Khoa học Tai Mũi Họng (II) do Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức vào ngày 22/6/2024, PGS.TS.BS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai và TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TPHCM đã đem đến những kiến thức hữu ích về điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em và tình trạng đề kháng kháng sinh hiện nay.

75% trẻ em viêm mũi dị ứng có các bệnh phối hợp

Với nội dung “Tối ưu hóa điều trị viêm mũi dị ứng trẻ em”, PGS.TS.BS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra những số liệu thực tế cho thấy bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em đang chiếm tỷ lệ cao và ngày một gia tăng.

Theo nghiên cứu trên toàn thế giới, tỷ lệ viêm mũi dị ứng ở trẻ em từ 6 - 8 tuổi chiếm 8% và từ 13 - 14 tuổi chiếm 35%. Nghiên cứu trong vòng 6 năm (2005 - 2011) tại Trung Quốc có sự gia tăng chóng mặt các ca mắc viêm mũi dị ứng ở trẻ em.

Bệnh viêm mũi dị ứng có tác động rất lớn đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Theo nghiên cứu, những trẻ mắc viêm mũi dị ứng sẽ có số ngày không vui vẻ nhiều hơn. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy, có đến 36,1% trẻ em bị giảm ít nhất 1 điểm ở một môn trong kỳ thi mùa đông.

Nghiên cứu tại Vũ Hán, Trung Quốc, mặc dù các bé được chẩn đoán và điều trị tốt nhưng có đến 27,7% không kiểm soát được hoàn toàn các triệu chứng. Nguyên nhân là do bác sĩ không đánh giá đúng mức độ nặng của bệnh để chỉ định các loại thuốc phù hợp và trẻ có nhiều bệnh phối hợp khác như hen, viêm da cơ địa,… không được điều trị. Bên cạnh đó, còn do người bệnh không tuân thủ điều trị và điều kiện kinh tế - xã hội.

PGS.TS.BS Lê Công Định - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai

75% trẻ em viêm mũi dị ứng có các bệnh phối hợp (1 hoặc nhiều bệnh) và tỷ lệ này cao hơn so với người lớn: 25% trẻ viêm mũi dị ứng có hội chứng khoang miệng; 40,5% trẻ viêm da cơ địa có viêm mũi dị ứng; 40% trẻ viêm mũi dị ứng có bệnh hen và 80% trẻ mắc bệnh hen có viêm mũi dị ứng; 33 - 56% viêm mũi dị ứng có viêm kết mạc dị ứng; Ngoài ra, viêm mũi dị ứng cũng có liên quan đến VA quá phát, viêm tai tiết dịch. Do đó, viêm mũi dị ứng ở trẻ em không chỉ là một bệnh mà đây là một tổ hợp bệnh.

Theo chuyên gia, 2 nguyên tắc quan trọng để điều trị hiệu quả: Thứ nhất là cá thể hóa. Tùy theo tuổi, loại, mức độ, triệu chứng khó chịu, bệnh phối hợp, nhu cầu, sở thích của trẻ mà sẽ có phác đồ điều trị cụ thể; Thứ hai là theo bậc. Nâng hoặc giảm bậc tùy theo mức độ kiểm soát triệu chứng.

Về điều trị bằng thuốc, kháng histamine H1 và Steroids xịt mũi là 2 loại thuốc chính. Ngoài ra còn có thuốc đối kháng thụ thể Leucotriens, thuốc đối kháng cholinergic, thuốc bền vững tế bào Mast, thuốc co mạch tại chỗ.

PGS.TS.BS Lê Công Định cho biết: “Tiêu chuẩn lựa chọn kháng Histamine H1 để tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân là: Thế hệ mới, không gây buồn ngủ; Khởi phát nhanh, thời gian tác dụng kéo dài; Dung nạp tốt và an toàn cho trẻ; Thuận lợi sử dụng và tuân thủ”.

Bilastine hoặc Fexofenadine là những nhóm thuốc không gây buồn ngủ vì chiếm thụ thể H1 dưới 20%. Theo nghiên cứu tại Mỹ trên nhóm trẻ từ 2 - 11 tuổi, bị bệnh viêm mũi dị ứng và mề đay nhận thấy tác dụng phụ không có sự khác biệt giữa Bilastine so với giả dược, cũng như nếu có tác dụng phụ thì không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, tính an toàn về rối loạn hô hấp hoặc buồn ngủ hay ngáy hoặc mất tập trung cũng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Theo khảo sát các dạng bào chế thuốc và sở thích của trẻ em cho thấy, việc sử dụng các viên thuốc nhai hoặc tan trong miệng sẽ được ưa thích hơn loại viên nén và viên nhộng. Vì vậy, Bilastine 10mg viên nén phân tán trong miệng, vị nho là một sự lựa chọn tốt, giúp các em nhỏ tuân thủ điều trị.

Theo PGS.TS.BS Lê Công Định, với các loại kháng sinh mới hiện nay như Bilastine ở trẻ em có tác dụng giảm các triệu chứng ở mũi và mắt; khởi phát nhanh, tác dụng kéo dài; an toàn và dung nạp tốt; giúp tăng tuân thủ điều trị.

PGS.TS.BS Lê Công Định nhấn mạnh: “Viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng ở trẻ em ngày càng gia tăng. Đối với trẻ em phải xem viêm mũi dị ứng là phức hợp bệnh do có nhiều bệnh phối hợp. Thuốc điều trị cơ bản chủ yếu vẫn là kháng Histamine H1. Nên lựa chọn các loại thuốc kháng histamine thế hệ 2, không gây ngủ. Bilastine hiệu quả, an toàn, dung nạp tốt, dễ sử dụng ở trẻ em”.   

Nitrite oxide có thể tiêu diệt đến 99% virus

Tập trung vào vấn đề “Tác nhân vi sinh và đề kháng các kháng sinh”, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TPHCM khẳng định, nhiễm trùng tai mũi họng là một trong các bệnh lý thường gặp hàng đầu tại Việt Nam.

4 tác nhân vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm khuẩn tai mũi họng cấp bao gồm: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureusStreptococcus pyogenes.

Với nhiễm khuẩn tai mũi họng kinh niên có 3 thách thức rất lớn: Đầu tiên là đề kháng kháng sinh của các trực khuẩn gram âm. Các trực khuẩn gram âm tiết ra Beta-lactamase và tiến hóa theo thời gian ngày càng mạnh hơn.

Vấn đề tiếp theo mà trực khuẩn gram âm còn phải gặp thách thức là đối với 2 vi khuẩn Pseudomonas aeruginosaAcinetobacter baumannii kháng Carbapenem ngày càng trầm trọng. Giải pháp để điều trị là phải biết nguồn gốc gen Carbapenemase mới chọn được kháng sinh.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TPHCM

Thách thức thứ hai là đề kháng kháng sinh do vi khuẩn thành lập các Biofilm. Biofilm rất thường gặp (40% - 90%) trên các nhóm đối tượng bệnh nhân viêm xoang, kể cả bệnh nhân viêm xoang cấp, mạn và nhóm đối tượng bệnh nhân xoang cần phẫu thuật.

Tác nhân gây Biofilm rất đa dạng: Vi khuẩn gồm có Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenza, and Moraxella catarrhalis, Coccidioses; Vi nấm gồm Candida spp., Cryptococcus, Pneumocystis, Aspergillus; và loại phối hợp giữa vi khuẩn và vi nấm gây Biofilm mạnh hơn.

Nghiên cứu cho thấy, sử dụng kháng sinh trong vòng 1 tháng làm giảm tỷ lệ dương tính của vi khuẩn nhưng không làm giảm tỷ lệ vi khuẩn bên trong Biofilm.

Biofilm trên viêm xoang mạn gây rất nhiều nguy hại như trốn tránh sự tấn công của kháng sinh và có khả năng gây nên các chủng đột biến. Biofilm là ổ chứa vi khuẩn có khả năng gây tái phát cho bệnh nhân viêm xoang mạn và làm tăng gánh nặng điều trị cho bệnh nhân.

Chính vì vậy, cần điều trị đa phương thức kết hợp các phương pháp điều trị dành riêng cho Biofilm sẽ cải thiện kết quả của những trường hợp viêm mũi xoang mạn tính khó chữa nhất.

Theo nghiên cứu, Biofilm có khả năng gây nên kháng kháng sinh cao gấp 10 - 1000 lần so với vi khuẩn tự do (planktonic). Nitrite oxide liều thấp là giải pháp làm tan rã Biofilm.

Thách thức thứ ba là sử dụng kháng sinh không cần thiết trong điều trị nhiễm trùng do virus. Trong bệnh lý tai mũi họng có rất nhiều trường hợp đa số do virus như viêm mũi, viêm họng, viêm amydale hay viêm co thắt thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. Về giải pháp, Nitrite oxide có thể tiêu diệt được virus, làm giảm tải lượng 94% sau 24h và giảm 99% sau 48h.

TS.BS Phạm Hùng Vân kết luận: “Có 4 tác nhân vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm khuẩn tai mũi họng cấp và 3 thách thức rất lớn đối với nhiễm trùng tai mũi họng mạn tính. Đầu tiên là đề kháng kháng sinh của các trực khuẩn gram âm. Thách thức thứ hai là đề kháng kháng sinh do vi khuẩn thành lập các Biofilm. Thứ ba là sử dụng kháng sinh không cần thiết trong điều trị nhiễm trùng do virus”.

>>> Các giải pháp hữu hiệu điều trị bệnh lý tai mũi họng trong điều kiện khí hậu Việt Nam

>>> Cập nhật các phương pháp tiềm năng trong điều trị bệnh lý tai mũi họng

>>> Can thiệp đúng trong cấy ốc tai điện tử và điều trị ngưng thở khi ngủ; xử trí tai biến trong phẫu thuật nội soi xoang

>>> Phòng và điều trị dị ứng hô hấp trong bối cảnh nóng lên toàn cầu

>>> Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng người bệnh trước phẫu thuật và kỹ thuật rửa mũi xoang

>>> Yếu tố ảnh hưởng kết quả tầm soát nghe kém và tầm quan trọng của giáo dục sức khỏe

>>> Vai trò của truyền thông trong khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng hiện nay

Hội nghị Khoa học Tai - Mũi - Họng 2024 - II với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh lý Tai - Mũi - Họng trong môi trường khí hậu Việt Nam” diễn ra tại TPHCM vào ngày 22/6/2024, với 27 bài báo cáo xuyên suốt trên 4 phiên (1 phiên toàn thể, 2 phiên chuyên đề và 1 phiên điều dưỡng), được trình bày bởi các báo cáo viên là Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Tai Mũi Họng tỉnh Khánh Hòa, LCH Tai Mũi Họng TPHCM, LCH Da liễu TPHCM, LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cùng giảng viên các trường Đại học, trưởng khoa các bệnh viện…

Ngoài ra, hội nghị còn có 2 tọa đàm về vấn đề thời sự: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên bệnh lý dị ứng hô hấpẢnh hưởng của ô nhiễm không khí đến bệnh lý mũi xoang cùng một số giải pháp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X