3 bệnh viện phẫu thuật kích thích não sâu điều trị Parkinson tại Việt Nam
Phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson giúp kiểm soát hiệu quả 3 triệu chứng run, cứng đơ và chậm vận động cho người bệnh, giúp lấy lại sự tự tin sau nhiều năm đánh mất. Tại Việt Nam, hiện có 3 bệnh viện ở miền Bắc và miền Nam thực hiện kỹ thuật này thường quy, với kinh nghiệm triển khai từ 6-12 năm.
Kinh nghiệm phẫu thuật kích thích não sâu điều trị bệnh Parkinson tại 3 bệnh viện ở Việt Nam
BS Tuấn, hiện nay tại Việt Nam, người bệnh Parkinson có thể đến những cơ sở y tế nào để được điều trị bằng liệu pháp DBS, thưa BS?
TS.BS Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ Môn Ngoại Thần kinh - Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trả lời: Ở khu vực phía Nam có 2 trung tâm có thể thực kiện thích thích não sâu trong điều trị bệnh Parkinson, đó là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ở khu vực phía Bắc có Trung tâm phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đây là 3 trung tâm có nhiều kinh nghiệm, thực hiện thường quy kích thích não sâu. Chẳng hạn như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khoảng 6 năm. Trong khi đó, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khoảng hơn 10 năm.
Bệnh nhân Parkinson tự tin, cởi mở hơn sau phẫu thuật kích thích não sâu
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là 2 trong 3 cơ sở y tế trên toàn quốc thực hiện được liệu pháp DBS.
- Trước tiên xin nhờ BS Tuấn chia sẻ về những ca bệnh được điều trị thành công bằng liệu pháp kích thích não sâu cũng như giá trị mà phương pháp này mang lại cho bệnh nhân tại BV Nguyễn Tri Phương ạ?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, những ca phẫu thuật kích thích não sâu đầu tiên được thực hiện từ năm 2012. Cho đến nay đã có hơn 90 trường hợp được thực hiện phẫu thuật này.
Trong đó, có nhiều trường hợp để lại dấu ấn, cảm xúc cho người thầy thuốc, ê-kíp mổ. Sau khi phẫu thuật kích thích não sâu, người bệnh rất vui mừng vì có thể thực hiện được các hoạt động trước kia không làm được. Điển hình như một nữ bệnh nhân, trước khi phẫu thuật, trong 5 năm không dám đi dự tiệc vì giai đoạn bệnh không ổn định, thuốc kém hiệu quả. Sau phẫu thuật, cải thiện rất tốt các triệu chứng run, cứng đờ, chậm vận động, nữ bệnh nhân đã tự tin hơn rất nhiều, hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động trong đời sống.
Hoặc có những bệnh nhân, vì bệnh ở giai đoạn tiến triển và trước khi phẫu thuật một thời gian dài không thể tự đi/ không dám đi du lịch dù rất muốn. Vì vậy, sau phẫu thuật đã giúp người bệnh tự tin làm những điều mình thích.
Giai đoạn sau, chúng tôi phẫu thuật ở nhóm người trẻ hơn, còn trong độ tuổi làm việc, đã giúp bệnh nhân quay trở lại với công việc như trước kia. Ngoài ra còn nhiều câu chuyện đặc biệt khác, sau phẫu thuật có bệnh nhân thì vẽ, có người bắt đầu chơi đàn… đều để lại ấn tượng đáng nhớ. Tất cả đều được bệnh nhân ghi lại thành những thước phim gửi cho đội ngũ y bác sĩ và đó cũng là niềm vui của những người thầy thuốc điều trị Parkinson như chúng tôi.
- Vậy còn tại BV Đại học Y Dược TPHCM thì hiệu quả điều trị đã đạt được nhờ liệu pháp kích thích não sâu như thế nào thưa BS Tài?
TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó Trưởng khoa Thần kinh - Trưởng Đơn vị Rối loạn vận động - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Về hiệu quả của kích thích não sâu cho người bệnh Parkinson, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đều tương tự như nhau. Chúng tôi đã làm nghiên cứu khảo sát trên gần 40 trường hợp trong giai đoạn năm 2020-2022, cũng chia sẻ với bệnh nhân để biết kết quả thực tế, đăng trên các Tạp chí Y học nổi tiếng của Việt Nam. Chúng tôi trình bày những con số này vào một buổi livestream vào ngày 29/3 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, qua đó bệnh nhân và thân nhân sẽ thấy được bức tranh tổng quát về những trường hợp được điều trị tại 2 bệnh viện trong thời gian vừa qua.
Những điều cần lưu ý trong và sau phẫu thuật kích thích não sâu điều trị Parkinson
Trong và sau kích thích não sâu, người bệnh cần cần lưu ý những gì, thưa BS?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Đầu tiên, đối với ê-kíp phẫu thuật cần tư vấn cặn kẽ cho người bệnh, khi hiểu rõ về phương pháp điều trị sẽ giúp nâng cao tinh thần lạc quan. Kích thích não sâu vẫn có những hạn chế, có nhiều vấn đề giúp được cho người bệnh nhưng vẫn tồn tại những điều chưa đạt được như kỳ vọng.
Sau phẫu thuật có một số điểm cần lưu ý. Một là người bệnh cần tuân thủ lịch thăm khám định kỳ theo lịch bác sĩ đã đưa ra, đặc biệt là trong 6 tháng đầu, để quan sát biểu hiện và hiệu quả sau mổ (tiến triển từ tháng 1, tháng 2, tháng 3 sau mổ) để lập trình chương trình kích thích phù hợp. Việc không thăm khám theo lịch có thể sẽ làm bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội, thay vì sẽ được quan sát tốt hơn, tìm ra được những liệu trình - giải pháp tốt hơn - thì ngược lại có thể sẽ bị chậm lại.
Hai là phải tránh những nơi phát ra nhiều sóng điện từ, tránh nhiệt hoặc tránh những vận động đối kháng, hoặc tránh những nguy cơ gây chấn thương vào vị trí đặt máy,
Ngoài ra, lưu ý khi khám bệnh có chỉ định thực hiện các kỹ thuật - điển hình như MRI cần thông báo cho bác sĩ đang điều trị bệnh Parkinson cũng như bác sĩ chụp MRI để tắt máy trước khi chụp.
Sau khi phẫu thuật kích thích não sâu, người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về những lưu ý cần tránh gì, nên làm gì… do đó không nên quá lo lắng.
Đông y và tập thái cực quyền có chữa run tay ở người bệnh Parkinson?
Thưa BS, ba em năm nay 67 tuổi, mới phát hiện bị Parkinson 2 năm nay, có uống thuốc. Nhà em được mách chữa run tay theo đông y và tập thái cực quyền. Xin hỏi BS, đông y và thái cực quyền có thực sự hữu hiệu với người bệnh Parkinson? Có hỗ trợ giảm run cơ được không? Cần chú ý gì khi điều trị bằng các phương pháp này ạ?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Người bệnh Parkinson nên tập thể dục vì điều này rất có lợi cho vấn đề vận động, giúp làm chậm tiến triển ở một mức độ nào đó. Trong đó, thái cực quyền cũng là phương pháp được khuyến khích nên tập đối với người bệnh Parkinson. Đây là môn tập đã được nghiên cứu nhiều trong bệnh Parkinson, đặc biệt là những quốc gia trong khu vực châu Á như Đài Loan, Trung Quốc.
Ngoài ra, Đông y cũng được ứng dụng tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, các bằng chứng nghiên cứu về hiệu quả của Đông y chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy không đủ sức mạnh để phổ biến rộng rãi cho mọi người. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới sẽ có những nghiên cứu tốt hơn để chứng minh điều trị Đông y là phương pháp hữu hiệu cho người bệnh Parkinson.
Người bệnh Parkinson nên tập môn thể dục nào và cần tránh môn nào?
Vật lý trị liệu quan trọng như thế nào với người bệnh Parkinson, thưa BS?
- Đối với tập thể dục, một tuần người bệnh nên tập luyện bao nhiêu là tốt nhất? Và mỗi buổi, thời gian tập tối đa là bao lâu?
- Nhờ BS giới thiệu một số môn thể dục, thể thao phù hợp với người bệnh Parkinson ạ?
TS.BS Phạm Anh Tuấn trả lời: Thái cực quyền là một bộ môn phổ biến tại châu Á. Người bệnh Parkinson nên tập thể dục đều đặn và thời gian tập có thể nhiều hơn.
Người bệnh Parkinson có triệu chứng đơ cứng, chậm chạp, đặc biệt là mất ổn định tư thế. Do đó, những môn đối kháng hay vận động mạnh/tập nặng không được khuyến cáo trên người bệnh Parkinson, vì rất dễ gây chấn thương.
Do đó, người bệnh nên lựa chọn những môn thể dục có thể tập luyện trong thời gian dài, duy trì đều đặn, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ. Tập thể dục bao lâu không quan trọng mà điều cốt lõi là phải tập thường xuyên, đều đặn mỗi ngày là tốt nhất.
Dinh dưỡng cho người bệnh Parkinson nên ăn gì, kiêng gì?
Cháu chăm bà bị Parkinson 7 năm rồi, bà nội đã 70 tuổi mà còn bị Parkinson nên ăn uống khá khó khăn kèm táo bón. Xin nhờ BS tư vấn giúp dinh dưỡng bệnh Parkinson như thế nào? cần tăng cường chất nào và hạn chế những loại thực phẩm, thức uống nào ạ?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Với người bệnh Parkinson không có những thực phẩm hoàn toàn kiêng cữ mà khuyến khích nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh như người bình thường khỏe mạnh. Trong những trường hợp người bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng, hiệu quả của thuốc điều trị ngắn hơn, có hiện tượng dao động về vận động thì khuyên rằng nên uống thuốc trước bữa ăn để lượng thuốc được hấp thu tốt hơn.
Ngoài ra, nếu trong ngày ăn lượng đạm nhiều hơn thì khuyên rằng trong giờ hoạt động làm việc thì nên ăn lượng đạm ít hơn và dồn bữa ăn nhiều đạm về buổi chiều tối để đạm không ngăn sự hấp thu của thuốc.
Lưu ý, vì người bệnh Parkinson dễ bị táo bón do đó nên uống đủ nước từ 1,5-2 lít/ngày, ăn nhiều chất xơ, nên vận động để người bệnh tăng nhu động của ruột giúp giảm táo bón. Cuối cùng, nên tránh uống cà phê nếu người bệnh Parkinson bị run nhiều.
Ngày hội Parkinson tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức ngày 7/4/2024
Sắp tới tháng 4 - chào đón ngày Parkinson thế giới - ngày 11/4, BV Đại Học Y Dược TPHCM sẽ có các chương trình nào đặc biệt để đồng hành giúp bệnh nhân hiểu hơn về căn bệnh Parkinson cũng như là kĩ thuật kích thích não sâu, thưa BS Tài?
TS.BS Trần Ngọc Tài trả lời: Ngày 11/4 hằng năm được chọn là Ngày Parkinson thế giới (Parkinson's World Day) để kỷ niệm ngày sinh bác sĩ người Anh tên là James Parkinson, người đầu tiên mô tả bệnh Parkinson.
Để hưởng ứng ngày này, năm 2024, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Ngày hội Parkinson với các hoạt động online và offline vào ngày 7/4, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của người bệnh và thân nhân, cộng đồng thông qua việc cung cấp các kiến thức về Parkinson. Từ đó, giúp người bệnh hòa nhập, chăm sóc tốt hơn.
Trong đó có nhiều chương trình do chính người bệnh Parkinson thực hiện như múa, hát, tập thể dục và nhiều chia sẻ của người trong cuộc. Cộng đồng người bệnh Parkinson đang rất hào hứng chuẩn bị cho chương trình này.
Khán thính giả có thể tham gia trực tiếp hoặc online vào ngày 7/4 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
>>> 3 triệu chứng điển hình và 5 giai đoạn tiến triển của bệnh Parkinson
>>> Điều trị bệnh Parkinson: Lựa chọn phẫu thuật kích thích não sâu khi đáp ứng 5 nguyên tắc số 5
>>> Kích thích não sâu: Mở ra cơ hội chấm dứt run rẩy, đơ cứng, chậm chạp cho bệnh nhân Parkinson
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Medtronic Việt Nam cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình