Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm ngừa cúm trong đại dịch COVID-19: Ngăn chặn nguy cơ “đại dịch kép” khi mùa đông cận kề

“Đại dịch kép” cúm mùa và COVID-19 là điều các chuyên gia lo ngại, khi mùa đông về. Vì vậy, tiêm ngừa cúm vào thời điểm này rất quan trọng, tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh, nhất là người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai và cả người trẻ có hệ miễn dịch bị “bào mòn”. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn từ PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa và BS Trương Hữu Khanh trong bài viết dưới đây.

Phần 1: Cúm mùa - căn bệnh “lì lợm” đeo bám con người hàng thế kỷ

Phần 3: Người đã mắc cúm mùa, F0 khỏi bệnh, có nên tiêm vắc xin cúm?

1. Tiêm ngừa cúm trong đại dịch COVID-19 mang lại lợi ích gì?

BS có thể nhắc lại một lần nữa để khán thính giả hiểu rõ hơn, vắc-xin cúm đóng vai trò như thế nào trong việc phòng ngừa bệnh cúm? Việc tiêm phòng cúm trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 mang lại lợi ích gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa: Trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, chúng ta vừa thực hiện chiến lược giãn cách xã hội, vừa tìm kiếm những liều vắc xin phòng ngừa. Khi đó, chúng ta nhận ra rằng, chỉ có vắc xin mới giải quyết được việc cách ly với xã hội, gia đình và người thân.

Tương tự, cúm mùa cũng là một trong những gánh nặng bệnh tật đáng lưu ý. Việc giãn cách, điều trị cúm mùa chỉ là biện pháp khi “mọi sự đã rồi”. Như vậy, chỉ có một biện pháp duy nhất giúp chúng ta chủ động phòng ngừa, đó là vắc xin.

Vắc xin cúm mùa sẽ tạo ra thế “kiềng ba chân” vững chắc, bên cạnh việc đeo khẩu trang và rửa tay. Trong đó, vắc xin đóng vai trò chủ đạo giúp chúng ta hòa nhập cuộc sống, không phải đối mặt với những bài học nỗi đau, nhất là với người bệnh nền.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh Viện Pasteur TPHCM và BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM tham gia buổi tọa đàm trên AloBacsi với sự đồng hành Abbott Việt Nam

2. Vắc xin cúm có phòng ngừa được hết tất cả các chủng cúm mùa?

Vắc-xin có phòng ngừa được hết các chủng cúm hiện nay không? Hiện nay tại Việt Nam có bao nhiêu loại vắc-xin cúm? Ngay sau khi tiêm, vắc-xin có bảo vệ ngay lập tức được hay không thưa BS?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa: Chủng cúm lưu hành trên thế giới “muôn hình vạn trạng”. Mặc dù đều là virus cúm nhưng mỗi chủng sẽ có một màu sắc, được mặc một chiếc áo khác nhau. Do vậy, không có loại vắc xin nào có thể phòng ngừa được hết các chủng cúm. Bởi vì chỉ cần thay đổi 2 lớp gai bên ngoài, virus cúm đã tạo ra vô vàn chủng cúm khác nhau, giống như viurs cúm đã được thay rất nhiều bộ quần áo mới.

Đó là lý do, hằng năm Tổ chức giám sát Cúm thế giới sẽ đưa ra cảnh báo về các chủng cúm sắp lưu hành để tạo ra vắc xin phòng ngừa cho năm tiếp đó. Chẳng hạn, trong thời gian tới 2021-2022 sẽ có 4 chủng cúm lưu hành khác nhau, bao gồm 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B. Và hiện nay, chúng ta đã có vắc xin cúm mùa tứ giá cho mùa cúm 2021-2022.

Khi tiêm ngừa, hiệu quả của vắc xin có thể lên đến 90-95%. Nhưng cần lưu ý, sau khi tiêm, vắc xin cúm sẽ cần có thời gian để huy động hệ thống phòng vệ trong cơ thể. “Những người lính” này cần được tập trận để tạo ra kháng thể mới có thể chống đỡ với virus cúm, chứ không phải ngay lập tức sau khi tiêm sẽ có đủ quân để “xuất trận”.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa nhấn mạnh, việc tiêm ngừa cúm mỗi năm mang lại giá trị lớn về mặt sức khỏe không chỉ cho cá nhân mà còn giúp bảo vệ gia đình, cộng đồng

3. Nên tiêm ngừa cúm mùa vào thời điểm nào?

Những đối tượng dễ tổn thương như được chia sẻ (như bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, người lớn tuổi, trẻ em) cần tiêm phòng cúm như thế nào? Và tiêm thời điểm nào là cần tiêm thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Vắc xin cúm được sản xuất theo mùa. Nghĩa là, trước khi vào mùa cao điểm của virus cúm sinh sôi nảy nở, lây lan, các nhà khoa học sẽ dự đoán trước để sản xuất.

Khi ra khỏi “lò” sản xuất để về đến Việt Nam cũng mất ít nhất khoảng 2 tháng. Ở Nam bán cầu thường sản xuất vào tháng 2, Bắc bán cầu vào tháng 8. Vì vậy, thường chúng ta có thể tiêm ngừa cúm vào tháng 4, tháng 10.

Tuy nhiên, điều không may, ở Việt Nam cúm mùa xảy ra quanh năm, vì vậy ngay khi nhớ ra thì chúng ta nên đi chủng ngừa ngay.

Mỗi năm vắc xin cúm mùa cần được tiêm nhắc lại. Nhưng cũng đừng quá cứng nhắc phải đợi đủ 365 ngày mới tiêm lại. Ví dụ, năm trước chích vào tháng 12, nhưng năm nay tháng 10 đã có thuốc thì đừng chần chừ chờ thêm 2 tháng nữa mới chích cho tròn 1 năm. Bởi chúng ta sẽ không đoán trước được, liệu trong 2 tháng chờ đợi đó chúng ta có mắc cúm mùa hay không.

Như vậy, lưu ý, chỉ cần đúng năm chu kỳ của virus mới thì nên tiêm ngừa. Người ta tính chu kỳ này như sau: Ở Bắc bán cầu, 2 năm tính làm 1 mùa cúm mới, ví dụ năm 2020-2021 và sắp tới là 2021-2022. Nhưng Nam bán cầu thì tính theo năm, ví dụ mùa cúm năm 2021 và sau đó là mùa cúm năm 2022.

4. Người trẻ mắc cúm mùa liệu có tự hết, có cần thiết phải tiêm vắc xin?

Nhiều người cho rằng, người lớn hoặc người trẻ khỏe thì không cần tiêm ngừa cúm, vì sẽ mắc và tự hết. Xin hỏi BS, quan niệm này liệu có đúng? Đặc biệt khi các đối tượng lao động hay tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài cần trở lại công việc sau đại dịch.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Vắc xin cúm không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt với mỗi cá nhân mà đối với cộng đồng việc chủng ngừa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ mắc, tử vong, tiêm ngừa cúm còn mang ý nghĩa giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, giảm thiệt hại cho kinh tế, xã hội.

Thực sự, ngay cả hệ thống y tế dường như rất ít chú ý đến vấn đề này. Nếu thống kê, tỷ lệ tiêm ngừa cúm cho nhân viên y tế còn thấp, dưới 50%. Vì vậy, những người thường xuyên tiếp xúc gần với nhau, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội thì rất nên tiêm ngừa cúm mùa, chẳng hạn như trẻ em trong trường học, người lớn tuổi sống trong viện dưỡng lão, nhân viên y tế, những người thường xuyên tham gia các hoạt động có mật độ tiếp xúc lớn, nơi tập trung đông người…

Chúng ta rất chủ quan với cúm mùa, nhất là những người trẻ. Cộng đồng sẽ đối diện với rất nhiều nguy cơ khi một người trẻ mắc cúm. Hơn nữa, họ sẽ phải nghỉ việc khoảng 10 14 ngày mới đủ sức để làm việc trở lại. Như vậy, thử tưởng tượng, một phân xưởng mà nghỉ đến 50-70% vì cúm mùa thì gần như là tê liệt.

