Trẻ khó thở như thế nào là biểu hiện của bệnh hen suyễn? Phải làm gì để cắt cơn hen?
Trẻ khó thở thế nào là biểu hiện của bệnh hen suyễn, làm sao giảm bớt cơn hen... Để biết cách chăm sóc trẻ bị hen sao cho đúng, mời quý vị cùng nghe BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên chia sẻ về vấn đề này nhé!
1. Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn
Thưa bác sĩ, hen suyễn là một bệnh dai dẳng và xảy ra những cơn khó thở rất nguy hiểm. Vậy xin hỏi BS nguyên nhân gây hen phế quản là gì?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Đây là câu hỏi khó khăn đối với cả thầy thuốc và các bậc cha mẹ. Cơn hen suyễn khi chợt đến khiến cha mẹ rất sợ. Việc ngăn chặn nguyên nhân gây ra hen suyễn là một vấn đề lớn.
Nguyên nhân chủ yếu của hen suyễn là do cơ địa. Trong cơ địa của những người bệnh hen sẽ có gen dị ứng, khi có bất kỳ sự thay đổi bất thường với cơ thể như thay đổi thời tiết thì họ sẽ khởi phát lên cơn hen. Vì vậy, khi nói đến hen suyễn, người ta sẽ nói nhiều về các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Có rất nhiều yếu tố gây khởi phát cơn hen như mùi nước hoa, phấn hoa, chạy gắng sức,... Đối với trẻ em, khi thời tiết thay đổi sẽ khiến trẻ dễ khỏi phát cơn hen nhất.
Có một số người không có gen dị ứng trong cơ thể vẫn có bị hen suyễn. Ở Việt Nam, môi trường ô nhiễm sẽ kích hoạt những yếu tố gây hen. Hay những trẻ bị chàm, viêm da cơ địa cũng là yếu tố kích hoạt dần dần để khởi phát cơn hen.
Vì sao số trẻ mắc bệnh gia tăng ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Ngày nay, trẻ nhỏ ăn được cho ăn nhiều chất đạm và du nhập nhiều yếu tố của phương Tây. Điều đó dần thay đổi mọi thứ trong cơ thể. Ngoài ra, trẻ em hiện nay chủ yếu được sống trong chung cư, ít được ra môi trường ngoài tiếp xúc với nắng, với gió.
Những yếu tố môi trường khác như khói bụi từ xe cộ, sử dụng nhiều thiết bị điện,... đây là những yếu tố gây độc cho lá phổi. Những điều này làm dễ dàng bùng phát cơn hen hơn ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
2. Sự khác nhau giữa hen suyễn ở người lớn và trẻ nhỏ
Hen giữa người lớn và trẻ nhỏ giống và khác nhau ở điểm nào, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Hen ở người lớn và trẻ con đều có những biểu hiện như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực.
Trẻ nhỏ bị lên cơn hen, co thắt đường thở sẽ tự hồi phụ hoặc phải sử dụng thuốc. Nhưng những biểu hiện này cũng có thể gặp ở trẻ bị bệnh về đường hô hấp chứ không phải ở trẻ bị hen. Và một năm có thể mắc khoảng 5 lần bệnh hô hấp. Nguyên nhân của việc trẻ dễ mắc bệnh hô hấp là trẻ còn yếu ớt, chưa có hệ miễn dịch khỏe mạnh và trẻ con thì thở nhanh, thở nhiều hơn người lớn nên hít nhiều bụi bẩn hơn.
Người lớn khi bị hen sẽ dễ diễn tiến nặng, dễ bị biến chứng và tử vong hơn trẻ em. Nhưng nếu trẻ không được chăm sóc, không được bảo vệ phổi thì khi lớn lên sẽ khó điều trị bệnh.
3. Diễn tiến của bệnh hen suyễn
Hen suyễn diễn ra như thế nào, được chia thành mấy loại?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Những triệu chứng gồm: ho, khó thở, khò khè, nặng ngực, đau ngực. Một số trẻ sẽ có đủ 5 triệu chứng này, một số trẻ khác chỉ có triệu chứng ho hoặc thở hổn hển. Do đó, khi trẻ có 1 trong 5 triệu chứng thì người ta sẽ nghi ngờ bị hen. Sự đặc thù của bệnh hen là sự tái đi tái lại, có khi dai dẳng 3-4 tháng.
Nếu các bạn nhỏ chịu “hợp tác” với bác sĩ thì sẽ bác sĩ sẽ dùng máy đo chức năng hô hấp. Máy có chức năng đo được sự cải thiện của đường hô hấp trước và sau khi sử dụng thuốc hen.
Những ống phế quản trong phổi khi bị co thắt sẽ khiến không khí không lưu thông và trẻ sẽ khó thở. Sau khi được bác sĩ mở ống phế quản thì trẻ sẽ thở khỏe hơn. Trong chuyên môn, bác sĩ gọi đó là đáp ứng với thuốc giãn phế quản (thuốc hen).
Nếu như bệnh sử của trẻ có bị lác sữa, viêm mũi dị ứng, dị ứng với trứng, đậu và cha mẹ có bị hen thì trẻ sẽ có cơ địa dị ứng.
Tất cả những yếu tố đó giúp khẳng định trẻ bị hen.
4. Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí khi trẻ bị hen suyễn
Nhờ BS hướng dẫn cho các phụ huynh dấu hiệu nhận biết khi trẻ lên cơn hen, làm sao để xử trí kịp thời và xử trí như thế nào là đúng ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Nhận diện trẻ bị hen là điều quan trọng mà các bậc cha mẹ có con mắc bệnh hô hấp cần chú ý. Vì khi bị co thắt đường thở trẻ sẽ không thở được. Hàng ngày, cha mẹ nên theo dõi lồng ngực của con khi thở. Nếu trẻ bình thường thì lồng ngực lên xuống nhịp nhàng theo hơi thở. Nếu trẻ bị khó thở thì phần dưới lồng ngực (vị trí tiếp giáp giữa bụng với ngực) bị lõm bất thường, gọi là rút lõm lồng ngực. Các ông bố bà mẹ theo dõi con thường xuyên thì rất dễ dàng nhận ra điều này.
Dấu hiệu thứ hai là nhịp thở. Nhịp thở được tính theo từng nhóm tuổi ở trẻ con. Trẻ sơ sinh thường sẽ thở dưới 50 lần/phút. Trẻ từ sơ sinh đến 2 tuổi sẽ thở dưới 40 lần/phút. Trẻ trên 5 tuổi thì sẽ thở dưới 30 lần/phút. Người lớn chỉ thở 16 lần/phút. Nếu nhịp thở nhanh hơn thì cần cho trẻ đi khám, tránh để tình trạng rút lõm lồng ngực. Vì khi trẻ bị rút lõm lồng ngực thì bệnh đã diễn tiến nặng.
Vì vậy, quý phụ huynh nên theo dõi con mình khi có những dấu hiệu ho, khò khè, thở mệt, tái xung quanh môi để đưa trẻ đi thăm khám. Ngoài ra, trẻ khó thở vào ban đêm, mệt và khó thở khi chạy cũng là dấu hiệu nhận biết bệnh hen. Hiện tượng ho, khó thở lặp đi lặp lại 1-2 lần thì nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi để được tư vấn và hướng dẫn kỹ hơn.
Nếu trẻ bị hen thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng dụng cụ để xử lý khi trẻ lên cơn hen. Các bậc phụ huynh cần bình tĩnh để xử trí khi trẻ lên cơn hen. Vì cha mẹ là người gần gũi và bên cạnh trẻ thường xuyên
5. Số lượng trẻ bị hen suyễn phải nhập viện
Trường hợp trẻ lên cơn hen phải nhập viện có nhiều không ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Mùa sau Tết, thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ nhập viện ít. Thời điểm từ tháng 5-6, thời tiết sẽ chuyển mùa và bắt đầu vào mùa mưa, số lượng trẻ nhập viện tăng nhanh chóng. Trẻ bị khò khè chiếm khoảng 40%-50%.
6. Những bệnh lý nào gây khó thở ở trẻ?
Ngoài bệnh hen suyễn thì còn những bệnh nào gây khó thở ở trẻ, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Không phải lúc nào khò khè cũng là hen. Ví dụ, người lớn nếu bị nghẹt mũi thì sẽ biết cách hỉ mũi, nhưng trẻ con thì lại không biết điều đó. Khi đó, trẻ sẽ bị khò khè và ho nhiều khi nằm do cục đàm gây tắc đường thở.
Khi nào khò khè xuất phát từ đường hô hấp dưới (từ trái khế xuống phổi) thì sẽ liên quan nhiều đến hen. Nếu trẻ bị khò khè ở đường hô hấp trên (từ trái khế trở lên mũi) thì chỉ cần nhỏ nước muối để làm thông thoáng đường thở thì trẻ sẽ hết khò khè.
Một số trẻ bị viêm mũi dị ứng lâu ngày sẽ làm sưng phía trong vòm họng, gọi là VA. Khi đó, trẻ cũng sẽ bị khò khè, nghẹt mũi.
Như vậy, khò khè không chỉ gặp ở bệnh hen mà còn là triệu chứng của nhiều bệnh khác. Đặc biệt, vào tháng 6-7, trẻ từ 2 -7 tháng tuổi hay bị nhiễm siêu vi (hay gọi là viêm tiểu phế quản), trẻ sẽ ho khò khè và khó thở giống như bệnh hen.
7. Trẻ bị hen suyễn được thăm khám thế nào?
Khi đến bệnh viện, trẻ được thăm khám thế nào để chẩn đoán mắc bệnh hen?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Vì trẻ nhỏ khó có thể nói rõ được triệu chứng của cơ thể nên bác sĩ sẽ hỏi kỹ thông tin từ bố mẹ. Có một số trẻ khi được bác sĩ hỏi con có ho không thì liền diễn tả động tác ho.
Chúng ta có thể chẩn đoán dựa vào 5 triệu chứng: ho, khó thở, khò khè, nặng ngực, đau ngực và triệu chứng lặp đi lặp lại, bệnh thuyên giảm khi sử dụng thuốc hen.
Khi một bạn nhỏ bước vào phòng khám, bác sĩ sẽ quan sát tổng thể. Nếu da khô thì bạn nhỏ này có thể bị chàm hoặc viêm da cơ địa. Bác sĩ nhìn xem mẹ của bé có biểu hiện liên quan đến dị ứng hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi về những triệu chứng, các thực phẩm bị dị ứng là gì, các bệnh sử liên quan như chàm, viêm da cơ địa.
Có một số bạn nhỏ đã được sử dụng thuốc hen nhưng không được theo dõi thường xuyên và không đúng theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ lên cơn khó thở thì cần phải cắt cơn hen để trẻ bớt khó thở. Khi trẻ bị co thắt phế quản thì có thể sử dụng thuốc để mở đường thở. Những phế quản sẽ bị sưng (viêm phế quản mãn tính) và dễ làm trẻ khó thở, đường phế quản bị bị co thắt trở lại. Vì vậy, sau khi làm trẻ hết khó thở thì phải điều trị sưng phế quản.
Các bạn nhỏ nên được điều trị lâu dài và tái khám định kỳ để tránh tình trạng phổi giảm chức năng.
8. Phương pháp điều trị bệnh hen suyễn
Xin BS cho biết trị hen suyễn hiện nay có những phương pháp nào? Cần lưu ý gì khi cho trẻ dùng thuốc tại nhà?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Chỉ khi nào trẻ bị chẩn đoán bị hen và được sự hướng dẫn tỉ mỉ của bác sĩ thì mới nên trang bị thuốc trong gia đình. Những đứa trẻ chưa được chẩn đoán hen thì không được tự ý sử dụng thuốc. Vì chỉ khi trẻ có cơn hen thì mới sử dụng thuốc để mở đường thở, chứ không thể chỉ nghe khò khè là xịt.
Có thể trang bị bình xịt định liều MDI và bình xịt màu xanh xám để cắt cơn hen. Trẻ và bố mẹ phải luôn mang theo để khi trẻ bị khò khè, khó thở thì phải xịt ngay. Cha mẹ nên thông báo với cô giáo để phòng trường hợp trẻ lên cơn hen ở trường.
Bình xịt hơi khó sử dụng với trẻ con vì thường phải lắp vào buồng đệm và trẻ sẽ ngậm hoặc có mask sẽ che kín vùng mũi miệng. Khi xịt nhát thuốc thì trẻ phải hít vào trong phổi. Phế quản sẽ mở trở lại sau vài phút. Đây là thuốc được sử dụng khi lên cơn hen cấp và xịt hàng ngày để chống sưng viêm.
Các bác sĩ sẽ theo dõi chức năng của đường thở, đo chức năng hô hấp định kỳ để đảm bảo chức năng hô hấp tốt nhất có thể. Đó là 1 kế hoạch lâu dài cho mỗi đứa trẻ bị hen.
9. Phòng tránh hen suyễn
Cách phòng tránh hen suyễn?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Cách phòng tránh lý tưởng là không khí không ô nhiễm, thay tiết không thay đổi; nhưng những điều này rất khó. Có nhiều cách khác để phòng tránh.
Nhiễm siêu vi cũng là cơ hội để bùng lên cơn hen. Vì vậy, cần tránh bệnh nhiễm khuẩn siêu vi bằng cách rửa tay thường xuyên. Những bạn nhỏ khi bị ho, khò khè, sổ mũi thì phải mang khẩu trang khi đi học để tránh lây cho các bạn khác. Không nên đến chỗ đông người vì dễ lây mầm bệnh cho người khác.
Bố mẹ nên cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ để giảm mắc các bệnh về hô hấp, từ đó, giảm tần suất mắc hen.
Ngoài ra, mọi người nên hạn chế thải khói bụi ra môi trường, hạn chế di chuyển bằng xe cá nhân, tích cực trồng cây xanh để tạo không khí trong lành. “Lá phổi” của môi trường có khỏe thì lá phổi của trẻ con mới khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng rất quan trọng. Chế độ ăn của trẻ nên cân bằng và giàu dinh dưỡng, không nên ăn theo sở thích.
10. Bệnh hen suyễn có thể lây lan không?
Nếu trẻ có ông bà, cha mẹ bị hen suyễn thì có phòng tránh bệnh hen được không ạ?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Nếu nhà có ông bà, cha mẹ bị hen, ho một phát thì trẻ có bị lây không? Bác sĩ xin trả lời, hen không phải là bệnh lây. Chỉ có bệnh lao, khi ho mới truyền vi trùng lao ra môi trường xung quanh.
Hai người ngồi cạnh nhau không thể lây bệnh hen nhưng có thể truyền siêu vi đường hô hấp cho nhau. Một đứa trẻ khỏe mạnh bị nhiễm siêu vi đường hô hấp nhiều lần thì sẽ dễ mắc hen. Vì nó liên quan đến cơ chế viêm trong cơ thể và sẽ gây ra bệnh hen.
Nếu ông bà truyền gen dị ứng hen cho bố mẹ thì bố mẹ sẽ truyền lại cho con. Nên đưa ông bà đến các bác sĩ hô hấp để được chăm sóc và cả gia đình đều được khỏe mạnh.
11. Lời khuyên của BS dành cho trẻ bị hen suyễn
Ngoài việc kiểm soát cơn hen, trong sinh hoạt, ăn uống, vui chơi… thường ngày trẻ cần lưu ý gì, thưa BS?
BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên:
Hen là bệnh đơn giản trong cách nhìn nhận và điều trị. Nếu trẻ mắc bệnh hên thì không nên quá hoảng sợ và nên đi thăm khám. Các bác sĩ sẽ có cách hướng dẫn và tư vấn lâu dài giúp trẻ vẫn đi học và sinh hoạt bình thường. Chúng ta hãy chăm sóc trẻ bình thường để các bạn nhỏ không bị cô lập và kỳ thị khi. Như vậy chúng ta có thể cùng con vui chơi và cùng cứu con khi con bị lên cơn hen.
Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện ĐH Y dược là những địa chỉ có thể tư vấn bệnh hen tốt cho trẻ.
Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình