Hotline 24/7
08983-08983

Ăn con trai, sò huyết tái, sống có thể nhiễm vi trùng HP; ruồi có thể mang vi trùng này

80% dân số Việt Nam nhiễm H.Pylori (HP); tình hình kháng kháng sinh ở mức báo động; nguy cơ nhiễm H.Pylori rất cao trong 1 tháng đầu sau sinh; một số loại hải sản trong tự nhiên như con trai, sò, sò huyết mang vi trùng H.Pylori và trở thành nguồn lây cho người…

Đây là những thông tin đáng chú ý được BS.CK2 Trần Kiều Miên - Chủ tịch Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM chia sẻ tại hội thảo “Mối liên quan của acid dịch vị trong các bệnh lý tim mạch và tiêu hóa - Từ lý thuyết đến thực tiễn lâm sàng” được tổ chức vào ngày 11/4 vừa qua.

1. 80% dân số Việt Nam nhiễm vi trùng H.pylori

Trong môi trường acid đậm đặc của dạ dày con người, H.pylori được coi là loài vi khuẩn duy nhất có khả năng tồn tại và phát triển được. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, gây tổn thương trầm trọng, biến chứng lâu dài cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng đến khoảng 50% dân số thế giới, với tỷ lệ nhiễm cao hơn nhiều ở các nước đang phát triển. Đây được coi là loại nhiễm khuẩn mạn tính phổ biến nhất trên người chỉ xếp sau vi khuẩn gây sâu răng.

Riêng tại Việt Nam, khoảng 80% dân số nước ta nhiễm vi trùng H.Pylori. Trong đó, đường lây chủ yếu là từ người sang người qua đường miệng - miệng, dạ dày - miệng, phân - miệng, hoặc do can thiệp y tế (chữa răng, viêm xoang…), đặc biệt nguy cơ nhiễm H.pylori rất cao trong 1 tháng đầu sau sinh.

Như vậy, theo BS Kiều Miên, H.Pylori có trong nước bọt, cao răng và phân người nhiễm bệnh. “Ruồi là một trong những con vật trung gian làm lây truyền H.Pylori cho nguồn nước, thức ăn. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, cho ruồi đậu lên phân của người nhiễm H.Pylori, sau đó xét nghiệm phát hiện loại vi trùng này tồn tại trong phân ruồi” - BS Kiều Miên cho biết.

BS.CK2 Trần Kiều Miên - Chủ tịch Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM

Bên cạnh đó, còn nhiều nguồn lây nhiễm H.pylori khác. Trong đó, sữa gia súc, ví dụ như sữa bò cũng là nguồn lây nhiễm H.pylori. Thứ hai, nguồn nước bị ô nhiễm, nước thải chưa được xử lý, hay hải sản sống trong các môi trường này, thói quen sử dụng dung dịch khuếch tán khói thuốc lá (chẳng hạn như điếu cày để hút thuốc lào) đều làm gia tăng nguy cơ nhiễm H.pylori.

Đặc biệt, một thông tin được BS Kiều Miên nhấn mạnh từ nghiên cứu được đăng tải năm 2020, trong các loại hải sản thì con trai có đến 67%, sò có 27% và sò huyết có 8% nhiễm H.Pylori, vì vậy khi ăn phải những thực phẩm này khi còn tái, sống, dạ dày con người sẽ trở thành nơi “trú ngụ” mới của chúng.

Ba là rau nhiễm bẩn. Mặc dù không tìm thấy H.pylori trong mẫu rau sống bằng phương pháp nuôi cấy lẫn phân tử song các nhà khoa học phát hiện được DNA của H.pylori trong tế bào của sinh vật đơn bào a-míp tìm thấy trong rau. Điều đó cho thấy, a-míp là vật chủ trung gian của các chủng vi khuẩn đề kháng lại a-míp, kể cả H.pylori.

2. Khi nào cần điều trị diệt vi trùng H.pylori?

BS Kiều Miên cho biết, 100% trường hợp nhiễm H.pylori cấp sẽ chuyển sang nhiễm mạn. Nó được xác định là thủ phạm chính gây viêm, loét dạ dày tá tràng, và có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Song không phải loại vi trùng H.pylori nào cũng gây ung thư. Chỉ có 2 bộ gen vô cùng nguy hiểm độc lực cao như cagA và vacA mới dẫn đến hiện tượng thoái hóa tế bào, hoại tử tế bào, gây đột biến gen thì mới có nguy cơ gây ung thư cao.

“Đặc biệt, chủng H.pylori có kiểu gene vacA s1/m1 kết hợp với gene cagA (+) thì khả năng tiến triển thành ung thư hoặc gặp gian nan trong điều trị gấp vạn lần bệnh nhân không phải kiểu gen này” - BS Kiều Miên nhấn mạnh.

BS.CK2 Trần Kiều Miên mang đến bài báo cáo thú vị về chủ đề "Thuốc ức chế bơm proton - Những bước tiến vững chắc hơn 3 thập kỷ qua"

H.pylori có sự đa dạng về chủng loại. Dựa vào các tiến bộ về vi-sinh học phân tử, xác định bộ gen của vi khuẩn H.pylori, các nhà khoa học đã phân tích được trên 1.500 chủng khác nhau và chia làm 3 nhóm chính.

Một là nhóm kiểu gen quy định độc tính ít, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc không nhưng lâu lâu có đợt đau bụng bất chợt, nội soi phát hiện tương đối nhẹ nhàng. Hai là nhóm kiểu gen quy định độc tính vừa, có thể chứa 1 hoặc 2 cặp gen nguy hiểm nhưng thời gian tồn tại còn ngắn, mặc dù vẫn gây hiện tượng loét, hoại tử nhưng ở mức độ trợt phía trên. Loại gen thứ 2 này khả năng tiến triển đến ung thư chậm hơn.

Ba là nhóm kiểu gen quy định tính cực độc, có khả năng gây biến đổi gen tế bào của niêm mạc dạ dày, thường mang 2 cặp gen cagA và vacA gây hiện tượng hoại tử, đột biến gen nặng và khó điều trị trong vấn đề kháng thuốc và ung thư.

Để tối ưu hóa kết quả xét nghiệm tìm H.pylori, BS Kiều Miên lưu ý cần có 2 tiêu chí bắt buộc, đó là không sử dụng nhóm ức chế tiết dịch vị trên 2 tuần và không sử dụng kháng sinh bất kỳ trên 1 tháng.

Theo khuyến cáo của thế giới những trường hợp có nhiễm H.pylori cần điều trị diệt đó là: loét dạ dày, loét hành tá tràng, chứng khó tiêu (đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị), thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu không không rõ căn nguyên, ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật, ung thư dạ dày sớm được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi, uống aspirin kéo dài, tiền căn gia đình có người mắc loét tiêu hóa, ung thư dạ dày.

Trong phần chỉ định điều trị diệt trừ H.pylori của Bộ Y tế nước ta năm 2015 cũng có những điểm tương đồng, cùng với đó là các trường hợp khác như người cần điều trị lâu dài với các thuốc NSAID, người cần điều trị aspirin lâu dài với yếu tố nguy cơ cao bị loét và biến chứng do loét dạ dày thực quản (trên 60 tuổi, tiền sử loét dạ dày tá tràng, sử dụng đồng thời thuốc kháng đông, corticoid hoặc có kèm bệnh lý phối hợp nặng); bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị duy trì kéo dài bằng PPI. Hoặc những trường hợp mặc dù sau khi đã được bác sĩ giải thích kỹ mà người bệnh quá lo lắng về nhiễm vi trùng H.pylori thì có thể cân nhắc diệt trừ.

Song theo BS Kiều Miên, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa của Bộ Y tế hiện đã cũ. Vì vậy, vị Chủ tịch của Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cũng mong chờ sự đồng thuận mới dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay tập trung vào 4 vấn đề chính là GERD, chỉ định-phác đồ điều trị H.pylori, bệnh lý không loét và xuất huyết tiêu hóa.

3. 5 nguyên tắc vàng cho chiến lược điều trị H.pylori

Hội thảo diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua, thu hút gần 200 người tham dự trực tiếp và hơn 300 người theo dõi online

Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn H.pylori rất cao, tuy nhiên phần lớn những người bị nhiễm (90%) đều không có triệu chứng. Điều đáng lưu ý, hiện nay, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trở nên phổ biến và người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn H.pylori kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

BS Kiều Miên dẫn chứng một nghiên cứu của TS Phạm Hùng Vân năm 2017 cho thấy, tỷ lệ kháng với Clarithromycin chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả người lớn (69,2%) lẫn trẻ em (72,3%), tiếp đến là metronidazole với tỷ lệ kháng ở người lớn là 51,1% và trẻ em là 41,3%. Tương tự, levofloxacin cũng không khả quan hơn bao nhiêu với tỷ lệ kháng ở người lớn và trẻ em lần lượt là 41,8%, 24,5%. “Hiện nay ở nước ta kháng quá mức kháng, hiện chỉ 2 nhóm amoxicillintetraxycline có tỷ lệ đề kháng thấp, còn cho hiệu quả điều trị” - BS Kiều Miên cho biết.

Trước tình trạng này, duy trì pH dịch vị trong mức lý tưởng là cơ sở nền tảng để điều trị tiệt trừ H.Pylori, giúp nâng cao hiệu quả của kháng sinh. “Sự phát triển của H.Pylori phụ thuộc vào pH dịch vị và điều trị là tiệt trừ tại chỗ, không đi vào máu. Do đó, điều quan trọng là phải làm cho kháng sinh ở lại dạ dày càng lâu càng tốt”.

Để đạt được điều này cần phải dùng PPI hiệu quả để đưa H.Pylori về dạng không hoạt động, giúp giảm tải lượng, và ức chế được vi khuẩn, có như vậy thuốc kháng sinh mới có hiệu quả. Mặt khác, phải lưu ý người bệnh sử dụng kháng sinh sau ăn để nó thuốc có thể ở dạ dày lâu hơn, vì khi uống lúc đói thuốc sẽ xuống ruột non nhanh hơn. Hơn nữa, PPI đưa pH lên có thể làm các chủng vi khuẩn phát triển quá mức và giảm thoái giáng của các globulin miễn dịch, ức chế acid làm tăng tính thấm của lớp nhầy ở dạ dày đối với kháng sinh” - BS Kiều Miên chia sẻ thêm.

5 nguyên tắc vàng cho chiến lược điều trị H.pylori mà vị chuyên gia này nhấn mạnh đó là, ưu tiên phác đồ 4 thuốc (3 kháng sinh + 1 PPI liều cao), ức chế acid dịch vị tối đa với thuốc ức chế bơm proton thích hợp, thời gian điều trị đủ 14 ngày hoặc 10 ngày nếu địa phương đã có chứng minh có hiệu quả, không sử dụng lại một số kháng sinh nếu đã từng sử dụng và thất bại và cuối cùng là luôn tham khảo số liệu đề kháng kháng sinh tại địa phương để lựa chọn thuốc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X