Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp: Bác sĩ chuyên khoa nhi “lỡ” đắm say ngành dinh dưỡng

19 năm chuyên khoa nhi, 12 năm rẽ qua ngành dinh dưỡng, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp đã cùng Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thực hiện rất nhiều dự án để thu hẹp khoảng cách từ những con số dưỡng chất khô khan đến bữa ăn ngon - lành của mọi người, từng bức cải thiện sức khỏe, tầm vóc của người Việt.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM, Phó chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược TPHCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM

Ông ngoại “lén” đem thuốc cho người nghèo, cháu gái quyết theo ngành y

Trở thành bác sĩ dường như là ước mơ chung của nhiều đứa trẻ sau vài trận ốm. Cô bé Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng thế, có cảm tình với ngành y sau 2 lần đi viện. Thế nhưng người vun đắp ước mơ trở thành bác sĩ của Ngọc Diệp - sau này là Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM - chính là ông ngoại, một cụ lang ở miền Bắc.

Thời ấy, mỗi khi cha mẹ đi dạy học cho các lớp ở vùng sơ tán, Ngọc Diệp được gửi cho ông bà ngoại trông nom. Gia đình có nghề bốc thuốc gia truyền, sau nhiều buổi “tò tò” đi theo ông ngoại, cô bé cũng biết mặt thuộc tên nhiều vị thuốc.

Có một điều lạ là mỗi khi có người đến bốc thuốc, ông ngoại lại ghi chép rất tường tận tên tuổi, địa chỉ của họ, nhưng tuyệt nhiên không hỏi thêm về khả năng chi trả. Khi cần mua 10 thang thuốc mà họ chỉ lấy 3 thang là cụ lang hiểu gia cảnh bệnh nhân thế nào. Rồi tới ngày hết 3 thang thuốc vẫn không thấy họ đến, cụ giở sổ xem địa chỉ nhà, bốc thêm thuốc mang đi.

Giữa mùa đông rét mướt của Bắc bộ, ông cụ đạp xe một mình, không thu lại đồng nào, về nhà lên cơn hen suyễn mà bấy giờ làm gì đã có các loại thuốc xịt cắt cơn nhanh gọn như sau này. Thấy thế, cụ bà xót ruột vô cùng. Nhiều chuyến sau, ông dặn cháu gái: nếu bà có hỏi thì nói ông đi họp với hội đông y, và đây là bí mật giữa hai ông cháu.

Sau này, khi cha mẹ hướng Ngọc Diệp theo nghề giáo để con gái đỡ cực nhưng hình ảnh người thầy thuốc mặc áo trắng rất đẹp, có tài chữa lành vết thương ở lần đi viện, và tấm lòng của cụ lang lọc cọc đi thăm bệnh giữa mùa đông vẫn lưu giữ trong tâm khảm cô gái trẻ, Ngọc Diệp quyết tâm trở thành bác sĩ. Với tấm lòng yêu mến trẻ con, cô trở thành bác sĩ chuyên khoa nhi, làm việc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp thuở mới ra trường

Sau chuyến dầm nước lũ, lá ngọc ra khỏi tháp ngà

Gia đình nề nếp, được cha mẹ lo cho ăn học đầy đủ, Ngọc Diệp như chiếc lá ngọc lớn lên trong “tháp ngà”. Nhưng một sự việc đã đưa cô bác sĩ trẻ ra khỏi tháp ngà an toàn ấy. BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nói: “Đó là chuyến đi thay đổi nhận thức của tôi”.

Năm 1999, miền Trung hứng chịu trận lũ lịch sử, BS Diệp là Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, có mặt trong đoàn cứu trợ đi đến tỉnh Quảng Ngãi. Lần đầu tiên, Ngọc Diệp biết thế nào là sự hung tợn của dòng nước lũ mà trước đó cô chỉ thấy trên phim tài liệu. Con sông Trà Khúc buổi sáng đi qua mực nước còn xa bờ, buổi chiều nước đã lênh láng mặt cầu.

Là thành viên nữ duy nhất trong đoàn, dáng vóc lại nhỏ nhắn, BS Diệp được cấp trên căn dặn: “Cô cứ ở yên một chỗ cho tôi, không được để xảy ra việc gì đâu đấy!”. Nhưng trong tình thế không thể ngồi yên, các bác sĩ kết hợp với Hội chữ tập đỏ của địa phương chia làm 3 mũi đi vào sâu trong các xã. Đi xe, đi ghe, thuyền thúng rồi lội bộ, lội bùn.

BS Diệp tham gia cứu trợ tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi năm 1999 - chuyến đi đã làm thay đổi nhận thức của nữ bác sĩ trẻ

Từ lời dạy của ông ngoại, BS Diệp sớm đã biết 4 nỗi khổ của người bệnh: đau đớn, không được làm việc, phải tìm nơi chạy chữa và tốn tiền. Thế nhưng nỗi khổ của người bệnh ở vùng lũ còn nhân lên gấp bội. Giữa bốn bề là nước, cái ăn còn thiếu thốn, bệnh cũng đành chịu trận. Gặp được bác sĩ, họ mừng như sống lại. Có những cụ già cứ tìm cách sờ vào người bác sĩ bằng được, với một niềm tin chất phác là cứ làm như thế là khỏi bệnh.

Chuyến trở ra, đoàn được một phen hú vía vì các nhóm mất liên lạc với nhau. Đường về sạt lở, một nhóm lạc ra tận ga tàu.

Từ chuyến đi ấy, BS Diệp lĩnh hội được nhiều điều, khám phá ra bản thân có thể làm được nhiều việc hơn mình tưởng. Nếu chỉ ở yên một chỗ, sẽ không giúp được nhiều người. Việc gì đã quyết tâm thì sẽ làm được. Và muốn được việc lớn phải hợp sức cùng số đông.

Chuyến đi đã đưa chiếc lá ngọc thoát khỏi tháp ngà, đến với cộng đồng rộng lớn có biết bao việc cần làm, phải làm.

BS Diệp trở lại Quảng Ngãi sau 10 năm

“Lỡ” đắm say ngành dinh dưỡng

Năm 2006, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp được điều chuyển sang Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM. Vốn yêu thích công việc chữa bệnh cho trẻ nhỏ, BS Diệp mong muốn chỉ chuyển công tác 2 năm, thế rồi đắm say ngành dinh dưỡng từ lúc nào không biết.

Thành lập từ năm 1989, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã có một hành trình dài trong công cuộc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân TPHCM và cả các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ, nhân viên đều từ ngành khác chuyển qua, vì tại miền Nam chưa có trường lớp đào tạo bài bản về dinh dưỡng.

Thêm vào đó, kiến thức dinh dưỡng rất chi li, tỉ mỉ từng miligam dưỡng chất, vi chất khiến “dân ngoại đạo” mới nhìn vào đã ngao ngán! Cho nên không ít ông bố bà mẹ đưa đứa con thấp còi đến khám, cũng học cách nấu ăn (được hướng dẫn miễn phí tại trung tâm), thế nhưng về nấu được vài ngày rồi đâu lại vào đấy, không áp dụng được bữa ăn khoa học vào gian bếp nhà mình.

Để thu hẹp khoảng cách từ kiến thức dinh dưỡng đến mâm cơm của mỗi nhà, BS Diệp cùng đội ngũ cán bộ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM bắt tay vào nghiên cứu, biên soạn, cải tiến các tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng.

Tờ rơi chưa đủ để truyền tải thì làm cẩm nang. Ảnh trắng đen không bắt mắt thì in ảnh màu. Minh họa bằng ảnh chụp không hấp dẫn trẻ em thì thay bằng đồ họa… chấp nhận tốn kém hơn để đạt hiệu quả hơn. Trung tâm đã mời cả chuyên gia ẩm thực đến đứng nấu và góp ý. Bởi vì BS Diệp nhận thấy: “Chúng ta ăn món ăn chứ không ăn thực phẩm. Món ăn thì phải đẹp - thơm - ngon”.

Rất nhiều bộ tài liệu thực hành dinh dưỡng ra đời, hướng đến nhiều đối tượng: phụ nữ mang thai, trẻ em, người bệnh tim mạch, người bệnh đái tháo đường…

Tài liệu cho bệnh viện, căn-tin trường học, nhà hàng… cũng được Trung tâm Dinh dưỡng biên soạn. “Nếu bệnh viện thực hành dinh dưỡng tốt, không chỉ rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân mà lượng rác thải từ việc thăm nuôi như hộp xốp, ly nhựa, túi nilon… cũng giảm thiểu. Nếu căn-tin, bếp ăn của trường học thực hành dinh dưỡng tốt thì góp phần giảm được tỷ lệ trẻ béo phì, suy dinh dưỡng, đồng thời dần cải thiện chiều cao của người Việt. Nếu nhà hàng thực hành dinh dưỡng tốt thì việc tiêu thụ muối trong cộng đồng sẽ hợp lý hơn, giảm được nguy cơ tăng huyết áp, bệnh thận mạn…” - BS Diệp phân tích. Hóa ra, đằng sau những con số miligam dưỡng chất là biết bao lợi ích cho sức khỏe cộng đồng.

Tài liệu làm xong không được cất vào tủ, phải phổ biến rộng rãi. Thế nên, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp và các chuyên gia của trung tâm đã đến với nhiều chương trình tư vấn dinh dưỡng trên các báo đài, trang tin sức khỏe.

Đó là lý thuyết! Còn thực hành?

Việc đong đếm lượng thực phẩm để nấu ăn cho từng đối tượng cũng rất quan trọng, phải làm sao cho dễ thực hiện. Ngoài việc áng chừng lượng thực phẩm bằng bàn tay khi nấu, còn phải dặn dò mỗi bữa bệnh nhân ăn mấy chén cơm, chén canh... Nhưng chén bát có rất nhiều kích cỡ, biết cỡ nào là vừa? Cho nên, sản xuất bộ chén bát có kích thước chuẩn mà ai cũng dễ dàng mua được là một đầu việc trong danh sách nối dài các dự định mà nữ bác sĩ còn đang ấp ủ.

Từ kinh nghiệm chuyến đi cứu trợ miền Trung, muốn làm việc lớn phải hợp sức cùng số đông, nữ giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lại xông xáo khắp nơi xây dựng mạng lưới chuyên viên tại các địa phương, thuyết phục các trường đại học mở chuyên ngành dinh dưỡng.

Thứ nhất là để người dân ở tỉnh xa đỡ vất vả đi đến TPHCM. Thứ hai, khi bệnh nhân xuất viện, họ vẫn cần chăm lo dinh dưỡng đúng cách tại nhà, nhất là những người bệnh mạn tính. Bởi lẽ, khi về với cộng đồng, việc thực hiện bữa ăn bệnh lý gặp nhiều trở ngại. Lý do là thói quen ăn uống của mỗi người, mỗi nhà đã hình thành qua hàng chục năm, rất khó thay đổi. Mà người bệnh sống cùng với nhiều thành viên khác trong nhà, có chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Thực tiễn đó đưa ra vấn đề: thực phẩm chế biến sẵn cho người bệnh như các loại sữa, bánh, kẹo, nước giải khát… lâu nay phải nhập khẩu rất nhiều, tại sao không sản xuất trong nước với chất lượng không thua kém, và còn phù hợp với thể trạng người Việt? Thế là BS Diệp lại tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, kết nối...

Cứ như vậy, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp mải miết với ngành dinh dưỡng, dự tính ban đầu là 2 năm đã trở thành 12 năm gắn bó với Trung tâm Dinh dưỡng. Đến nay, dù về hưu đã 3 năm nhưng BS Diệp vẫn không ngừng cống hiến cho chuyên ngành này.

Kỷ niệm 27/2 vô tiền khoáng hậu ở trung tâm cai nghiện trên Tây Nguyên

So với hoạt động trong ngành dinh dưỡng thì quãng thời gian là bác sĩ chuyên khoa nhi của BS Diệp dài hơn: 19 năm. Ít người biết, việc khám phá ra virus CMV (virus cytomegalo) gây bệnh viêm gan ở trẻ em có sự góp công không nhỏ của BS Đỗ Thị Ngọc Diệp.

Đó là khi điều trị viêm gan cho các bệnh nhi, một số trường hợp xét nghiệm đủ cả virus viêm gan A, B, C, D, E đều âm tính, thế nhưng men gan vẫn tăng khiến các bác sĩ hết sức “đau đầu”. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp và đồng nghiệp đã tìm tòi trong các tài liệu, nghiên cứu, xét nghiệm… cuối cùng, thủ phạm là con virus CMV đã xuất đầu lộ diện. Thành công ấy là một niềm vui khi BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhìn lại những năm tháng công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Khoảng thời gian đó còn để lại một kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam rất đặc biệt với BS Diệp. Những năm 90, có lần bác sĩ theo đoàn công tác đi khám bệnh ở một trung tâm cai nghiện ở tỉnh Đắc Nông vào đúng ngày 27/2. Khi hết giờ, có một cậu thiếu niên cứ vẫy tay với BS Diệp. Lúc được gọi đến gần, cậu bé vồn vã hỏi: “Bác sĩ còn nhớ con không? Con là bệnh nhân của bác sĩ nè! Con vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 2 lần. Lần đầu bác sĩ uốn tóc xoăn, lần sau bác sĩ cột tóc. Bác sĩ đẹp lắm, và hiền nữa, không la con lần nào!...”.

Nghe cậu thiếu niên mô tả, BS Diệp đoán lúc ấy mình mới ra trường, vì còn trẻ quá nên để tóc ngắn và uốn xoăn để nhìn cho cứng tuổi một chút. Nơi rừng núi xa xôi này, chưa có ai đến thăm cậu bé cả. Bà ngoại đau yếu, mẹ mất liên lạc, cha thì không biết là ai. Gặp bệnh nhân cũ, lòng BS Diệp ngổn ngang, giá như nơi đây không phải là trung tâm cai nghiện… Thầm nghĩ như vậy, song bác sĩ vẫn động viên cậu bé cai nghiện thật tốt để còn về chăm sóc bà ngoại.

Bẵng đi vài năm, có một lần BS Diệp đón xe ôm từ chợ An Đông về nhà, bất ngờ, anh xe ôm gọi: “Bác sĩ Diệp!”. Hóa ra là cậu bé năm nào! Tay bắt mặt mừng, anh chở bác sĩ về nhà, nhất định không nhận tiền. Việc chạy xe cũng đủ trang trải cho cuộc sống của hai bà cháu. Anh cũng không mong dư, vì hễ trong tay nhiều tiền lại sợ bạn cũ rủ rê trở lại con đường nghiện ngập.

Chuyện cũ ùa về trong gian phòng bài trí nhiều loại hoa rực rỡ như nữ chủ nhân. Những quyển sách, tài liệu dinh dưỡng mà BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp tham gia nghiên cứu, biên soạn xếp thành từng hàng trong tủ kính, thêm hai ngăn để kỷ niệm chương.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khoác áo blouse trắng, với BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi. Chiếc điện thoại liên tục đổ chuông, mời chị đến các giảng đường, talk show, dự án, công tác… BS Diệp mong rằng sau vài năm nữa, những can thiệp mà Trung tâm Dinh dưỡng đưa ra sẽ được hiện thực hóa bằng những con số chiều cao, cân nặng nâng tầm vóc của người Việt. Để làm được điều đó, còn biết bao việc phải làm, còn biết bao việc để BS Diệp tiếp tục đắm say ngành dinh dưỡng.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X