Xuất tinh ra máu rất dễ tái nhiễm
Xuất tinh ra máu làm nhiều nam giới lo lắng. Hiện tượng này là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. ThS.BS Lê Vũ Tân - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cảnh báo, tình trạng này có thể là dấu hiểu cảnh báo các bệnh lý ác tính, đặc biệt ở đàng ông trung niên.
1. Khoảng 10% nam giới đến khám vì xuất tinh máu
Từ quá trình làm việc thực tế của BS, tình trạng tinh dịch có máu có phổ biến ở nam giới không?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Khi tôi và các đồng nghiệp nam khoa khám và tư vấn tại bệnh viện, phòng khám, chúng tôi khá thường gặp bệnh nhân có tình trạng xuất tinh máu. Theo ước tính của tôi, khoảng 10% nam giới đến khám vì vấn đề này, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, từ sau 45 tuổi.
2. Máu trong tinh dịch đến từ đâu?
Thưa BS, hiện tượng tinh dịch có máu có phải là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm nào đó?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Khi gặp tình trạng xuất tinh có máu, nam giới rất lo sợ. Trước khi bàn về vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc của tinh dịch và nguyên nhân vì sao tinh dịch có máu.
Tinh dịch gồm 2 phần: phần nước (dịch) và phần tinh trùng. Phần dịch được tiết chủ yếu từ tuyến tiền liệt, còn tinh trùng xuất phát từ túi tinh hoặc ống dẫn tinh. Máu xuất hiện trong đường đi của các thành phần tạo nên tinh dịch sẽ khiến cho tinh dịch có máu.
Đối với một trường hợp xuất tinh có máu, cần phải tìm hiểu vấn đề từ tuyến tiền liệt, túi tinh, niệu đạo...
3. Những nguyên nhân khiến tinh dịch có máu
Sinh thiết tuyến tiền liệt có phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuất tinh ra máu, thưa BS? Còn những nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng này?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Sinh thiết tuyến tiền liệt thuộc một cơ chế bệnh sinh. Khi sinh thiết tuyến tiền liệt, bác sĩ niệu khoa dùng kim sinh thiết qua đường trực tràng. Sinh thiết bằng kim sẽ gây tổn thương tại vùng tuyến tiền liệt, gây chảy máu và khiến tinh dịch xuất ra có màu đỏ.
Những nguyên nhân khác gây xuất tinh có máu là ung thư tuyến tiền liệt, viêm nhiễm vùng túi tinh, u túi tinh, viêm nhiễm vùng niệu đạo...
4. Xuất tinh ra máu có liên quan đến vấn đề tại tuyến tiền liệt
Xuất tinh ra máu có phải tình trạng thường gặp không? Bệnh lý này có nguy hiểm không, thưa BS?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Xuất tinh ra máu không phải một bệnh lý thường gặp nhưng cũng không hiếm, chiếm khoảng 10% trong các trường hợp nam giới đến khám nam khoa.
Đa phần bệnh nhân ở lứa tuổi trung niên, từ sau 45 tuổi. Bệnh nhân cũng có ý thức rằng việc xuất tinh ra máu có liên quan đến tuyến tiền liệt. Xuất tinh ra máu khiến các quý ông hết sức lo ngại và ngay lập tức đi khám.
5. Đi khám ngay nếu có máu trong tinh dịch
Nếu chưa thể đi khám ngay, các quý ông nên theo dõi tình trạng xuất tinh ra máu trong bao lâu, thưa BS?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Khi quan sát và điều trị cho những trường hợp xuất tinh ra máu, tôi rút ra kinh nghiệm rằng nam giới thường đi khám ngay khi gặp tình trạng này. Cả bạn đời của họ cũng rất lo lắng và thúc giục các anh đi khám.
Với những trường hợp sống tại khu vực mà cơ sở y tế không đủ điều kiện để thăm khám, bạn chỉ nên trì hoãn trong một thời gian ngắn. Hãy đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
Xuất tinh ra máu có thể xuất phát từ những nguyên nhân rất trầm trọng như ung thư, sự chần chừ sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của nam giới.
6. Xuất tinh ra máu cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán?
Thưa BS, máu trong tinh dịch được chẩn đoán như thế nào?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Xuất tinh ra máu có thể tự chẩn đoán ở nhà. Khi tinh dịch có màu đỏ hoặc màu nâu, bệnh nhân sẽ biết được cần đi khám. Một số trường hợp, bệnh nhân mô tả trong tinh dịch có dây máu nhỏ. Đây cũng là xuất tinh ra máu.
Sau khi hỏi bệnh sử, thăm khám tuyến tiền liệt, bệnh nhân được làm xét nghiệm. Xét nghiệm có thể thể hiện rõ tình trạng xuất tinh ra máu là tinh dịch đồ. Bác sĩ sẽ thấy được liệu trong tinh dịch đồ có nhiều hồng cầu, bạch cầu không.
Siêu âm tuyến tiền liệt qua ngả trực tràng giúp xác định những tổn thương ở vùng tuyến tiền liệt hoặc túi tinh. Ngoài ra còn cần theo dõi lượng PSA - một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. PSA tăng có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Trong trường hợp PSA giảm < 4, nguyên nhân có thể từ viêm nhiễm.
Sau đó, xét nghiệm nước tiểu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... sẽ giúp tìm ra những tác nhân gây viêm nhiễm, từ đó tìm ra nguyên nhân xuất tinh ra máu?
7. Điều trị xuất tinh ra máu phải dựa vào nguyên nhân
Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị tình trạng xuất tinh ra máu?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Điều trị xuất tinh ra máu tùy thuộc vào nguyên nhân. Sau khi thăm khám và làm những xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đánh giá nguyên nhân.
Nếu nguyên nhân do ung thư, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ ung thư tuyến tiền liệt. Nếu không phải ung thư, điều đầu tiên bác sĩ nam khoa cần làm là trấn an người bệnh, đây chỉ là tình trạng viêm nhiễm của bệnh nhân xảy ra ở túi tinh hay tuyến tiền liệt theo kết quả cận lâm sàng.
Tùy thuộc vào những nguyên nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ phù hợp như kháng sinh, kháng viêm, thuốc đông máu... để giải quyết tình trạng xuất tinh ra máu.
Tôi và các đồng nghiệp nam khoa luôn chú ý và giải thích rõ cho bệnh nhân rằng xuất tinh ra máu không do ung thư thì không nên quá lo lắng, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan. Tình trạng này có thể giải quyết được nhưng có thể sẽ tái nhiễm. Mỗi lần bệnh tái phát, người bệnh cần đến khám để chẩn đoán lại.
Nam giới từng bị xuất tinh ra máu rất dễ bị tái nhiễm về sau.
8. Đi khám sớm để giải quyết kịp thời những nguyên nhân nguy hiểm
Lời khuyên của bác sĩ cho những người đang gặp phải tình trạng xuất tinh ra máu là gì ạ?
ThS.BS Lê Vũ Tân trả lời: Nếu phát hiện tình trạng xuất tinh ra máu, các anh đừng quá lo lắng. Hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị theo đúng nguyên nhân. Xuất tinh ra máu không hiếm gặp, nhất là ở tuổi trung niên.
Đi khám sớm sẽ giúp giải quyết sớm trong trường hợp xuất tinh ra máu có nguyên nhân là ung thư. Ngược lại, những nguyên nhân viêm nhiễm cũng sẽ được bác sĩ giải thích chi tiết, đưa ra khuyến cáo cũng như hướng dẫn theo dõi đánh giá sức khỏe qua những lần xuất tinh sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình