Hotline 24/7
08983-08983

Người đã mắc cúm mùa, F0 khỏi bệnh, có nên tiêm vắc xin cúm?

Trong bài viết dưới đây, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa và BS Trương Hữu Khanh đã giải đáp nhiều thắc mắc về cúm mùa và vắc xin cúm như: Súc họng, rửa mũi có phòng ngừa được cúm mùa?; Người đã mắc cúm có cần tiêm vắc xin cúm mỗi năm?; F0 đã khỏi bệnh, bao lâu được tiêm ngừa cúm mùa?... Mời bạn đọc cùng đón xem.

Phần 1: Cúm mùa - căn bệnh “lì lợm” đeo bám con người hàng thế kỷ

Phần 2: Tiêm ngừa cúm trong đại dịch COVID-19: Ngăn chặn nguy cơ “đại dịch kép” khi mùa đông cận kề

1. Test COVID-19 2 vạch, có khi nào do cúm mùa?

Chào bác sĩ ạ, khi mình tự mua đồ test COVID-19 ra 2 vạch thì có khả năng là do cảm cúm gây nên không ạ? Em cảm ơn bác sĩ ạ. Virus cúm có làm ảnh hưởng kết quả test COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: COVID-19 xuất hiện đến nay đã 2 năm, nên khi làm test nhanh rất khó nhầm với loại virus khác. Vì vậy, không thể có việc nhiễm cúm mà làm test nhanh COVID lên 2 vạch.

Hiện, CDC của Mỹ cũng đã đề ra một phương pháp và có lẽ sang năm sẽ thực hiện đó là đã làm xét nghiệm PCR thì sẽ làm cúm và COVID-19, để có thể xác định được người bệnh nếu không nhiễm cúm, thì là COVID-19 hoặc loại virus khác.

Chương trình tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Hô hấp - Nhiễm - Y học dự phòng thu thú hàng trăm ngàn lượt xem, hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ

2. Súc họng, rửa mũi có phòng ngừa được cúm mùa?

Súc họng, rửa mũi có giúp phòng ngừa cúm mùa? Trong mùa đông lạnh nên thực hiện các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp sao cho đúng?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Trong đại dịch COVID-19, vấn đề vệ sinh mũi họng rất quan trọng, đối với bệnh cúm cũng vậy. Cúm có thời gian ủ bệnh khá ngắn, nên nếu mọi người ý thức sớm như trong điều trị COVID-19 đó là rửa tay, súc họng, xịt rửa mũi, thì sẽ giúp làm sạch đường hô hấp và làm giảm tải lượng virus cúm nếu xâm nhập vào cơ thể.

Hiện, rất nhiều phụ huynh lo sợ trẻ trở lại trường học sẽ bị cảm cúm, hay mắc COVID-19. Tuy nhiên, nếu cha mẹ giúp con ý thức được việc vệ sinh cá nhân thì tỷ lệ nhiễm, phát bệnh, trong đó có virus cúm sẽ giảm đi đáng kể.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Súc miệng sẽ rất có lợi nhưng không phải giải pháp hoàn hảo. Vì chúng ta không thể lúc nào cũng súc họng ngay khi tiếp xúc với người khác được. Trong khi virus chỉ diệt được ngay lúc súc họng thôi, còn khi chúng vào cơ thể thì cũng đã chuẩn bị xâm nhập vào các tế bào.

Vì vậy, chỉ có vắc xin mới giải quyết được vấn đề này. Nếu ai chưa kịp tiêm vắc xin thì đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên sẽ giúp phòng chống bệnh hiệu quả.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM

3. Người đã mắc cúm có cần tiêm vắc xin cúm mỗi năm?

Thưa BS, năm ngoái ba em 56 tuổi đã mắc cúm mùa thì liệu có nhiễm lại? Em muốn đưa ba đi tiêm ngừa cúm nhưng không biết có tiêm được không? Mong BS cho em lời khuyên. Ngoài ra, với những người đã mắc cúm như ba em thì nên lựa chọn vắc xin nào ạ? Em cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời: Với người đã từng mắc cúm thì qua năm vẫn nên chích ngừa cúm. Vì lúc này virus cúm đã có chủng mới và vắc xin mới, nên cần tiêm nhắc lại.

Vắc xin cúm sẽ có nhiều loại khác nhau, nhưng đều tập trung vào những chủng sẽ lưu hành ở năm nay và năm sắp tới. Do đó, bạn cứ yên tâm đưa ba đi chích ngừa. Khi đi chích ngừa, ba bạn sẽ được tham gia vào hệ thống mã số tiêm chủng quốc gia và sẽ được lựa chọn vắc xin phù hợp.

Chẳng hạn, hiện nay đã có vắc xin tứ giá giúp bao phủ rộng hơn, nhiều hơn và mang lại ít tác dụng phụ cho người được tiêm, nhất là đối với người có bệnh lý nên. Vì vậy, bạn hoàn toàn không cần lo lắng, hãy tiếp cận đơn vị y tế nào gần nhất có phục vụ công tác tiêm chủng để tiêm vắc xin cho ba nhé.

4. F0 đã khỏi bệnh, bao lâu được tiêm ngừa cúm mùa?

Tôi là F0 đã khỏi bệnh, xin nhờ BS tư vấn giúp tôi có nên tiêm ngừa cúm? Nếu được thì sau bao lâu khi đã khỏi bệnh có thể tiêm ngừa cúm được? Chọn vắc xin bất hoạt liệu có an toàn hơn cho những trường hợp của tôi? Xin cảm ơn.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đã khỏi COVID-19, và bạn không còn khả năng lây cho ai là có thể đi chích ngừa bất kể lúc nào. Thông thường, sau 28 ngày từ khi mắc bệnh sẽ rất khó lây. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể làm test nhanh để biết mình đã âm tính hoàn toàn hay chưa, để đảm bảo toàn toàn cho người xung quanh, còn bản thân người đã khỏi bệnh thì không có gì đáng lo cả.

Nhiều người lo sợ khỏi bệnh xong sẽ yếu nên không dám đi chích ngừa, điều này không đúng, vì có yếu mới cần chích ngừa.

Do đó, khi bạn chắc chắn không còn khả năng lây cho người khác thì nên đi tiêm cúm. Vì cúm và COVID-19 là 2 bệnh này khác nhau hoàn toàn.

Vắc xin cúm có rất nhiều loại như vắc xin bất hoạt, giảm độc lực, tiểu đơn vị,... bạn cũng không cần tìm hiểu nhiều về cấu trúc của virus cúm, miễn sao thấy vắc xin đó bảo vệ nhiều và ít tác dụng phụ thì tiêm thôi.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM

5. F1, F2 có nguy cơ mắc COVID-19, nên hay không nên chích ngừa cúm mùa?

Thưa BS, em là F1, mẹ em trở thành F2. Trong khi đó mẹ em là người lớn tuổi. Điều này có nghĩa là gia đình em nằm trong diện nguy cơ mắc COVID-19. Em nghe nói, nếu mắc đồng thời cả cúm và COVID-19 sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy muốn đi tiêm ngừa.

Nhưng em có thắc mắc: Khi chưa chắc chắn liệu mình có trở thành F0 hay không thì có nên đi tiêm ngừa cúm? Nếu đang trong thời gian COVID-19 ủ bệnh, mình tiêm thêm vắc xin cúm thì có sao không ạ? Em cảm ơn BS.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Tiêm ngừa cúm không phải là vấn đề khẩn cấp, không phải nếu không tiêm ngay hôm nay thì ngày mai sẽ bị cúm phải nhập viện. Vấn đề ưu tiên hàng đầu là bảo vệ cộng đồng, vì vậy nếu bạn tiếp xúc gần với F0, có nguy cơ bị nhiễm bệnh thì nên theo dõi tại nhà, thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Khi nào an toàn thì bạn nên tiêm cúm. Trung bình trong vòng 1-2 tuần sau khi tiếp xúc F0 mà sức khỏe bình thường là bạn có thể đi chích ngừa. Mỗi năm chích ngừa cúm 1 lần là yên tâm, không cần quá lo sợ.

Bên cạnh đó, tại đơn vị tiêm chủng cũng sẽ kiểm tra sức khỏe của bạn để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19 cho cộng đồng. Vì thế, bạn nên bình tĩnh và có kế hoạch cho việc chăm sóc sức khỏe của mình nhé.

6. Sự khác nhau giữa các loại vắc xin cúm?

Em thấy ở Việt Nam có nhiều loại vắc xin cúm quá, nào là tam giá, vắc xin bất hoạt toàn tế báo, vắc xin kháng nguyên bề mặt và gần đây nhất thấy có cả tứ giá. Những loại vắc xin này khác nhau ra sao? Mỗi loại này phù hợp với những nhóm người nào?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời:

Trước đây, người ta phân dòng rất kỹ, có vắc xin tam giá, tứ giá, nhị giá,... nhưng cho đến hiện nay, đa phần các nước trên thế giới đều sử dụng vắc xin ngừa cúm tứ giá. Trong các vắc xin tứ giá, loại bất hoạt tác dụng phụ sẽ nhiều hơn so với loại kháng nguyên bề mặt.

Khi các bạn đã từng tiêm ngừa và được cập nhật mã số vào trong hệ thống tiêm chủng quốc gia thì lập tức hệ thống sẽ đưa ra khuyến cáo bệnh nhân ở độ tuổi này, có bệnh nền gì nên tiêm vắc xin nào. Do đó, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi đi chích ngừa.

Một câu hỏi đó là có nên chích cúm hay không? Câu trả lời là nên. Vì trên thế giới, khi nghiên cứu người ta thấy việc chích ngừa vắc xin cúm sẽ làm giảm được biến chứng nặng của COVID-19. Nhiều nghiên cứu tại Ý, Đức và Mỹ cũng đã chứng minh điều này.

7. Người lớn tuổi, tiêm vắc xin COVID-19 và cúm liên tiếp có làm tăng tác dụng phụ?

Mẹ em 65 tuổi, mới tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2, vậy sau bao lâu có thể tiêm ngừa vắc xin cúm ạ. Với người lớn tuổi, việc tiêm 2 loại vắc xin liền kề như vậy có làm gia tăng tác dụng phụ, nguy cơ phản ứng với vắc xin không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Người lớn tuổi và nhiều bệnh nền càng phải tiêm sớm. Quan niệm người già sức yếu sẽ gia tăng tác dụng phụ, hay nguy cơ phản ứng là không đúng. Do đó, khi có cơ hội bạn nên đưa mẹ đi chích ngừa cúm sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

8. Theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm vắc xin cúm mùa thế nào?

Sau khi chích ngừa cúm, cha mẹ cần quan sát, theo dõi sức khỏe của trẻ như thế nào và trong bao lâu ạ? Em cho bé đi tiêm về mà 3 ngày sau vẫn còn sốt nhẹ thì có đáng lo không thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Cho đến hiện nay vắc xin cúm đã rất phổ biến, nên những tác dụng không mong muốn cũng khá đơn giản. Nên nếu cha mẹ có thấy trẻ sốt nhẹ, mệt sau khi tiêm, nhưng vẫn ăn, vẫn chơi được thì cứ yên tâm từ từ sẽ hết.

Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng vẫn có thể cho trẻ đi khám bệnh. Vì cũng có khả năng trẻ bệnh không phải do vắc xin mà do bệnh có sẵn hoặc mới bệnh xong.

9. Gia đình có người mắc bệnh cúm, làm sao để tránh lây nhiễm cho cả nhà?

Trong nhà có người mắc bệnh cúm mùa thì nên làm gì để phòng tránh lây nhiễm? Có cách nào để nâng cao sức đề kháng cho người bị bệnh cúm mùa nhanh khỏi không ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời:

Vấn đề quan trọng vẫn là vắc xin, nếu đã chích ngừa thì có thể yên tâm khó có khả năng bị cúm mùa. Còn nếu trong nhà chưa ai chích ngừa mà có người mắc cúm thì rất khó tránh, vì cúm cũng lây lan nhanh.

Vì vậy, việc bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết. Bạn cần tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng đầy đủ, nếu nhà có người mắc bệnh nền phải điều trị bệnh nền thật tốt, (ví dụ bị tiểu đường để đường huyết lên 200, 300 cực kỳ nguy hiểm). Ngoài ra, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh lý hô hấp, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ của cơ thể nên rất dễ nhiễm trùng, trong đó có cúm, vì vậy cần từ bỏ thói quen xấu này.

Tuy nhiên, nếu một người trong nhà chẳng may bị cúm nhưng có điều kiện cách ly giống như COVID-19 thì việc lây lan sẽ đỡ hơn.

10. Người bệnh tiểu đường, nên tiêm vắc xin cúm loại nào?

Chào BS, tôi bị tiểu đường type 2. Tôi muốn tiêm ngừa cúm nhưng không biết nên chọn vắc xin nào để tránh tương tác thuốc? Mong BS cho lời khuyên.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời:

Việc bạn đang có bệnh nền và muốn được chích ngừa cúm, là điều tôi hoàn toàn ủng hộ, vì điều này rất cần thiết. Tuy nhiên, khi chích ngừa vắc xin cúm cho người bệnh tiểu đường, vấn đề lo nhất là vắc xin không phát huy được hết 100% khả năng của nó, chứ không có điều gì nguy hiểm đến sức khỏe.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM

11. Tiêm nhiều vắc xin cùng lúc ảnh hưởng sức khỏe, sinh sản?

Em đã tiêm vắc xin COVID-19, vắc xin cúm mới 2 ngày nhưng nay bị chó cắn. Vậy em có nên đi tiêm ngừa dại? Việc tiêm liên tiếp các vắc xin vào cơ thể như vậy có ảnh hưởng sức khỏe, sinh sản không ạ? Vắc xin cúm và vắc xin dại nên cách nhau bao lâu (tối thiểu - tối đa) để đảm bảo an toàn?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời:

Lời khuyên của tôi là bạn nên đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin ngừa dại với mũi tiêm đầu tiên của phác đồ, mà không cần lo lắng điều gì cả. Vì dù bạn đã chích vắc xin COVID-19 và vắc xin cúm cách đây 2 ngày thì vẫn có thể chích vắc xin phòng dại. Do vắc xin bây giờ đều sử dụng công nghệ nhân tạo nên không có chuyện tương tác vắc xin.

Khi đến chích ngừa, bác sĩ cũng sẽ thăm khám xem vết thương của bạn có cần thiết phải tiêm ngừa hay không. Do đó, hãy cứ mạnh dạn tiếp cận hệ thống y tế càng sớm càng tốt để bác sĩ xem xét và chỉ định cho bạn.

12. Bố em năm nay 63 tuổi, đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ đang cho ông dùng các chai thuốc xịt màu xanh và màu cam, vậy khi nào nên đưa ông đi chích ngừa cúm được ạ? Chích ngừa cúm có làm cho ông lên cơn khó thở thêm không thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời:

Nếu bố bạn chưa chích ngừa cúm thì nên đi chích ngừa ngay. Vì đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà mắc cúm sẽ diến tiến nặng và nguy hiểm, nên chích ngừa càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, trong quá trình chích ngừa vẫn cần tiếp tục sử dụng các thuốc điều trị, không được tự ý ngưng. Tuy nhiên, nếu bố bạn đang gặp phải đợt cấp gây khó thở, khò khè thì nên điều trị ổn định, sau đó hãy chích ngừa cúm.

13. Tiêm vắc xin COVID-19 và cúm mùa cùng lúc được không?

Năm nay em 45 tuổi, nhà em ở Cần Thơ em chuẩn bị đi chích vắc xin COVID-19. Không biết chích cả vắc xin COVID-19 và vắc xin cúm cùng lúc thì có được không? Những người ở tỉnh thì chích vắc xin ở đâu?

BS Trương Hữu Khanh trả lời:

Điều này còn tùy nơi chích ngừa, nếu có 2 loại thì bạn có thể đề nghị chích 2 loại cùng lúc cho thuận tiện. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng chích được 2 loại, vì tiêm vắc xin COVID-19 hiện nay rất chọn lọc. Do đó, khi có cơ hội chích ngừa thì nên chích.

14. Tiêm ngừa vắc xin cúm ở đâu?

Vắc xin cúm có sẵn tại các trung tâm tiêm phòng không? Tôi có thể đến bất cứ địa điểm tiêm dịch vụ nào để yêu cầu tiêm vắc xin cúm đúng không?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa trả lời:

Đúng rồi bạn nhé! Vì sau khi vắc xin "ra lò" và về đến Việt Nam thì tất cả trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố, bệnh viện công, tư nhân sẽ đều có. Do đó, bạn nên tiêm ngừa để dự phòng mùa cúm năm nay và sắp tới.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM và BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM đã nhận lời tham gia chương trình tư vấn.

Cảm ơn Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X