Hotline 24/7
08983-08983

Xu hướng mới trong phẫu thuật ung thư phổi: cắt phổi càng nhỏ càng tốt, cắt hẹp nhưng đủ sạch

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI được tổ chức vào ngày 25/11/2023 tại TPHCM bàn luận chủ yếu về ung thư, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng với bệnh lý này. Trong 4 phiên chuyên đề của hội nghị, phiên 1 đã tập trung về những thách thức và tiến bộ trong phòng ngừa - điều trị ung thư gói gọn trong 3 bài báo cáo.

>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI: 130 đơn vị y tế từ 53 tỉnh thành tề tựu về tham dự

10 triệu người bệnh ung thư tử vong mỗi năm

Hội nghị bắt đầu với bài báo cáo “Kiểm soát bệnh ung thư: kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam” từ ThS.BS.CK2 Phan Tấn Thuận - Trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Chuyên gia cho biết, trên toàn thế giới, trong năm 2020, có khoảng 19,3 triệu ca ung thư và khoảng 10 triệu ca tử vong do ung thư. Hiện, toàn cầu có 50,5 triệu người đang sống với ung thư (tỷ lệ hiện mắc 5 năm).

Chuyên gia dẫn chứng, ngay cả trong giai đoạn đỉnh điểm mỗi ngày thế giới có 15.000 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong khi đó với căn bệnh ung thư vẫn có đến 26.000 người tử vong mỗi ngày dù ở bất kỳ thời điểm nào.

ThS.BS.CK2 Phan Tấn Thuận - Trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

ThS.BS.CK2 Phan Tấn Thuận chia sẻ những con số đáng chú ý. Ung thư vú ở nữ đã vượt ung thư phổi để trở thành ung thư thường gặp nhất với khoảng 2,3 triệu trường hợp mới (11,7%), sau đó là ung thư phổi (11,4%), đại trực tràng (10,0 %), tuyến tiền liệt (7,3%), và dạ dày (5,6%). Trong đó, ung thư phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu với 1,8 triệu tử vong (18%), sau đó là đại trực tràng (9,4%), gan (8,3%), dạ dày (7,7%) và ung thư vú ở nữ (6,9%).

Nhìn chung, tỷ lệ mắc mới ung thư ở hai giới cao gấp 2-3 lần ở những quốc gia phát triển so với quốc gia đang phát triển, nhưng tỷ lệ tử vong thay đổi thấp hơn 2 lần ở nam giới và thấp hơn một chút ở nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ lại cao hơn đáng kể ở những quốc gia đang phát triển so với quốc gia phát triển, lần lượt là 15,0 vs 12,8 trên 100.000 và 12,4 vs 5,2 trên 100.000).

Đáng lo ngại, con số này sẽ không dừng tại đây. Gánh nặng ung thư cho đến năm 2040 ước tính có 28,4 triệu trường hợp bệnh, tăng 47% từ năm 2020, với sự gia tăng nhiều ở những quốc gia đang phát triển (64% lên 95%) so với các nước phát triển (32% tới 56%)” - Trưởng phòng Chỉ đạo Tuyến - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết.

Trong bài báo cáo chuyên gia cũng đề cập, Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình - thấp (LMICs), tương ứng với chỉ số phát triển con người (HDI) trung bình - thấp. Trong đó, nhóm quốc gia LMICs đối mặt với sự gia tăng gánh nặng ung thư do thay đổi trong lối sống không lành mạnh, thiếu đáng kể hoạt động thể chất, béo phì, hút thuốc lá và uống rượu. Bên cạnh đó, hệ thống y tế kém phát triển khiến cho không đủ nguồn lực trong việc phát hiện sớm ung thư, cũng như cung cấp những điều trị cơ bản.

Việc phân bổ không đồng đều những nguồn lực của xã hội trong chăm sóc sức khỏe, thiếu thông tin về ung thư cũng như những biện pháp phòng ngừa, thiếu những luồng chẩn đoán và điều trị thích hợp cho bệnh nhân, cũng như chưa có hoặc có không đủ quỹ chăm sóc sức khỏe,... dẫn tới phát hiện bệnh muộn” - ThS.BS.CK2 Phan Tấn Thuận cho biết.

Nhiều năm qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Liên minh châu Âu đã có hướng dẫn, kế hoạch hành động nhằm kiểm soát, phòng ngừa ung thư. Đặc biệt, với điểm nhấn là hơn 40% số trường hợp ung thư có thể phòng ngừa được, nên mục tiêu chính trong chương trình hành động phòng ngừa ung thư có những kế hoạch hướng tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm: Cải thiện những nhận thức về Sức khỏe hướng tới hiểu rõ những yếu tố nguy cơ và những yếu tố sinh ung thư; Đạt được Cộng đồng không khói thuốc lá; Giảm tiêu thụ thức uống có cồn nguy hại; Gia tăng sức khỏe toàn dân thông qua Chế độ ăn khỏe mạnh và tập thể dục; Giảm ô nhiễm môi trường; Giảm tiếp xúc với hóa chất độc và phóng xạ; Phòng ngừa tác nhân sinh ung thư do bệnh nhiễm.

Riêng tại Việt Nam, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cũng đã có những chiến lược cụ thể để thực hiện kế hoạch Phòng chống Ung thư. Qua báo cáo của chuyên gia cho thấy, nhìn chung đã xây dựng Kế hoạch, huy động những nguồn lực và phân bổ theo những trọng tâm của chiến lược phòng ngừa ung thư qua 4 bước. Một là giảm nguy cơ (ví dụ: chống hút thuốc lá, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, HPV,..). Hai là, phát hiện sớm (xây dựng khoa Tầm soát ung thư và Hướng dẫn tầm soát ung thư). Ba là, điều trị và theo dõi sống còn (phát triển điều trị đa mô thức và toàn diện: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch, điều trị chính xác, dinh dưỡng, phục hồi chức năng,...). Bốn là, xây dựng mạng lưới ung bướu vệ tinh và tham gia phát triển liên kết vùng.

Xu hướng mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi ở Việt Nam là gì?

Trong bài báo cáo “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - Phó Trưởng khoa Y - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cảnh báo, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có trên 26.000 trường hợp mắc mới và gần 24.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Trung bình, mỗi ngày có 65 trường hợp tử vong vì ung thư phổi.

Mặc dù ung thư phổi là nguyên nhân tử vong đứng hàng đầu nhưng tỷ lệ tử vong do căn bệnh này khác biệt ở giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Trong khi khả năng sống được 5 năm ở bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn IVB là 0% thì ngược lại tỷ lệ này đạt đến 92% nếu bệnh nhân phát hiện sớm - ở giai đoạn IA1. Do đó, bên cạnh việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, đặc biệt hàng đầu là thuốc lá thì vấn đề quan trọng không kém là phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, cơ hội sống còn cho bệnh nhân” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - Phó Trưởng khoa Y - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 

Theo chuyên gia, để phát hiện giai đoạn sớm cần chụp CT-Scan liều thấp trên những người có nguy cơ (nam giới trên 40 tuổi, hút thuốc lá, tiếp xúc khói bụi…). Song song đó, khi nghi ngờ ung thư phổi thì cần phải chẩn đoán được qua các phương tiện hiện đại như nội soi phế quản, PET-CT… Hiện, PET-CT chưa được thanh toán cho những trường hợp nếu chưa được chẩn đoán ung thư.

Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho rằng, vấn đề rất quan trọng đối với ung thư phổi giai đoạn sớm IA đó là đánh giá sự tồn tại của hạch trung thất thông qua việc chụp CT, nội soi phế quản, sinh thiết qua nội soi phế quản, bởi vì nếu có sẽ có chiến lược điều trị hoàn toàn khác. “Trong trường hợp không có hạch trung thất có thể tiến hành phẫu thuật. Hoặc nếu không có hạch trung thất nhưng bệnh lý nội khoa của bệnh nhân không thích hợp phẫu thuật có thể chuyển sang phương pháp không phẫu thuật như xạ trị, hóa trị… Trong trường hợp có hạch trung thất, điều này có nghĩa bệnh đã chuyển sang giai đoạn không còn sớm nữa, khi đó sẽ có chiến lược điều trị toàn thân” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế nói.

Đối với ung thư phổi giai đoạn IB, chuyên gia dẫn chứng hướng dẫn của NCCN, nếu khối u nằm ở ngoại biên hoặc khối u nằm ở vùng trung tâm trong một số giai đoạn cần đánh giá bệnh nhân toàn diện. Nếu như bệnh nhân chưa được chụp PET-CT trước đó cần thực hiện nội soi phế quản, giải phẫu bệnh lý hạch trung thất. Lưu ý, trong giai đoạn này, bởi vì PET-CT độ nhạy kém vì vậy việc chụp MRI não là rất cần thiết để đánh giá di căn não.

Chuyên gia khuyến nghị, xu hướng mới trong phẫu thuật điều trị ung thư phổi hiện nay là “cắt phổi càng nhỏ càng tốt, cắt hẹp nhưng đủ sạch”, điều này ngược lại với quan niệm trước đây “cắt càng rộng càng tốt”. Và để “cắt hẹp, đủ sạch”, theo chuyên gia cần chú trọng vào việc phát hiện sớm, khối u thật nhỏ, đồng thời đánh giá được mô bệnh lý, đặc điểm của khối u và hạch trước khi phẫu thuật.

Như vậy, phẫu thuật lớn hay nhỏ phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân, tình trạng khối u, kinh nghiệm bác sĩ phẫu thuật. Trong các phương pháp phẫu thuật, hiện nay ít sử dụng cắt hình chêm với lý do cắt như vậy không theo giải phẫu thì nguy cơ tái phát cao. Do đó, hiện tại hướng đến xu hướng cắt phân thùy, song chỉ được điều trị trên bệnh nhân phát hiện sớm. Đến thời điểm hiện tại, cắt thùy phổi và nạo hạch vẫn là phẫu thuật tiêu chuẩn để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn còn có thể phẫu thuật được” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế chia sẻ.

Bên cạnh phẫu thuật, vấn đề quan trọng không kém đó đánh giá nạo hạch triệt để hay lấy hạch theo mẫu. Chuyên gia dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm này. Do vậy, lấy toàn bộ hạch hay nạo hạch từng điểm để chẩn đoán giai đoạn sẽ tùy từng trung tâm. “Nếu trung tâm nào có nhiều kinh nghiệm có thể phẫu thuật nhanh thì tiến hành phẫu thuật nạo toàn bộ hạch còn nếu không thì lấy hạch theo mẫu để đánh giá giai đoạn, quyết định điều trị tiếp tục cho bệnh nhân” - chuyên gia nói.

Trong bài báo cáo, Phó Trưởng khoa Y - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn đề cập đến việc chọn lựa giải pháp phẫu thuật. Theo đó, phẫu thuật ít xâm lấn cắt phân thùy phổi, cắt thùy phổi và nạo hạch qua nội soi lồng ngực có robot hỗ trợ hoặc không có robot hỗ trợ cho kết quả lâu dài tương đương hoặc tốt hơn mổ mở và là xu hướng chủ đạo hiện nay.

Ngoài ra, với những trường hợp ung thư giai đoạn I, II và ở mặt cắt còn tế bào ung thư, việc điều trị bổ trợ (xạ trị, hóa trị, hóa xạ trị, điều trị trúng đích) sau phẫu thuật là bắt buộc. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, điều này sẽ cho kết quả tốt hơn cả về thời gian sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ.

Đặc biệt, với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR mất đoạn axon 19 hoặc L858R giai đoạn IB - IIIA sau phẫu thuật triệt để nên sử dụng thuốc trúng đích Osimertini bổ trợ để có kết quả lâu dài tốt hơn. “Hồ sơ an toàn của Osimertinib tương đồng với các báo cáo trước đây và không có lo ngại về an toàn mới nào được báo cáo với thời gian điều trị kéo dài. Tại Việt Nam, Osimertinib đã được phê duyệt cho chỉ định điều trị bổ trợ cho BN UTPKTBN giai đoạn IB-IIIA có đột biến EGFR sau khi phẫu thuật từ cuối tháng 10/2022” - PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho biết.

Chuyên gia còn đặc biệt nhấn mạnh, một trong những tiến bộ trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm đó là điều trị đa mô thức, đa chuyên khoa. Hội chẩn đa chuyên khoa trong ung thư phổi không tế bào nhỏ nhằm có chẩn đoán chính xác về giai đoạn, mô bệnh học và đặc biệt là các đột biến để chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Vai trò Albumin và phản ứng viêm trong tiên lượng ung thư phổi tế bào nhỏ

Cũng liên quan đến ung thư phổi, PGS.TS.BS Bùi Quang Vinh - Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TPHCM mang đến một chủ đề chuyên sâu và hấp dẫn không kém về “Vai trò Albumin và phản ứng viêm trong tiên lượng ung thư phổi tế bào nhỏ”.

Chuyên gia thông tin, trong tổng số bệnh nhân ung thư phổi, 20% là ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer, SMCLC), và 80% là ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC). NSCLC có tiên lượng tốt hơn SCLC. Đáng quan tâm là đa phần bệnh nhân khi chẩn đoán đã trễ, với 50-60% trong giai đoạn IV theo phân loại TNM, chỉ 20-25% giai đoạn III, và 20-25% giai đoạn II hoặc I.

Liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) đã mang lại cách mạng tuyệt vời trong NSCLC nặng. Có khá nhiều loại thuốc và nhiều phác đồ theo hướng cá thể hóa đang được nghiên cứu. Tròn đó, hiện nay các khuyến cáo điều trị NSCLC chủ yếu với thuốc nhóm ICS (immune checkpoint inhibitors, ức chế điểm kiểm soát miễn dịch), bao gồm các kháng thể đơn dòng chống PD-1 (nivolumab, pembrolizumab, celiplimab), chống PD-L1 (atezolimumab, durvamumab), và chống CTLA-4 (ipilimumab, tremelimumab).

Các điểm kiểm soát (IC) này là chỗ gắn kết các ligand với thụ thể và gây đáp ứng dương tính hoặc âm tính với hệ miễn dịch. Các tế bào ung thư có khả năng lợi dụng các IC âm tính để trốn thoát sự theo dõi miễn dịch của cơ thể. Thuốc ICI ức chế các kết nối tại IC, ngừa tế bào ung thư lạm dụng các IC âm tính, từ đó thúc đẩy tế bào T độc tính gây chết tế bào ung thư. Ngoài nhóm ICI, liệu pháp miễn dịch cũng còn các thuốc khác như TIM-3, LAG-3, VISTA, OX40 và GITR. Điều trị NSCLC có rất nhiều phác đồ khác nhau.

PGS.TS.BS Bùi Quang Vinh - Bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TPHCM

Tuy nhiên, vấn đề suy dinh dưỡng và môi trường viêm ảnh hưởng đến kết quả điều trị NSCLC. Nhiều nghiên cứu trên các bệnh nhân NSCLC được điều trị bằng ICS cho thấy có nhiều dấu ấn sinh học có liên quan với tiên lượng bệnh, cụ thể là thời gian sống toàn bộ, thời gian sống không tiến triển và tử vong. Trong khi đó, các yếu tố hứa hẹn liên quan đến tiên lượng bao gồm các nhóm: dinh dưỡng (BMI, sụt cân, suy mòn, albumin huyết thanh), phản ứng viêm (neutrophile, lymphocyte, tỷ lệ neutrophil/lymphocyte, mức lymphocyte thâm nhiễm mô, CRP, LDH), và các yếu tố khác như số đột biến theo vùng DNA, tiểu cầu thấp, thuốc steroid, kháng sinh, ức chế proton PPI...

Đặc biệt, trong bệnh lý ung thư, phản ứng viêm có vai trò trong phòng ngừa lẫn kiểm soát sự phát triển bệnh. Cơ chế là môi trường viêm có ảnh hưởng trên ung thư phổi vì ảnh hưởng các giai đoạn tăng sinh của tế bào ung thư, tạo mạch máu, di căn xa, và đáp ứng của tế bào đối với điều trị hóa chất và miễn dịch. Các dấu ấn sinh học của phản ứng viêm rất nhiều, trong đó CRP, neutrophil, và lymphocyte thường được sử dụng nhiều nhất.

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI thu hút hơn 500 người tham dự trên 2 hình thức online và offline, quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm và 12 bài báo cáo.

Về Albumin huyết thanh, chuyên gia nhấn mạnh đây là một dấu ấn sinh học phản ánh tình trạng dinh dưỡng lẫn tình trạng viêm của cơ thể. Albumin cũng loại bỏ các yếu tố kích thích tiền viêm trong cơ thể và giảm phản ứng viêm, do đó có giá trị trong tiên lượng NSCLC.

Nghiên cứu của Stares et al. (2021) nhận thấy albumin <35 g/L tiên lượng xấu đối với NSCLC di căn. Albumin thấp cũng dự đoán sự xuất hiện của các phản ứng phụ trong điều trị ung thư phổi. Nghiên cứu của Kazuki et al. (2020) thấy albumin là yếu tố tiên lượng độc lập ở bệnh nhân NSCLC điều trị với thuốc ức chế PD-1. Tuy nhiên, nghiên cứu của Forest et al. (2004) sử dụng thang tiên lượng Glasgow nhận thấy giảm albumin không liên quan có ý nghĩa với sống còn của NSCLC khi không có tăng CRP. Do đó cần kết hợp albumin huyết thanh với các dấu ấn sinh học của phản ứng viêm để cải thiện tiên lượng” - PGS.TS.BS Bùi Quang Vinh cho biết. Cuối cùng, chuyên gia kiến nghị, việc kết hợp cả 2 yếu tố albumin và phản ứng viêm cần được nghiên cứu thêm để chọn lọc điều trị thích hợp và xử trí phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X