Vì sao viêm mũi xoang khó chữa khỏi hẳn và nhanh tái phát?
Thời tiết thay đổi thất thường, sáng nắng chiều mưa khiến bệnh tai mũi họng gia tăng, nhất là câu hỏi về viêm mũi xoang luôn đầy ắp các hộp thư đến của AloBacsi. Vì thế, BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã dành thời gian đăng đàn giải đáp các thắc mắc thường gặp nhất về bệnh viêm mũi xoang. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
1. Mỗi độ giao mùa là thời điểm nhiều người mắc các bệnh về tai mũi họng cũng tăng lên, đặc biệt là viêm mũi xoang. Xin hỏi BS, vì sao khi thời tiết thay đổi nhiều người thường gặp phải căn bệnh này ạ? Viêm mũi xoang và viêm xoang có phải một bệnh không thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Trước đây, viêm mũi xoang được phân ra thành viêm mũi xoang và viêm xoang nhưng bây giờ được xem là một. Viêm mũi và viêm xoang có cùng một niêm mạc của mũi và xoang, khi đã viêm tới mũi có thể kích hoạt viêm luôn cả xoang, nên người ta cho rằng viêm mũi xoang chung một gốc với nhau.
Chúng ta có câu nói “lai rai như tai mũi họng”, bệnh bất kể mùa nào trong năm. Khi thời tiết thay đổi, có người sẽ dị ứng với một số những tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như vào mùa xuân dễ bị tác động bởi phấn hoa; mùa nắng, mùa khô thì có thể bị tác động của bụi; khi vào mùa mưa có thể bị dị ứng bởi các yếu tố lạnh và nóng. Đó là lý do vì sao khi giao mùa thường dễ mắc bệnh tai mũi họng, trong đó có viêm mũi xoang.
Hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành Y, bên cạnh công tác chuyên môn, BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước còn thường xuyên tham gia tư vấn trên AloBacsi, mang những kiến thức tích lũy được thành những câu tư vấn ai nghe cũng hiểu, cũng nhớ.
2. Độ tuổi nào dễ bị viêm mũi xoang thưa BS? Có phải những người sức đề kháng kém như bà bầu, người già và con nít sẽ “nhạy” hơn với căn bệnh này không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Viêm mũi xoang có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là hay ảnh hưởng liên quan đến vấn đề đề kháng, tức là dị ứng của cơ thể. Đối với trẻ nhỏ, khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sẽ tạo thói quen bắt đầu kích hoạt hệ thống dị ứng.
Còn đối với người lớn tuổi, hệ thống dị ứng đã suy yếu nên vấn đề dị ứng cũng sẽ giảm dần theo tuổi tác. Ngược lại, ở phụ nữ mang thai tình trạng dị ứng sẽ gia tăng, như chúng ta thấy rõ ràng, ở thời kỳ này các chị em rất dễ bị viêm mũi xoang hoặc nhảy mũi hay ngứa mũi, thay đổi một trời một vực so với khi chưa có em bé.
2. Viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang có những triệu chứng khá giống nhau. Xin hỏi BS, triệu chứng của viêm mũi xoang là gì? Làm sao phân biệt 2 căn bệnh này ạ? Khi có triệu chứng của viêm mũi xoang người bệnh nên làm gì? Bệnh được chẩn đoán bằng những xét nghiệm nào?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang triệu chứng tương tự như nhau. Nhưng viêm mũi dị ứng chúng ta có thể xuất hiện dấu hiệu nhảy mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi trong. Đặc biệt tình trạng này hay rơi vào thời điểm trong ngày, chẳng hạn như buổi sáng thức dậy thường bị nhảy mũi vài chục lần hoặc chảy mũi trong, ngứa mũi, sau đó khi qua cơn sẽ trở về như bình thường.
Ngược lại với viêm mũi xoang (hoặc viêm xoang) thường bắt đầu bằng sự nhiễm trùng, mũi nghẹt hẳn đi, nước mũi màu đặc xanh và có thể gây đau đầu liên tục, âm ỉ và càng lúc càng tăng lên.
Khi có triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang, tốt nhất là phải đi khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng này có thực sự cần giải quyết hay đây chỉ là những cơn thoáng qua do thay đổi thời tiết hay hít phải bụi bặm. Nếu thật sự bị viêm mũi xoang, bác sĩ sẽ cần phải điều trị tích cực bằng những liệu trình như kháng sinh, kháng viêm, kháng histamin hoặc giảm đau đúng với thể trạng của mỗi người.
Hiện nay, Y học đã tiến bộ rất nhiều, có thể dùng các cận lâm sàng khác nhau để chẩn đoán viêm mũi xoang. Chẳng hạn có thể nội soi mũi xoang để thấy được mủ chảy từ các khe trong hốc mũi cuống mũi ra; hoặc có thể chụp CT-Scan để thấy mủ từ trong các xoang thậm chí có những khối u hay khối polyp nằm ở trong xoang. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định phết màng nhầy của niêm mạc mũi - một trong những cận lâm sàng để phân biệt rõ đây là viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang.
Cấu tạo giải phẫu của Xoang
3. Biến chứng của viêm mũi xoang là gì thưa BS? Mũi là một bộ phận nằm trong hệ thống tai mũi họng của cơ thể, liệu bệnh ở mũi như xoang có gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Gần như tất cả các bệnh nếu không được phát hiện sớm, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề và việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Không đơn giản chỉ là nghẹt mũi, chảy mũi rồi sẽ hết, vì nếu thực sự là viêm mũi xoang thì bệnh càng lúc sẽ càng nặng hơn, gây tắc toàn bộ nước mũi, có thể tạo những khối thịt dư làm cho việc điều trị về sau sẽ rất phức tạp, thậm chí là phá đi cấu trúc thông thường của hốc mũi.
Bên cạnh đó, chúng ta cần biết rằng mũi là “cửa ngõ” đầu tiên để không khí đi vào cơ thể, nên nếu bị viêm mũi xoang thì toàn bộ hệ thống cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, nhất là khi bệnh diễn tiến nặng thì phổi sẽ là cơ quan dễ gặp nhiều biến cố.
Vì vậy, như tôi đã nói ở trên, nếu nghĩ rằng đây là các triệu chứng của viêm mũi xoang thì tốt nhất phải đi khám, để xác định bệnh rõ ràng từ đó có những phương hướng cho các bác sĩ chuyên khoa điều trị.
4. Hiện nay có những phương pháp nào điều trị viêm mũi xoang ạ? Nhiều người dù đã được điều trị nhưng hễ thời tiết thay đổi là họ lại sụt sịt, đau đầu? Đây có phải là do bệnh tái phát không ạ? Vì sao viêm mũi xoang hay tái đi tái lại và khó chữa hẳn như vậy?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Viêm mũi xoang có thể điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Đương nhiên là chẳng có bệnh nhân nào thích việc mình bị đem ra mổ. Vì thế, tôi vẫn thường khuyên hãy cố gắng đến với bác sĩ sớm khi mới chớm triệu chứng, có như thế thì việc điều trị mới nhẹ nhàng. Lúc này, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa cách bằng uống hoặc điều trị tại chỗ như khí dung rửa mũi xoang, súc họng và tiệt trùng tại chỗ để làm vệ sinh khu vực mũi xoang.
Nhưng nếu bỏ qua cơ hội để điều trị nhẹ nhàng thế này thì bệnh nhân sẽ phải trải qua việc phẫu thuật. Trong đó, phẫu thuật nội soi vẫn là một phương pháp đem lại nhiều ưu điểm như nhẹ nhàng, an toàn, ít biến chứng. Nhưng tôi cần lưu ý rằng, đối với viêm mũi xoang, sau phẫu thuật còn phải tiếp tục điều trị nội khoa để bảo tồn những thành quả mà phương pháp phẫu thuật đã mang lại.
Viêm mũi xoang thường hay tái phát bởi nó luôn bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, ví dụ như bụi, hóa chất, vi khuẩn và các yếu tố khác như nước hoa, mỹ phẩm. Do đó, cho dù ban đầu người bệnh đã điều trị, thậm chí là phẫu thuật nhưng nếu môi trường sống không đảm bảo thì chắc chắn bệnh sẽ quay trở lại. Chính vì vậy chúng tôi thường hay nói đùa với nhau: “Còn thở là còn mắc bệnh tai mũi họng; trừ khi các bạn hết ăn, nghỉ thở thì chúng ta mới hết mắc bệnh tai mũi họng”.
5. Vậy có cách nào để phòng ngừa tái phát không thưa BS? Và khi bị viêm mũi xoang thì những dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng cần đến bệnh viện ạ? Trong quá trình làm việc, BS có gặp trường hợp nào đáng tiếc vì viêm mũi xoang mà không điều trị chưa ạ, nhờ BS chia sẻ thêm để bạn đọc có thể rút kinh nghiệm tránh sự việc đáng tiếc.
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Để tránh được bệnh lí tai - mũi - họng, môi trường sống sạch là yếu tố cực kì quan trọng. Còn ngược lại, với những môi trường thường xuyên bị cảnh báo mức độ ô nhiễm như thành thị Hà Nội, TPHCM bởi bụi bặm, hóa chất thì có lẽ để bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh tai mũi họng là một điều xa xỉ.
Vì thế, để tránh bị tái phát, mỗi chúng ta cần cố gắng hạn chế những tác động bởi ô nhiễm không khí đến vùng tai mũi họng. Chẳng hạn, nếu bạn bị bệnh mũi xoang thì khi ra đường nên mang khẩu trang đủ điều kiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, khi đi đường bụi bặm nhiều chúng ta nên tập thói quen rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lí (có thể mua ngoài hiệu thuốc), tập thể dục nâng cao sức đề kháng và giữ ấm - ẩm khi thay đổi thời tiết.
Đồng thời, khi thấy bệnh viêm mũi xoang có dấu hiệu cảnh báo chuyển biến nặng nề như dịch tiết mũi từ trong, loãng chuyển qua đặc và đổi màu xanh hoặc vàng; nghẹt mũi gia tăng; nhức ở vùng má và vùng trán càng lúc càng nhiều hơn… thì đó là lúc chúng ta cần đi khám.
Hiện nay, y khoa đã tiến bộ rất nhiều nên bệnh nhân ít gặp phải biến chứng nặng nề. Nhưng trước đây tôi còn nhớ có những trường hợp bệnh nhân đến viện với cả những khối thịt dư “khủng” to gần bằng nắm tay, gần như là phá hủy cả hốc rộng của mũi. Lúc đó, phương tiện kỹ thuật chưa phát triển nên buộc bác sĩ khi thấy khối thịt tới đâu thì gắp ra tới đó, thậm chí nếu không thể lôi bằng đường mũi thì buộc phải cắt cuống và lấy những khối thịt dư bằng đường họng. Quả thực rất khủng khiếp.
Đau đầu do viêm xoang xảy ra khi các đường xoang ở sau mắt, mũi, má và trán bị tắc nghẽn làm tăng áp lực từ bên trong. Cơn đau này có thể cảm nhận được ở một hoặc cả hai bên đầu.
6. Nhiều người bệnh mua máy xông mũi họng và dùng mỗi khi thấy khó chịu để vùng xoang mũi được lưu thông. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào? Nếu phải xông thì xông sao cho đúng và hiệu quả?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Điều trị tai mũi họng với máy khí dung là điều cần thiết cho điều trị tại chỗ. Nhưng không phải lúc nào cũng sử dụng. Bởi chúng ta phải biết máy dùng cho khí xông là loại gì, tình trạng gặp phải là viêm mũi dị ứng hay thực sự là viêm mũi xoang nhiễm trùng… Ngoài ra, nếu chúng ta bị nhiễm nấm mà không biết và sử dụng thêm hóa chất hay các thuốc kích hoạt hệ thống nấm phát triển thì việc điều trị càng tệ hơn.
Do đó, tốt nhất để sử dụng khí dung hay máy xông (nói theo dân gian) thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Trong dân gian cũng có nhiều trường hợp xông lá, xông hơi bằng tinh dầu tràm, bạc bạc, khuynh diệp nhưng việc này chỉ thành công khi bị nhiễm lạnh đơn thuần, mệt mỏi do thay đổi thời tiết. Khi xông cũng phải lưu ý, chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ các loại tinh dầu, vì nếu dùng nhiều (như tinh dầu bạc hà) ở người lớn và trẻ em có thể gây ức chế hô hấp.
7. Đông y có phương pháp trị viêm mũi xoang bằng phương pháp “cấy chỉ” vào huyệt châm cứu. Bác sĩ xin cho ý kiến về phương phòng bệnh này?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Chúng ta biết rằng y học Việt Nam là sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; nên không thể phủ nhận những phương pháp cổ truyền. Tôi cũng biết rằng vẫn có trường hợp cấy chỉ vào huyệt châm cứu có một số tác dụng nhất định. Tuy nhiên, dù phương pháp nào, kể cả Đông Y thì cũng cần phải đến đúng nơi uy tín, thầy thuốc phải được huấn luyện bài bản để tránh tiền mất tật mang.
8. Cuối chương trình, BS có thể chia sẻ cách phòng tránh bệnh viêm mũi xoang, nhất là vào thời tiết chuyển mùa như hiện nay? Dinh dưỡng cho người viêm mũi xoang để tăng cường đề kháng, nhanh khỏi bệnh ạ?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Như tôi đã nói ở trên, không khí trong lành vẫn là một điều kiện tốt nhất cho mũi xoang. Khi thay đổi thời tiết, chúng ta cần giữ ấm, đeo khẩu trang để che bụi, tránh các yếu tố gây ảnh hưởng cho cơ thể như phấn hoa. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, tập thể dục và đừng thức khuya.
9. Mến chào bác sĩ! Tôi bị viêm mũi xoang đã nhiều năm nay, giờ muốn mổ thì nên mổ ở đâu và chi phí hết khoảng bao nhiêu? Bao lâu được xuất viện? Sau khi mổ có tái phát không? Cảm ơn ạ.
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Với câu hỏi của bạn, bạn nên xem lại thật sự mình đã tích cực điều trị nội khoa chưa. Nếu như đã tích cực điều trị nội khoa rồi mà bệnh vẫn tái đi tái lại mà càng lúc càng nặng hơn, thì cũng có thể nghĩ đến phương pháp phẫu thuật.
Phẫu thuật chủ yếu để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn vách ngăn có bóng khí hay có khối u ở trong mũi. Do đó, bác sĩ cần khám trực tiếp để kiểm tra nguyên nhân gây tái đi tái lại bệnh của bạn là gì, lúc đó mới quyết định hướng điều trị ra sao. Còn nếu chỉ là dị ứng thì càng mổ càng thất bại.
Chi phí mổ rất đa dạng tùy vào bệnh viện bạn định phẫu thuật. Nếu bạn mổ ở bệnh viện nhà nước sẽ khác với bệnh viện tư nhân. Bệnh viện nhà nước giá sẽ được quy định bởi Bộ Y tế, còn giá các nơi khác có thể được điều chỉnh theo kinh tế thị trường.
10. Thưa bác sĩ, 3 năm qua em đi khám khắp nơi và uống thuốc nhưng không khỏi viêm xoang mũi. Sáng ngủ dậy rửa mũi bằng nước muối là khạc ra nhiều đàm. Em cũng đã cắt amidan cách đây 2 năm. Xin hỏi chữa cho hết dịch chảy xuống họng bằng cách nào cho hết? Bị tái đi tái lại đau họng, khạc nhổ dịch hoài có qua bệnh ung thư vòm họng không?
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước trả lời:
Đối với trường hợp khạc nhổ, chúng ta thường hay dị ứng với đàm của chính mình. Đàm tiết ra là bình thường nếu nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng nếu đàm tiết ra quá nhiều gây khó chịu thì có khả năng gặp phải tình trạng bệnh lý nào đó, chẳng hạn như viêm xoang sau hay là viêm xoang sàng, xoang bướm ở phía sau. Ngoài đàm, bạn có thể có triệu chứng tằng hắng, khạc gây rất khó chịu. Nếu bạn rơi đúng vào tình trạng này thì có lẽ bạn nên đi khám để được điều trị dứt triệu chứng.
Riêng bạn hỏi nếu đàm tăng tiết nhiều có gây ung thư hay không. Thực tế, có những trường hợp bị viêm nhiễm lâu ngày, bị kích thích bởi những tác nhân không mong muốn, khi làm thay đổi, điều chỉnh các tế bào trong cơ thể cũng có thể sẽ dẫn đến ung thư. Nhưng tình huống này không quá nhiều, có chăng là khi người bệnh mang mầm ung thư sẵn hoặc có những tác nhân gây ung thư tiềm ẩn mà không biết thôi bạn nhé!
Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước đã dành thời gian giải đáp thắc mắc cho bạn đọc AloBacsi!
[DAP]
BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước hiện tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TPHCM năm 1985. Cũng tại ngôi trường này, năm 1985 - 1986, ông học sơ bộ chuyên khoa hệ chính quy (chuyên khoa Mắt 10) và năm 1998 - 2000 học sơ bộ chuyên khoa hệ chính quy (chuyên khoa TMH 10). Đến năm 2000 đã hoàn thành chuyên khoa 1 Tai Mũi Họng, 10 năm sau đó tiếp tục hoàn thành chuyên khoa 2 Tai Mũi Họng.
Ông đầu quân về Bệnh viện Thống Nhất với lĩnh vực về Mắt, Tai Mũi Họng từ năm 1987 đến nay và hiện đang làm Trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên ban chấp hành hội TMH Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành hội TMH TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Ghi nhận những đóng góp với ngành Y, BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước nhiều lần được trao tặng bằng khen của Bộ Y tế, UBND TPHCM, Thành Đoàn TPHCM, Hội Tai mũi họng Việt Nam và Hội thi sáng tạo kỹ thuật TPHCM.
Đồng thời, ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã báo cáo lên Hội Tai mũi họng Việt Nam và hội đồng khoa học của Bệnh viện Thống Nhất.
Ít ai biết rằng, ngoài lĩnh vực Mắt, Tai Mũi Họng của ngành Y, BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước còn là cử nhân Luật hệ mở rộng, Đại học Luật Hà Nội.
[/DAP]
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình