Hotline 24/7
08983-08983

Cách xử trí trẻ bị hen song hành viêm mũi dị ứng

Hen và viêm mũi dị ứng đi kèm thường song hành cùng với nhau. Vì vậy, việc nhận ra các dấu hiệu và biết cách chăm sóc trẻ là rất quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 về vấn đề này để chăm sóc con yêu tốt hơn.

1. Tỷ lệ trẻ bị hen song hành với viêm mũi dị ứng

Hen suyễn và viêm mũi dị ứng đều liên quan đến phản ứng của cơ thể với môi trường. Xin BS cho biết, tỷ lệ trẻ bị hen song hành với viêm mũi dị ứng có nhiều không ạ?

Khoảng 80% người bị hen sẽ bị viêm mũi dị ứng đi kèm. Tỷ lệ trẻ bị viêm mũi dị ứng đơn thuần chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ hen và viêm mũi dị ứng ở mỗi quốc gia là 1:2.

Ở Việt Nam, có thể sẽ triển khai chương trình khảo sát toàn bộ người dân để có tỷ lệ hen và viêm mũi dị ứng. Mỗi người chúng ta đều bị có thể hắt xì và đó là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng.

>>> Trẻ khó thở như thế nào là biểu hiện của bệnh hen suyễn? Phải làm gì để cắt cơn hen?

2. Trẻ vừa bị hen vừa bị viêm mũi dị ứng nguy hiểm ra sao?

Khi trẻ vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng thì dẫn đến nguy hiểm gì cho bản thân trẻ?

Nếu như trẻ bị hen song hành viêm mũi dị ứng thì đó sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Hen là bệnh ở đường hô hấp dưới, viêm mũi dị ứng là bệnh ở đường hô hấp trên. Như vậy chúng ta có thể mường tượng ra rằng, nếu gặp vấn đề cả 2 đường hô hấp thì làm sao trẻ em thở được, cảm giác như bị bóp mũi.

Nói tóm lại, nếu bị song hành 2 bệnh thì chắc chắn nguy hiểm sẽ nhiều hơn khi chỉ bị hen hoặc viêm mũi dị ứng đơn thuần, nguy cơ bị tắc đường thở sẽ tăng lên gấp đôi. Vì khi chỉ nghẹt mũi thì trẻ đã khó thở, nếu bị thêm co thắt đường thở thì không khí sẽ không thể ra vào cơ thể được. Khi không có oxy thì toàn bộ các tế bào và cơ quan trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và cơ quan đầu tiên chịu tác động là não bộ. Nói cho dễ hiểu, chẳng hạn nếu bịt mũi trong 3 phút thì não bộ của chúng ta sẽ không thể chịu được. Do đó, đây có thể xem là "vấn đề sống còn" của trẻ.

3. Điều trị trẻ vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng

Khi trẻ bị cùng lúc 2 bệnh này, việc điều trị gặp khó khăn gì, thưa BS?

Việc chẩn đoán bệnh và điều trị chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vừa phải điều trị viêm mũi dị ứng vừa phải điều trị hen nên công việc cũng gấp đôi. Do đó, điều quan trọng là phải có giải pháp để dung hòa hiệu quả cả 2 bệnh tương tự như nhau.

4. Trẻ vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng có dễ dị ứng thức ăn

Ở những trẻ bị bệnh hen và thường viêm mũi dị ứng thì trẻ có dễ bị dị ứng với thức ăn, thuốc uống… không?

Bình thường, chúng ta vẫn hít vào thở ra một cách tự động do sự điều khiển của não bộ. Đôi khi chúng ta xem thường việc hít vào thở ra này.

Mũi thường ẩm ướt vì bên trong có lông, niêm mạc giúp ngăn chặn những vật thể lạ và chỉ cho oxy đi vào cơ thể. Oxy ở ngoài không khí khi đưa vào cơ thể sẽ được sưởi ấm, làm ẩm rồi lọc bụi bẩn. Do đó, oxy khi vào phổi là lượng oxy trong lành, ẩm và ấm. Đó là chức năng rất bình thường của mũi. Nếu như mũi trái bị nghẹt thì mũi phải sẽ tự hoạt động và ngược lại.

Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 phần là viêm mũi và dị ứng. Khi chúng ta có biểu hiện chảy nước mũi, nhảy mũi (hắt xì), ngứa mũi, nghẹt mũi đó là viêm mũi. Dị ứng là qua trung gian một chất miễn dịch, gọi là IgG. Đó là một Immunoglobulin, nó được xem như "binh lính" bảo vệ cơ thể. Đó là những chuyên môn của bác sĩ, vậy làm sao để bố mẹ dễ nhận biết.

Nếu như trẻ bị lác sữa khi nhỏ thì đó là tiền sử viêm da cơ địa. Hoặc bố mẹ trẻ bị hen thì bạn nhỏ này đã có cơ địa dị ứng. Tất cả những yếu tố này sẽ tạo thành viêm mũi dị ứng.

Khi trẻ có viêm mũi dị ứng sẽ rất dễ bị dị ứng với thức ăn. Vì khi ăn sẽ truyền chất dị ứng vào cơ thể, như vậy chúng ta đã tạo sẵn cơ hội viêm tiềm tàng trong cơ thể. Có những chất độc hại khi hít vào cơ thể lần đầu sẽ không gây bệnh nhưng được cơ thể ghi nhớ. Lần sau, khi chất này tiếp tục xuất hiện thì cơ thể sẽ tạo ra IgG. Đây được gọi là miễn dịch nhớ.

Do đó, về sau nếu bạn nhỏ hít vào đúng dị nguyên này thì sẽ bị viêm mũi dị ứng. Không chỉ thức ăn, chất gây dị ứng sẽ có trong không khí như bụi, lông thú cưng, mạt nhà, phấn hoa, nấm mốc,... Đây là nguyên nhân kích thích niêm mạc mũi bị viêm.

Mũi và phổi là một đường thở, do đó khi hít phải dị nguyên sẽ vừa gây viêm mũi vừa viêm phế quản. Điều này lý giải cho việc vì sao trẻ vừa bị viêm mũi dị ứng vừa bị hen suyễn.

Khoảng 50% - 60% người bị viêm mũi dị ứng đơn thuần, sau 5-6 năm sẽ khởi phát cơn hen. Những người bị hen thì khoảng 80% trong số đó đã mắc viêm mũi dị ứng. Do đó, cần phải vừa điều trị hen vừa phải chăm sóc mũi.

Trẻ vừa bị hen vừa bị viêm mũi dị ứng làm gia tăng gấp bội những khó khăn, thử thách trong chẩn đoán và điều trị (Ảnh minh họa)

5. Trẻ vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng có nên điều trị tại nhà

Cha mẹ có nên thực hiện phun khí dung, rửa mũi cho trẻ tại nhà không ạ?

Đây là câu hỏi rất thường gặp của các bậc phụ huynh có con bị bệnh hen song hành viêm mũi dị ứng. Hiện nay, hầu như các gia đình đều có khả năng trang bị máy xông khí dung ở trong nhà. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta cần đưa trẻ đi khám để kiểm tra xem trẻ có phải bị viêm mũi dị ứng hay không.

Bác sĩ có thể nhận ra những dấu hiệu điển hình của viêm mũi dị ứng ở trẻ như nhếch mũi, chớp mắt liên tục, nhiều lần dùng tay quẹt mũi khi ngứa sẽ tạo thành vết lằn trên mũi. Đây được gọi là "lời chào dị ứng".

Nhiều em nhỏ còn dùng tay quẹt mũi và cả mắt khiến mũi và mắt sưng, đỏ. Những trường hợp này là vừa viêm mũi và vừa viêm kết mạc mắt dị ứng. Nhiều trường hợp, chúng ta chỉ cần điều trị viêm mũi thì mắt cũng sẽ khỏi bệnh theo. Đó là chưa kể, khi ngủ một vài bạn nhỏ còn gãi mũi trong vô thức dẫn đến chảy máu mũi.

Nhưng ngứa mũi còn chưa kinh khủng bằng nghẹt mũi. Vì tình trạng này khiến trẻ không thở bằng mũi được và có khuynh hướng thở bằng miệng. Do đó, ban đêm trẻ sẽ há miệng để thở. Song vì là con nít nên sụn hàm và cấu trúc của khuôn mặt còn rất thơ ngây nên há kiểu nào thì nặn tượng kiểu đó. Lâu ngày, khuôn mặt sẽ dài ra, biến dạng xương hàm, lệch khớp cắn và được gọi là "vẻ mặt của viêm mũi dị ứng".

Có một số bạn nhỏ vĩnh viễn không biết thở bằng mũi và cha mẹ phải dạy lại cách thở bằng mũi. Và khi thở bằng mũi thì tất cả dị nguyên sẽ đi thẳng vào cơ thể.

Những bạn nhỏ vừa viêm mũi vừa viêm kết mạc mắt thì sẽ có vết lằn dưới mi và quầng thâm dưới mắt. Đó là những dấu hiệu kín đáo mà chúng ta không biết rằng con mình đã tái đi tái lại nhiều lần trên cơ địa dị ứng.

Sau khi được bác sĩ chẩn đoán viêm mũi dị ứng rồi thì chúng ta mới được quyền điều trị. Đầu tiên, chúng ta phải loại bỏ những yếu tố khởi phát viêm mũi dị ứng như mạt nhà, lông thú cưng, bụi bẩn,... bằng cách dọn dẹp và lau nhà cửa sạch sẽ, giữ không khí trong lành; vệ sinh máy lạnh định kỳ.

Lưu ý, làm sạch nhà cửa ở đây không phải là che rèm kín hết xung quanh, thay vào đó nên mở cửa ra cho nguồn không khí trong lành vào nhà. Điều này giúp cho nhà cửa thông thoáng, tránh nấm mốc và tù túng.

Đồng thời vệ sinh nhà cửa thường xuyên để tránh bụi bận, đây cũng là cách để hạn chế mạt nhà. Các bậc phụ huynh cần biết rằng, mạt nhà không thể nhìn bằng mắt thường và nằm trong bụi, đến đêm sẽ bò ra ăn da của mình và để lại những sản phẩm gây dị ứng. Ngoài ra, gia đình nào có nuôi thú cưng cần xử lý lông và giặt giũ giường chiếu thường xuyên.

Niêm mạc mũi và niêm mạc phế quản gần giống nhau, vì thế nếu bị viêm mũi thường xuyên cũng sẽ gây khởi phát hen. Nếu viêm mũi càng nặng thì hen cũng sẽ nặng theo. Theo một nghiên cứu, khi đưa một dị nguyên vào mũi thì lập tức sẽ gây hắt xì, chảy mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, tình trạng này cũng làm chức năng phổi giảm xuống.

Trường hợp này chúng ta chia ra là pha sớm và pha muộn. Nếu chúng ta hít thường xuyên, lặp đi lặp lại vài tháng sau đó thì gọi là pha muộn. Khi đó, cơ thể đã tiết ra hóa chất trung gian và tiếp tục lại xuất hiện cơn sổ mũi, nghẹt mũi, chức năng đường thở lại càng sụt giảm. Vì vậy, khi điều trị thì phải điều trị cả viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

Lau dọn nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ các bụi bẩn, các dị nguyên gây dị ứng là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ vừa bị hen vừa bị viêm mũi dị ứng (Ảnh minh họa)

6. Lưu ý gì khi chăm sóc trẻ vừa bị hen, vừa bị viêm mũi dị ứng?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn các phụ huynh cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ bị bệnh hen, đặc biệt là ở những thời điểm không khí bị ô nhiễm nhiều?

Chỉ số bụi bẩn viết tắt là PM (Particulate Matter). Nếu chỉ số này nhỏ hơn 2 micromet thì gọi là phân tử nhỏ (1 micromet bằng 1/1000 milimet). Vì vậy những hạt bụi nhỏ đủ nhỏ cỡ đó thì sẽ chui vào trong phổi và vào tận phế nang, gây ra nguy cơ viêm mũi, viêm phế quản và phế nang. Theo nghiên cứu, nếu như môi trường ô nhiễm thì sau vài năm tỷ lệ người mắc hen và viêm mũi dị ứng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba.

Vì thế, chúng ta sẽ che chắn bụi bẩn bằng cách đeo khẩu trang. Khi đeo khẩu trang cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý, mũi trẻ rất nhỏ nên sẽ thở không kịp. Đặc biệt, khi đeo khẩu trang và chở trẻ đi xe máy với tốc độ cao sẽ khiến bé khó chịu. Do đó, phụ huynh cần gắn thêm kính chắn gió trước xe để giúp trẻ không bị ngộp thở. Cha mẹ phải dạy trẻ cách đeo khẩu trang và cách rửa tay.

Quan trọng hơn là đừng để cho trẻ bị ngứa mũi và phải biết cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nhiều bạn nhỏ bị viêm mũi lâu ngày sẽ mất khứu giác, không thể ngửi được. Chỉ cần nhỏ mũi, vệ sinh mũi thì bạn nhỏ sẽ hết nghẹt và thông thoáng mũi trở lại. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách chăm sóc mũi để con mình có hơi thở dễ chịu.

Nếu bị viêm dai dẳng thì phải sử dụng loại thuốc xịt tại mũi để làm chống viêm, giảm sưng. Điều này sẽ được các bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng trên từng em nhỏ.

Một điều đáng lưu ý nữa, khi trẻ bị nghẹt mũi, các bậc phụ huynh sẽ ra nhà thuốc tây để mua chai xịt về xịt mũi. Nhưng cha mẹ không biết rằng, nếu việc xịt mũi kéo dài hơn 1 tuần thì sẽ gây mất chức năng mũi, sưng phì đại và không hồi phục. Điều này sẽ khiến phải phẫu thuật mũi.

Một số loại thuốc nghẹt mũi còn gây hạ huyết áp cấp thời, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Chúng tôi từng ôm một em nhỏ trong tay và không biết rằng trước đó gia đình đã sử dụng loại thuốc này cho đến khi chúng tôi cảm nhận được rằng trẻ đã được cho sử dụng loại thuốc gì đó khiến trẻ bị co mạch. Vì vậy, các bậc cha mẹ chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ. Chỉ có nước muối sinh lý mới được nhỏ vào mũi của trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X