Hotline 24/7
08983-08983

Xơ gan mất bù sống được bao lâu?

Bác sĩ cho tôi hỏi nếu xơ gan mất bù thì thời gian sống được khoảng bao lâu nữa ạ?

Chào AloBacsi,

Tôi tên là Tuyết Trang, tôi xin đặt câu hỏi về bệnh xơ gan của má tôi. Bà 74 tuổi, cao 1.64m, nặng 54kg. Các thời kỳ của bệnh như sau:

1./Phát hiện xơ gan cách đây 2,5 tháng: - Bị sốt, phù toàn thân. Khám ở Bình Dân, sau đó nhập viện bệnh viện nhiệt đới với chẩn đoán xơ gan mất bù sau viên gan C, nhiễm trùng máu từ đường tiểu. Có lấy dịch ổ bụng để xét nghiệm. Sau khi điều trị thì hết phù, bụng không to nữa. Được xuất viện sau 2 tuần.

2./Tái khám lần 1 sau khi xuất viện một tháng: chẩn đoán xơ gan mất bù sau C có biến chứng, nhiễm trùng đường tiểu.

3./ Tái khám sau 4 tuần: chẩn đoán xơ gan sau viêm gan C (đã hết nhiễm trùng đường tiểu).

Hiện má tôi ăn uống tốt (ăn chay hơn 10 năm rồi), da sạm đen, mắt hơi vàng nhạt (để ý mới thấy), ốm mất 2kg trong một tháng trở lại đây, bụng không to, có dấu hiệu mệt mỏi. Khi tìm hiểu về xơ gan mất bù trên internet tôi thấy tình trạng của má tôi vẫn tốt hơn biểu hiện được liệt kê (đặc biệt là bụng không to). Gan má tôi đã bị mất bù hay vẫn còn bù? Nếu mất bù thì thời gian sống được khoảng bao lâu nữa? Nhiễm trùng đường tiểu tái đi tái lại như thế có phải là do biến chứng của xơ gan không?

Tôi muốn chưng tổ yến với đường phèn cho má tôi ăn để bồi dưỡng có được không? Ngoài ra BS cho tôi xin lời khuyên đối với căn bệnh của má tôi mà BS cho là cần thiết. Chân thành cảm ơn.


(Tuyết Trang - TPHCM)

Ảnh minh họa

Chào bạn,

Để đánh giá mức độ xơ gan còn cần nhiều thông tin hơn, nhưng theo bạn cung cấp tôi đánh giá sơ bộ mức độ xơ gan của má bạn là ở giai đoạn child B (3 mức độ đánh giá xơ gan là A, B, C). Giai đoạn xơ gan của má bạn ở mức trung bình, chưa nặng nhưng không phải nhẹ.

Nếu mất bù thời gian sống bao lâu? Tùy thuộc vào chế độ sống và điều trị của từng bệnh nhân.
Nếu xơ gan mất bù thì thời gian sống còn 5 năm khoảng 50%. Má bạn già yếu kèm bệnh mãn tính nặng thì sức đề kháng kém, vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó nhiễm trùng đường tiểu rất hay gặp ở người có suy giảm về miễn dịch.

Má của bạn có thể ăn tổ yến với đường phèn, đây là thức ăn không cần kiêng cữ, tuy nhiên nên ăn nhiều rau quả (cam, chuối), cữ ăn mỡ động vật, nên hạn chế muối. Nên theo dõi điều trị bởi 1 BS chuyên khoa về gan.

TS.BS Phạm Thị Thu Thủy
Trưởng khoa Gan, Trung tâm Y hoa Medic (Hòa Hảo)

Từ ngày tháng 10/2015, bạn đọc có các thắc mắc về các bệnh viêm gan A, B, C, E; các biến chứng của viêm gan; rối loạn chức năng gan; cách giải độc gan; cách đọc các chỉ số men gan… xin mời gửi câu hỏi để được TS.BS Phạm Thị Thu Thủy, BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương và BS.CK2 Trần Ánh Tuyết tư vấn.

Câu hỏi xin gửi về hệ thống Khám bệnh Online hoặc email: tuvan@alobacsi.vn.

Đây là hoạt động nằm trong Chuyên đề tư vấn “Hành trình chăm sóc gan” do AloBacsi phối hợp với nhãn hàng Naturenz của Công ty Dược phẩm Hậu Giang thực hiện.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X