Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao không thể tầm soát ung thư cho tất cả người dân?

Ung thư khiến người bệnh suy sụp khi nghe kết quả bản thân đã mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc tầm soát ung thư cho tất cả người dân chưa thể thực hiện. ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, lý giải vấn đề này.

Không có xét nghiệm nào đủ khả năng tầm soát tất cả các loại ung thư  

Việc tầm soát cho tất cả người dân là điều rất nhiều người mơ ước, nhưng không thể nào làm được. 

Thứ nhất, về xét nghiệm, không có một xét nghiệm nào có khả năng phát hiện tất cả các loại ung thư. 

Thứ hai, ung thư là một quá trình diễn tiến theo thời gian, ở thời điểm hiện tại, tế bào ung thư chưa phát triển, những đột biến chỉ mới xảy ra và tích lũy theo thời gian. Vì vậy, tầm soát ung thư là lộ trình theo thời gian, còn xét nghiệm ung thư được thực hiện tại một thời điểm. Do đó, tại một thời điểm có thể chưa phát hiện bệnh nhưng theo thời gian, bệnh ung thư sẽ hiện rõ. 

Thứ ba, y tế không đủ nguồn lực để thực hiện tầm soát ung thư cho tất cả người dân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tầm soát là một quá trình kéo dài theo thời gian và phải có lộ trình. 

Ví dụ, khi chụp CT phổi liều thấp có phát hiện bất thường, phải có kế hoạch sau đó cho bệnh nhân, hay nếu kết quả bình thường, bệnh nhân sẽ phải tầm soát lại sau 1 năm. Đó là quá trình theo dõi, xử lý và đưa ra lộ trình cụ thể cho người dân. Không chỉ thực hiện chụp CT liều thấp là kết thúc vấn đề tầm soát ung thư phổi. 

WHO nhấn mạnh, tầm soát ung thư phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể, không phải một ngẫu hứng thì chương trình tầm soát sẽ hiệu quả. 

Không có xét nghiệm nào đủ khả năng tầm soát tất cả các loại ung thư, không đủ nguồn lực để thực hiện điều này, bởi vì tầm soát phải là quá trình thực hiện trong nhiều năm và có kế hoạch cụ thể cho người dân được tầm soát.

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức

Không phải loại ung thư nào cũng cần tầm soát

Một vấn đề cần lưu ý, không phải tất cả các loại ung thư đều cần tầm soát, có những loại ung thư diễn tiến chậm, thậm chí, có thể sống chung với bệnh yên ổn. 

Ví dụ như ung thư tuyến giáp, mặc dù có rất nhiều nơi quảng cáo rầm rộ về vấn đề tầm soát bệnh tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi trước ở Hàn Quốc, sau 15 năm, khi đẩy mạnh siêu âm cổ nhằm phát hiện ung thư tuyến giáp, các bác sĩ tại quốc gia này phát hiện, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở Hàn Quốc tăng lên gấp 15 lần, nhưng tỷ lệ tử vong do loại bệnh ung thư này không thay đổi. 

Qua đó cho thấy, chương trình tầm soát ung thư tuyến giáp không có hiệu quả, phần lớn những trường hợp được phát hiện bệnh đều không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, không đáng để tầm soát.

Ngoài ra, hệ lụy của việc tầm soát cũng dẫn đến điều trị quá mức, âm tính giả, dương tính giả,… Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, không thể tầm soát ung thư cho tất cả người dân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X