Hotline 24/7
08983-08983

Bé con ho và khò khè cả đêm do đâu?

Ban ngày bé vẫn khỏe, nhưng cứ đến đêm là ho trằn trọc, thở khò khè, giấc ngủ không yên? Tình trạng này có thể là dấu hiệu của viêm mũi họng, hen suyễn, dị ứng hoặc viêm phế quản. Ba mẹ cần nhận diện sớm nguyên nhân và biết khi nào cần đưa bé đi khám để tránh nguy cơ trở nặng. BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa Nhi khoa, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ chia sẻ vấn đề này sau đây.

Tại sao bé hay ho và khò khè vào ban đêm?

Nếu bạn đang lo lắng về mọi tiếng kêu nhỏ mà con bạn phát ra khi bé chìm vào giấc ngủ (trong khi ban ngày bé vẫn chơi bình thường) nhưng đến tối lại bắt đầu ho từng tràng, thở khò khè, làm bé lăn trở, giấc ngủ không tròn, bị phân nhỏ từng đoạn và hay quấy khóc.

Có hai lý do chính khiến ho và khò khè thường xuất hiện rõ hơn vào ban đêm:

Ở tư thế nằm, dịch nhầy trong mũi họng dễ chảy ra phía sau xuống vùng họng, kích thích vùng hầu họng (vùng họng có đàm chảy xuống gây cảm giác nhột nhột, ngứa họng và bắt ho, vì ho là động tác cơ thể mong muốn tống xuất đàm ra ngoài giúp cơ thể loại bỏ vi trùng siêu vi, các chất lạ,..)

Ban đêm là lúc hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh, làm đường thở co lại, đặc biệt ở những bé có cơ địa nhạy cảm như hen, dị ứng.

Những lý do gây ho và khò khè ban đêm thường gặp là gì?

Viêm mũi họng cấp (do siêu vi)

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, nhất là khi bé mới đi học hoặc sau khi tiếp xúc với người đang cảm cúm.

Triệu chứng: ho khan hoặc ho có đàm, sổ mũi, nghẹt mũi, có thể sốt nhẹ.

Cơn ho thường tăng lên khi bé nằm ngủ, do dịch nhầy chảy ngược vào họng.

Hen suyễn (hen phế quản)

Là bệnh lý mạn tính, do co thắt đường thở. Bé có thể ho khan kéo dài, khò khè, khó thở từng cơn, đặc biệt về đêm hoặc sáng sớm.

Gợi ý hen khi: Bé ho tái đi tái lại nhiều đợt, nhất là sau cảm; có tiếng khò khè khi thở ra; có tiền căn gia đình bị hen, dị ứng, viêm mũi dị ứng, chàm.

Dị ứng đường hô hấp

Ho do dị ứng thường không kèm sốt, hay xuất hiện khi tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng như bụi nhà, phấn hoa, lông thú...

Có thể kèm theo ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong.

Ban đêm, khi không khí lạnh hoặc khô, đường hô hấp dễ bị kích ứng hơn.

Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi

Thường do virus, gặp nhiều ở bé dưới 2 tuổi.

Bé có thể sốt, ho  đàm, khò khè, thở nhanh, ăn kém.

Cần theo dõi sát để nhận biết sớm dấu hiệu chuyển nặng.

Gợi ý giúp phụ huynh nhận biết sơ bộ nguyên nhân

Triệu chứng đi kèm

Có thể nghĩ đến

Ho + sổ mũi + sốt nhẹ

Viêm mũi họng do siêu vi

Ho kéo dài từng đợt, về đêm, có khò khè, khó thở

Hen phế quản

Ho không sốt, chảy mũi trong, hay hắt hơi

Dị ứng hô hấp

Ho đàm, khò khè, sốt, thở nhanh

Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, Viêm phổi

Lưu ý: Đây chỉ là gợi ý tham khảo, việc chẩn đoán chính xác cần bác sĩ thăm khám trực tiếp và đánh giá toàn diện.

Lời khuyên cho phụ huynh

Nếu bé ho nhẹ, không sốt, vẫn ăn ngủ tốt, phụ huynh có thể theo dõi thêm 1–2 ngày tại nhà, giữ ấm cho bé, nhỏ mũi và uống đủ nước.

Nếu bé ho kèm khò khè, khó thở, sốt cao, mệt lả hoặc bú kém (với bé nhỏ) – nên đưa đi khám sớm.

Việc ghi nhận lại thời điểm ho, hoàn cảnh xuất hiện, các yếu tố môi trường... sẽ giúp bác sĩ dễ chẩn đoán hơn.

Ghi nhận hình ảnh hoặc quay clip khi bé ho, khò khè, khó thở … rất giúp ích cho việc chẩn đoán

Khi nào cần tìm đến chăm sóc y tế khẩn cấp

Bạn có thắc mắc làm sao bạn biết được con mình đang gặp khó khăn khi ngủ?

Đây là một mẹo: tổng trạng (vẻ bề ngoài) của bé có thể giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe tổng thể của bé nhiều hơn là những âm thanh mà bé phát ra.

Nói cách khác, nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào sau đây (cho dù bé có phát ra tiếng động lạ hay không), bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp: Da bé chuyển màu xanh tái; thở nhanh hơn; thấy rút lõm lồng ngực hoặc vùng cổ của bé; cánh mũi phập phồng theo mỗi hơi thở; bé ngưng thở trong thời gian dài (hơn 10 giây ở bé sơ sinh); bé bỏ bú; ói tất cả; li bì, gọi không thức.

Nếu bạn biết mình có thể liên lạc với bác sĩ của con mình một cách nhanh chóng, bạn có thể thử gọi điện cho họ trước. Nhưng nếu bạn không chắc chắn về thời gian phản hồi của họ hoặc đã ngoài giờ làm việc, đừng để lại tin nhắn và đợi họ gọi lại. Thay vào đó, hãy gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu hoặc phòng khám chăm sóc khẩn cấp gần nhất.

 

 

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X