Triệt phá đường dây làm giả gần 600 loại sữa bột, thu lợi khủng 500 tỷ đồng
Bộ Công an vừa triể phá đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn, nhắm đến những nhóm dễ tổn thương như người tiểu đường, suy thận, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 11/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam 8 bị can về các tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định: từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập hai công ty là Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh sữa bột giả.

Cụ thể, các công ty này đã sản xuất tổng cộng 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, với thành phần công bố “mỹ miều” như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm hoàn toàn không chứa các thành phần như công bố, nhiều chỉ tiêu dinh dưỡng còn dưới 70% mức tiêu chuẩn, đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Trong khoảng 4 năm, số lượng sữa bột giả đã được tiêu thụ ra thị trường với doanh thu lên đến gần 500 tỷ đồng.
Điều đặc biệt nguy hiểm là những loại sữa này được gắn mác dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh lý mạn tính và nhóm nhạy cảm, bao gồm người tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng và phụ nữ đang mang thai. Đây là những nhóm cần chế độ dinh dưỡng chuẩn xác, việc sử dụng sữa giả kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.
Theo giới thiệu trên website (hiện đã không còn truy cập được), Rance Pharma từng được quảng bá là “một trong những nhà máy hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Người đại diện của công ty này là ông Nguyễn Thành Luân, đồng thời đứng tên nhiều doanh nghiệp dược khác tại Thái Nguyên, Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Trong khi đó, Công ty Hacofood Group do ông Nguyễn Văn Tú đại diện, cũng có nhiều chi nhánh tại các tỉnh phía Bắc.

Trước đó chỉ vài ngày, Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án kẹo rau củ Kera liên quan đến người nổi tiếng Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục. Cả nhóm bị cáo buộc bán hơn 135.000 hộp kẹo kém chất lượng trong thời gian ngắn, thu về hàng chục tỷ đồng.
>>> Bộ Y tế đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo kẹo rau củ Kera
Hai vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy lỗ hổng lớn trong giám sát sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ liều lĩnh, phi đạo đức của một số doanh nghiệp khi sẵn sàng đánh đổi sức khỏe cộng đồng lấy lợi nhuận.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cảnh giác cao độ khi mua các sản phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là hàng trôi nổi, bán qua mạng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi lựa chọn sữa bột và các sản phẩm dành cho người bệnh, nên ưu tiên thương hiệu uy tín, có xác nhận từ các cơ quan chuyên môn và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Hiện vụ việc vẫn đang được Bộ Công an mở rộng điều tra. Các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng hoặc nghi ngờ đã sử dụng sản phẩm liên quan có thể chủ động liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình