Bệnh viện Thống Nhất giữ vững chuẩn Kim cương, mở rộng “giờ vàng” cứu sống người đột quỵ
Sáng 25/4/2025, Bệnh viện Thống Nhất vinh dự tiếp tục được trao chứng chỉ Kim cương - cấp độ cao nhất về chất lượng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO). Đây là lần thứ 3 đơn vị đột quỵ của bệnh viện đạt được thành tích xuất sắc này, khẳng định sự nỗ lực bền bỉ và chất lượng điều trị tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng ta không chỉ chứng kiến một lễ vinh danh mà còn là sự khẳng định đầy tự hào cho hành trình bền bỉ và đột phá của Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất. Từ nhiều năm liền duy trì chuẩn Vàng, đến bước chuyển mình vươn lên chuẩn Kim Cương. Đây là thành quả kết tinh từ chuyên môn vững vàng, tinh thần làm việc quên mình và sự phối hợp nhịp nhàng của cả một tập thể tận tâm. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực bền bỉ và mong toàn thể đội ngũ tiếp tục phát huy tinh thần ấy, giữ vững chuẩn mực Kim Cương".

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội Thần kinh cho biết, Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất thành lập từ năm 2014, từ đó đến nay đã liên tục nâng tầm chuyên môn. Ban đầu là điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não cấp. Đến năm 2017, đơn vị triển khai kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ trong các trường hợp tắc mạch lớn. Và đến năm 2020, đơn vị đã vinh dự nhận chứng chỉ Vàng từ WSO.
Bước ngoặt đến vào năm 2023 khi bệnh viện thực hiện hàng loạt cải tiến, trong đó nổi bật là việc kết nối hệ thống tuyến trước, giúp người bệnh được điều trị tiêu sợi huyết sớm ngay tại cơ sở ban đầu và nhanh chóng chuyển tiếp đến Thống Nhất để can thiệp mạch. Cũng trong năm này, đơn vị lần đầu tiên đạt chứng nhận Bạch kim, và đến quý I/2024 chính thức chạm tới chứng chỉ Kim cương.
Theo đó, chứng nhận kim cương là chứng nhận cao nhất, dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe mà WSO đề ra. Thời gian là một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong chuẩn Kim Cương. Tiêu chí này yêu cầu 75% bệnh nhân đột quỵ từ khi nhập viện phải được điều trị tiêu sợi huyết dưới 60 phút và ở mức dưới 45 phút (từ khi nhập viện đến khi điều trị) đạt từ 50%. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối từ khi nhập viện ở mức dưới 120 phút đạt từ 75% và ở mức dưới 90 phút đạt từ 50%.

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga bày tỏ: “Giải thưởng này là vinh dự rất lớn cho ê-kíp điều trị đột quỵ của Bệnh viện Thống Nhất, là sự cố gắng trong hơn 10 năm kể từ khi đơn vị đột quỵ được thành lập. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chất lượng để theo kịp những tiến bộ trong điều trị đột quỵ trên thế giới. Đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng cửa sổ điều trị trong cấp cứu, can thiệp đột quỵ. Mục đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ những tiến bộ này càng tốt”.
Chuyên gia thông tin thêm, có 4 yếu tố cốt lõi làm nên chất lượng Kim cương tại Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Thống Nhất. Một là hệ thống cấp cứu và can thiệp thần kinh hoạt động 24/7, đảm bảo mọi bệnh nhân trong “giờ vàng” đều được tiếp cận điều trị kịp thời. Hai là quy trình điều trị chuẩn hóa, đồng bộ từ tiếp nhận, chẩn đoán đến can thiệp, hồi sức và phục hồi chức năng. Ba là ứng dụng công nghệ cao như hệ thống CT Spectral hiện đại, giúp mở rộng cửa sổ điều trị cho bệnh nhân đến muộn nhờ phát hiện vùng não còn cứu được. Bốn là với việc đầu tư các thiết bị chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu, hỗ trợ theo dõi sau can thiệp, giúp ngăn ngừa tái phát và quản lý bệnh nhân lâu dài.
Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Thống Nhất thuộc khoa Nội Thần kinh, có 2 phòng hồi sức thần kinh và 7 phòng cấp cứu đột quỵ. Nhân sự của đơn vị là các bác sĩ thần kinh được huấn luyện thường xuyên. Cơ sở vật chất tại đơn vị đầy đủ với giường, máy thở, quan trọng nhất là hệ thống CT, MRI. Hoạt động của đơn vị không chỉ tập trung vào điều trị đột quỵ cấp mà còn điều trị trong giai đoạn bán cấp và phục hồi chức năng, điều trị dự phòng thứ phát. Ngoài ra, khoa Nội Thần kinh còn tham gia các công tác nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo, huấn luyện nhân sự mới. Sắp tới, khoa Nội Thần kinh kết hợp với Phòng Đào tạo của Bệnh viện Thống Nhất sẽ triển khai chứng chỉ điều trị tiêu sợi huyết cho những cơ sở có nhu cầu. Để cải tiến chất lượng điều trị đột quỵ, từ năm 2018, đơn vị đột quỵ của Bệnh viện Thống Nhất đã tham gia chương trình Angels và nghiên cứu RES-Q. Đây là nghiên cứu sơ bộ trên toàn thế giới nhằm đánh giá thực trạng của các khâu điều trị. Theo thống kê, trong năm 2024, Đơn vị Đột quỵ đã tiếp nhận 900 trường hợp. Trong đó, 85% là nhồi máu não, còn lại là các ca xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện. Tất cả đều được điều trị theo quy trình chuẩn hóa của Bộ Y tế và WHO, cập nhật liên tục với các tiến bộ mới nhất. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình