Hotline 24/7
08983-08983

Xét nghiệm nước tiểu: Có cần nhịn ăn uống, ngừng dùng thuốc nào?

Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm phổ biến, cho chúng ta biết về các bệnh lý như nhiễm trùng tiểu, tiểu đường… Khi xét nghiệm nước tiểu cần lưu ý những gì? Bao lâu thì người bệnh sẽ nhận được kết quả?... Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bình Dân giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Xét nghiệm nước tiểu phát hiện các bệnh lý gì?

Xin hỏi BS, xét nghiệm nước tiểu cho chúng ta biết những điều gì về sức khỏe ạ? Những bệnh lý nào có thể phát hiện thông qua xét nghiệm nước tiểu, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm thường quy và phổ biến, cho chúng ta biết về các bệnh lý như nhiễm trùng tiểu, bệnh lý về nang, tiểu đường,…

2. 10 thông số trong xét nghiệm nước tiểu có nghĩa như thế nào?

Xét nghiệm nước tiểu là chỉ định quan trọng và cần thiết giúp chẩn đoán các bệnh lý. Vậy ý nghĩa 10 thông số trong xét nghiệm nước tiểu là gì? Trong đó, thông số nào trong nước tiểu là quan trọng nhất ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Mỗi thông số có một ý nghĩa riêng, thông số nào cũng quan trọng và đặc trưng theo từng bệnh riêng.

- Urobilinogen (UBG): Bình thường sẽ không có trong nước tiểu, nhưng nếu xuất hiện thì có thể là bệnh vàng da tán huyết, các bệnh về gan.

- Protein (PRO): Bình thường không có trong nước tiểu, nếu có sẽ xuất hiện các bệnh lý như: viêm cầu thận cấp, thận hư, nhiễm trùng niệu…

- Bilirubin (BIL): Bình thường không có trong nước tiểu, nếu có sẽ xuất hiện các bệnh lý về tắc mật, vàng da…

- Nitrite (NIT): Bình thường không có trong nước tiểu, nếu có sẽ xuất hiện các bệnh lý như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn thận.

- Ketone (KET): Bình thường sẽ không có trong nước tiểu nhưng nếu xuất hiện là bệnh tiểu đường hoặc các bệnh do ăn quá nhiều đường, bệnh do thận.

- Chỉ số pH: Giúp nhận biết nước tiểu là bazo hay axit. Nếu chỉ số tăng là do ói mửa hoặc giảm là do bị tiêu chảy cấp.

- Tỷ trọng nước tiểu: Bình thường từ 1,015 - 1,025. Nếu tăng là do bị nhiễm khuẩn gram âm và giảm trong các bệnh thận như viêm cầu thận.

3. Ai cần xét nghiệm nước tiểu?

Trường hợp nào cần xét nghiệm nước tiểu thưa BS? Phương pháp xét nghiệm này chống chỉ định với những ai ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Chỉ định xét nghiệm nước tiểu khi đi khám tổng quát định kỳ, bệnh nhân có tình trạng tiểu quá ít hoặc quá nhiều, màu sắc của nước tiểu thay đổi,…

Xét nghiệm này không có chống chỉ định. Tuy nhiên với những bệnh nhân sử dụng kháng sinh nên ngưng sử dụng trước 5 ngày để xét nghiệm được chính xác.

4. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu?

Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Để bảo đảm xét nghiệm nước tiểu có độ chính xác cao nên lưu ý:

- Lấy nước tiểu vào lúc sáng sớm và lấy giữa dòng. Điều này rất quan trọng đối với những trường hợp bác sĩ chỉ định lấy nước tiểu và làm kháng sinh đồ.

- Chia sẻ với bác sĩ các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng vì nó có thể sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh cụ thể của từng loại.

5. Cần lưu ý gì trong sinh hoạt, ăn uống khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu?

Vậy để kết quả xét nghiệm nước tiểu chính xác nhất, người bệnh cần lưu ý những vấn đề nào? Trong sinh hoạt nên tránh những gì? Và trong ăn uống thì nên ăn gì và tránh ăn gì ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Trong 10 thống số của nước tiểu có Glucose niệu, vì vậy tốt nhất nên nhịn đói khoảng 3 tiếng. Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh nên thông báo với bác sĩ. Và cho bác sĩ biết các loại thuốc bản thân đang sử dụng.

6. Uống loại nước nào là tốt nhất trước khi xét nghiệm nước tiểu?

Trước khi xét nghiệm nước tiểu, người bệnh có cần nhịn ăn uống? Những loại nước nào người bệnh có thể uống và cần tránh uống trước khi xét nghiệm ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Khi xét nghiệm máu hoặc nước tiểu nên uống nước lọc là tốt nhất.

7. Xét nghiệm nước tiểu vào thời điểm nào trong ngày là tối ưu nhất?

Xét nghiệm nước tiểu vào thời điểm nào trong ngày là tối ưu nhất ạ? Nhiều người bỏ lỡ buổi sáng, vậy xét nghiệm buổi chiều có được không hay phải chờ đến sáng hôm sau ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Nên xét nghiệm vào sáng sớm. Nếu xét nghiệm vào giữa trưa thì khi lấy nên bỏ đi những giọt nước tiểu đầu và lấy nước tiểu giữa dòng.

8. Trước khi xét nghiệm nước tiểu, nên ngừng những loại thuốc nào?

Người bệnh cần dừng những loại thuốc nào trước khi xét nghiệm nước tiểu ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Các loại kháng sinh phải ngưng ít nhất 5 ngày vì khi sử dụng kết quả sẽ không chính xác.

9. Kết quả xét nghiệm nước tiểu sẽ trả trong bao lâu?

Bao lâu sau khi xét nghiệm nước tiểu người bệnh sẽ nhận được kết quả ạ? Sau khi xét nghiệm, người bệnh cần theo dõi sức khỏe như thế nào?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Có rất nhiều dạng xét nghiệm nước tiểu:

- Tổng phân tích nước tiểu (gồm 10 thông số): Bệnh viện sẽ trả kết quả trong khoảng 90 phút.

- Xét nghiệm nước tiểu cặn lắng: Thời gian trả kết quả là 150 phút.

- Xét nghiệm nước tiểu Protein niệu: Thời gian trả kết quả là 180 phút.

- Cặn addis: Bệnh viện sẽ trả kết quả trong khoảng 210 phút.

Người đến khám sức khỏe định kỳ, cần thực hiện nhiều xét nghiệm, kỹ thuật cùng lúc. Vậy chúng ta nên thực hiện theo thứ tự nào để tiết kiệm thời gian nhất ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ chỉ định lâm sàng. Sau đó, người đi khám đến các phòng xét nghiệm nên lấy số thứ tự trước và theo dõi bảng điện tử để canh thời gian vào xét nghiệm lấy máu, cũng như hướng dẫn lấy nước tiểu. Bệnh viện có để bảng cam kết thời gian trả kết quả xét nghiệm nên người bệnh có thể căn cứ vào đó và sắp xếp đi làm các xét nghiệm, siêu âm, X-quang.

10. Chi phí xét nghiệm nước tiểu là bao nhiêu và BHYT có chi trả không?

Chi phí xét nghiệm nước tiểu là bao nhiêu ạ? BHYT có thanh toán cho kỹ thuật này không ạ?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Chi phí xét nghiệm nước tiểu rất thấp. Tổng phân tích nước tiểu bình thường khoảng dưới 30.000 đồng, tại Bệnh viện Bình Dân là 27.400 đồng. Các xét nghiệm khác cũng thấp, chỉ có xét nghiệm cấy nước tiểu giá khoảng dưới 300.000 đồng. Đối với xét nghiệm nước tiểu BHYT sẽ thanh toán 100%.

11. Khi có những dấu hiệu nào cần xét nghiệm nước tiểu?

Cuối cùng, nhờ BS đưa ra lời khuyên: Khi xuất hiện những dấu hiệu nào thì người bệnh nên đi khám, làm xét nghiệm nước tiểu, thưa BS?

BS.CK1 Lê Thị Bích Nhật trả lời: Nên đi kiểm tra tổng quát khi có dấu hiệu:

- Tiểu quá ít hoặc tiểu quá nhiều.

- Màu sắc nước tiểu thay đổi: Bình thường là màu nhạt bây giờ thay đổi sang màu hồng, màu nâu,…

- Nước tiểu đục.

- Có các triệu chứng kèm theo như đau bụng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X