12 dấu hiệu dễ nhận biết khi mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được phân thành nhiều thể khác nhau, từ đó các dấu hiệu nhận biết của từng thể cũng cần được nắm rõ giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển.
I. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 cùng có chung một số dấu hiệu cảnh báo sớm (đói và mệt mỏi; đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước; khô miệng và ngứa da; nhìn mờ) và các dấu hiệu khác biệt, bao gồm:
1. Đói và mệt mỏi
Sau khi thức ăn được thu nạp, cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose - nguyên liệu để các tế bào sử dụng để tạo năng lượng. Tuy nhiên, tế bào còn cần insulin để hấp thụ glucose. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hoặc nếu các tế bào kháng lại insulin do cơ thể tạo ra, glucose sẽ không thể đi vào và tạo năng lượng. Hệ quả, cơ thể rơi vào trạng thái đói và mệt mỏi hơn bình thường.
2. Đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước
Khát nước khi bị tiểu đường là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở những bệnh nhân đái tháo đường, xuất hiện sớm và thường đi kèm với dấu hiệu khô miệng. Người bệnh thường xuyên khát nước, mặc dù khi đã bổ sung nước nhiều lần trong ngày vẫn có cảm giác khát nước bất thường so với trước đây.
Người bình thường thường đi tiểu từ 4-7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi tiểu nhiều hơn. Nguyên nhân do thông thường cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, thận có thể không làm tốt công đoạn này, cơ thể vì thế sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Kết quả là người bị đái tháo đường sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, kéo theo biểu hiện khát nước liên tục. Một vòng luẩn quẩn sẽ diễn ra: uống nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn. Đây được xem là dấu hiệu tiểu đường rõ ràng.
3. Khô miệng và ngứa da
Không phải ai mắc bệnh tiểu đường cũng sẽ bị khô miệng. Tình trạng này có thể do một số bệnh lý khác gây ra.
Các triệu chứng khô miệng có thể được cải thiện thông qua việc kiểm soát mức đường huyết. Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng nên tránh các đồ uống có đường và dùng thuốc theo chỉ định để điều trị vấn đề này.
Nếu bạn bị khô miệng và nghi ngờ rằng mình có thể bị tiểu đường, bạn nên đi khám sức khỏe để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mình.
Các triệu chứng của khô miệng có thể bao gồm: Lưỡi khô ráp; thiếu độ ẩm trong miệng; Đau miệng thường xuyên; môi nứt nẻ; các vết loét trong miệng; nhiễm trùng trong khoang miệng; khó nuốt, nói hoặc nhai.
4. Nhìn mờ
Tình trạng thay đổi lượng chất lỏng trong cơ thể cũng là nguyên nhân khiến thủy tinh thể bị sưng lên. Biểu hiện này ảnh hưởng đến tầm nhìn khiến hình dạng của vật trở nên méo mó, suy giảm độ lấy nét.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường type 1
5. Sụt cân bất thường
Khi không thể lấy năng lượng từ thức ăn, cơ thể sẽ bắt đầu “kích hoạt” quá trình đốt cháy cơ và chất béo để lấy năng lượng. Cân nặng có thể giảm dù bạn không thay đổi thực đơn dinh dưỡng.
6. Buồn nôn và nôn
Khi cơ thể chuyển hóa chất béo để lấy năng lượng, một lớp hợp chất hữu cơ (ketone) sẽ được sản sinh. Những chất này có thể tích tụ trong máu, làm cho máu có tính axit. Khi tích tụ đến một mức nguy hiểm, nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể xảy ra, có thể đe dọa tính mạng. Buồn nôn và nôn có thể được xem là biểu hiện của tình trạng nhiễm toan ceton. Người bệnh đái tháo đường có thể cần thực hiện xét nghiệm ketone thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
7. Gặp vấn đề về giấc ngủ (khó ngủ, ngưng thở khi ngủ…)
Người mắc bệnh đái tháo đường thường có chất lượng giấc ngủ kém, bao gồm tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc buồn ngủ. Một số ngủ quá nhiều, số khác lại gặp khó khăn để ngủ đủ giấc. Ngoài ra người đái tháo đường còn gặp phải một vài rắc rối đối với giấc ngủ, như:
Chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là triệu chứng liên quan đến việc ngừng hoạt động thở trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong lúc ngủ, ngăn không khí đến phổi. Mức oxy trong máu xuống thấp cũng gây ảnh hưởng đến chức năng não và tim. Có đến 2/3 số người thừa cân bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân và chân cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tổn thương dây thần kinh này có thể gây mất cảm giác ở bàn chân hoặc các triệu chứng như ngứa ran, tê, rát và đau.
Hội chứng chân không yên là một chứng rối loạn giấc ngủ với điểm đặc trưng là sự kích thích dữ dội ham muốn di chuyển chân, người bệnh khó có thể cưỡng lại cảm giác này. Rối loạn giấc ngủ này thường đi kèm với biểu hiện ngứa ran, tê, rát hoặc đau chân, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc giấc ngủ không thể diễn ra.
Hạ và tăng đường huyết cao: cả hai tình trạng đường huyết này đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh đái tháo đường. Nếu tăng đường huyết khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất an, nóng nực thì hạ đường huyết gây cảm giác đói, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi. Những biểu hiện này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ hoặc khó khăn khi vào giấc.
Ngủ ngáy, tình trạng ngủ ngáy có thể đến từ nguyên nhân béo phì hoặc thu nạp nhiều chất béo. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường loại 2, bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khớp và đột quỵ.
Xem thêm: Tăng đường huyết: Biến chứng bệnh tiểu đường nguy hiểm
II. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường type 2
1. Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm
Cả nam và nữ mắc bệnh đái tháo đường đều có thể mắc phải các bệnh liên quan đến nhiễm trùng nấm men. Nấm men ăn glucose, vì vậy chúng sẽ phát triển nhanh ở người có mức đường cao. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở những bộ phận có nếp gấp nhờ hai yếu tố ấm và ẩm như rãnh giữa các ngón tay, ngón chân; dưới ngực, trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.
2. Vết loét hoặc vết cắt lâu lành
Khi lượng đường trong máu cao diễn ra trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương dây thần kinh. Điều này khiến cơ thể khó chữa lành vết thương.
3. Tê bì, mất cảm giác ở chân
Cảm giác đau hay tê bì chân được xem là một biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng tổn thương thần kinh, nguyên nhân do glucose tăng cao trong máu. Tình trạng glucose tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến tay chân mà còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh khác của cơ thể như dây thần kinh cảm giác nóng, lạnh và đau; dây thần kinh vận động (bệnh lý thần kinh ngoại biên) hay dây thần kinh kiểm soát các hoạt động của dạ dày, nhịp đập của tim… (bệnh lý thần kinh tự chủ).
Tổn thương thần kinh là biểu hiện đặc trưng của bệnh thần kinh đái tháo đường. Đây cũng là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và 2.
III. Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường thai kỳ có thể kể đến: Khát nhiều; đi tiểu nhiều hơn; mau đói hơn; nhìn mờ
Mang thai khiến hầu hết phụ nữ thường đi tiểu nhiều và mau đói, vì vậy những triệu chứng bệnh tiểu đường có thể dễ nhầm lẫn. Do đó, mẹ bầu cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định có hay không bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
1. Ngủ gà ngủ gật
Cùng với ngủ gà ngủ gật, “trùng da mắt” sau khi “căng da bụng” cũng được xem là cách nhận biết dấu hiệu bệnh tiểu đường.
Xảy ra tình trạng này là khi cơ thể thu nạp một lượng lớn tinh bột, sẽ xảy ra tình trạng dư thừa glucose. Khi ấy cần phải có một lượng lớn insulin thích hợp để đẩy nhiều glucose hơn vào tế bào. Điều này cũng khiến lượng đường trong máu giảm mạnh. Tuy nhiên, khi lượng đường dư thừa được giải phóng, cơ thể lại rơi vào trạng thái hạ đường huyết quá mức, còn các chất dinh dưỡng chưa được chuyển tới não bộ nên gây ra tình trạng buồn ngủ. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, insulin tiết ra quá mức lặp lại nhiều lần được xem là biểu hiện của bệnh đái tháo đường.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình