Cảnh báo dấu hiệu đặc trưng của sốt mò, phụ huynh cần lưu ý
Ngày 14/11/2024, Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) thông tin về trường hơp một bé trai nhập viện trong tình trạng sốt cao suốt 3 ngày với nhiệt độ 39-40 độ C, sốt rét từng cơn liên tục, không co giật, không nôn, không ho, đại tiểu tiện bình thường. Gia đình đã cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Bệnh nhi Đ.Q.T (8 tuổi, ngụ xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) sốt cao liên tục trong vòng 3 ngày, nổi ban đỏ trên da. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên nhận thấy bệnh nhi có ít ban đỏ vùng mặt, bụng, hạch bẹn phải. Kích thước ban nhỏ như hạt ngô, chắc, không nóng đỏ, không đau khi khám.
Vùng mu gần bộ phận sinh dục trẻ có nốt loét, kích thước gần bằng 1cm, đang đóng vảy, xung quanh có gờ đỏ. Kết quả xét nghiệm sinh hóa phát hiện giảm tiểu cầu, tăng men gan.
Dựa vào các triệu chứng trên, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốt mò hay còn gọi là bệnh Rickettsia. Trẻ được điều trị tích cực bằng cách truyền dịch, hạ sốt, kháng sinh, theo dõi toàn trạng.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã hết sốt, không còn nổi ban. Em được xuất viện sau 7 ngày.
Sốt mò (hay sốt bờ bụi) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do Rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt kéo dài 2-3 tuần, kèm theo có vết loét trên da do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch.
Bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng: viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim… hoặc suy đa phủ tạng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tỷ lệ nguy hiểm của bệnh sốt mò có thể chiếm khoảng 1-60%.
Theo BS Hoàng Thị Hà - Khoa Nhi, Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên, bệnh sốt mò có các biểu hiện điển hình như các nốt đốt đóng vảy đen, mọc ở chỗ kín, nách, bẹn cổ… tương đối giống với các bệnh như nhiễm trùng huyết.
Chính vì thế, bệnh nhân cần phải được nhanh chóng làm xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ em sức đề kháng yếu.
Để phòng ngừa bị bệnh cho trẻ, bố mẹ cần giữ gìn vệ sinh không gian sống của trẻ, kiểm tra cơ thể kĩ càng sau khi trẻ chơi ở những khu vực có nguy cơ cao. Nếu phát hiện trẻ có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh sốt mò sau khi bị kí sinh trùng cắn, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình