Hotline 24/7
08983-08983

3 triệu chứng điển hình và 5 giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson

Trong chương trình livestream nhân ngày Parkinson thế giới (11/4) trên AloBacsi với sự đồng hành của Medtronic Việt Nam, TS.BS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ Môn Ngoại Thần kinh - Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh - Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cảnh báo, bệnh Parkinson sẽ ngày càng gia tăng và trẻ hóa do tăng dân số và tuổi thọ.

80.000 - 90.000 người tại Việt Nam mắc Parkinson

Trước tiên, xin nhờ TS.BS. Trần Ngọc Tài đề cập cho khán thính giả hiểu thêm, tỷ lệ mắc bệnh Parkinson trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai có những con số đáng chú ý nào? Định nghĩa bệnh Parkinson là gì? Căn bệnh này xảy ra và ảnh hưởng đến người từ độ tuổi nào là phổ biến?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh và có đặc tính tiến triển ngày càng nặng. Người bệnh Parkinson sẽ xuất hiện các triệu chứng vận động như run khi nghỉ, chậm, đơ cứng, phản xạ tư thế không ổn định. Ngoài ra, bệnh nhân Parkinson còn có các triệu chứng ngoài vận động như mất phản xạ huyết áp, tụt huyết áp tư thế, rối loạn lo âu, mất ngủ,…

Đến nay, Parkinson được mô tả là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển nặng dần với các triệu chứng vận động và ngoài vận động. Hiện có khoảng 6,1 triệu người trong dân số thế giới mắc bệnh Parkinson. Tại Việt Nam, thống kê mới nhất cho thấy có khoảng 80.000 - 90.000 người mắc căn bệnh này.

Theo khuynh hướng, con số này sẽ tiếp tục tăng do tình trạng tăng dân số và tuổi thọ, kéo theo tỷ lệ bệnh nhân Parkinson tiếp tục gia tăng. Ví dụ, tại TPHCM có gần 10 triệu dân, trong đó có khoảng 8.000 - 9.000 người mắc bệnh Parkinson sống tại thành phố này.

10% bệnh nhân Parkinson khởi phát người trẻ

Bệnh Parkinson thường thấy ở người cao tuổi. Như vậy, có phải bất kỳ ai vào “lão” cũng sẽ mắc phải căn bệnh này hoặc những ai thì có nguy cơ cao hơn ạ? Nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson gồm những gì, thưa BS? Phòng ngừa được hay không?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển, do đó tỷ lệ mắc bệnh sẽ gia tăng theo độ tuổi. Chứng minh đã cho thấy, nhóm bệnh nhân từ 60 - 70 tuổi có 1% người mắc bệnh Parkinson. Nếu tăng độ tuổi lên ở nhóm 70 tuổi, số người mắc bệnh tăng 2% và tỷ lệ sẽ tiếp tục tăng lên với nhóm người cao tuổi hơn.

Ngoài vấn đề tỷ lệ mắc bệnh Parkinson gia tăng theo độ tuổi, vẫn có một nhóm bệnh nhân là người trẻ mắc Parkinson. Trong đó, những người dưới 40 - 50 tuổi được gọi là Parkinson khởi phát người trẻ và hiện có đến 10% bệnh nhân Parkinson là nhóm người trẻ tuổi.

Tóm lại, bệnh Parkinson trải dài từ tuổi trẻ đến người cao tuổi. Tuổi càng cao, tỷ lệ mắc Parkinson càng tăng và tuổi nào cũng có thể mắc bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson có nguy hiểm?

Thưa TS.BS Phạm Anh Tuấn, nếu chúng ta không phát hiện và điều trị hiệu quả bệnh Parkinson, những biến chứng nào có thể xảy ra và hậu quả tác động ra sao đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình, xã hội, thưa BS?

TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh tiến triển với các triệu chứng điển hình như run khi nghỉ, chậm hoạt động, chân tay cứng đờ,… Bệnh nếu không được phát hiện hoặc phát hiện nhưng điều trị không đúng phác đồ với thuốc cùng các liệu pháp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Trong đó, các vấn đề gặp phải là người bệnh không thể tự sinh hoạt, vận động không tốt như cứng đờ hoặc hoạt động chậm, bệnh nhân dễ té ngã kèm theo gãy xương hay thậm chí nằm một chỗ.

Parkinson là bệnh lý tiến triển, khi bệnh dần trở nặng, bệnh nhân không còn khả năng vận động, đòi hỏi một người chăm sóc, để tránh các rủi ro trong sinh hoạt hàng ngày.

Do đó, nếu bệnh nhân được điều trị đầy đủ có chế độ điều trị đúng và thích hợp, những triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện. Hoặc đối với bệnh nhân trong giai đoạn bệnh tiến triển nhưng vẫn còn điều trị được, còn các liệu pháp giúp họ tự sinh hoạt và tham gia hoạt động hàng ngày, sẽ bệnh nhân giảm được sự phụ thuộc, cải thiện được chất lượng cuộc sống.

Mặt khác nếu bệnh nhân Parkinson được điều trị nhưng không đủ thuốc, không phù hợp với liệu pháp điều trị thì bệnh nhân phải cần đến người chăm sóc do không thể tự sinh hoạt. Vì vậy, việc tích cực điều trị cho bệnh nhân Parkinson giúp họ giảm được các biến chứng nếu bệnh nhân gặp trường hợp té ngã, không còn khả năng vận động sẽ kèm theo nguy cơ viêm phổi, chất lượng sống suy giảm và tăng tỷ lệ tử vong.

5 giai đoạn của bệnh Parkinson bạn nên biết

Nhờ BS Tài chia sẻ thêm, Bệnh Parkinson sẽ tiến triển qua những giai đoạn nào và sự thay đổi theo từng giai đoạn cụ thể ra sao ạ? Như các bệnh cấp tính khác đều có thời gian ủ bệnh, vậy còn đối với Parkinson thì giai đoạn âm thầm bệnh có thể diễn ra trong bao lâu?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Một số triệu chứng vận động thường gặp của Parkinson như run khi nghỉ, đơ cứng, chậm vận động và tư thế bệnh nhân không ổn định,… Trong đó, các triệu chứng vận động khởi đầu của bệnh Parkinson thường bắt đầu xuất hiện ở một bên với các triệu chứng run khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc chậm hoạt động, đây là giai đoạn 1 của bệnh Parkinson.

Triệu chứng vận động khởi đầu của bệnh Parkinson thường bắt đầu xuất hiện ở một bên với các triệu chứng run khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc chậm hoạt động

Tuy nhiên, bản chất của Parkinson là ngày càng tiến triển, do đó khi triệu chứng xuất hiện một bên có thể ở tay, sau đó sẽ lan xuống chân và bên còn lại. Khi triệu chứng vận động xuất hiện cả hai bên thì bệnh bắt đầu bước sang giai đoạn 2 và được chia làm giai đoạn 2A (2 sớm) hoặc 2B (2 muộn). Ở giai đoạn 2 sớm, triệu chứng bên còn lại có biểu hiện nhẹ, nhưng đến giai đoạn 2 muộn thì các triệu chứng biểu hiện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bệnh Parkinson có triệu chứng không đối xứng, một bên nhẹ còn một bên biểu hiện rõ rệt.

Thông thường, các triệu chứng sẽ kéo dài từ 2 - 3 năm tùy trường hợp bệnh, có thể thời gian ngắn hoặc kéo dài hơn. Trong thời gian trên, bệnh Parkinson từ giai đoạn 2 sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn 3. Người bệnh ở giai đoạn này bắt đầu đi lại khó khăn, dễ té ngã và cần có sự hỗ trợ, nếu không nguy cơ té ngã rất cao.

Từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 4 có thể kéo dài 2 - 3 năm hoặc thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể. Đến giai đoạn này, bệnh nhân Parkinson sẽ đi xe lăn, rất ít trường hợp có thể tự đi, hầu hết đều cần sự trợ giúp.

Cuối cùng là giai đoạn 5, bệnh nhân không còn khả năng vận động, mọi việc đều được bác sĩ chăm sóc hoàn toàn. Như vậy, bệnh Parkinson kéo dài 5 giai đoạn, thời gian kéo dài từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 khoảng 5 - 7 năm và sau vài năm sẽ chuyển đến giai đoạn cuối. Đó là tất cả các giai đoạn về vận động của người bệnh Parkinson.

Các dấu hiệu giúp phát hiện sớm nhất bệnh Parkinson

Vậy các dấu hiệu nào giúp phát hiện sớm nhất căn bệnh Parkinson này thưa BS Tài?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Như các bệnh khác, Parkinson có thời gian ủ bệnh. Nhưng trong Parkinson gọi là giai đoạn tiền triệu hay giai đoạn tiền lâm sàng. Đây là giai đoạn trước khi xuất hiện các triệu chứng về rối loạn vận động. Giai đoạn này sẽ phát hiện các triệu chứng ngoài vận động như mất mùi, rối loạn hành vi giấc ngủ REM hoặc các triệu chứng trầm cảm, bón,…

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh Parkinson, có Gen và các yếu tố, triệu chứng ngoài vận động cũng được xem là giai đoạn tiền triệu. Các triệu chứng này kéo dài hơn khi mắc bệnh Parkinson, thông thường từ 10 - 20 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn vận động của người bệnh Parkinson.

Tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh Parkinson bằng cách nào?

Phát hiện sớm là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng để điều trị hiệu quả. Vậy thưa BS Tài

- Tầm soát bệnh từ giai đoạn sớm (ngay từ khi còn ở giai đoạn chưa có dấu hiệu rõ ràng, giai đoạn 1) thì khám chuyên khoa nào? Bằng cách nào?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Hiện tại, Parkinson đang được điều trị dựa trên triệu chứng, chưa có phương pháp điều trị ngăn sự tiến triển của bệnh hay chữa lành bệnh. Thực tế, các bác sĩ chỉ quan tâm đến giai đoạn có triệu chứng. Do đó, để phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh nhân Parkinson, cần quan sát các dấu hiệu như người hơi run, hoạt động chậm là hai dấu hiệu cho thấy bản thân đã mắc bệnh Parkinson.

Có trường hợp bệnh nhân hoạt động chậm nhưng không có triệu chứng run, đi khám nhiều nơi không phát hiện bệnh Parkinson cho đến khi triệu chứng biểu hiện rõ, có dấu hiệu tàn phế ở người bệnh. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý với các triệu chứng run, vận động chậm, nghi ngờ dấu hiệu của Parkinson phải đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Trên thế giới hiện đang tiến hành nghiên cứu và tương lai gần sẽ có các phương pháp ngăn sự tiến triển của bệnh Parkinson cùng các phương pháp chẩn đoán trước khi những triệu chứng vận động xuất hiện. Từ đó sẽ có phương pháp uống thuốc, điều trị bằng thuốc để ngăn triệu chứng vận động xuất hiện, ngăn chặn vấn đề tàn phế cho người bệnh Parkinson.

Để chẩn đoán Parkinson, người bệnh sẽ được thăm khám và làm các cận lâm sàng nào ạ?

TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Cho đến nay, chẩn đoán trong thực hành đều dựa vào thăm khám lâm sàng, do đó vai trò của bác sĩ chuyên khoa bệnh Parkinson vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán sớm người bệnh Parkinson. Vì vậy, nếu bác sĩ giai đình hoặc người thân phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa để nhận diện và chẩn đoán bệnh sớm.

Ngoài ra, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm phục vụ trong chẩn đoán. Ví dụ dùng bộ thử mùi và trong tương lai sẽ có xét nghiệm chụp hình ảnh học của bệnh nhân để phát hiện chất Dopamine, các xét nghiệm về da, sinh thiết da nhằm tìm ra thành phần alpha-synuclein, giúp chẩn đoán sớm bệnh Parkinson. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác như chụp MRI não trong một số trường hợp, giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự Parkinhson, từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh.

Hiện nay, với ưu thế về chẩn đoán lâm sàng của các bác sĩ chuyên khoa và các phương tiện xét nghiệm hiện có thì tỷ lệ chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân Parkinson tăng 95 - 98% so với trước đây.

>>> Kích thích não sâu: Mở ra cơ hội chấm dứt run rẩy, đơ cứng, chậm chạp cho bệnh nhân Parkinson

>>> 3 bệnh viện phẫu thuật kích thích não sâu điều trị Parkinson tại Việt Nam

>>> Điều trị bệnh Parkinson: Lựa chọn phẫu thuật kích thích não sâu khi đáp ứng 5 nguyên tắc số 5

Trân trọng cảm ơn Medtronic Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X