Sữa giả tấn công người tiêu dùng yếu thế: Hiệp hội kêu gọi hành động quyết liệt
Ngày 14/4/2025, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi đến Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường công tác phòng, chống hàng giả là sản phẩm sữa, sau khi lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trước thực trạng đáng báo động về việc tiêu thụ sản phẩm sữa giả trên thị trường, Hiệp hội Sữa Việt Nam chính thức lên tiếng, kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp để bảo vệ sức khỏe người dân và giữ vững niềm tin vào ngành sữa nội địa.

PGS.TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhấn mạnh, thời gian gần đây, tình trạng buôn bán sản phẩm sữa giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát. Đáng lo ngại hơn, các sản phẩm này chủ yếu nhắm vào nhóm đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có bệnh nền - những người có nhu cầu dinh dưỡng cao và dễ bị tổn hại sức khỏe.
Các sản phẩm sữa giả thường được rao bán công khai trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream… với những lời quảng cáo thổi phồng như "thần dược". Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng mà còn đẩy người tiêu dùng vào nguy cơ sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn tác hại lâu dài.
Hiệp hội Sữa Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an trong thời gian qua, đặc biệt là việc triệt phá hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả có quy mô lớn: Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group và Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma. Theo kết quả điều tra ban đầu, hai doanh nghiệp này đã sản xuất và phân phối 573 sản phẩm sữa giả, với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
>>> Triệt phá đường dây làm giả gần 600 loại sữa bột, thu lợi khủng 500 tỷ đồng
Hiệp hội khẳng định: “Hai doanh nghiệp này không phải là thành viên của Hiệp hội Sữa Việt Nam”.

Tăng cường hậu kiểm, tuyên truyền và siết chặt quản lý
Sữa giả không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây tổn hại nặng nề đến uy tín các doanh nghiệp sản xuất sữa chân chính và niềm tin vào thị trường sữa nội địa. “Việc tiêu thụ sữa giả làm suy giảm khả năng hấp thu dưỡng chất, thậm chí gây ngộ độc cấp và mãn tính. Đặc biệt, trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước - sẽ phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển thể chất và trí tuệ” - ông Trần Quang Trung cảnh báo.
Hiệp hội Sữa Việt Nam kêu gọi các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm, điều tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh sữa giả. Đồng thời, Hiệp hội cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyên môn và đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
“Chúng tôi tin rằng, chỉ khi có sự đồng lòng từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mới có thể xây dựng một thị trường sữa lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững” - Chủ tịch Hiệp hội khẳng định.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình