Điều trị bệnh Parkinson: Lựa chọn phẫu thuật kích thích não sâu khi đáp ứng 5 nguyên tắc số 5
Trong chương trình livestream nhân ngày Parkinson thế giới (11/4) trên AloBacsi với sự đồng hành của Medtronic Việt Nam, TS.BS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ Môn Ngoại Thần kinh - Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh - Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, lựa chọn phẫu thuật kích thích não sâu cho bệnh nhân Parkinson khi đạt được 5 nguyên tắc số 5.
Bệnh Parkinson có thể điều trị khỏi dứt điểm được không?
Một câu hỏi mà bệnh nhân nào cũng sẽ hỏi bác sĩ đó là bệnh Parkinson có thể điều trị khỏi dứt điểm được hay không? Mục tiêu trong điều trị bệnh Parkinson là gì?
- Thưa BS, phát hiện và điều trị bệnh Parkinson càng sớm thì giúp tăng hiệu quả điều trị như thế nào ạ?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa và cơ chế bệnh sinh khá đa dạng. Thứ nhất, mặc dù đã phát hiện bệnh 200 năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm.
Thứ hai là không điều trị hết bệnh nhưng tìm cách làm chậm tiến triển của bệnh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương pháp rõ ràng. Các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những phương pháp giúp ngăn chặn tiến triển của căn bệnh này.
Do đó, trong thực tế hằng ngày, cũng như trong vấn đề thăm khám và điều trị, chủ yếu là sử dụng các phương pháp điều trị bằng thuốc, tập phục hồi chức năng, phẫu thuật để giúp làm giảm triệu chứng của người bệnh, chứ chưa làm chậm tiến triển cũng như chưa điều trị dứt bệnh được.
Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa tiến triển và gây tàn phế nên mục tiêu hiện nay là làm sao để người bệnh không bị tàn phế, có cuộc sống gần như bình thường, có thể làm việc trong thời gian dài. Vì vậy, các phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm mục đích này.
Điều trị cá thể hóa trong Parkinson là gì?
Điều trị cá thể hóa là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong y học hiện nay. Xin nhờ BS giải thích thêm, trong Parkinson, điều trị cá thể hóa là như thế nào?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Sự phát triển của các nghiên cứu, đặc biệt là vấn đề về di truyền, về gen nên mỗi người đều có một đặc tính hoàn toàn khác nhau. Bệnh Parkinson cũng vậy, mỗi người bệnh sẽ có những đặc tính riêng. Chính vì vậy, khi điều trị bệnh Parkinson sẽ quan tâm đến người bệnh với những đặc tính riêng biệt của họ, được gọi là cá thể hoá cho người bệnh.
Mỗi người bệnh Parkinson sẽ có những đặc điểm như: Thứ nhất, người bệnh Parkinson trẻ tuổi sẽ điều trị khác với người bệnh Parkinson lớn tuổi; Thứ hai, người bệnh Parkinson có thể trạng gầy và mập sẽ điều trị khác nhau; Thứ ba, mỗi yếu tố đột biến gen sẽ có các cách điều trị khác nhau.
Cho đến hiện nay, các phương pháp điều trị tập trung vào từng nhóm người bệnh cụ thể với đặc tính riêng biệt của người bệnh. Để từ đó nâng cao khả năng hiệu quả của điều trị, cải thiện chất lượng sống và trong tương lai sẽ giúp cho việc có các phương pháp điều trị cá thể hóa để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Hy vọng trong một giai đoạn có thể điều trị lành bệnh.
Có các phương pháp điều trị Parkinson nào, ưu và nhược điểm ra sao?
Cụ thể hơn, nhờ BS đề cập đến các phương pháp điều trị Parkinson hiện nay gồm những gì cũng như ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Đối với bệnh Parkinson tiên quyết nhất, đầu tay của điều trị là dùng thuốc. Các thuốc như Levodopa hoặc đồng vận và những thuốc khác sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng của bệnh.
Đây là bệnh lý đến hiện nay chỉ có thể điều trị triệu chứng, chưa có cách để ngăn bệnh chậm lại và chưa thể chữa khỏi. Bên cạnh việc dùng thuốc, đến những giai đoạn có thể phối hợp với vật lý trị liệu giúp người bệnh tránh các triệu chứng về vận động và ngoài vận động như té ngã hay táo bón,…
Và đến một giai đoạn sẽ đặt ra vấn đề phẫu thuật. Trong phẫu thuật hiện nay, liệu pháp ít xâm lấn được nhắc đến nhiều nhất là phẫu thuật kích thích não sâu. Đây là liệu pháp điều trị có bằng chứng nhiều nhất, giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson đến giai đoạn tiến triển như vận động không được và có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Phẫu thuật kích thích não sâu đã được phát triển trên thế giới hơn 20 năm, từ những năm 1997. Năm 2003, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chính thức cho phép được thực hiện trên người bệnh Parkinson và được phẫu thuật đặt 2 điện cực cùng một lúc, gắn với máy để điều trị các triệu chứng của bệnh.
Trước đây chỉ chấp thuận cho điều trị rung. Nhưng hiện nay cả bộ 3 các triệu chứng như rung, cứng đờ và chậm chạp thấy rằng khi đặt vào vị trí nhân dưới đồi hoặc một vị trí khác trong não cũng giúp kiểm soát triệu chứng.
Về thuốc sẽ có ưu điểm và dược điểm. Giai đoạn đầu điều trị bệnh Parkinson, thuốc như thần dược. Đến giai đoạn tiến triển sẽ có các tác dụng phụ hoặc người bệnh dùng thuốc không còn hiệu quả nhiều. Tiếp đến là giai đoạn phẫu thuật, góp phần trong việc cải thiện triệu chứng, cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phẫu thuật được chấp nhận nhiều nhất là phẫu thuật kích thích não sâu và có rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, vẫn có nhược điểm lớn nhất là phẫu thuật; Thứ hai là cấy ghép thiết bị vào người và sẽ có nhiễm trùng, biến chứng xuất huyết não,… Một số trường hợp nhiễm trùng phải tháo thiết bị và sau một thời gian sẽ gắn thiết bị lại.
Ngoài kích thích não sâu còn có một vào phẫu thuật khác, tuy nhiên các kỹ thuật này Việt Nam chưa thực hiện được.
Giải pháp điều trị Parkinson nào được đánh giá cao hiện nay?
Hiện nay, trong điều trị bệnh Parkinson đã có những bước tiến nào? Bệnh nhân có hy vọng lấy lại chất lượng cuộc sống tốt, không bị phụ thuộc người chăm sóc không? Giải pháp điều trị nào được đánh giá cao hiện nay về hiệu quả, tính an toàn cho bệnh nhân, thưa BS?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Đến giai đoạn việc điều trị dùng thuốc bắt đầu giảm tác dụng hoặc có tác dụng phụ, không còn hỗ trợ người bệnh như giai đoạn đầu thì sẽ phẫu thuật. Đến hiện tại, phẫu thuật kích thích não sâu vẫn là phương pháp giúp cải thiện triệu chứng và giúp người bệnh cải thiện cuộc sống tốt nhất.
Trong tương lai sẽ có thêm các giải pháp khác, tập trung vào việc không mổ. Nghĩa là gây sang thương vào một vị trí, nhân trong não và có thể can thiệp vào con đường bệnh lý của bệnh Parkinson, giúp người bệnh cải thiện triệu chứng của bệnh, tăng chất lượng cuộc sống, giảm sự phụ thuộc. Ví dụ như gây sang thương vùng não bằng sóng siêu âm hội tụ. Trên thế giới đã bắt đầu khoảng 8 năm nay và có nhiều báo cáo, tuy nhiên tại Việt Nam trong tương lai gần có thể sẽ có các giải pháp này;
Hoặc một số giải pháp khác như tế bào gốc. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều bằng chứng để thống nhất, được cho phép áp dụng hoặc đưa vào guidelines điều trị ở bệnh Parkinson trong giai đoạn tiến triển; Hoặc đặt 1 cái bơm vào dưới da để truyền Apomorphin. Thực tế giải pháp này không giúp ích nhiều cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhưng đến thời điểm hiện tại kích thích não sâu vẫn là khuyến cáo mức độ 1 để điều trị các triệu chứng của Parkinson. Chỉ khi không thực hiện được mới tiến tới các giải pháp khác.
Liệu pháp kích thích não sâu điều trị Parkinson là gì và áp dụng khi nào?
Liệu pháp kích thích não sâu (DBS) điều trị Parkinson là gì? Được chỉ định trên những bệnh nhân nào, giai đoạn nào của bệnh và có bị giới hạn bởi tuổi tác?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Trước đây, liệu pháp kích thích não sâu là một phương pháp phẫu thuật mà các bác sĩ chỉ thông qua 2 lỗ khoan sọ trên đầu của người bệnh để đưa 2 vi điện cực vào nhân sâu trong não. Từ đó, nối 2 vi điện cực với máy phát xung đặt ở vùng trước ngực.
Cũng giống như máy tạo nhịp tim, thông qua xung điện sẽ giúp điều hòa vòng xoắn bệnh lý của bệnh Parkinson. Qua đó, giúp người bệnh cải thiện được triệu chứng như triệu chứng run, triệu chứng vận động giúp người bệnh đi đứng dễ dàng hơn, có thể tự thực hiện các hoạt động hằng ngày, đểtránh phụ thuộc vào người khác.
Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ có hiệu quả trên người bệnh Parkinson. Những trường hợp người bệnh có triệu chứng như Parkinson nhưng không phải nguyên phát mà là thứ phát thì liệu pháp kích thích não sâu hoàn toàn không có giá trị.
Chỉ định của phương pháp này dành cho người bệnh đi vào giai đoạn 3, bệnh nhân vẫn uống thuốc nhưng vẫn cứng đờ, chậm chạp, không thực được hoạt động hằng ngày hoặc thực hiện được nhưng nguy cơ té ngã cao, giảm sút chất lượng cuộc sống. Khoảng sau 5 - 7 năm, người bệnh bắt đầu cần các chỉ định của phẫu thuật kích thích não sâu. Khi đặt máy, mở kích thích xung điện sẽ cùng với thuốc đang điều trị giúp người bệnh điều hòa và giảm triệu chứng bệnh.
Liệu pháp kích thích não sâu hiệu quả và an toàn ra sao?
Tính hiệu quả và an toàn của liệu pháp DBS này ra sao, thưa BS Tài? Liệu pháp này hiệu quả giúp giảm các triệu chứng nào ở người bệnh Parkinson ạ?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Phương pháp điều trị nào cũng có hiệu quả, tính an toàn, cũng như tác dụng phụ. Phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu cũng vậy. Mặc dù là phẫu thuật xâm lấn mức độ ít nhưng vẫn có rủi ro nhiều hơn so với phương pháp dùng thuốc. Đó là lý do trong giai đoạn đầu (5 năm) vẫn dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng mà không ưu tiên phương pháp mổ.
Khi người bệnh có những yếu tố cần xem xét mổ bác sĩ mới cân nhắc. Vì giai đoạn đã có biến chứng thì việc dùng thuốc sẽ không còn hiệu quả bằng phẫu thuật. Lúc này, mới chuyển dịch ưu tiên chọn phương pháp phẫu thuật cho người bệnh ở giai đoạn sau 5 năm.
Người bệnh Parkinson sẽ phẫu thuật hiệu quả khi thực hiện được 5 nguyên tắc số 5: Nguyên tắc thứ nhất là người bệnh nên dưới 75 tuổi, vì trên 75 tuổi là độ tuổi quá lớn, dễ bị những rủi ro liên quan đến phẫu thuật; Nguyên tắc thứ hai, mắc bệnh Parkinson từ 5 năm trở lên; Nguyên tắc thứ 3, người bệnh phải dùng 5 lần thuốc mỗi ngày;
Nguyên tắc thứ tư là người bệnh phải có các biến chứng vận động và loạn động liên quan đến việc sử dụng thuốc, cộng lại khoảng 5 giờ/ngày; Nguyên tắc thứ năm là tuân thủ đủ 5 nguyên tắc số 5 thì mới xem xét vấn đề phẫu thuật. Khi đó việc phẫu thuật kích thích não sâu mới trở nên có lợi hơn so với phương pháp dùng thuốc.
Phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu sẽ có lợi khi tuân thủ các điều kiện lựa chọn một cách chặt chẽ và khắt khe. Từ đó, đảm bảo người bệnh nhận được hiệu quả sau phẫu thuật sẽ tốt hơn.
Theo khảo sát, phương pháp này giảm được rất tốt 3 triệu chứng: Thứ nhất, giảm mức độ run đến 70%; Thứ hai là triệu cứng; Thứ ba là triệu chứng chậm của người bệnh. Tuy nhiên, có những triệu chứng không giảm được như nói khó, té ngã. Cần quan tâm đến hiệu quả, cũng như tính an toàn của phương pháp phẫu thuật để kéo dài chất lượng sống, hoạt động hằng ngày cảu bệnh nhân trong một thời gian.
Quy trình thực hiện liệu pháp phẫu thuật kích thích não sâu gồm những gì?
Xin nhờ BS nói ngắn gọn dễ hiểu để quý khán thính giả biết về quy trình thực hiện liệu pháp phẫu thuật kích thích não sâu sẽ diễn ra thế nào, thưa BS? Người bệnh nên nhập viện trước bao lâu và sau phẫu thuật khi nào được ra viện?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Thông thường, phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu tại Việt Nam sẽ thực hiện 2 giai đoạn trong cùng 1 ngày phẫu thuật.
Giai đoạn đầu, khi các bác sĩ khoan 2 lỗ khoan trên sọ và đưa vi điện cực (con chip) vào trong não thì bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Để kiểm tra các bác sĩ Ngoại khoa đặt điện cực vào và tiến hành kích thích, giả định như khi bệnh nhân đặt máy kích thích thì các bác sĩ Nội thần kinh sẽ vào đánh giá xem việc kích thích này, với vị trí đó, triệu chứng bệnh nhân có cải thiện hay không?
Cũng như kiểm tra khi mở kích thích tăng dần lên đến ngưỡng người bệnh có tác dụng phụ do kích thích. Từ đó, quyết định được vị trí tối ưu để bác sĩ đặt con chip vào trong. Quy trình này có thể kéo dài từ 3 - 4 giờ và bệnh nhân hoàn toàn tỉnh.
Sau đó, đến giai đoạn hai, bác sĩ đặt máy kích thích vào dưới da ở vùng ngực thì người bệnh sẽ được gây mê, không còn tỉnh táo nữa.
Một ngày phẫu thuật của 2 giai đoạn này có thể kéo dài từ 4 - 6 giờ. Thời gian đầu, để thực hiện phương pháp kích thích não sâu có thể kéo dài đến 8 giờ nhưng hiện nay khi quy trình đã chạy hoàn chỉnh thì thời gian thực hiện được rút ngắn.
Thông thường, khi người bệnh đến thăm khám đã hội chẩn đầy đủ và có chỉ định phẫu thuật kích thích não sâu sẽ được hẹn nhập viện để làm các xét nghiệm chuẩn bị mổ trước 1 - 2 ngày. Sau khi mổ, bệnh nhân cần nằm viện khoảng 1 tuần để theo dõi vết thương, điều chỉnh máy,…
Tuy nhiên, sau đó đến quy trình kích thích (thống số kích thích và chỉnh liều thuốc cho người bệnh) sẽ thăm khám ngoại trú và không cần nằm viện nữa.
Công nghệ mới trong liệu pháp phẫu thuật kích thích não sâu mang lại giá trị ra sao trong điều trị?
Công nghệ mới trong liệu pháp phẫu thuật kích thích não sâu (DBS) mang lại những giá trị nào cho việc điều trị? cũng như trợ lực cho bác sĩ ra sao trong khái niệm “cá thể hóa điều trị”?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Cá thể hóa trong kỹ thuật có nhiều giải pháp tuy nhiên ra đời một giải pháp gọi là thu nhận tín hiệu từ não của từng người bệnh. Sau khi mổ xong đặt điện cực vào trong não thì bắt đầu mở máy kích thích, có phần mềm giúp thu nhận tín hiệu kích thích từ não để từ đó hệ thống hóa được với những tín hiệu này.
Mỗi người sẽ có những ngưỡng kích thích khác nhau và không thể dùng một thông số chung. Lúc trước, thường điều chỉnh tần số từ 60 - 80Hz, nhưng hiện nay có thể điều chỉnh thông số theo từng người bệnh và theo từng thời gian trong ngày nhờ công nghệ Brainsense tiến bộ mới.
Sau điều trị liệu pháp phẫu thuật kích thích não sâu người bệnh cần theo dõi thế nào?
Sau điều trị DBS, người bệnh sẽ được lên kế hoạch theo dõi tiếp theo thế nào? Bao lâu người bệnh cần tái khám và khi có triệu chứng nào thì đến bệnh viện ngay ạ?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Sau khi người bệnh phẫu thuật kích thích não sâu, bác sĩ thường nói với người nhà bệnh nhân, cần khoảng 6 tháng để việc điều chỉnh này ổn định. Không phải sau khi mổ xong sẽ tốt ngay. Nhiều người bệnh cảm thấy sau khi mổ triệu chứng cải thiện nhưng nguyên nhân là do lúc mổ đụng vào các cấu trúc, nhân trong não nên cảm thấy tình trạng này nhưng chỉ khoảng 2 - 3 tuần sẽ mất đi. Lúc đó, triệu chứng sẽ xuất hiện trở lại nên người bệnh cần đợi 6 tháng sau để các triệu chứng trở nên ổn định.
Sau khi mổ bệnh nhân thường nằm viện từ 1 - 2 tuần, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sau 2 tuần sẽ xuất viện và tái khám mỗi tuần trong 1 tháng đầu. Trong thời gian đó, người bệnh sẽ được theo dõi các vết thương để cắt chỉ. Sau mổ 1 tháng bác sĩ mới bắt đầu lặp chương trình điều hòa kích thích não sâu cho người bệnh.
Tiếp đến mỗi tháng người bệnh sẽ tái khám 1 lần cho đến khoảng 6 tháng đầu tiên. Sau thời gian này thì mỗi 3 - 6 tháng mới tái khám 1 lần. Như vậy, việc theo dõi sau mổ cũng thay đổi theo từng trường hợp cụ thể như cá thể hóa từng người bệnh.
>>> Kích thích não sâu: Mở ra cơ hội chấm dứt run rẩy, đơ cứng, chậm chạp cho bệnh nhân Parkinson
>>> 3 triệu chứng điển hình và 5 giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson
>>> 3 bệnh viện phẫu thuật kích thích não sâu điều trị Parkinson tại Việt Nam
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Medtronic Việt Nam cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình