Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lưu Kính Khương, “người đưa đò” cho các ca mổ cập bến an toàn

Phẫu thuật u não bằng robot, rồi đến mổ tỉnh xuất huyết não, những ca phẫu thuật đầy thử thách đó đã được thực hiện thành công tại Việt Nam. “Người đưa đò” cho các ca mổ cập bến an toàn là BS.CK2 Lưu Kính Khương, trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115.

BS.CK2 Lưu Kính Khương alobacsi

“Người đưa đò” của những ca phẫu thuật danh tiếng

Năm 2019, 2020, Bệnh viện Nhân dân 115 liên tiếp có những ca phẫu thuật vang danh trong và ngoài nước. Ngày 15/2/2019, Bệnh viện 115 mổ thành công u não bằng robot thần kinh, sự kiện này sau đó đã xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục châu Á. 

Giữa năm 2020, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp tục tạo nên tiếng vang khi công bố về kỹ thuật mổ não tỉnh bằng robot, cụ thể là phẫu thuật xuất huyết não, đánh dấu một bước ngoặt mới trong chuyên ngành phẫu thuật thần kinh và gây mê hồi sức của Việt Nam.

Đồng hành với bàn tay vàng trong ngành phẫu thuật thần kinh - BS.CK2 Chu Tấn Sĩ là BS.CK2 Lưu Kính Khương - trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, người đã thực hiện chu đáo và chuẩn xác công tác gây mê - hồi sức cho những ca phẫu thuật đầy thử thách này.

Là trưởng khoa Gây mê hồi sức của một bệnh viện thuộc top đầu TPHCM, BS.CK2 Lưu Kính Khương vốn khá kiệm lời, đó là một trong những lý do ông chọn theo học gây mê hồi sức vì nghĩ chuyên ngành này phù hợp với tính cách của mình.

Kể lại chuyện chọn ngành, BS Khương vẫn gọi đùa là “chuột chạy cùng sào mới vào gây mê”, bởi những năm 90 chuyên ngành này vốn không thu hút, việc đào tạo rất vất vả vì bác sĩ gây mê phải am hiểu cả nội khoa lẫn ngoại khoa, bệnh nhân thì ít biết bác sĩ gây mê là ai. “Vô phòng mổ bệnh nhân thấy bác sĩ gây mê đeo nón trùm - khẩu trang kín mít được vài phút thì ngủ mất tiêu rồi, tỉnh lại thì tái khám với bác sĩ ngoại khoa. Những bệnh nhân ở lại lâu hơn thì thường hôn mê, đâu có giao tiếp nhiều” - BS Lưu Kính Khương kể về công việc thầm lặng của mình.

Vì thế, bác sĩ gây mê trở nên hiếm hoi, ở bệnh viện tỉnh thì bác sĩ ngoại khoa sẽ kiêm luôn việc gây mê. Riêng BS Khương nghĩ gây mê hồi sức hay cận lâm sàng, xét nghiệm… đều phục vụ cho sức khỏe của con người, việc nào cũng đáng trân trọng nên quyết tâm theo chuyên ngành này. 

Sau này, ngoại khoa ngày càng phát triển, nhu cầu bác sĩ gây mê ngày càng tăng. Không chỉ làm việc tại phòng mổ, bác sĩ gây mê còn túc trực ở các phòng chụp DSA, nội soi, can thiệp u gan bằng TOCE, đốt sóng cao tần RFA…

Vai trò của bác sĩ gây mê còn rất quan trọng ở điểm nếu trước mổ gây mê không đúng thuốc, không đúng liều thì hậu quả còn tệ hại hơn phẫu thuật viên đi sai đường mổ. Đôi lúc giữa bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên sẽ hơi mâu thuẫn. Chẳng hạn khi phẫu thuật viên muốn bụng bệnh nhân phải thật mềm để mở rộng phẫu trường, tiến hành mổ được tốt hơn nhưng điều này đòi hỏi BS gây mê sẽ tốn công sức và thời gian nhiều hơn để bóp bóng, cho bệnh nhân thở máy… Do đó nếu cả hai bác sĩ phối hợp ăn ý với nhau thì mới đạt được kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Lúc này, “chuyến đò” mới được xem là cập bến thành công.

Quyết tâm trở thành bác sĩ sau 2 lần bạo bệnh

Những năm 80, cậu thiếu niên Lưu Kính Khương ở vùng quê nghèo của tỉnh Bạc Liêu chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ. Khương bấy giờ sức khỏe yếu kém, đau ốm liên miên.

alobacsi BS Lưu Kinh Khuong luc nhoCậu bé Lưu Kính Khương bên gia đình ở Bạc Liêu. Nhà có 7 anh em, Khương là con giữa.

BS Khương kể lại: “Hồi nhỏ đủ thứ bệnh, nhớ nhất là năm lớp 6 hay lớp 7, đi đá banh với bạn, bị một miếng dằm đâm vào chân mà không biết. Vài ngày sau chơi nhảy dây trong trường mới thấy thốn, rồi về nhà thấy chân mưng mủ. Ngày đó chẳng biết bệnh uốn ván là gì nên đâu có nghĩ tới…”.

Hôm đó đúng dịp lễ cúng thanh minh, có món heo quay và bánh bò, bình thường cậu bé Khương “thèm gần chết” mà bữa đó ăn không nổi, đến tối thì cứng hàm. Ba mẹ vội dẫn cậu bé qua nhà người anh họ là bác sĩ nội khoa, bác sĩ chẩn đoán uốn ván và kêu đi nhập viện.

Cách giường bệnh của Khương chỉ một bức rèm là một thiếu niên trạc tuổi cũng bị uốn ván, tình trạng rất nặng. Bấy giờ bệnh viện không có máy thở nên bạn nhỏ đó qua đời sau khi lên cơn co giật. Còn Khương thì đã sống được như một phép màu. Sau khi qua được cơn bạo bệnh, cậu bé bắt đầu thích ngành y.

alobacsi BS Lưu Kinh Khuong lop 10Lưu Kính Khương năm lớp 10 và bạn học

Cuộc sống khó khăn, hằng ngày Khương phải gánh nước mướn, kéo xe đẩy vật liệu xây dựng, vừa học vừa làm thuê phụ giúp gia đình. Tới cuối năm lớp 10, khuya nằm ngủ đột nhiên Khương ho ra máu, đi bệnh viện xét nghiệm kết quả bị lao. Cơn bệnh đó gọi là “ho ra máu sét đánh”, bệnh nhân thường tử vong nhanh do mất máu và hai phổi tràn ngập máu gây suy hô hấp, trụy tim mạch. Một lần nữa tử thần buông tha Khương, việc điều trị kéo dài 6 tháng, chích thuốc đến ê mông luôn!

Hai lần bạo bệnh khiến chàng trai trẻ Lưu Kính Khương hạ quyết tâm trở thành bác sĩ, vừa để có kiến thức lo cho sức khỏe của mình, vừa để chăm sóc thật tốt cho ba mẹ khi răng long đầu bạc, ngẫm lại, lúc nhỏ mình bệnh lên bệnh xuống, ba mẹ vất vả biết bao nhiêu!

Vị trưởng khoa kỹ tính, từ tâm

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y dược TPHCM năm 1997, về quê công tác 4 năm, tới 2001 BS Lưu Kính Khương chuyển về TPHCM làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho đến nay.

Hơn 6 giờ sáng BS Lưu Kính Khương đã có mặt tại khoa, dẫn đầu tốp bác sĩ đi khắp phòng để “điểm bệnh”, đến từng giường thăm hỏi từng người, nghe bác sĩ phụ trách cập nhật tình hình sức khỏe của họ.

Hằng ngày, bên cạnh các công việc hành chính của trưởng khoa, BS Lưu Kính Khương lại tất bật với công việc chuyên môn, quán xuyến 15 phòng mổ của cả bệnh viện. Có những ngày hơn 100 ca mổ, sáng sớm đi làm tối mịt mới về, cả ngày chẳng thấy ánh mặt trời. BS Khương cười: “Tụi tôi thường nói rằng trong một nhóm bác sĩ, ai có nước da tái mét đích thị là bác sĩ gây mê”.

Có những ca mổ ngắn, chừng 15-20 phút nhưng cũng có khi kéo dài đến 12-14 tiếng đồng hồ nếu là phẫu thuật tim thay động mạch chủ, hay các ca phẫu thuật của ngoại thần kinh cũng có khi từ 10-12 tiếng. Bác sĩ gây mê là người đi trước về sau, dù cho công việc của phẫu thuật viên đã kết thúc rồi thì người gây mê vẫn phải ở lại để hồi sức cho bệnh nhân.

Nhưng căng thẳng nhất vẫn là những ca cấp cứu đa chấn thương được khởi động quy trình báo động đỏ, chẳng hạn năm 2006 có bệnh nhân bị tai nạn vỡ gan vỡ lách, các bác sĩ phải chật vật cầm máu, sau đó phẫu thuật tới lui mấy lần, bệnh nhân thở máy rồi ngưng tim… may mà cuối cùng vẫn được cứu sống.

Trong những tình huống cấp bách như vậy, việc chuẩn bị phòng mổ phải thần tốc, bởi chậm một tích tắc có thể bệnh nhân không còn. Do đó BS Lưu Kính Khương luôn nhắc nhở các đồng nghiệp rằng phòng ốc, thuốc men, thiết bị phải thật ngăn nắp, gọn gàng, để khi cần thì “nhắm mắt cũng phải biết cái gì để ở đâu!”.

Tập thể khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 - những người đi trước về sau trong từng ca mổ

Bà Trần Thanh Hòa - nữ điều dưỡng đã nghỉ hưu, có 20 năm làm việc cùng BS Lưu Kính Khương tủm tỉm kể lại: “Là trưởng khoa nhưng BS Khương sẵn sàng làm cả việc lau rửa cho bệnh nhân, không phân biệt đó là việc của điều dưỡng hay hộ lý. Thấy cái gì chưa được là xắn tay vào làm, làm xong rồi mới la! Nhưng mà ông ấy la đúng, la để cho công việc tốt hơn nên anh em rất nể. Chứ bình thường BS Khương cũng ít nói, nhưng mà lại rất quan tâm đến mọi người. Trong khoa ai có khó khăn gì ông ấy cũng tìm cách giúp đỡ”.

Quý mến vị trưởng khoa của mình nên mọi người hết sức lo lắng khi thấy vừa kết thúc ca mổ dài dằng dặc, chưa kịp nghỉ ngơi, BS Lưu Kính Khương đã đi hiến máu nhân đạo. Ngăn cản không được, các thành viên khoa Gây mê hồi sức ngoại chỉ có thể thấp thỏm hỏi thăm: “Sếp có xỉu không vậy?”.

Không chỉ là khách quen của trung tâm hiến máu nhân đạo, dáng dấp cao ráo của vị trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại cũng hết sức quen thuộc với phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhân dân 115. Thế cho nên chiều 30 tết Kỷ Hợi, BS Khương ghé xin suất hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn của khoa mình cũng chẳng phải là chuyện hiếm.

BS.CK2 Chu Tấn Sĩ và BS.CK2 Lưu Kính Khương - cặp đôi “song kiếm hợp bích” trong những ca phẫu thuật danh tiếng của Bệnh viện Nhân dân 115

“Trên một con tàu, phải có người lái và người phụ thì con tàu mới vận hành được, bất cứ vị trí nào cũng đều đáng quý” - BS Lưu Kính Khương thường nói như vậy với đồng nghiệp trẻ và các học trò của mình để tiếp lửa cho họ theo đuổi ngành gây mê hồi sức.

Mà đúng là như vậy, BS Khương được người đồng nghiệp thân thiết của mình - BS.CK2 Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa Ngoại thần kinh trìu mến gọi là “động vật quý hiếm”, bởi tìm được một người bác sĩ gây mê vừa giỏi nghề vừa tận tâm, vừa phối hợp ăn ý để đồng hành cùng mình trong những ca mổ khó, không phải là chuyện dễ. Cặp đôi “song kiếm hợp bích” này chắc hẳn sẽ tiếp tục chinh phục những kỹ thuật mổ tân tiến nhất, để cho người bệnh ở Việt Nam được thụ hưởng thêm nhiều ca phẫu thuật nhanh chóng, an toàn và mau lành.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X