Hotline 24/7
08983-08983

Các thuốc mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn

“Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, ngày càng có nhiều loại thuốc giúp điều trị làm chậm tiến triển và cải thiện tiên lượng bệnh thận mạn. Do đó, chúng ta không có do gì đứng bên lề để bệnh ngày càng tiến triến nặng, trong khi khoa học kỹ thuật đã mang lại cơ hội mới, mở ra hy vọng cho những người mắc phải căn bệnh này”.

Đây là những thông tin đáng chú ý được ThS.BS Trần Minh Hoàng - Khoa Nội thận - Thận Nhân tạo nhấn mạnh tại chương trình tư vấn “Những tiến bộ mới làm chậm tiến triển bệnh thận mạn” nhân Ngày thận Thế giới do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện vào ngày 16/3/2024.

Thuốc mới trong điều trị bệnh thận mạn - lợi hại ra sao?

Chuyên gia thông tin, bệnh thận mạn là căn bệnh phổ biến, diễn tiến âm thầm và hậu quả nặng nề. Đây cũng là tổn thương không thể hồi phục, vì vậy mục đích là để làm chậm tiến triển bệnh để trì hoãn thời điểm phải lọc máu càng lâu càng tốt hoặc không bao giờ.

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong cả chẩn đoán và điều trị. Do đó, những người bệnh có nguy cơ cao (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…) cần được tầm soát để phát hiện sớm. Xét nghiệm tầm soát bao gồm xét nghiệm nước và nước tiểu, rất đơn giản hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương.

Các giải pháp điều trị bệnh thận mạn gồm có không dùng thuốc (ăn uống, vận động thể lực đúng cách), điều trị bằng thuốc, điều trị bệnh gốc và kiểm soát các bệnh đi kèm khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Chia sẻ về các loại thuốc làm chậm tiến triển bệnh thận mạn, ThS.BS Trần Minh Hoàng cho biết: “Nửa đầu thập niên 2010 không có liệu pháp đặc hiệu mới giúp bảo vệ thận cho người bệnh, tuy vậy giới khoa học vẫn miệt mài tìm các giải pháp điều trị. Do đó, từ những năm sau của thập niên 2010 trở đi đã phát hiện ra thuốc mới trong điều trị làm chậm tiến triển bệnh thận mạn”.

Một trong số đó là nhóm thuốc ức chế SGLT2. Đây là nhóm thuốc ra đời với chỉ định đầu tiên điều trị đái tháo đường type 2. Sau đấy, do có các lo ngại về an toàn tim mạch, FDA đã yêu cầu thực hiện các thử nghiệm lâm sàng với tất cả thuốc điều trị ĐTĐ mới. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy lợi ích vượt trội trên tim mạch và bước đầu cho thấy hiệu quả bảo vệ trên thận.

Những nghiên cứu tiếp theo về sau đã ngày càng củng cố những tác động tích cực trên thận của nhóm thuốc SGLT2i này, cho thấy cải thiện được tốc độ tiến triển của bệnh thận mạn, giúp trì hoãn thời gian người bệnh phải chạy thận.

Nghiên cứu về hiệu quả của thuốc SGLT2i đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mạn

ThS.BS Trần Minh Hoàng dẫn chứng: “Một nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân giai đoạn nặng (eGFR nền = 20ml/phút/1,73m2) khởi trị muộn, thời gian từ lúc khởi trị SGLT2 đến điều trị thay thế thận khoảng 5,5 năm, trong khi bệnh nhân ở nhóm giả dược là 3,5 năm.

Đáng chú ý, nếu bệnh nhân giai đoạn sớm (eGFR nền = 85ml/phút/1,73m2) được khởi trị sớm với SGLT2, thời gian từ lúc khởi trị SGLT2 đến điều trị thay thế thận khác biệt đến 26,6 năm so với bệnh nhân ở nhóm giả dược, gần 1/4 thế kỷ”.

Điều đó cho thấy, khởi trị SGLT2i ngay từ giai đoạn sớm giúp giảm biến cố thận rõ rệt và giảm gánh nặng lọc máu. Đồng thời, sử dụng SGLT2i từ giai đoạn sớm giúp kéo dài thời gian đến bệnh thận giai đoạn cuối.

Một tiến bộ khác trong điều trị bệnh thận mạn được chuyên gia đề cập, đó là thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid. Cho đến nay đã có nhiều công trình thử nghiệm trên thế giới trên bệnh nhân thận kết quả rất đáng khích lệ.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy, Mineralocorticoid đạt hiệu quả tốt trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh thận, an toàn cho người sử dụng. Điều này hứa hẹn sẽ làm chậm tốc độ tiến triển bệnh thận ở bệnh thận mạn, đặc biệt là có kèm theo bệnh đái tháo đường. Sắp tới Mineralocorticoid sẽ có ở thị trường Việt Nam” - ThS.BS Trần Minh Hoàng thông tin.

3 quan niệm chưa đúng về bệnh thận mạn

Trong phần chia sẻ, chuyên gia cũng nhấn mạnh 3 quan điểm sai lầm về bệnh thận mạn rất thường gặp trong quá trình thăm khám, bao gồm:

- Đau lưng là do bệnh thận: Một số bệnh thận có thể gây đau như sỏi thận, nhiễm trùng thận. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng khác nhau và không phải bệnh thận nào cũng gây đau lưng. Điển hình như suy thận không gây đau lưng.

- “Tôi đi tiểu bình thường, tôi không phù, vì thế tôi không bị bệnh thận”. Đây là vấn đề được bệnh nhân đến khám phản hồi với bác sĩ phổ biến nhất. Ngoài chức năng thải nước, thận còn thải chất độc. Những người bệnh thận chưa ảnh hưởng chức năng thải nước sẽ đi tiểu bình thường và không bị phù. Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, muốn đánh giá giảm khả năng thải độc của thận thì cần phải xét nghiệm máu.

- Khi đến khám thường không mang theo xét nghiệm/toa thuốc cũ ở nơi khác vì tưởng rằng không có giá trị. Tuy nhiên thực tế, bác sĩ nhấn mạnh, việc mang theo các xét nghiệm/ toa thuốc cũ ở nơi khác rất có giá trị, bởi qua đó sẽ theo dõi được quá trình chẩn đoán và điều trị trước đó của bệnh nhân. Thiếu sót dữ liệu, đôi khi sẽ khiến bác sĩ gặp một số khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc điều trị. “Vì vậy, dù khám ở đâu cũng nên mang theo giấy tờ này, để thuận tiện cho bác sĩ theo dõi” - ThS.BS Trần Minh Hoàng cho biết.

>>> Tầm soát bệnh thận mạn chỉ với 2 xét nghiệm cơ bản ở đâu cùng làm được

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X