Bệnh tăng huyết áp gõ cửa mọi nhà: Làm sao phát hiện, điều trị và phòng ngừa biến chứng?
Ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng và trẻ hóa. Đây là bệnh lý được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" bởi triệu chứng thì ít ỏi song biến chứng lại cực kỳ nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào. Dưới đây là tất tần tật những điều bạn cần biết về bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp được xem là “đại dịch” không lây trên toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) vào năm 2018 trên thế giới có 1 tỷ người tăng huyết áp và dự kiến sẽ tăng lên 1,56 tỷ vào năm 2025.
Ở Việt Nam, cũng vậy, tỉ lệ tăng huyết áp ngày càng gia tăng vào năm 2008 tỉ lệ tăng huyết áp trên dân số là 25,1% và tăng lên 47,3% vào năm 2015.
I. Tăng huyết áp là bệnh gì?
Huyết áp là áp lực của dòng máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg mà được xác định bằng cách đo huyết áp.
II. Khi nào biết bị tăng huyết áp?
Huyết áp của bạn là bình thường nếu dưới 120/80 mmHg. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo của huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc trị số trung bình của huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, trong ít nhất hai lần thăm khám liên tiếp.
III. Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp?
Đầu tiên, tăng huyết áp cũng có những dấu hiệu cảnh báo, có thể kể đến: Đau đầu vùng chẩm, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt, ù tai và chóng mặt. Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết vì không có biểu hiện khác thường, do vô tình khám sức khỏe mới biết bị bệnh.
Do vậy, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình đã có người thân bị cao huyết áp…) là hết sức cần thiết và quan trọng. Việc đo huyết áp tại nhà để khẳng định chẩn đoán, cần đảm bảo 3 điều sau:
1. Mỗi lần đo huyết áp cần đo hai lần liên tiếp, cách nhau khoảng 1p ở tư thế ngồi.
2. Cần đo huyết áp 2l/ngày, tốt nhất là một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.
3. Cần đo huyết áp liên tục ít nhất 4l/ngày, lý tưởng là 7 ngày. Loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán.
Người có huyết áp bình thường, cần đo lại huyết áp sau mỗi 2 năm và người tiền tăng huyết áp nên thực hiện việc thay đổi lối sống và kiểm tra lại sau 1 năm.
IV. Cần lưu ý gì khi đo huyết áp tại nhà cho người thân
1. Nên chọn dụng cụ đo huyết áp nào?
Máy đo huyết áp cơ
Máy đo huyết áp điện tử
Hiện, trên thị trường có 2 loại máy đo huyết áp thông dụng là máy đo cơ và máy đo điện tử. Ưu điểm của máy đo cơ là chi phí thấp, có thể đo bất kỳ lúc nào, song nó cũng có nhược điểm là kỹ thuật đo tương đối phức tạp. Ngược lại máy đo điện tử có giá thành cao hơn, chạy bằng pin nhưng hầu như mọi khâu đều tự động hóa.
Lưu ý: Đa phần những soi sót khi đo huyết áp xuất phát từ việc sử dụng vòng bít quá chật, hoặc quá rộng. Do đó, khi chọn mua máy nên đo bắp tay của người thân (người cần đo huyết áp) để chọn vòng bít cho phù hợp.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng máy theo dõi tự động, kiểu vòng, bắp tay (cánh tay trên). Máy đo ở cổ tay và ngón tay không được khuyến khích bởi vì chúng mang lại kết quả đọc kém tin cậy.
>>> Máy đo huyết áp điện tử bao nhiêu tiền và mua ở đâu?
2. Đo huyết áp sao cho đúng?
a. Trước khi đo huyết áp:
Huyết áp nghỉ ngơi được coi là đọc chính xác nhất. Để có được số đo này:
- Bạn không nên sử dụng caffeine hoặc các sản phẩm thuốc lá trong ít nhất 30 phút trước khi đo.
- Nên ngồi thư giãn trong vòng 3-5 phút trước khi đo và mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, yên tĩnh. Tư thế ngồi chuẩn là ngồi thẳng lưng, bàn chân đặt thoải mái trên sàn, tay đặt trên bàn, ngang bằng với tim.
- Làm trống bàng quang của bạn và đảm bảo ít nhất 5 phút nghỉ ngơi yên tĩnh trước khi đo.
b. Khi đo huyết áp:
Mỗi loại máy đo huyết áp sẽ có những hướng dẫn khác nhau từ nhà sản xuất, bạn nên đọc kỹ trước khi sử dụng.
- Ngồi thẳng lưng và được hỗ trợ (trên ghế ăn, thay vì ghế sofa). Bàn chân của bạn phải bằng phẳng trên sàn và chân của bạn không nên bắt chéo. Cánh tay của bạn nên được hỗ trợ trên một bề mặt phẳng (chẳng hạn như bàn) với cánh tay trên ở mức tim.
- Nếu sử dụng máy đo cơ, bạn đặt ống nghe lên tai, đầu còn lại đặt trên động mạch cánh tay để nghe mạch đập. Sau đó, bạn dùng bóng cao su để bơm vòng bít lên 20-30 mmHg cao hơn mức huyết áp. Nới lỏng từ từ bộ truyền động và xả khí nén trong vòng bít đến khi bạn có thể nghe rõ nhịp đập của tim.
Giá trị lúc này tương đương chỉ số huyết áp tâm thu của người bệnh. Tiếp tục nới lỏng vòng bít để áp suất không khí tiếp tục giảm. Giá trị tại thời điểm bạn không còn nghe rõ nhịp tim chính là chỉ số huyết áp tâm trương của người bệnh. Hãy chắc chắn rằng đáy của vòng bít được đặt trực tiếp phía trên uốn cong của khuỷu tay.
- Nếu dùng máy đo điện tử sẽ dễ dàng hơn. chỉ cần ấn nút Start để bắt đầu quá trình đo huyết áp. Số hiển thị ở trên là huyết áp tâm thu, trong khi số hiển thị ở dưới là huyết áp tâm trương của người bệnh.
c. Lưu ý khi đo huyết áp:
- Nếu cảm thấy hoài nghi về kết quả, bạn có thể tiến hành đo lại sau khoảng 10-15 phút. Nên lưu ý rằng huyết áp của chúng ta luôn dao động trong ngày. Chính vì vậy, khi đo huyết áp, bạn cần đo cố định theo một khung giờ để dễ so sánh, chẳng hạn như buổi sáng và buổi tối. Tốt nhất là nên đo hàng ngày, tuy nhiên lý tưởng nhất là bắt đầu 2 tuần sau khi thay đổi điều trị và trong tuần trước cuộc hẹn tiếp theo của bạn.
- Mỗi lần bạn đo, hãy đo hai hoặc ba lần cách nhau một phút và ghi lại kết quả bằng cách sử dụng trình theo dõi có thể in (PDF) hoặc trực tuyến. Nếu màn hình của bạn có bộ nhớ tích hợp để lưu các kết quả, hãy mang theo bên mình đến lần khám bệnh tiếp theo.
V. Tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Bạn có biết tăng huyết áp được mệnh danh là gì không? Đó là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi tăng huyết áp nghèo nèn về triệu chứng nhưng lại có rất nhiều biến chứng nghiêm trọng không chỉ cho bệnh nhân mà còn cả người thân và xã hội. Bệnh có rất nhiều biến chứng như:
- Đột quỵ: Lượng máu cung cấp cho não giảm dẫn đến suy giảm nhanh chóng chức năng não bộ hay đột quỵ.
- Tổn thương thành mạch máu: Gây xơ vữa động mạch dẫn đến đau tim và đột quỵ.
- Đau tim: Khiến tim co bóp nhiều hơn bình thường. Cơ tim dày lên và ngăn cản máu lưu thông, dẫn đến suy tim.
- Tổn thương thận: Thành mạch máu thận tổn thương, lọc không hiệu quả, làm cho dịch và chất thải tồn dư trong cơ thể.
- Loãng xương: Làm tăng lượng canxi trong nước tiểu gây loãng xương.
- Mất thị lực: Làm tổn thương mạch máu trong võng mạc, gây nên mất thị lực.
>>> Chi phí xét nghiệm hormone cho bệnh nhân tăng huyết áp?
VI. Làm thế nào để nhận ra biến chứng của tăng huyết áp?
Biến chứng tim mạch là một trong số biến chứng thường gặp của bệnh lý tăng huyết áp. Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hư lớp nội mạc của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol trọng lượng phân tử thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, người bệnh sẽ thấy đau ngực, tức ngực khi gắng sức, vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức.
Ngoài ra, nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong lòng động mạch vành hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, lên cơn đau tim.
Khi đó, ở đàn ông thường là cảm giác đau ngực, lồng ngực; ợ nóng thường xuyên; chóng mặt, buồn nôn, đầu óc quay cuồng; vã mồ hôi lạnh; khó tiêu; bụng khó chịu; thở dốc. Ở phụ nữ có thể sẽ tức ngực, mệt mỏi bất thường kéo dài nhiều ngày; lo lắng, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ; đau lưng, cổ, cánh tay hoặc xương hàm; nôn mửa, bụng khó chịu, thở dốc.
Một trong những biến chứng quan trọng khác của tăng huyết áp là đột quỵ. Ở người tăng huyết áp mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.
Người bị đột quỵ do tăng huyết áp có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật, nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh như liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn….
Khi có các dấu hiệu như đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân; đột ngột nhìn mờ hoặc mất ý thức; đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân hãy nghĩ ngay đến đột quỵ và cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
VII. Kiểm soát huyết áp như thế nào?
Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ. Trong đó, việc thay đổi lối sống tích cực đôi lúc tương đương với một thuốc điều trị huyết áp. Cụ thể:
- Người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mỳ ăn liền, xúc xích, thịt hun khói… Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (bơ, mỡ động vật…), lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ. Không ăn phủ tạng động vật, tăng cường ăn cá. Hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Đồng thời cần duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Tích cực giảm cân (nếu quá cân). Tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột. Đặc biệt theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.
- Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều.
- Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày một lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…) trong quá trình điều trị.
>>> Kiểm soát huyết áp cao bằng cách nào?
VIII. Người thân có thể làm gì để giúp đỡ bệnh nhân tăng huyết áp trong quá trình điều trị?
Để việc điều trị và phòng ngừa biến chứng tăng huyết áp hiệu quả không chỉ là sự tuân thủ của người bệnh mà gia đình đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn như:
Khi được chẩn đoán, xảy ra biến chứng: Bệnh nhân đôi khi khó chấp nhận được mình bị bệnh hoặc chịu đựng các biến chứng gây ra nên lảng tránh việc điều trị, phục hồi. Người nhà lúc này sẽ là nơi để bệnh nhân tâm sự, giải tỏa, đồng thời an ủi và động viên tiếp nhận chẩn đoán và điều trị. Có như vậy, việc điều trị mới hiệu quả.
Việc uống thuốc: Điều này tưởng chừng như đơn giản, nhưng chỉ đúng đối với người trẻ còn với những người lớn tuổi thì quả thực không dễ dàng, nhất là ở những người suy giảm trí nhớ. Người thân lúc này cần kiểm tra, nhắc nhở để người bệnh uống thuốc đúng giờ, tránh nhầm lẫn thuốc.
Theo dõi biến chứng của bệnh: Như đã nói ở trên, tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, những biến chứng của nó đôi khi người bệnh không thể tự phát hiện được, đặc biệt là đột quỵ, đau tim… Vì vậy, rất cần gia đình quan tâm, chăm sóc để kịp thời phát hiện và đưa đi điều trị.
Theo dõi biến chứng của thuốc điều trị:Thuốc điều trị huyết áp chủ yếu có tính hạ áp khiến bệnh nhân bị tụt huyết áp gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, nôn ói, ăn uống kém… Trong đa phần các trường hợp gây hạ huyết áp nhẹ với biểu hiện choáng váng, chóng mặt, bệnh nhân có thể xử trí được. Nhưng nếu tình trạng này nặng hơn dẫn đến ngấy, ngừng tim… thì chắc chắn một mình bệnh nhân không thể xoay xở được mà cần có người thân bên cạnh để xử trí.
VI. Những câu hỏi thường gặp trong tăng huyết áp
>>> Thuốc điều trị tăng huyết áp - Cách dùng và những lưu ý người bệnh cần biết
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình