Hotline 24/7
08983-08983

Chủng virus SARS-CoV-2 mới phát hiện ở bang California đang “gây lo ngại”; các nước thận trọng khi cho tiêm lại vắc xin AstraZeneca

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hai chủng virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở bang California đang là “biến thể gây lo ngại”.

Chủng virus SARS-CoV-2 mới phát hiện ở bang California đang “gây lo ngại”

Hãng tin CNN dẫn lời CDC, trích một nghiên cứu cho rằng hai biến thể này có khả năng lây lan mạnh hơn 20% so với các chủng hiện có và có thể khiến một số phương thức điều trị COVID-19 đang được sử dụng kém hiệu quả hơn. Tuy nhiên, CDC không nói vaccine chủng ngừa kém hữu hiệu hơn đối với hai biến thể trên.

Theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khả năng tác động lên hai chủng virus mới của kháng thể từ người được chủng ngừa có thể giảm. Tuy nhiên, CDC cho rằng dù số lượng kháng thể thấp hơn, người được tiên vaccine vẫn có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2, nhất là ở ca nghiêm trọng.

Cho đến nay chưa có biến thể virus SARS-CoV-2 mới nào buộc Chính phủ Mỹ phải nâng mức báo động lên mức cao nhất, mức “biến thể gây hậu quả lớn”. Các chủng virus SARS-CoV-2 làm giảm hiệu quả vaccine đến mức độ trầm trọng sẽ bị đưa vào danh sách đó.

Lo ngại về phương thức điều trị bằng kháng thể

Trong khi đó, các quan chức y tế bang California vẫn đang lo ngại một số phương pháp điều trị không thể chống lại biến thể B.1.427 và B.1.429. Vài tháng trước, các nhà khoa học đã nhắc đến hai biến thể này.

Gần đây, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã tạm ngưng một chuyến hàng mang dược phẩm điều trị kháng thể COVID-19 đến bang California, Nevada và Arizona. Biến thể B.1.427 và B.1.429 đang lây lan mạnh mẽ ở các tiểu bang này của nước Mỹ.

Các nước thận trọng khi cho tiêm lại vắc xin AstraZeneca

Hãng tin AFP ngày 19/3 đưa tin Thủ tướng Pháp Jean Castex, 55 tuổi, đã tiêm vắc xin AstraZeneca trong ngày, theo giờ địa phương, để trấn an người dân. Pháp cùng với Đức, Ý tuyên bố sẽ sử dụng lại vắc xin của hãng này sau nhiều ngày tạm dừng do lo ngại xảy ra tình trạng đông máu sau khi tiêm.

Bulgaria, Cyprus, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha cũng cho tiêm ngừa vắc xin AstraZeneca trở lại. Châu Á có Indonesia tuyên bố sử dụng lại vắc xin của hãng này sau khi xác định lợi nhiều hơn hại.

Tuy nhiên, Pháp cho biết sẽ chỉ tiêm vắc xin này cho người trên 55 tuổi. Quan chức y tế Pháp Dominique Le Guludec cho biết các trường hợp xảy ra đông máu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca rất hiếm nhưng cũng rất nguy hiểm. Do đó, trong thời gian chờ đợi thêm thông tin, Pháp sẽ chỉ tiêm cho người dưới 55 tuổi vắc xin của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Bộ trưởng Y tế Đức nói dù sử dụng trở lại, nước này sẽ cung cấp vắc xin AstraZeneca cho các bác sĩ và người dân nắm rõ thông tin. Quan chức y tế Ý Franco Locatelli nói rằng những người được gọi đi tiêm vắc xin AstraZeneca nếu từ chối sẽ được cung cấp loại vắc xin khác.

Ngược lại, Phần Lan ngày 19/3 tuyên bố ngừng sử dụng vắc xin của AstraZeneca, còn Đan Mạch và Thụy Điển nói cần thêm thời gian để cân nhắc sự an toàn của vắc xin này.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/3 tuyên bố vắc xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca an toàn và hiệu quả, mở ra hi vọng cho phép hàng chục quốc gia tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/3, tỉ lệ tiêm chủng tại châu Âu hiện vẫn còn quá thấp để có thể kìm hãm được đại dịch.

WHO ghi nhận các ca nhiễm mới tại châu lục này đã tăng liên tiếp suốt ba tuần. Số người tử vong vì COVID-19 tại châu Âu trong năm 2021 cũng được cho là đã tăng cao hơn năm ngoái.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X