Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện về virus mang vương miện mới, Novel coronavirus (2019-nCoV)

AloBacsi xin trích đăng bài viết của BS Nguyễn Thế Dũng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM với một góc nhìn tổng quát về virus Corona mới (2019-nCoV) và nhấn mạnh rằng mọi người cùng chung sức dập dịch, cùng bảo vệ môi trường thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Cuộc chiến khó lường nhưng chúng ta sẽ chiến thắng.

Toàn văn bài viết của BS Nguyễn Thế Dũng:

Thế giới vừa bước sang 2020, chúng ta vừa hưởng cái Tết đầm ấm; xuất hiện 2019-nCoV lây bệnh, chết người (11/02/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên bệnh: “COVID-19”).

1. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng

Cám ơn các nhà khoa học đã hết sức nhanh chóng nhận biết được 2019-nCoV. Trong thế giới sinh vật thì chúng ta sống chung với các sinh vật khác trong một môi trường, trong đó có virus biến đổi khôn lường do chúng chỉ là RNA, DNA vừa bền bỉ vừa có thể cắt dán lại với nhau (tái tổ hợp).

Môi trường bị tổn thương nghiêm trọng do bởi chính chúng ta, tạo điều kiện cho vi sinh vật tấn công, các bệnh lây từ động vật sang người ngày càng nhiều, đặc biệt là do virus (HIV, SARS-CoV, MERS-CoV, cúm gia cầm, 2019-nCoV,…).

BS Nguyễn Thế Dũng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh rằng mọi người cùng chung sức dập dịch, cùng bảo vệ môi trường thì dù cho cuộc chiến khó lường nhưng chúng ta sẽ chiến thắng virus Corona mới - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

Bệnh truyền nhiễm nói chung khi có một bệnh nhân ở cộng đồng thì cộng đồng đó có thể đã có nhiều người mắc bệnh nhưng chưa có triệu chứng (giai đoạn ủ bệnh) hoặc triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng (thể bệnh nhẹ, tự lành) nhưng vẫn là nguồn lây bệnh.

2019-nCoV đã gây dịch ở Vũ Hán, ở Trung Quốc. Ở Việt Nam chúng ta thì chỉ có những bệnh nhân từ vùng dịch mà hiện nay đã có bệnh nhân mới xuất hiện do tiếp xúc gần với những bệnh nhân cũ, là dấu hiệu báo động cao lây lan của dịch.

Dịch thì phải dập, Việt Nam chúng ta đã công bố dịch (Quyết định của Thủ tướng 1/2/2020) huy động mọi người cùng nhau dập dịch.

Chúng ta chưa biết hết về 2019-nCoV, tuy nhiên lại biết được đường lây bệnh (vòng truyền nhiễm) từ người sang người, đó là dịch tiết chứa 2019-nCoV từ đường hô hấp của người bệnh (hạt dịch) hoặc tay tiếp xúc với 2019-nCoV truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp, cứ thế tiếp tục lây lan rộng dần.

Dập dịch phải cắt đường lây bệnh bằng sự chung sức của mọi người.

2. Cắt đường lây bệnh

Mọi người đều là chiến sĩ dập dịch kể cả bệnh nhân. Bệnh nhân vừa là nạn nhân vừa là ân nhân giúp dập dịch hiệu quả, những kết quả chẩn đoán, điều trị,… giúp cho khoa học biết thêm về 2019-nCoV.

Những người sốt (thân nhiệt tự nhiên trên 37,5 độ C; thường có cảm giác nóng lạnh), ho PHẢI:

1. Khám bệnh ngay ở cơ sở y tế gần nhất;

2. Báo cho nhân viên y tế biết mình có tiếp xúc với ai sau khi đi từ vùng dịch (hiện nay là Trung Quốc mà tập trung nhiều ở Vũ Hán) và có đi đâu trong vòng 14 ngày nay (thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV) hoặc có ai từ vùng dịch tiếp xúc với mình;

3. Đeo khẩu trang y tế (khẩu trang y tế có 3 lớp: lớp bên ngoài màu xanh, chống thấm nước; lớp bên trong màu trắng có tính thấm nước, hút mồ hôi; lớp giữa là màng lọc hạt dịch, bụi ngăn virus xâm nhập), đeo sát cả mũi, không sờ tay vào lớp bên ngoài tránh bàn tay làm dính mầm bệnh (nguyên nhân gây bệnh), dùng một lần mỗi khi thay, cầm dây đeo tai tháo bỏ vào thùng rác đậy nắp. Nếu không có khẩu trang y tế thì tránh ho trực tiếp vào những người chung quanh bằng cách nghiêng mặt, che mũi miệng mỗi khi ho.

Đeo khẩu trang y tế không đúng cách tạo mầm bệnh lây nhiễm cho mình, cho người khác và tạo nhầm tâm lý được bảo vệ.

4. Rửa tay sạch (lòng bàn tay - mu bàn tay - kẽ ngón tay - đầu ngón tay) bằng xà phòng hoặc cồn 70%; nên cắt sát móng tay (phụ nữ y tế có bàn tay đẹp là phụ nữ không để móng tay dài); rửa tay sạch ngay trước khi ăn hoặc phải tiếp xúc với vùng mặt (mũi - miệng - mắt); từ rất lâu rửa tay sạch được chứng minh là một biện pháp phòng lây bệnh hiệu quả.

5. Nghỉ tại nhà;

6. Nhập bệnh viện nếu khó thở.

Những hành động này vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ cho gia đình mình, cho cộng đồng, vừa góp sức dập dịch.

Những người không có triệu chứng CẦN:

1. Bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh;

2. Rửa tay sạch;

3. Ăn nấu chín;

4. Tránh tụ tập đông người nếu không cần thiết;

5. Bỏ rác đúng nơi quy định;

6. Theo dõi sát thông tin chính thống (Chính phủ, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới), tránh lơ là, chủ quan để hiểu tình hình dịch kịp thời ứng phó phù hợp (ứng phó không phù hợp gây lãng phí tiền của và thời gian, tạo áp lực, gây thiệt hại cho việc dập dịch; ví dụ đeo khẩu trang y tế không đúng chỗ, không đúng lúc, gây khan hiếm dẫn đến không có khi cần).

7. Đeo khẩu trang y tế ở nơi tụ tập đông người đang có dịch theo cảnh báo của ngành y tế.

Những người từ vùng dịch phải được cách ly theo quy định của ngành y tế, vừa bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và vừa bảo vệ cộng đồng.

Những người làm công tác y tế, chăm sóc bệnh nhân thì theo quy định của ngành y tế, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai rút được kinh nghiệm vô cùng quý báu trong chống dịch SARS-CoV đầu năm 2002, đó là: “Môi trường thông gió tự nhiên góp phần hết sức hiệu quả cứu sống bệnh nhân, không có trường hợp nặng nào tử vong”.

Còn ở TPHCM khi đó tiết trời nắng nóng, không có ai mắc bệnh. Chúng ta hy vọng tiết trời ấm hơn 2019-nCoV sẽ bị đẩy lùi.

3. Tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh

Dịch SARS-CoV để lại cho chúng ta nỗi đau chưa dứt bởi sự hy sinh của những người làm công tác y tế, biết dịch nguy hiểm mà vẫn cứ lao vào dành mạng sống cho bệnh nhân, để rồi mất đi mạng sống của chính mình. Dịch 2019-nCoV vừa cướp đi 03 bác sĩ ở đầu sóng ngọn gió làm việc kiệt lực cho đến lúc qua đời trong đó có 02 người còn quá trẻ.

Mọi người cùng dập dịch, cùng bảo vệ môi trường thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Cuộc chiến khó lường nhưng chúng ta sẽ chiến thắng.

(*) Tên virus: Novel coronavirus được gọi là 2019-nCoV; tên bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên là COVID-19.

BS Nguyễn Thế Dũng - Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM
Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM


BS Nguyễn Thế Dũng nguyên là Giám đốc Sở Y tế TPHCM từ năm 2002 đến năm 2007, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhiễm của Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM và giữ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện trước khi về công tác tại Sở Y tế TPHCM.

BS Nguyễn Thế Dũng hiện là Trưởng Bộ môn Vi sinh học - Ký sinh học và Bộ môn Nhiễm của Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM.

Đồng thời, ông cũng tham gia, chủ trì một số công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sức khỏe người dân, đã đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, chủ trì “Định hướng Quy hoạch phát triển ngành y tế TPHCM” trong nhiệm kỳ Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X