Hotline 24/7
08983-08983

Vi rút Corona - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa COVID 19

Vi rút Corona - Tổng hợp các thông tin về Virus Corona từ thời điểm xuất hiện, cấu tạo gen của virus SARS-CoV-2, đến triệu chứng, biến chứng và hướng điều trị COVID 19, các loại vắc xin phòng bệnh.

Vi rút Corona 2019 là gì? Triệu chứng gây bệnh khi bị virus Corona (Covid-19, Sars-Cov-2) là như thế nào? Alobacsi sẽ giải thích mọi thứ về dịch Covid-19!

I. Hiểu đúng về COVID-19

1. COVID-19 là gì?

Dịch bệnh này khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đầu tháng 12/2019, trong đó nhiều người cùng bị viêm đường hô hấp cấp. Tác nhân gây bệnh dịch viêm phổi ở Trung Quốc sau đó được xác định là một chủng mới của vi rút Corona.

Chủng virus mới này được tìm ra năm 2019 nên được ký hiệu là 2019-nCoV (viết tắt của cụm từ 2019 Novel Coronavirus). Do đó, ban đầu dịch bệnh này có tên là “Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Coronavirus 2019-nCoV.

Covid 19 là gì?

Tuy nhiên, tên dịch bệnh vừa mô tả biểu hiện bệnh và tác nhân gây bệnh nên thường rất dài, vì thế thời gian đầu giới chuyên môn và các phương tiện truyền thông ở nước ta thường gọi tắt dịch bệnh này là: Dịch viêm đường hô hấp cấp do “virus Corona mới” hoặc “virus Corona chủng mới” hoặc “chủng mới của virus Corona”; sau này còn được gọi là “Dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV hoặc Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Sau khi thống nhất các chuyên gia trên toàn cầu, ngày 11/2/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức gọi tên bệnh là này COVID-19 (viết tắt của cụm từ Coronavirus disease 2019, trong đó CO là viết tắt của corona, VI là để chỉ virus, D là viết tắt của disease (bệnh), còn 19 là chỉ năm 2019, thời điểm lần đầu tiên phát hiện ra dịch bệnh này).

Phương thức đặt tên mới này cũng được WHO xác định làm công thức chuẩn để đặt tên những bệnh mới khác có thể xuất hiện trong tương lai, trong đó có quan tâm cả vấn đề dễ phát âm đầy đủ thông tin, bỏ qua các yếu tố địa danh để tránh nguy cơ phát sinh sự kỳ thị.

Cũng trong ngày 11/2/2020, Ủy ban quốc tế về phân loại virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chính thức đặt tên cho chủng mới của virus corona là SARS-CoV-2. Tên này được chọn bởi đặc tính gene của virus này liên quan đến loại virus Corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại virus này là khác nhau. Từ đây virus viêm phổi Trung Quốc gây sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 được gọi là SARS-CoV-2.

Kể từ khi xuất hiện, COVID-19 như làn “sóng thần” lan ra hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau Trung Quốc, “tâm dịch” thế giới còn gọi tên nhiều quốc gia hùng mạnh trên thế giới như Mỹ, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Brazil, Mexico… Ngày 30/1/2020, WHO buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC), rồi sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020.

2. Vi rút corona chủng mới là gì?

Virus Corona là một họ virus lớn thường lây nhiễm cho động vật nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của chúng có một vành tạo bởi các protein bề mặt giống như vương miện, bởi vậy chúng có tên gọi Coronavirus.

Virus Corona có 4 nhóm (nhóm A, B, C, D) thì nhóm B là nhóm có khả năng đột biến nhiều nhất. Năm 2002, nó đã đột biến thành chủng virus (ký hiệu là SARS-CoV) gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) xuất hiện ở người và nguy cơ tử vong khá cao, từ 40%-60%. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được bệnh này.

Trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2

Sau 10 năm, đến dịch viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện ở người vào năm 2012, các nhà khoa học lại xác định được virus Corona gây bệnh MERS (ký hiệu là MERS-CoV) cũng có nguồn gốc từ động vật (lạc đà).

Đến năm 2019, Corona tiếp tục biến đổi thành nCoV, nó gắn kết với 85% gen corona cổ điển, 15% đột biến ra chủng mới. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lây lan ra khắp thế giới và trở thành đại dịch.

Sau đó, WHO đã công bố tên chính thức cho loại virus Corona chủng mới (2019-nCoV) là SARS-CoV-2 và tên chính thức của bệnh là COVID 19 như đã nói ở trên. Lý giải tại sao virus và bệnh có tên khác nhau, WHO cho biết virus được đặt tên dựa trên cấu trúc gene của chúng để tạo điều kiện cho việc phát triển các test chẩn đoán, sản xuất vắc xin và thuốc chữa trị. Ủy ban quốc tế về phân loại virus - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) - chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại virus.

Việc đặt tên bệnh nhằm hỗ trợ trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị. Với trách nhiệm chuẩn bị và ứng phó với các căn bệnh của nhân loại, WHO sẽ đặt tên chính thức cho các căn bệnh trong Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD).

3. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh ra sao?

SARS-COV-2 lây lan được là nhờ trên bề mặt của virus có những protein gai (spike protein) giúp virus bám được lên các thụ thể ACE2 có trên các tế bào biểu mô của đường hô hấp. Sau khi bám vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô, nó sẽ biến các tế bào thành một nhà máy, tạo ra hàng triệu bản sao, thoát ra khỏi tế bào để xâm nhập vào tế bào mới cũng như lây lan qua những người khác.

Để tránh bị phát hiện sớm, virus SARS-COV-2 đã sử dụng nhiều công cụ để ngăn chặn các tế bào phát đi tín hiệu trợ giúp. Nó cũng phá hủy các mệnh lệnh bên trong tế bào bị nhiễm bệnh. Như vậy sẽ giúp virus có nhiều thời gian hơn để tạo ra nhân bản của nó.

Thời gian ủ bệnh vi rút corona, thời gian sống và lây lan

4. Biến chủng, biến thể của virus SARS-CoV-2 là gì?

Trong quá trình lây truyền giữa các quốc gia, các châu lục, giữa người với người thì virus tiếp tục đột biến, đây là sự khác biệt của SARS-CoV-2. Các chuyên gia khẳng định, việc virus liên tục biến thể là điều hoàn toàn bình thường.

Chúng ta có thể hiểu rằng, những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể” (variant). Sau khi biến đổi chúng sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể được gọi là “biến chủng” (mutant). Tức là, khi virus có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu - đó là biến chủng của virus.

Ở giai đoạn thay đổi bản chất trên bộ gen được gọi là biến thể, chưa được gọi là biến chủng, do có thể những biến thể này sẽ còn có những biến đổi nữa trước khi ổn định thành biến chủng mới để được đặt tên mới.

Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm: Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs).

  • Biến thể đáng quan tâm (VOIs): khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
  • Biến thể đáng quan ngại (VOCs): là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia, không phải tất cả các biến thể đều trở nên nguy hiểm hơn so với bản thể gốc ban đầu. Nhưng khi dịch bệnh tiếp tục lây lan, virus càng có nhiều cơ hội để biến đổi và Delta có thể sẽ không phải là biến thể cuối cùng.

Coronavirus càng có nhiều cơ hội để biến đổi và Delta có thể sẽ không phải là biến thể cuối cùng

II. COVID 19 - nguồn gốc của đại dịch toàn cầu

1. Virus SARS-CoV-2 cấu tạo như thế nào?

Cấu trúc của SARS-CoV-2 chỉ gồm lõi là bộ gene của acid nucleic là RNA, tức cấu trúc di truyền của nó và bao quanh bộ gene là lớp vỏ glycoprotein.

Lớp vỏ đặc trưng của SARS-CoV-2 có các gai glycoprotein có hình dạng giống chiếc vương miện. SARS-CoV-2 dùng các gai glycoprotein nằm ở vỏ bọc ngoài của nó như chiếc “chìa khóa” để mở “ổ khóa” là các thụ thể ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2, có trong các tế bào ở đường hô hấp; đặc biệt ở các tế bào mô phổi) nằm trên màng tế bào ký chủ, sau đó chui vào bên trong tế bào ký chủ là các tế bào mô phổi

Khác với vi khuẩn, virus không có bộ máy sinh sản, nên phải xâm nhập được vào bên trong tế bào bệnh nhân và dùng bộ máy sinh sản của tế bào chủ để phát triển, sinh sản thêm virus mới.

2. Virus SARS-CoV-2 có hệ gen ra sao?

SARS-CoV-2 là một coronavirus có bộ gene sợi RNA đơn dạng xoắn, tương đương với mRNA của tế bào ký chủ với độ dài khoảng 25-32 kilobase, đây là virus có bộ gen lớn nhất trong số các virus RNA.

Khi vào được bên trong tế bào sẽ nhanh chóng chế tạo các vật liệu cần thiết (gồm các protein và enzym) để sinh sản thêm nhiều sợi RNA mới (bản sao), tạo ra các SARS-CoV-2 mới, gọi là nhân bản.

3. Virus SARS-CoV-2 được phát hiện khi nào?

SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc chủ yếu với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng coronavirus mà Tổ chức Y tế Thế giới lúc đó tạm gọi là 2019-nCoV (sau này được gọi là SARS-CoV-2, có trình tự gen giống với SARS-CoV trước đây với mức tương đồng lên tới 79,5%. Virus này là chủng virus mới chưa được xác định trước đó.

Trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán vào ngày 9/1/2020. Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông ở Nhật Bản. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng vào giữa tháng 1/2020.

Tại Việt Nam, trường hợp nhiễm coronavirus vietnam đầu tiên vào ngày 23/1/2020, đó là người đàn ông 66 tuổi đi từ Vũ Hán, Trung Quốc đến Hà Nội để thăm con trai, họ gặp gỡ tại Nha Trang, sau đó di chuyển đến TPHCM và Long An.

Sau khi xuất hiện các triệu chứng, sốt không giảm, cả 2 bệnh nhân đến Bệnh viện Bình Chánh thăm khám và được tư vấn nhập Bệnh viện Chợ Rẫy và được xác định dương tính với SARS-SoV-2 sau đó. Đến nay, Việt Nam đang trải qua làn sóng COVID-19 lần thứ 4, với nhiều tác động mạnh mẽ lên đời sống và kinh tế.

III. Triệu chứng COVID 19

1. COVID 19 và những dấu hiệu cơ bản

Theo Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 Bộ Y tế ban hành ngày 31/7, có 12 dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 đó là: Ho; sốt (trên 37,5 độ C); đau đầu; đau họng - rát họng; sổ mũi - chảy mũi - ngạt mũi; khó thở; đau ngực - tức ngực; đau mỏi người - đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng - buồn nôn; tiêu chảy.

Thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày. Thông thường, trong giai đoạn khởi phát, người bệnh hay gặp các triệu chứng như sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Trong giai đoạn toàn phát, hầu hết các bệnh nhân (khoảng hơn 80%) có chỉ bị sốt nhẹ, ho, mệt mỏi và không bị viêm phổi và tự hồi phục sau một tuần. Một số trường hợp có viêm kết mạc, dấu hiệu viêm đỏ các đầu ngón chân… Tuy nhiên, không phải ai cũng xuất hiện các dấu hiệu, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Việc cập nhật những thay đổi của triệu chứng COVID-19 sẽ không bao giờ thừa, đặc biệt là thời điểm biến chủng mới xuất hiện. Dưới đây là danh sách đầy đủ các triệu chứng Covid mới nhất đã được Bộ Y Tế công bố vừa qua, giúp mọi người có thể chủ động hơn trong việc phát hiện, cách ly, theo dõi và điều trị nếu chẳng may nhiễm virus SARS-CoV-2.

2. Triệu chứng mắc COVID-19 gây sốt bao nhiêu độ?

Nhiệt độ thông thường của cơ thể con người là khoảng 36,5 - 37 độ C, và còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân cũng như độ tuổi mà nhiệt độ sẽ ở mức chênh khác nhau. Nhiệt độ cơ thể sẽ được coi là sốt khi nhiệt độ tăng cao đến ít nhất 37,5 độ C và nhiệt độ cần được đo nhiều lần trong ngày mới đem lại kết quả chính xác nhất.

4 con đường lây bệnh của Vi rút Corona

4. Triệu chứng mắc COVID 19 gây ho như thế nào?

Ho cũng là triệu chứng cảnh báo nhiễm SARS-CoV-2 nhưng cũng có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý ở đường hô hấp khác nên rất dễ bị nhầm lẫn. Theo mô tả, những cơn ho do COVID 19 khiến người bệnh luôn có cảm giác bị vật lạ mắc ở cổ họng. Tình trạng ho có thể gây ra những cơn đau nặng ngực (đau cả phần xương ức và xương ngực), cổ họng bị rát gây khó chịu.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bị viêm phổi, có nghĩa là phổi của họ bắt đầu chứa đầy mủ hoặc dịch. Điều này dẫn đến khó thở dữ dội và ho đau đớn.

5. Triệu chứng COVID 19 có gây buồn nôn?

Có, đây là một trong những triệu chứng cảnh báo mắc COVID 19, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Nếu bạn có cảm giác buồn nôn kèm theo các triệu chứng nghi ngờ khác như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, tiêu chảy… hãy liên hệ y tế để được hỗ trợ.

6. Triệu chứng COVID 19 có bị phát ban không?

Bên cạnh những triệu chứng đã mô tả ở trên, có những dấu hiệu khác nghiêm trọng, ít phổ biến hơn đã được báo cáo ở bệnh nhân COVID 19 như các nốt phát ban trên da có liên quan đến bệnh COVID 19.

Live Science đưa tin, phát ban có thể có nhiều dạng, một số xuất hiện dưới dạng nốt đỏ nhỏ, trong khi một số khác xuất hiện dưới dạng vết/vùng tổn thương phẳng hoặc lớn hơn. Không rõ những phát ban này là do virus SARS-CoV-2 gây ra hay liên quan đến các yếu tố khác như hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh ở những người bị nhiễm virus hoặc những yếu tố về lối sống liên quan đến lệnh phải ở trong nhà.

7. Triệu chứng COVID-19 gây khó thở thế nào?

Triệu chứng khó thở có thể kèm với tình trạng ho khan hoặc không. Để phân biệt khó thở “báo động giả” và khó thở thực sự, bạn cần ngồi và chậm rãi hít thở bằng mũi thật sâu, thật đầy hơi vào bụng, sau đó thở từ từ ra bằng miệng.

Nếu thực hiện động tác này một lúc thấy dễ thở hơn thì đây là khó thở “báo động giả”. Ngược lại, nếu thực hiện động tác này vẫn thấy khó thở, thì đó là cơn khó thở thực sự cần lưu ý. Theo các chuyên gia, không có chuyện bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng mà lúc khó thở, lúc không.

8. Triệu chứng COVID 19 có làm hắt hơi?

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), COVID 19 không gây ra tình trạng hắt hơi, ngược lại đây là dấu hiệu phổ biến của cảm lạnh.

Triệu chứng mất vị giác, khứu giác ở người mắc COVID 19 diễn ra thế nào?

Mất vị giác, khứu giác là 2 triệu chứng đặc trưng của COVID 19. Nhiều người lo lắng, mất vị giác, khứu giác là triệu chứng bệnh tiến triển nặng. Song các chuyên gia cho rằng đây không phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng, càng không phải là triệu chứng cho thấy bạn đang dần khỏi bệnh rồi tự nhiên tái phát.

Khác với tình trạng nhạt miệng, giảm nhạy với mùi hương khi bị cảm cúm gây chán ăn, nghẹt mũi, mất vị giác, khứu giác trong COVID 19 là mất hoàn toàn cảm nhận, chẳng hạn ăn ớt nhai liên tục cũng không thấy cay, vào nhà vệ sinh bẩn cũng không thấy mùi. Để xác định tình trạng này, bạn có thể nhắm mắt lại, nếu nhai mà cảm thấy hoàn toàn không biết mình ăn gì thì mới là mất vị giác do COVID 19.

9. Dấu hiệu ở người bệnh COVID 19 cần phải được chăm sóc y tế

Khi gặp 6 triệu chứng dưới đây, nếu bạn là bệnh nhân COVID 19 được điều trị ở nhà hãy gọi ngay y tế phường, nếu ở bệnh viện thu dung hoặc khu cách ly tập trung, hãy gọi nhân viên y tế:

1. Khi đang nằm ngửa mà thấy khó thở quá phải ngồi dậy, hay đang ngồi nhưng phải ngồi thẳng mới dễ thở hơn.

2. Nhịp thở nhanh, trên 20 lần/ phút.

3. Đau hoặc tức ngực thường xuyên.

4. Chỉ số SpO2 dưới 95%

5. Bệnh nhân không còn tỉnh táo

6. Khi môi, da, móng tay nhợt nhạt, thậm chí tím tái.

Gọi ngay đường dây nóng Covid-19 khi có những dấu hiệu bất thường

IV. Ai dễ bị mắc bệnh COVID 19?

COVID 19 có thể “tấn công” bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Song các chuyên gia cảnh báo, COVID-19 đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, trẻ em, người béo phì, người có bệnh lý nền mãn tính… Những người này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị do bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm tính mạng.

Trong đó, bệnh mãn tính là một căn bệnh tồn tại trong thời gian dài, khoảng từ 3 tháng đến nhiều hơn 1 năm. Nhìn chung, các bệnh mạn tính không thể phòng ngừa được bằng vắc-xin hay chữa khỏi bằng thuốc, cũng không thể tự khỏi. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sống chung với bệnh và kiểm soát các triệu chứng hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các bệnh mạn tính hay gặp đó là: bệnh tăng huyết áp, ung thư, đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch, HIV/AIDS,…

Ngoài ra, nhiều nhà khoa học đã lưu ý, một số rối loạn thần kinh nhất định, như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc rối loạn thần kinh vận động, có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, do làm rối loạn phản xạ nuốt, giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.

V. Các biến chứng do COVID 19 gây ra

Hầu hết người mắc COVID 19 không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính trong số 20% bệnh nhân COVID 19 ở mức độ vừa và trung bình có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng.

Diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi bệnh nhân, song những yếu có thể là làm tăng nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi, người có bệnh nền, béo phì… Bệnh thường tiến triển nặng vào tuần thứ 2 kể từ khi phát bệnh.

COVID 19 có thể gây ra các biến chứng: viêm phổi cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tổn thương gan - thận - tim cấp tính, sốc nhiễm trùng, đông máu rải rác nội mạch, hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em…, thậm chí là tử vong.

Sau khi điều trị khỏi COVID 19, người bệnh vẫn có thể gặp phải nhiều di chứng. Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí EclinicalMedicine của Lancet, khảo sát 3.762 người mắc COVID-19 kéo dài ở 56 quốc gia. Đây là nghiên cứu quy mô quốc tế lớn nhất từ trước tới nay về người mắc COVID 19.

Nghiên cứu mới cho thấy những người từng mắc viêm phổi virus corona Trung Quốc có thể chịu đựng tới 203 di chứng. Trong đó, thường gặp nhất là mệt, tình trạng khó chịu sau gắng sức (sức khỏe giảm sút sau khi bị ốm về thể chất, tinh thần) và sương mù não. Các triệu chứng khác gồm ảo giác, rùng mình, ngứa da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, suy giảm chức năng tình dục, tim đập nhanh, vấn đề kiểm soát bàng quan, zôna, mất trí nhớ, thị lực mờ, tiêu chảy và ù tai.

VI. Các loại kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Hiện nay, xét nghiệm RT-PCR và Test nhanh kháng nguyên là 2 phương pháp được Bộ Y tế cấp phép thực hiện để tìm kiếm bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2.

Trong đó, RT-PCR có giá trị khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 với độ nhạy và độ đặc hiệu cao.  Các mẫu bệnh phẩm có thể được lấy cho thử nghiệm này bao gồm mẫu dịch ngoáy mũi, ngoáy họng, nước bọt. Kết quả xét nghiệm PCR có thể có trong vòng 24 giờ, nhưng có thể lâu hơn nếu phòng xét nghiệm cách xa nơi lấy mẫu hoặc là phòng xét nghiệm phải thực hiện trên một số lượng mẫu lớn.

Test nhanh kháng nguyên giúp phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 do độ đặc hiệu cao, dễ dàng thực hiện, có thể được sử dụng tại điểm lấy mẫu di động nhưng chưa đủ để khẳng định 100% bạn có mắc bệnh hay không. Kết quả nhanh chóng, thường dưới 30 phút.

Hiện Việt Nam có 15 loại test nhanh đã được Bộ Y tế cấp phép. Trong đó có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước, 14 loại nhập khẩu.

Test nhanh sản xuất trong nước được cấp phép là Trueline COVID 19 Ag Rapid Test, xét nghiệm định tính phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong mẫu ngoáy dịch tỵ hầu, của Công ty TNHH Medicon, giá bán công bố gần 100.000 đồng/test.

Trong 14 loại nhập khẩu được cấp phép có:

- Hàn Quốc gồm các loại: GenBody Covid-19 Ag (giá 135.000 đồng/ test); SARSCoV-2 Rapid Antigen Test (2.920.000 đồng/ hộp 25 test); Standard Q Covid-19 Ag (giá 4.950.00 đồng hộp 25 test); Humasis Covid-19 Ag Test (giá 198.00 đồng/ test); SGTi-flex Covid-19 Ag (giá 160.000 đồng/ test); BioCredit Covid-19 Ag (giá 175.000 đồng/ test).

Ngoài ra, một số loại của Hàn Quốc (giá chưa bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng) gồm: Panbio™ Covid-19 Ag Rapid Test Device (giá khoảng 152.000 đồng/ test); Asan Easy Test Covid-19 Ag (150.000 đồng/ test); Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device (170.000 đồng/ test).

• Nhật Bản có Espline SARS-CoV-2 (giá khoảng 190.000 - 200.000/ test).

• Trung Quốc có Flowflex SARSCoV-2 Antigen Rapid Test (109.200 đồng/ test hoặc185.000 đồng/test.

• Pháp có Biosynex Covid-19 Ag BSS (giá 135.000 đồng/ test)

• Đài Loan có V Trust Covid-19 Antigen Rapid Test (giá 160.000 đồng mỗi test).

• Mỹ có CareStart Covid-19 Antigen (giá 130.000 - 150.000 đồng/ test).

VII. Điều trị COVID-19 như thế nào?

Hiện, COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị hỗ trợ nâng đỡ thể trạng, sức đề kháng và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cần theo dõi và phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh nặng, nguy kịch như suy hô hấp hoặc suy các tạng khác.

Khi có triệu chứng COVID-19 cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, đồng thời tự cách ly, theo dõi sức khỏe và luôn tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Hạn chế tiếp xúc với người khác, liên lạc cho những người đã tiếp xúc với mình và thông báo về nguy cơ.

VIII. Nên tiêm vắc xin COVID 19 loại nào?

Đến nay, có 6 loại vắc xin COVID 19 đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Bộ Y tế khẳng định tất cả các vắc xin này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Vaccine AstraZeneca: Cho đến nay đã có 181 quốc gia và vùng lãnh thổ cấp phép sử dụng cho vắc xin ngừa COVID 19 của tập đoàn AstraZeneca. Loại vắc xin này được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp hồi tháng 2/2021. Tính đến tháng 8 đã có khoảng 980 triệu liều AstraZeneca được sử dụng. Tại Việt Nam, AstraZeneca là loại vắc xin COVID 19 được sử dụng nhiều nhất, được phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID 19 từ tháng 2/2021.

Tại Việt Nam, AstraZeneca là loại vắc xin COVID 19 được sử dụng nhiều nhất

Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech: 111 quốc gia và vũng lãnh thổ đã cấp phép sử dụng vắc xin này. Đây cũng là vắc xin đầu tiên được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. 850 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech đã được tiêm cho người dân tại 97 quốc gia. Từ tháng 6/2021, vắc xin của Pfizer/BioNTech đã được Việt Nam phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID 19.

Vắc xin Spikevax (tên khác là COVID-19 Vaccine Moderna): Cuối tháng 4/2021, WHO đưa loại vắc xin này vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ cấp phép sử dụng vắc xin Moderna và khoảng 340 triệu liều đã được tiêm cho người dân. Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Moderna có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID 19 vào cuối tháng 6/2021.

Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V): Đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số liều tiêm đạt khoảng 85 triệu liều. Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Sputnik V có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam vào tháng 3/2021.

Vắc xin Vero Cell của Sinopharm: Được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp hôm 8/5. Đến nay, vắc xin này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được tiêm. Ngày 3/6, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt vắc xin Vero Cell có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid Vietnam.

Vắc xin Janssen (Johnson & Johnson): Đã được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, 34 quốc gia đã tiêm chủng vắc xin Janssen với khoảng 60 triệu liều đã sử dụng. Đây là loại vắc xin thứ 6 được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID 19 vào ngày 15/7. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc xin này.

Cập nhật thêm tình hình Vi rút Corona Việt Nam mới nhất tại đây:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X