Vì vậy, điều đơn giản nhất đó là tiêm ngừa cúm mùa. Mỗi năm chúng ta chỉ cần tiêm 1 mũi. Vắc xin cúm đã được nghiên cứu rất nhiều năm, chứng minh hiệu quả, an toàn với chi phí thấp, mang lại lợi ích lớn.

Xin đặc biệt lưu ý, cúm mùa không phải là căn bệnh nhẹ nhàng như chúng ta nghĩ. Một người không tiêm ngừa cúm, ví dụ như bệnh nhân COPD tỷ lệ tử vong tăng lên gần như gấp đôi so với người tiêm người cúm. Ngược lại, nếu được tiêm ngừa cúm đầy đủ mỗi năm, tỷ lệ nhập viện cũng giảm đi khoảng 30-40%.

Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, cúm mùa rất nguy hiểm với người bệnh hô hấp, đặc biệt là người bệnh COPD. Việc tiêm ngừa cúm giúp giảm 30-40% tỷ lệ nhập viện cho người COPD

5. Đã tiêm ngừa COVID-19 thì không cần tiêm vắc xin cúm mùa, đúng hay sai?

Hiện nay nhiều người cho rằng, đã tiêm phòng COVID-19 thì không cần tiêm phòng cúm và ngược lại. Quan niệm này có chính xác không thưa BS? Vắc-xin cúm có giống với vắc-xin COVID-19 không? Khoảng cách tối thiểu giữa lần tiêm vắc-xin cúm và lần tiêm các loại vắc-xin khác là bao lâu?

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa: Khoảng cách giữa vắc xin COVID-19 và những vắc xin khác là nỗi lo lắng thường gặp ở nhiều người khi đi tiêm ngừa.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, Ủy ban thực hành tiêm chủng của thế giới mới đây đã ra hướng dẫn mới, đề xuất rằng vắc xin phòng ngừa COVID-19 nên được tiêm chung với các vắc xin trong chương trình tiêm chủng thường quy của các quốc gia và không có khoảng cách nữa. Đây là một trong những điểm khác biệt.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Y tế nước ta có thể sẽ đưa ra hướng dẫn mới: Được tiêm chung tất cả các vắc xin nếu bạn đủ điều kiện và các vắc xin đó được phép tiêm chung với nhau.

Một vấn đề khác cũng rất phổ biến, đó là nhiều người cho rằng, đã chích cúm mùa thì không cần tiêm vắc xin COVID-19 nữa hoặc ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, cúm mùa và COVID-19 là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Do đó, 2 bệnh này đều có khả năng đồng tấn công vào một người.

Không chỉ người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em, mà ngay cả những người phụ nữ đang có vấn đề sản phụ khoa, hay thậm chí đang mang thai cũng là nhóm người cần được tư vấn để chích ngừa cúm mùa. Việc tiêm ngừa vắc xin cúm mùa hằng năm sẽ giúp chúng ta “tay nắm chặt bàn tay”, không tạo ra khoảng trống miễn dịch để virus cúm có cơ hội tấn công.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc: Mỗi vắc xin sẽ có những kháng thể đặc hiệu cho mầm bệnh đó. Nói cho dễ hiểu, virus gây ra cúm mùa màu xanh, còn virus gây ra bệnh COVID-19 màu vàng, đó là 2 màu sắc riêng biệt, vì vậy không thể nào chích ngừa cúm mà ngừa được COVID-19 hoặc ngược lại.

Cúm mùa biến đổi hằng năm. Vì vậy, chủng ngừa nhắc lại mỗi năm là điều quan trọng. Vắc xin cúm mùa đơn giá, nhị giá, tam giá hay mới nhất hiện nay là tứ giá được hoàn thiện là nhờ vào những công trình nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, khoa học. Trong đó, với vắc xin tứ giá sẽ giúp bảo vệ rộng hơn, gồm cả cúm A và cúm B.

Quan trọng hơn, nếu chúng ta chủng ngừa cúm, khi chẳng may mắc COVID-19 thì sẽ dễ chẩn đoán. Bởi thực tế cúm và COVID-19 có các triệu chứng tương đồng với nhau, nên rất khó để phân biệt. Vì vậy, việc chủng ngừa cúm sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn, không cần phân biệt, vì hiệu quả của vắc xin cúm có thể đạt 90-95%. Việc chẩn đoán sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị tích cực cho người bệnh.

Ngoài ra, khi đã chủng ngừa cúm, nếu chẳng may mắc COVID-19 thì tình trạng cũng nhẹ hơn khi nhiễm song song vừa cúm và COVID-19. Nếu chúng ta không chủng ngừa và nhiễm cả hai mặt bệnh thì hậu quả về mặt sức khỏe sẽ tăng gấp 5-10 lần. Chủng ngừa cúm tuy đơn giản, nhưng đây là kết quả của hàng trăm năm nghiên cứu, hiện na giá thành cũng rất thấp.

Một tín hiệu tích cực sau mùa dịch COVID-19 đó là người bệnh đi chủng ngừa cúm nhiều hơn. Họ dần cảm nhận và ý thức được việc chủng ngừa là rất quan trọng, đặc biệt là đối với cúm mùa.

BS Trương Hữu Khanh: Chúng ta sẽ không tạo ra được một loại vắc xin mà chủng ngừa được cho tất cả. Vì vậy, tác nhân gây bệnh nào sẽ ra vắc xin đó. Do đó, chúng ta đừng nghĩ rằng, chích cúm ngừa được cả COVID-19 hay ngược lại.

CDC Hoa Kỳ mới ra khuyến cáo, song thực tế ngay từ đầu mùa dịch COVID-19 tôi đã hướng dẫn, chúng ta có thể tiêm chung các loại vắc xin. Hôm nay chích COVID-19, ngày mai có thể chích cúm, ngày mốt chích dại, 5 trong 1, 6 trong 1… hoặc thậm chí có thể chích cùng lúc 2 mũi, nếu cơ sở y tế đó đồng ý. Đây là điều cơ bản của vắc xin, chúng ta không cần chọn lựa khoảng cách. Cơ hội chủng ngừa của các vắc xin là ngang nhau. Vì vậy, ngay khi có cơ hội, chúng ta nên chích ngừa. Nên chọn lựa vắc xin một cách thông minh và đơn giản cho mình.

Virus cúm mùa liên tục biến đổi, vì vậy BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, điều quan trọng là cần nhớ tiêm ngừa cúm nhắc lại mỗi năm

6. Vì sao vắc xin cúm mùa phải tiêm nhắc lại mỗi năm?

Tại sao vắc xin cúm lại phải chích nhắc lại mỗi năm thưa BS? Có phải 1 mũi tiêm chỉ có tác dụng trong 1 năm? Thời gian bảo vệ của các loại vắc-xin phụ thuộc vào yếu tố nào?

BS Trương Hữu Khanh: Điều mong muốn của các nhà khoa học hiện nay là chỉ cần chích 1 mũi vắc xin cúm là có thể ngừa cả đời, nhưng điều này chưa thực hiện được. Đặc tính của virus cúm là sẽ thay đổi. Do đó, chúng ta bắt buộc phải chích ngừa cúm mùa hằng năm, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM, PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM và BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM đã nhận lời tham gia chương trình tư vấn.

Cảm ơn Abbott Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X