Tầm soát bệnh thận mạn chỉ với 2 xét nghiệm cơ bản ở đâu cùng làm được
Trong chương trình tư vấn nhân Ngày thận Thế giới do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện vào ngày 16/3/2024, ThS.BS Trần Minh Hoàng - Khoa Nội thận - Thận Nhân tạo nhấn mạnh, bệnh thận mạn để lại gánh nặng rất lớn cho người bệnh và gia đình. Việc tầm soát phát hiện sớm chỉ với xét nghiệm máu và nước tiểu đưa đến cơ hội được điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Trong 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh thận mạn
Chuyên gia nhấn mạnh, thận là một trong những cơ quan trọng yếu của cơ thể, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, từ việc loại bỏ chất thải và nước dư thừa, giúp kiểm soát huyết áp, đến nắm giữ vai trò tạo máu, giữ cân bằng nội môi trong cơ thể và còn là “vệ sĩ” cho xương khỏe mạnh.
Tuy vậy, ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có sự gia tăng và rất đáng báo động. ThS.BS Trần Minh Hoàng dẫn chứng các thống kê cho thấy, tỷ bệnh thận mạn trong dân số toàn cầu khoảng 8,6%. Cứ 10 người trong dân số chung sẽ có 1 người mắc bệnh thận mạn. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong hơn 1.500 người đến khám tổng quát (chưa phát hiện bệnh thận trước đó) phát hiện 19,1% bất thường thông qua xét nghiệm chức năng thận, nước tiểu, siêu âm thận và ít nhất 11,5% có bệnh thận mạn.
“Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh thận mạn. Một thống kê năm 2020 tại Mỹ và một số quốc gia khác ghi nhận, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch máu thận, viêm cầu thận, thận đa nang.
Ngoài ra, một số thuốc độc thận cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một là thuốc và các sản phẩm từ thảo dược do chúng ta sử dụng khi không có chỉ định, ý kiến của bác sĩ như thuốc nam, thuốc bắc, thuốc không rõ nguồn gốc). Các thuốc này có thể gây độc thận trực tiếp, hoặc xuất phát của độc tính từ phụ gia và chất tạp nhiễm trong quá trình sản xuất/ hoặc thuốc nam, thuốc bắc tương tác với các thuốc khác đang sử dụng.
Hai là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen, Meloxicam… và ba là thuốc kháng sinh như Aminoglycoside, Colistin, Vancomycin… hay thuốc cản quang cũng ảnh hưởng đến chức năng thận nếu lạm dụng, không tuân thủ chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ” - ThS.BS Trần Minh Hoàng thông tin.
TOP những người cần tầm soát bệnh thận mạn
ThS.BS Trần Minh Hoàng nhấn mạnh, bệnh thận mạn là tổn thương không phục hồi. Tuy vậy, tình trạng này có thể kiểm soát nhằm làm chậm tiến triển và cải thiện tiên lượng bệnh. Chuyên gia đưa ra 2 lý do chính để giải thích cho tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh thận mạn từ sớm.
Đầu tiên là vì bệnh thận mạn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải điều trị thay thế thận (chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận) gây tốn kém và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của cả bệnh nhân lẫn thân nhân. Chưa kể, bệnh thận mạn còn làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch, tăng tỷ lệ tử vong, điều này cũng làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng về kinh tế và y tế.
Hai nữa là bệnh thận mạn diễn tiến âm thầm. Trong khi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng điển hình thì đến khi vào giai đoạn muộn, bệnh nặng hoặc có biến chứng lại dễ phát hiện nhưng khó điều trị và hậu quả nặng nề.
“Bệnh thận mạn diễn tiến qua 5 giai đoạn, dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) để phân loại. Trong đó giai đoạn 1 GFR > 90, diai đoạn 2 GFR 60-89, giai đoạn 3A GFR 59-45, giai đoạn 3B GFR 44-30, giai đoạn 4 GFR 15-29v à giai đoạn 5 GFR < 15. Tuy vậy, người Việt chúng ta có sức chịu đựng lớn, nên đôi khi bệnh tiến triển ở giai đoạn cuối, nhiều người vẫn khỏe và không bị bất kỳ triệu chứng nào ảnh hưởng” - chuyên gia cho biết.
Từ những thực tế trên, ThS.BS Trần Minh Hoàng khuyến nghị cần tầm soát bệnh thận mạn từ sớm, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ, bao gồm bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, người lớn tuổi, béo phì, lupus ban đỏ, HIV, từng bị bệnh thận, tiền căn gia đình, di truyền, môi trường, tiền sản giật hoặc sử dụng các thuốc độc thận.
Tầm soát bệnh thận mạn bằng cách nào?
Chuyên gia thông tin, nhấn mạnh, tầm soát ở giai đoạn sớm thông qua các xét nghiệm Creatinin máu (huyết thanh); đạm trong nước tiểu, cận lắng nước tiểu; xét nghiệm giấy nhúng; siêu âm khảo sát thận và hệ niệu. Trong đó, cơ bản và quan trọng nhất mà ở bất kỳ cơ sở địa phương nào cũng có thể thực hiện đó là 2 xét nghiệm máu (Creatinin máu) và nước tiểu (xác định đạm trong nước tiểu).
ThS.BS Trần Minh Hoàng giải thích, creatinin máu (huyết thanh) là một chất chuyển hóa từ cơ, đo trong máu, được dùng để tính toán chức năng thận (độ lọc cầu thận ước đoán - eGFR). eGFR trên người bình thường > 90ml/phút/1,73m2. Việc đánh giá độ lọc cầu thận có thể dao động giữa các lần xét nghiệm, giữa các máy xét nghiệm.
“Do vậy cần phải có sự diễn giải từ chuyên gia tuỳ thuộc vào cá nhân người bệnh, không nên tự xem rồi lo lắng. Lưu ý, không nên ăn thịt hoặc cá trong vòng 12 giờ trước khi xét nghiệm. Trong tình huống bất khả kháng hoặc cần làm thì vẫn có thể thực hiện dù đã ăn thịt hoặc cá” - ThS.BS Trần Minh Hoàng cho biết.
Về xét nghiệm nước tiểu, có một số yếu tố ảnh hưởng kết quả xét nghiệm bao gồm phụ nữ đang hành kinh; nhiễm trùng tiểu có triệu chứng (tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu đau), vận động thể lực gắng sức; sốt, nhiễm trùng huyết; suy tim sung huyết; huyết áp tăng cao.
Chuyên gia cũng hướng dẫn cách lấy nước tiểu đúng cách để đảm bảo kết quả. Theo đó, trước khi lấy nước tiểu cần vệ sinh tay, vệ sinh lỗ tiểu, sau đó dùng lọ sạch (tránh đụng chạm vào bên trong lọ lấy tiểu) hứng 10ml nước tiểu giữa dòng (bỏ nước tiểu đầu dòng) để làm xét nghiệm.
Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm tầm soát bất thường, ThS.BS Trần Minh Hoàng khuyến nghị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Thận, tham vấn về vấn đề chẩn đoán (xác định bệnh, tìm nguyên nhân), điều trị (điều trị nguyên nhân, điều trị làm chậm tiến triển, điều trị biến chứng), đồng thời tư vấn chế độ theo dõi điều trị.
>>> Các thuốc mới trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn
Trong chương trình tư vấn, ThS.BS Trần Minh Hoàng giải đáp một số thắc mắc của người tham dự. Với câu hỏi “Hội chứng viêm cầu thận mạn không xác định và suy thận mạn từng giai đoạn khác nhau thế nào?”, chuyên gia nhấn mạnh, bệnh thận mạn là nói chung khi thận có vấn đề (bị bệnh), rối loạn chức năng hoặc cấu trúc kéo dài trên 3 tháng, thường không hồi phục. Hội chứng viêm cầu thận mạn không xác định cũng nằm trong nhóm này. Câu hỏi “Bệnh thận không thê làm chậm nhưng có cải thiện được độ lọc cầu thận?” cũng rất đáng chú ý được chuyên gia giải đáp: “Đối với bệnh thận mạn, việc điều trị không giúp đảo ngược vấn đề, từ người đang mắc bệnh thận trở thành thận khỏe mạnh không có bệnh, nhưng hoàn toàn có thể làm chậm tiến triển của bệnh thận và đây là mục tiêu cần đạt được. Đối với thắc mắc “Xét nghiệm máu và nước tiểu nên thực hiện bao lâu một lần với người đã mắc và chưa mắc bệnh?”, chuyên gia lý giải: Với người đã mắc bệnh thận chúng ta không còn gọi là tầm soát, khi đó cần theo dõi, chỉ định và điều trị với bác sĩ chuyên khoa. Tuỳ theo tình trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ hướng dẫn thời gian tái khám là 1 tháng, 3 tháng… Việc tầm soát chỉ thực hiện trên người chưa mắc bệnh. Nếu là người khỏe mạnh, không có bệnh lý phối hợp thì có thể tầm soát mỗi năm một lần. Nếu là người có yếu tố nguy cơ (hoặc kết hợp nhiều yếu tố nguy cơ) thì thời gian tầm soát có thể ngắn hơn, 2 lần mỗi năm. Tùy theo mức độ bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình