Hotline 24/7
08983-08983

Vàng da ở trẻ nhỏ khi nào nguy hiểm?

Vàng da là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Làm sao có thể phân biệt được vàng da sinh lý hay vàng da bệnh lý ở trẻ? Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài trong bao lâu? Mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1.

1. Vì sao trẻ sơ sinh bị vàng da?

Xin BS cho biết, vì sao có hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh?

BS Trương Hữu Khanh:

Có 2 nhóm vàng da: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da bệnh lý có thể do nhiễm trùng nặng gây nên hoặc nhóm máu của bé và mẹ có sự bất đồng, làm bể bạch cầu, khi bạch cầu bể nhiều sẽ tiết ra chất gây vàng da.

Vàng da sinh lý là do em bé bú sữa mẹ nhưng quá trình lớn lên gan của bé chưa chuyển hóa được chất gây vàng da. Hiện tượng này sẽ tự hết theo thời gian, còn vàng da bệnh lý thì phải can thiệp.

2. Cách nhận biết chính xác trẻ bị vàng da

Một số trẻ sơ sinh có nước da ngăm ngăm hay đỏ, làm cách nào để cha mẹ biết chính xác bé có bị vàng da hay không?

BS Trương Hữu Khanh:

Các bậc cha mẹ không nên nhìn thẳng, cần phải nhìn nghiêng, nhìn xéo thì mới thấy da vàng. Trước hết, các bậc phụ huynh nên nhìn ở gò má hoặc mắt. Nếu tình trạng vàng xảy ra từ mặt trở lên thì chưa phải là vấn đề.

Tuy nhiên, nếu các em bé sơ sinh bị vàng ở ngực, bụng và rốn trong 3-4 ngày sau khi chào đời thì rất nguy hiểm sức nguy hiểm. Bác sĩ có thể thử máu hoặc chiếu qua da để đo nồng độ của chất vàng da.

Do đó, nếu nhìn bằng mắt thường mà thấy được vàng da ở ngực, bụng thì nồng độ chất gây vàng da đã ở mức cao. Đặc biệt, nếu em bé dưới 15 ngày tuổi thì chất vàng này có ngấm qua hàng rào máu não, ngấm vào nhu mô não, gây ảnh hưởng cho não, thậm chí còn gây vàng da nhân. Vàng da nhân sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của não và khiến bé bị các di chứng về sau.

Tuy nhiên, khi em bé đã hơn 15 ngày tuổi, hàng rào máu sẽ chặn các chất gây vàng da này. Do đó, bé hơn 15 ngày tuổi thì mới an toàn. Trước 15 ngày tuổi thì cần phải chiếu đèn trắng lên da em bé để chuyển hóa các chất vàng da. Trong trường hợp chiếu đèn không hiệu quả, cần phải thay máu để đảm bảo em bé không bị vàng da nhân.

3. Thời gian vàng da ở trẻ sơ sinh, trường hợp nào cần phải điều trị?

Vàng da ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu thì hết? Trường hợp nào là nguy hiểm, cần phải điều trị ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ dưới 15 ngày tuổi và tình trạng vàng da đến rốn thì chúng ta buộc phải can thiệp. Tùy theo mức độ, chúng ta có thể chiếu đèn hoặc thay máu. Nhiệm vụ của người nhà là cần biết con mình bị vàng da tới đâu và trẻ bao nhiêu ngày tuổi để can thiệp ngay.

Sau khi sinh, phụ huynh có thói quen cho em bé nằm trong phòng tối sẽ khiến cho việc phát hiện da vàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần mở đèn vào ban ngày để phát hiện màu da của em bé. Khi bé đang nằm viện, các bậc phụ huynh cần báo cho bác sĩ.

Qua 15 ngày thì phụ huynh không cần lo gì cả. Nếu trẻ bị vàng da sinh lý thì có thể tự hết trong 1-2 tháng. Vàng da sẽ nhạt dần đi và các bé vẫn bú, sinh hoạt bình thường.

4. Các phương pháp điều trị vàng da cho trẻ nhỏ

Để điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh, các BS sẽ áp dụng phương pháp nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu các bé bị vàng da dưới 15 ngày tuổi thì mới cần can thiệp bằng biện pháp chiếu đèn hoặc thay máu. Còn trẻ lớn hơn 15 ngày tuổi thì không cần làm gì.

Một số phụ huynh đưa trẻ đi phơi nắng nhưng làm như vậy sẽ làm nóng da hơn, bởi khi đó không cần thiết thải các chất đó ra khỏi cơ thể vì nó không ảnh hưởng đến não. Trẻ vẫn bú, chơi bình thường thì vàng da sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp hiếm. Tình trạng vàng da không phải do bệnh lý gây ra mà do đường mật. Ví dụ, em bé bị bệnh bẩm sinh tắc đường mật. Mật có màu vàng, nhưng khi nó bị tắc nghẽn thì nó sẽ không thải được ra phân. Khi đó, phân của em bé bị bạc màu.

Trong các trường hợp em bé bị vàng da trong 2,5 tháng tuổi thì cần theo dõi phân của các bé. Lúc đó, bác sĩ sẽ siêu âm, xét nghiệm để biết được tình trạng tắc mật để họ biết cách can thiệp lâu dài. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này rất thấp.

5. Cách cải thiện vàng da cho trẻ

Nhờ BS hướng dẫn những việc cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp trẻ sơ sinh cải thiện tình trạng vàng da?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu bác sĩ yêu cầu cha mẹ chăm sóc em bé dưới 15 ngày tuổi tại nhà thì có thể dùng ánh đèn trắng và để cách em bé khoảng 1,5m. Nếu để xa thì nó sẽ không có tác dụng. Trời không nóng thì ta sẽ dùng ánh sáng trắng chiếu vào da em bé, ta che mắt em bé và chất vàng sẽ tự thải ra.

Với trẻ hơn 15 ngày tuổi thì chúng ta chỉ cần chiếu đèn trắng. Nếu trẻ bị vàng da sinh lý và trẻ vẫn chơi bình thường thì sẽ tự hết vàng da.

6. Người mẹ có thể phòng ngừa vàng da cho trẻ được không?

Theo BS, vàng da ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa được không?

BS Trương Hữu Khanh:

Vàng da ở trẻ sơ sinh rất khó phòng ngừa, thứ nhất chúng ta không biết có phải làm xét nghiệm bất đồng nhóm máu hay không hoặc tiền căn là một em bé lớn bị bất đồng nhóm máu thì bé thứ hai có thể sẽ bất đồng nhóm máu.

Đối với nhiễm trùng sơ sinh, ta cần quan tâm đến người mẹ. Ví dụ như người mẹ có nhiễm trùng tiểu hay không, phải làm xét nghiệm trước khi sinh như xét nghiệm nước tiểu và công thức máu. Thậm chí một số bác sĩ cho dùng kháng sinh cho người mẹ để phòng ngừa nhiễm trùng sơ sinh. Nếu làm được điều này thì sẽ phòng ngừa được vàng da bệnh lý.

7. Các bệnh lý gây vàng da và cách khắc phục

Ngoài giai đoạn vàng da sơ sinh, trẻ em còn có thể bị vàng da do những nguyên nhân nào khác, và cách khắc phục ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ lớn bị vàng da, có hai nguyên nhân: thứ nhất ta ăn quá nhiều chất caroten chẳng hạn như carrot, bí đỏ và xoài. Em bé vẫn chơi bình thường và nó chỉ bị vàng ở hai lòng bàn tay, bàn chân và cánh mũi. Ta chỉ cần cho trẻ dừng vài tháng là sẽ hết.

Còn nếu bé bị vàng toàn thân và có nước tiểu vàng thì ta phải đưa trẻ đi khám. Họ sẽ đánh giá đó có phải là do bệnh lý gan mật hay không? Một số trường hợp khác khi nhìn đứa bé da bé có vẻ bị vàng nhưng thực ra bé bị xanh xao. Có khả năng các bé bị tán huyết bẩm sinh. Có nghĩa là hồng cầu sẽ sống ngắn và bị bể nhiều hơn.

Ví dụ, hồng cầu bình thường có thể sống 150 ngày nhưng giờ sống ngắn lại, bể ra nhiều hơn và tiết ra chất vàng nên em bé sẽ xanh xao.

Vì vậy, ta phải đưa trẻ đi khám để biết được bé có bị tán huyết bẩm sinh hay không.

8. Lời khuyên của BS dành cho các bậc phụ huynh khi có con bị vàng da

BS Trương Hữu Khanh:

Tình trạng vàng da ở trẻ nhỏ cần phải được tính đến tuổi.

Nếu dưới 15 ngày tuổi mà em bé bị vàng tới ngực thì cha mẹ phải đi trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ còn ở bệnh viện, cha mẹ cần báo ngay cho bác sĩ. Khi ở nhà, cha mẹ cần đưa con cái đi khám ngay để bác sĩ chiếu đèn hoặc thay máu hay không.

Nếu chúng ta để nồng độ của chất vàng da vượt qua giới hạn, nó sẽ gây ảnh hưởng đến não và rất nguy hiểm. Sau này, nó sẽ để lại di chứng. Nếu bé quá 15 ngày tuổi, nó thuộc vàng da sinh lý và chất đó không ngấm lên não được nữa. Chúng ta sẽ theo dõi từ 1,5-2 tháng, nếu bệnh tự hết thì ổn.

Nếu chúng ta thấy nó càng vàng nhiều và phân bị bạc màu thì đó có thể là bệnh lý của đường mật. Chỉ có cách khám xét nghiệm và siêu âm thì ta mới có thể biết được. Nếu trẻ lớn hơn và vàng ở lòng bàn tay, bàn chân và cánh mũi thì đó là do rau củ, ngừng thức ăn nó sẽ tự ổn định.

Đối với vàng da khác thì có thể liên quan đến bệnh lý về máu. Trường hợp vàng nhiều, tiểu màu đậm thì cần đi khám ngay để siêu âm. Nếu trẻ lớn bỗng dưng bị vàng, các bậc phụ huynh phải cẩn thận vì đó có thể là bệnh lý về đường mật.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X