Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ Y học thể thao tư vấn: Đứt dây chằng chéo tái tạo thế nào?

BS.CK1 Võ Anh Quân - khoa Điều trị theo yêu cầu - Y học thể thao, Bệnh viện Nhân Dân 115 chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về các phương pháp tái tạo dây chằng chéo sau chấn thương thể thao hoặc tai nạn giao thông, và làm cách nào để hồi phục nhanh nhất.



NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

Thưa BS,

1. Dây chằng chéo có mấy loại, và có nhiệm vụ gì? Trong đó, dây chằng nào của cơ thể thường bị chấn thương nhất ạ?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Dây chằng chéo nằm ở trong khớp gối, người ta gọi là dây chằng chéo vì nó nằm ở vị trí hơi chéo. Trong khớp gối có hai loại dây chằng chéo: dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Hai loại dây chằng này rất dễ bị dập khi bị chấn thương. Đặc biệt ở Việt Nam tỷ lệ thường gặp nhiều nhất trong bóng đá và trong tai nạn giao thông.

Theo nghiên cứu của Tạp chí Hoa Kỳ, một năm tại Hoa Kỳ tổn thương khoảng 200.000 ca/ năm của những ca dây chằng chéo trước. Đối với dây chằng chéo sau ít bị tổn thương hơn, chiếm khoảng 3% con số trên.


2. Những ai dễ bị tổn thương dây chằng, thưa BS? Sau khi xảy ra chấn thương, dựa vào dấu hiệu nào để biết dây chằng bị tổn thương ạ?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Đối với vận động viên chơi thể thao, ai cũng có khả năng chấn thương. Khi bị chấn thương khớp gối sẽ có dấu hiệu sưng, đau, khó khăn khi đi lại, khi đó phải đi tái khám. Ngoài ra đối tượng dễ bị tổn thương dây chằng còn có những người bị tai nạn: tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.

Dấu hiệu nhận biết đau dây chằng: bệnh nhân chơi thể thao có chấn thương hoặc tai nạn, bệnh nhân bị chấn thương cảm thấy gối bị sưng, đau và khó chịu trong gối thì lúc đó nên đi khám liền.


3. Nhờ BS hướng dẫn nên sơ cứu như thế nào là đúng cách trước khi đi đến bệnh viện?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Thông thường, người bị tai nạn chỉ nghĩ đây là một chấn thương bình thường, nhưng khi bị gãy xương hay đứt dây chằng cần sơ cứu bằng cách bất động vị trí tổn thương đó qua hai khớp, sau đó chườm lạnh, kê cao chân và đưa bệnh nhân đến bệnh viện.


4. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được BS kiểm tra như thế nào để xác định mức độ tổn thương dây chằng?

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được đăng ký khám ở những bác sĩ chuyên khoa Y học thể thao, hoặc Chấn thương chỉnh hình, BS sẽ khám và xác định bệnh nhân có bị đứt dây chằng hay không. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chụp MRI để kiểm tra.


Hình ảnh MRI khớp gối phải cho thấy dây chằng chéo trước đứt hoàn toàn

5. Các mức độ dây chằng chéo bị tổn thương được chia ra như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Nếu dây chăng chưa bị đứt, tổn thương được chia làm ba mức độ, tùy theo tổn thương nhìn thấy khi chụp MRI:

- Tổn thương <25%: mức độ 1

- Tổn thương 25 - 50%: mức độ 2

- Tổn thương > 50%: mức độ 3

Nếu khi chụp MRI phát hiện dây chằng đã đứt, tổn thương được chia làm 3 mức độ, tùy theo mức độ lỏng gối:

- Độ 1: 3 - 5mm

- Độ 2: 5 - 10mm

- Độ 3: > 10mm


6. Điều trị tái tạo dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau có khác nhau nhiều không ạ? Nếu không điều trị thì có thể để lại hậu quả gì, thưa BS?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Phương pháp điều trị dây chằng chéo trước và sau là giống nhau, đều là phẫu thuật nội soi để tái tạo dây chằng.

Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau là một thách thức với những bác sĩ, cần phải có những bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm. Bởi vì tổn thương này ít gặp, dây chằng chéo sau ít bị tổn thương, tỷ lệ một năm chiếm 3% so với số lượng bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước.

Chức năng của dây chằng chéo là làm cho khớp gối được vững theo chiều trước sau. Khi bị đứt sẽ bị mất chức năng giữ vững khớp gối, nếu để lâu ngày khớp gối sẽ bị mất vững và bệnh nhân sẽ bị đau, một số trường hợp lỏng gối, lâu ngày gây ra thoái hóa khớp.


Kết quả chụp MRI: đứt dây chằng chéo trước, đứt dây chằng chéo sau, rách sụn chêm trong độ 3 gối trái

7. Sau khi xác định dây chằng chéo bị đứt, bệnh nhân có nên phẫu thuật ngay hay phải chờ bao lâu ạ? Vì sao phải chờ? Trong thời gian đó thì bệnh nhân nên làm gì?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Nếu bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước hay đứt dây chằng chéo sau thì bệnh nhân được mổ delay - mổ trì hoãn, đợi 2-4 tuần mới mổ để giảm tình trạng sưng viêm. Đặc biệt đối với dây chằng chéo sau, bệnh nhân nên trì hoãn vì dây chằng chéo sau khi mổ dễ bị tổn thương bó mạch, động mạch khoeo, khi đó bệnh nhân có nguy cơ cao phải đoạn chi (cụt chân).

Trong thời gian trì hoãn, bệnh nhân được điều trị nội khoa, chống viêm, giảm đau, kê cao chân, chườm lạnh để đầu gối bớt sưng, bớt viêm.

8. Riêng với phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối, tại Bệnh viện Nhân Dân 115 đang áp dụng kỹ thuật nào ạ? Những kỹ thuật này có ưu điểm gì? Sau phẫu thuật, bệnh nhân nằm viện bao lâu?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Hiện nay Bệnh viện Nhân Dân 115 áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước hoặc sau bằng kỹ thuật một bó hoặc hai bó. Tất cả phẫu thuật đều là mổ other side - mổ bên trong khớp gối. Mỗi dây chằng chéo trước hoặc sau đều có hai bó, mỗi cuộc phẫu thuật bác sĩ sẽ tái tạo dây chằng về gần mức sinh lý bình thường của bệnh nhân, đây là mức phục hồi tốt nhất chứ không thể đạt được như ban đầu.

Vì đây là phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân có thể nằm lại bệnh viện 3-5 ngày tùy theo tình hình.

9. Sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối, bệnh nhân nên được chăm sóc và tập luyện như thế nào, thưa BS? Khoảng bao lâu thì họ trở lại sinh hoạt bình thường, ạ?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Phẫu thuật nội soi là phẫu thuật can thiệp ít xâm lấn. Trong lĩnh vực can thiệp vào khớp, lo lắng nhất là cứng khớp, bệnh nhân sau này hạn chế vận động và teo cơ, không chơi thể thao lại được, cho nên chương trình phục hồi chức năng rất quan trọng đối với một ca phẫu thuật dây chằng.

Sau mổ bệnh nhân nên tuân thủ tuyệt đối tối đa chế độ tập vật lý trị liệu để bệnh nhân có thể đi lại được, sau 4-6 tuần tương đối gần với mức bình thường.

Để bệnh nhân chơi lại được thể thao cần 6-9 tháng tùy theo tình hình, trong quá trình tái khám bác sĩ có những nhận định khác nhau tùy theo mức độ phục hồi của cơ, phản xạ gân xương và phản xạ của cơ thể.

Cách tập luyện phục hồi sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân nhưng bệnh nhân phẫu thuật dây chằng chéo trước sẽ phục hồi nhanh hơn, để đạt được tầm vận động thì sau khoảng 4 tuần.

Đối với dây chằng chéo sau, thời gian phục hồi lâu hơn khoảng 6-8 tuần để đạt được tầm vận động bình thường.

10. Làm sao để đánh giá được thời điểm thích hợp để chơi thể thao trở lại sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối? Việc tập luyện trở lại cần lưu ý điều gì, thưa BS?

BS.CK1 Võ Anh Quân:

Khi tầm vận động khớp gối của bệnh nhân bình thường, cơ không bị teo, bệnh nhân có những phản xạ thủ thể bản thân, tức là bệnh nhân có những phản xạ bình thường khi chơi thể thao: đỡ bóng, hứng bóng, tâng bóng… thì bệnh nhân mới chơi lại được thể thao.

Đối với bệnh nhân sau khi tái tạo dây chằng chéo trước, bệnh nhân cần chú ý dây chằng rất dễ bị đứt lại. Khi chơi phải biết tư thế né những đòn xấu của đối phương.

Xin cảm ơn BS!


~~~~~~~~~
AloBacsi chân thành cảm ơn BS Võ Anh Quân đã chia sẻ những thông tin cụ thể về việc tái tạo dây chằng chéo, giúp mọi người biết cách xử trí đúng khi bị chấn thương, phương pháp phẫu thuật và luyện tập đúng cách để sớm trở lại với sinh hoạt thường ngày và với môn thể thao yêu thích!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X