Hotline 24/7
08983-08983

Cách chế ngự cơn thèm ăn của người bệnh tiểu đường?

(AloBacsi) - TS.BS Lê Tuyết Hoa - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết trả lời 3 câu hỏi đầu tiên của bạn đọc Alobacsi.

Ngay trong ngày tư vấn đầu tiên 15/6, TS.BS. Lê Tuyết Hoa - chuyên ngành Đái tháo đường - Nội tiết đã nhận được hơn 10 câu hỏi của bạn đọc.

Trong đó, có một số câu hỏi trùng ý, AloBacsi đã chọn 3 trong số các câu nhiều người quan tâm nhất mời
TS.BS Tuyết Hoa tư vấn.

 
1Xin chào BS Tuyết Hoa. Chồng tôi là bệnh nhân cũ của chị khi chị còn công tác bên Khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy, nay đọc tin thấy chị tư vấn trên AloBacsi, tôi mừng quá.
Chúng ta lại có dịp “gặp nhau”.
Thưa chị,
 
Chồng tôi 41 tuổi, bị tiểu đường tuýp 2 thể nhẹ đã 6 năm. Bình thường lượng đường đo lúc chưa ăn sáng giao động từ 120 - 128. Mỗi ngày uống 1 viên Glucofast 850mg. Do công việc đòi hỏi phải tiếp khách nên uống nhiều rượu bia. Vậy cho tôi hỏi bệnh tiểu đường uống rượu bia có được không?

Anh ấy hay bị hạ đường run lẩy bẩy. Những lúc như thế, tôi lúng túng, không biết phải làm sao. Nhiều lúc anh ấy thèm ăn, ăn lung tung, bất kể đường huyết là bao nhiêu. Những khi như thế, tôi can không được. Vậy có cách nào để chế ngự cơn thèm ăn của người bệnh?

Tôi rất lo tiểu đường làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của anh. Vậy xin hỏi BS, bệnh nhân tiểu đường thường sống ngắn hơn người bình thường bao nhiêu năm? Bệnh này có di truyền không, thưa BS? Tôi rất lo cho 2 đứa con nên hay bắt các cháu kiêng đường, dù chúng chưa có biểu hiện bệnh của bố.

Chúng tôi cảm ơn bác sĩ nhiều. Kính chúc BS nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

(Nguyễn Thị Tú Mai - Cảnh Viên 1, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) 
 
TS.BS Lê Tuyết Hoa:
 
Rất vui được gặp lại chị. Cảm ơn chị vẫn còn nhớ đến bác sĩ Hoa!

Chị không cung cấp cho BS thông tin về cân nặng chiều cao của anh, chế độ luyện tập thể lực ra sao? Bởi vì đối với người bệnh tiểu đường, việc ăn uống hợp lý và cân bằng kết hợp với luyện tập (đi bộ, đạp xe, đi bơi...) là quan trọng và cơ bản nhất. Dù có uống thuốc nhưng thiếu 2 điều này việc điều trị không hiệu quả tối ưu.

Ăn uống hợp lý, kết hợp với luyện tập thể lực là yêu cầu bắt buộc với người bệnh tiểu đường.
Ảnh internet
 
Đường huyết ở mức 120 - 128 là chấp nhận được. Việc anh hay đói bụng, thèm ăn…có thể do anh ăn kiêng quá không? Nên nhớ ăn hợp lý chớ không phải ăn ít như mấy người dư cân béo phì đâu chị.
 
Nếu không lao động nặng, chị có thể cho anh ăn 2 chén cơm (hạn chế mì gói, bánh mì, bánh phở, mì sợi... ăn chỉ khoảng 1/2 lượng ăn của người không tiểu đường), tăng cường rau xanh, cải trong bữa ăn gấp đôi càng tốt, vẫn ăn trái cây 3-4 suất/ ngày nhưng số lượng chỉ bằng 1/2 của số lượng trái cây người bình thường ăn (nôm na là như vậy chị ạ).

Rượu bia không cấm hoàn toàn, nhưng hạn chế ở mức chuẩn cho phép. Mức chuẩn đó là 1 lon bia hoặc 100mL champagne hoặc 20mL rượu mạnh mỗi ngày mà thôi... không dồn lại uống trong 1 lần. Một chút ít bia sẽ có lợi cho tim mạch. Việc đi ăn ngoài, ăn tiệc cũng là niềm vui của anh, vẫn không hạn chế nhưng anh cũng nên chọn lựa thức ăn như đã hướng dẫn.

Tuổi thọ của người bệnh tùy thuộc vào các biến chứng mạn tính của bệnh mà họ mắc phải. Biến chứng càng nhiều tuổi thọ càng giảm. Nên cần giữ đường huyết, huyết áp và mỡ trong máu ở mức bình thường càng tốt.

Bệnh có thể di truyền. Chị nên giữ cho các con chế độ ăn mạnh khỏe, đó là chế độ ăn dành cho tất cả mọi người: ăn nhiều chất xơ, chất bột vừa phải và ít chất béo, không quên luyện tập thể dục...

Mong anh chị và các cháu vui khỏe!
 
 
2. BS ơi, tôi (56 tuổi), bị đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 đã mấy năm nay, vừa rồi tôi đi khám sức khỏe thì phát hiện bị loãng xương (LX).
Xin hỏi bác sĩ có phải ĐTĐ gây ra loãng xương không, hay ĐTĐ có làm tăng tốc độ loãng xương của người có tuổi? Tôi nên ăn thêm gì để không tăng đường và có lợi cho xương. Nhờ BS chỉ dẫn giúp. Xin cảm ơn BS.                                      
 
    (Lê Thị Phúc - Hai Bà Trưng, P. Tân Định, Q.1)

TS.BS Lê Tuyết Hoa:

Chị chưa cung cấp cho BS thông tin về cân nặng và chiều cao.

Tuổi 56 mà LX thì hơi sớm. Chị đã đo mật độ xương ở xương nào (xương sống, xương hông hay xương gót?) vì đối với phụ nữ, đo ở xương hông và cột sống là phản ánh đúng nhất sự LX.

ĐTĐ có thể làm tăng nguy cơ LX. Nhưng để phòng LX, dù ĐTĐ hay không, mình vẫn có nhiều cách để điều trị. Ví dụ như: uống sữa, thêm viên canxi, hay thuốc trị LX chuyên biệt, đừng quên tập luyện và tiếp xúc với ánh nắng.

Ăn gì để không tăng đường là một vấn đề chị có thể tham khảo câu trả lời trước của BS.

Thân mến!
Người bệnh tiểu đường không nên ăn chuối ?

 3. Năm nay tôi 50 tuổi, mới phát hiện bệnh tiểu đường. HBA1C của tôi là 7.7

Tôi còn nhiều thắc mắc về chế độ ăn uống quá. Có người tư vấn tôi ăn bánh mỳ với chuối thay cơm, nhưng ăn như thế đường huyết không hề giảm. Tôi rất lúng túng với chế độ ăn của mình.

Bệnh tiểu đường được ăn những loại rau, quả nào? Loại bánh, sữa nào là tốt nhất? Người ta nói người bệnh không nên ăn chuối, có đúng không, thưa BS?

Tôi thường xuyên thèm ăn cơm mà tiểu đường phải kiêng bớt tinh bột, tôi phải làm sao, vì ăn ít cơm quá mau đói lắm, BS ơi? Người ta nói ăn bún thì tốt hơn ăn cơm với người tiểu đường có đúng không, nhờ BS tư vấn giúp.

Trân trọng cảm ơn.                                                              
(Trần Văn Quang - Gia Lâm, Hà Nội)

TS.BS Lê Tuyết Hoa:

Anh ăn như vậy là sai rồi. Chất bột (bún, miến, bánh phở, bánh mì, bánh ướt, xôi cơm) cần được giảm, chỉ khoảng 1/2 của người bình thường.

Ví dụ nhé: Buổi sáng thay vì ăn nguyên 1 ổ bánh mì thịt, anh chỉ nên ăn 1/2 ổ (loại 3000đ) mà thôi, nhét thêm thịt chả và thêm nhiều rau dưa hơn; Mì gói anh nên ăn 1/2-2/3 gói; ăn phở phải kêu ít bánh ... và không ăn cả 3 món vừa kể cùng lúc... mỗi bữa sáng chỉ 1 suất như thế thôi.

Trái cây cũng ăn ít hơn bình thường khoảng 50%.

Ví dụ: nửa trái chuối già, 1/2 trái chuối sứ, 1/2 trái táo Mỹ, 3-4 múi mít, 1 trái quýt, 1/2 trái cam lớn, 1/4 trái thanh long, 4 trái táo xanh của Việt Nam, 3 múi bưởi... cho 1 lần ăn. Mỗi lần ăn một loại trái cây thôi nhé. 
 
Mỗi ngày anh được ăn 3-4 lần trái cây. Nên uống thêm sữa không đường nhất là khi còn đói.

Rau cải có nhiều chất xơ nên ăn nhiều, sẽ tốt cho đường huyết và hạ được mỡ trong máu. Ăn nhiều bữa nhỏ sẽ giúp anh giảm đói.

Ăn uống và tập luyện hài hòa với mức độ lao động của anh. Khi anh đã ăn đúng rồi tập luyện đầy đủ mà đường huyết còn cao, bác sĩ cần phải chỉnh liều lượng thuốc hạ đường cho anh.

Mong những câu trả lời này giúp anh hiểu thêm về chế độ ăn phù hợp.

Thân mến!

AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X