Việt Nam - quốc gia thứ 22 trên thế giới không còn bệnh mắt hột
Sau hơn 70 năm nỗ lực bền bỉ, Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh mắt hột, một bệnh truyền nhiễm từng phổ biến và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của hàng triệu người dân. Sự kiện do Bộ Y tế tổ chức chiều 14/4/2025 tại Hà Nội, đánh dấu cột mốc có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành y tế, ngành nhãn khoa cũng như công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công nhận Việt Nam thanh toán bệnh mắt hột trong phiên họp khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 75, diễn ra tại Philippines vào tháng 10/2024. Đây là kết quả của một quá trình dài huy động toàn diện các nguồn lực từ hệ thống y tế, sự phối hợp liên ngành, cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về kỹ thuật, tài chính, thuốc men, và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân.
Việc thanh toán bệnh mắt hột không chỉ là thành quả của ngành Y tế, mà còn hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc đôi mắt cho nhân dân. Nỗ lực kiểm soát và điều trị bệnh mắt hột trong suốt nhiều thập kỷ qua đã góp phần bảo vệ thị lực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mắt hột là một bệnh viêm kết - giác mạc mạn tính do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra, có thể dẫn đến biến chứng quặm và mù lòa nếu không được điều trị. Bệnh thường lây lan tại những khu vực đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém và thiếu nguồn nước sạch. Vì thế, việc thanh toán thành công căn bệnh này không chỉ là thắng lợi y tế, mà còn phản ánh hiệu quả của các chiến lược cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt.
Thành công này cũng ghi nhận vai trò đầu mối quan trọng của Bệnh viện Mắt Trung ương - đơn vị chủ lực trong kiểm soát bệnh mắt hột trên toàn quốc, từ đào tạo nhân lực, chỉ đạo chuyên môn đến giám sát, thu thập và quản lý dữ liệu.

Dù đã đạt được mục tiêu thanh toán, các chuyên gia nhấn mạnh không nên lơ là. Ngành y tế sẽ tiếp tục duy trì giám sát cộng đồng, nâng cao nhận thức về vệ sinh cá nhân - môi trường, bảo đảm nguồn lực và cơ chế tài chính cho các hoạt động phòng chống, bao gồm chi trả phẫu thuật quặm qua bảo hiểm y tế. Đây cũng là những nội dung đã được thể chế hóa trong các văn bản chỉ đạo của Chính phủ như Chiến lược Quốc gia phòng chống mù lòa và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
WHO đánh giá Việt Nam là một hình mẫu trong khu vực về cách tiếp cận toàn diện, dựa trên bằng chứng để loại trừ bệnh mắt hột như một vấn đề y tế công cộng. Tổ chức này cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường củng cố thành quả, bảo đảm tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người dân, cũng như hỗ trợ loại trừ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

Với việc trở thành quốc gia thứ 22 trên thế giới được WHO công nhận thanh toán bệnh mắt hột, Việt Nam không chỉ có thêm một thành tựu y tế đáng tự hào, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng khu vực Tây Thái Bình Dương. Thành công này là động lực để ngành Y tế tiếp tục hướng đến mục tiêu chăm sóc toàn diện và công bằng, vì một tương lai không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình