Hotline 24/7
08983-08983

Viêm đường hô hấp cấp có biểu hiện gì, những ai dễ mắc?

Viêm đường hô hấp cấp được nhắc đến nhiều trong mùa dịch COVID-19, tuy nhiên SARS-CoV-2 không phải nguyên nhân duy nhất. Vậy viêm đường hô hấp cấp do nguyên nhân gì, có biểu hiện ra sao, những ai dễ mắc?

1. Viêm đường hô hấp cấp là tình trạng như thế nào?

Viêm đường hô hấp cấp là tình trạng bệnh cấp tính của đường hô hấp. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh, viêm đường hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu về bệnh tật ở người lớn cũng như ở trẻ em.

Hệ hô hấp của chúng ta được chia thành hai phần: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên được tính từ thanh quản trở lên, bao gồm mũi, tai giữa, xoang, hầu, họng, thanh quản. Đường hô hấp dưới được tính từ thanh quản trở xuống bao gồm khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phế nang.

Đường hô hấp trên lấy không khí từ bên ngoài môi trường, lọc không khí, làm ấm để đưa xuống đường hô hấp dưới. Đường hô hấp dưới có nhiệm vụ dẫn khí và trao đổi khí, ngay tại phế nang oxy được đưa vào trong máu cùng với chất dinh dưỡng nuôi cơ thể và thải khí CO2.

2. Nguyên nhân và yếu tố dẫn đến viêm đường hô hấp cấp?

Cơ quan hô hấp cũng là một bộ phận bên trong cơ thể chúng ta bên cạnh da, đường tiêu hóa, nó tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Do đó, các tác nhân ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, thuốc lá, virus, vi khuẩn có thể tấn công trực tiếp vào đường hô hấp.

Các bệnh lý đường hô hấp có thể một phần do cấu tạo đường hô hấp có vai trò lọc và làm ẩm không khí. Chính môi trường ẩm ướt này tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Thay đổi thời tiết ở giai đoạn chuyển mùa cũng là yếu tố thuận lợi gây ra bệnh đường hô hấp cấp.

Nguyên nhân của đường hô hấp cấp có thể là do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, nhưng thường gặp nhất là virus và vi khuẩn. Virus chiếm tỷ lệ cao hơn vi khuẩn khoảng 60 đến 70% nguyên nhân gây bệnh, còn các vi khuẩn thì ít hơn chỉ khoảng 20 đến 30%. Đó là các vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, tiêu huyết beta nhóm A hoặc vi khuẩn không điển hình.

3. Dựa vào dấu hiệu nào để biết được một người bị viêm đường hô hấp cấp?

Mỗi vị trí trên đường hô hấp nếu bị bệnh sẽ có những triệu chứng gợi ý. Ví dụ như:

  • Ở mũi triệu chứng gợi ý là sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Ở họng, bệnh nhân sẽ bị đau họng.
  • Ở tai giữa, bệnh nhân sẽ bị đau tai, ù tai hoặc chảy dịch tai.
  • Ở các xoang, bệnh nhân có thể đau đầu, đau ở vùng hốc mắt, đau trán hay có chảy nước mũi.
  • Ở thanh quản, triệu chứng gợi ý là bệnh nhân bị khàn tiếng.
  • Ở khí quản phế quản, bệnh nhân có thể ho hay ho có thể có đàm.
  • Ở tiểu phế quản, các triệu chứng gợi ý có thể là khó thở khò khè.
  • Ở vùng phế nang, bệnh nhân có các triệu chứng như ho, có thể có đàm, khó thở có thể kèm theo sốt, đau ngực, lạnh run.

4. Những ai dễ mắc viêm đường hô hấp cấp?

Ai cũng có thể mắc bệnh viêm hô hấp cấp tính. Một người trưởng thành có thể mắc bệnh viêm đường hô cấp trung bình từ 2-4 lần trong một năm. Tuy nhiên, những đối tượng như trẻ em hay trẻ dưới 5 tuổi hoặc dưới 3 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ em không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc những người hay ăn lạnh, uống lạnh hay sử dụng điều hòa không hợp lý… sẽ dễ bị viêm đường hô hấp cấp nhiều hơn.

Đối với người hơn 60 tuổi có kèm theo các bệnh mạn tính như bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về thận, các bệnh lý đường hô hấp khác, xơ gan, đái tháo đường và những người nghiện rượu… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.

5. Viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm như thế nào đối với tính mạng của bệnh nhân?

Viêm đường hô hấp cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu về bệnh cấp tính ở người lớn cũng như ở trẻ em. Căn bệnh này gây ra số ngày nghỉ việc nhiều nhất ở các bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 4 triệu trẻ em tử vong do viêm đường hô hấp cấp, trong đó chủ yếu là viêm phổi vì bệnh diễn tiến ở trẻ rất nhanh. Ở người lớn, nó cũng vậy, đặc biệt là người trên 65 tuổi có các bệnh đồng mắc kèm theo. Viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh lý nhiễm trùng.

Mức độ của bệnh viêm đường hô hấp cấp tùy thuộc vào vị trí gây bệnh, tùy thuộc vào tác nhân, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và tùy thuộc vào cơ địa mà bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Đối vị trí viêm đường hô hấp dưới chẳng hạn như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, nếu bệnh xảy ra ở trẻ em, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh. Nếu phụ huynh hay người chăm sóc trẻ chưa có sự chăm sóc cho trẻ đúng mức thì sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Do đó, chúng ta cần biết dấu hiệu nào để đưa trẻ đi khám. Nếu không có các dấu hiệu nguy hiểm, ta có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nếu trẻ có dấu hiệu nôn ói tất cả mọi thứ, bỏ bú, ngủ li bì hay co giật, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Trẻ thở nhanh, thở rút lõm ngực, đó cũng là dấu hiệu của viêm phổi nặng. Trẻ sốt cao liên tục trên 48 giờ, trẻ bị ho kéo dài trên bảy ngày, đó là các đối tượng cần được theo dõi và phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sớm nhằm đưa đi bệnh viện cấp cứu.

6. Có phải điều trị viêm đường hô hấp lúc nào cũng dùng thuốc kháng sinh?

Viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang chủ yếu là do virus gây ra chiếm từ 60 đến 70%. Trong tất cả các tác nhân gây bệnh, không phải trường hợp nào cũng phải sử dụng kháng sinh.

Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp cấp chỉ cần điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Chúng ta không nên tự ý sử dụng kháng sinh. Nếu tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, nó có thể nguy hiểm cho sức khỏe nó sẽ gây ra tình trạng dị ứng. Thuốc có thể làm tiêu chảy trầm trọng. Nếu sử dụng kháng sinh chưa hợp lý, vi khuẩn sẽ đề kháng lại thuốc kháng sinh.

Việc chỉ định dùng thuốc kháng sinh chỉ được thực hiện khi nhiễm khuẩn thực sự, và do bác sĩ quyết định. Bác sĩ sẽ thăm khám, có các xét nghiệm hỗ trợ, tìm ra các trường hợp do vi khuẩn gây bệnh thực sự, lúc đó, thuốc kháng sinh mới hiệu quả và an toàn.

7. Trong quá trình điều trị viêm đường hô hấp cấp, cần lưu ý gì để phục hồi sức khỏe nhanh chóng?

Quý phụ huynh có con trẻ bị bệnh viêm đường hô hấp trên nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán mức độ của bệnh. Hầu hết bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp trên có thể được chăm sóc tại nhà. Nguyên tắc cần đảm bảo nhất là chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, không nên kiên cử quá mức.

Đối với trẻ em ăn uống khó khăn, chúng ta cần cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ. Khi có được chế độ dinh dưỡng tốt, sức đề kháng của trẻ mới tăng lên, trẻ mau hồi phục.

Đối với các em bé vẫn đang bú sữa, ta có thể tăng các cử bú lên cho trẻ. Bệnh nhân có thể ho nhiều khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, có thể gây ra tình trạng mất nước chúng ta có thể bù thêm cho người bệnh.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý có thể giữ cho đường thở được sạch và giúp cho bệnh nhân được hồi phục nhanh hơn.

Trong trường hợp trẻ em bị sốt, bên cạnh thuốc hạ sốt chúng ta có thể lau mát cho trẻ bằng nước ấm.

Đối với các bệnh nhân bị ho, chúng ta có thể sử dụng thêm các thuốc thảo dược chúng ta có thể tự làm như tắc chưng đường phèn, hay mật ong hấp gừng để hỗ trợ điều trị ho cho người bệnh. Chúng ta tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh trừ phi có sự chỉ định của bác sĩ.

Chúng ta cũng cần theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm khi chăm sóc cho người bệnh và đặc biệt là chăm sóc trẻ để chúng ta có thể đưa trẻ đến khám và nhập viện kịp thời để điều trị.

8. Có cách nào phòng ngừa viêm đường hô hấp cấp?

Để phòng ngừa tốt, chúng ta cần hạn chế đến nơi đông người vào mùa có viêm đường hô hấp cấp. Chúng ta cần phải hạn chế ra đường vào những ngày thời tiết thay đổi, ngày có không khí ô nhiễm tăng cao và các thời điểm chuyển mùa.

Đối với trẻ em, chúng ta cần tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối với người trên 65 tuổi và người có các bệnh lý mạn tính kèm theo, chúng ta nên chủng ngừa cúm hằng năm và phế cầu từ 3-5 năm.

Chúng ta nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi ăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Bên cạnh đó, chúng ta cần vệ sinh máy lạnh vì máy lạnh là nơi để lọc khí và điều hòa nhiệt độ trong nhà. Chúng ta cần hạn chế ăn lạnh, sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ quá thấp. Nhiệt độ của máy lạnh tốt cho sức khỏe chúng ta là 27 đến 28 độ C.

Chúng ta cần bổ sung các chất dinh dưỡng và các chất giàu vitamin để góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể như rau xanh và trái cây tươi.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X